Tìm kiếm tin tức
Bệnh cúm mùa có nên đi tiêm phòng
Lượt đọc 2473Ngày cập nhật 26/03/2024

     Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.

 

      Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.

      Cúm mùa thường ủ bệnh trong khoảng 2 ngày, người bệnh sẽ xuất hiện các dấu hiệu sốt, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi,… Về sau khi các triệu chứng ngạt mũi, ho và chảy nước mũi xuất hiện, trẻ nhỏ sẽ xuất hiện các triệu chứng ngạt, ăn không ngon, mệt mỏi,…

       

       Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

      Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để phòng chống bệnh cúm mùa, cần thực hiện:

       1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

       2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

        3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

        4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

        5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

        6. Tiêm vắc xin cúm mùa hằng năm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa nhiễm cúm và tránh các biến chứng nặng do cúm gây ra.

       Do đặc điểm vi rút cúm liên tục thay đổi, dễ sinh ra chủng vi rút cúm mới và cả 4 dòng vi rút cúm gồm 2 dòng vi rút cúm A (H1N1 và H3N2) và 2 dòng vi rút cúm B (Victoria và Yagamata) đều có thể lưu hành cùng lúc trong một mùa cúm; nên thành phần của vắc xin cúm sẽ được cập nhật hàng năm dựa trên khuyến cáo về công thức vắc xin cúm mùa của WHO để bảo đảm sự tương thích với chủng vi rút cúm lưu hành thực tế hàng năm.

        Hiện nay, tại Phòng tiêm chủng dịch vụ- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đang sử dụng vắc xin cúm mùa tứ giá (QIV) gồm Influvac Tetra (Hà Lan), GCFlu (Hàn Quốc) và IVACFLU-S (Việt Nam) - có chứa kháng nguyên của cả 4 dòng vi rút cúm kể trên.

 

Ths.Bs.Lê Trung Quân
Các tin khác
Xem tin theo ngày