Tìm kiếm tin tức
Bệnh Sởi- Không thể xem thường
Lượt đọc 2906Ngày cập nhật 25/03/2024

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm, thường xảy ra nhiều vào mùa đông - xuân
 

      Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật, chất tiết đường mũi họng của người bệnh. Người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ đều có thể mắc bệnh sởi.

       Nơi tập trung đông người như lễ hội, trường học, bệnh viện,  phòng kín rất dễ lây lan bệnh.

       Biểu hiện chính của sởi là sốt và phát ban. Dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường là sốt cao, kéo dài từ 4 đến 7 ngày, sau khi sốt bắt đầu giảm sẽ xuất hiện phát ban dạng sần, khi sờ sẽ thấy gồ lên mặt da, đầu tiên ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân. Sau 7-10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là "vằn da hổ". Trong giai đoạn khởi phát, người bệnh có thể chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, xuất hiện các đốm trắng nhỏ bên trong má goi là hạt Koplik...

Ban sởi xuất hiện trên da

 

Nhiều đốm trắng nhỏ xuất hiện bên trong má (hạt Koplik)

 

      Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng. Bệnh sởi nặng dễ xảy ra ở trẻ em được nuôi dưỡng kém, đặc biệt là những trẻ thiếu vitamin A, suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS hoặc các bệnh khác.

      Hầu hết các ca tử vong liên quan đến bệnh sởi là do biến chứng của bệnh. Các biến chứng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 20 tuổi. Các biến chứng nghiêm trọng nhất gồm mù lòa, viêm não, tiêu chảy nặng và mất nước, nhiễm trùng tai, hoặc nhiễm trùng hô hấp nặng như viêm phổi. Phụ nữ bị mắc sởi trong khi mang thai cũng có nguy cơ biến chứng nặng, sẩy thai hoặc đẻ non. Người đã mắc bệnh sởi có miễn dịch đến suốt đời.

       Khi trẻ mắc sởi hoặc nghi mắc sởi, bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần thực hiện cách ly trẻ với trẻ không mắc bệnh trong vòng 7 ngày từ khi phát ban. Cho trẻ ở phòng riêng và đảm bảo thông thoáng. Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

        Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ.

        Cho trẻ uống nhiều nước như Oresol, nước ép quả tươi, nước lọc, đặc biệt khi trẻ sốt cao, tiêu chảy.

         Thường xuyên vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể cho trẻ.

Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi cho trẻ.

          Mũi 1 tiến hành tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi.

          Mũi 2: tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi.

          Đối với trẻ dưới 2 tuổi được tiêm vắc xin sởi miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ trên 2 tuổi và người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần tiêm sớm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.

          Không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi, với người mắc sởi hoặc nghi mắc sởi. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người tại nơi có dịch sởi.

          Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày.

          Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và các vật dụng của trẻ. Giữ nhà ở, phòng học...thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.

          Hiện nay tại Phòng tiêm chủng dịch vụ-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tiến hành tiêm vacxin ngừa Sởi, quai bị, Rubella như MMR (Ấn Độ), Priorix (Bỉ), MMR II (Mỹ) cho người lớn và trẻ trên 12 tháng, đối với trẻ em cần tiêm liều thứ 2 sau 1-3 năm. Trẻ lớn và người lớn tiêm 1 liều duy nhất.

 

Ths.Bs.Lê Trung Quân
Các tin khác
Xem tin theo ngày