Tìm kiếm tin tức
Sơ cứu ngộ độc thực phẩm
Lượt đọc 3248Ngày cập nhật 02/05/2024

        Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) là bệnh gây ra do ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn hoặc thực phẩm có chứa các chất có tính độc hại đối với người ăn. Tác nhân gây ngộ độc có thể là vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng), độc tố của vi khuẩn, chất độc hóa học, chất độc tự nhiên sẵn có trong thực phẩm hay do thức ăn bị biến chất.

        Các triệu chứng của NĐTP có thể khác tùy vào nguồn gốc gây nhiễm. Các triệu chứng thường gặp là: tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, mất nước. Cần nghỉ đến ngộ độc thực phẩm nếu bệnh nhân vừa mới ăn những thức ăn như: không nấu chín kỹ, để quá lâu trong thời tiết nóng, ôi thiu, có mùi lạ…hoặc có từ hai người trở lên có biểu hiện triệu chứng bệnh tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm nào đó, trong khi những người không ăn thì không bị bệnh. Thông thường, NĐTP triệu chứng cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút, vài giờ hoặc muộn hơn trong vòng 1 - 2 ngày sau khi nhiễm độc thức ăn.

Đau bụng và Nôn là dấu hiệu thường gặp trong NĐTP

          Khi nghi ngờ NĐTP, cần tiến hành sơ cứu như sau:

         Gây nôn: Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, cần kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài, thực hiện người bệnh vẫn còn tỉnh táo, mới uống, ăn phải chất độc và chưa có triệu chứng ngộ độc. Không làm khi người bệnh lờ đờ, hôn mê, co giật, khó thở…Gây nôn bằng cách uống 100 - 200 ml nước sạch rồi dùng tăm bông hoặc hai ngón tay đã rửa sạch ngoáy vào cuống lưỡi, cổ họng.

         Bù nước, điện giải: thường dùng và dễ kiếm là oresol.

        - Cần đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng... pha đúng lượng nước theo hướng dẫn, vì như thế sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp, tránh pha quá ít hay nhiều nước hơn.

          - Không chia nhỏ gói oresol rồi pha vì rất có thể các thành phần không đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha.

          - Không đun sôi dung dịch đã pha vì khi đó sẽ làm mất tác dụng của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu. Không pha với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ, nên pha oresol với nước đun sôi để nguội.

Khi nào cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế: NĐTP thường tự hồi phục trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, cần đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị trong những trường hợp sau:

        - Nhóm nguy cơ bệnh nặng: Người lớn tuổi, hệ thống miễn dịch không còn đáp ứng với nhiễm trùng một cách nhanh chóng và hiệu quả như khi còn trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ thống miễn dịch cũng chưa phát triển đầy đủ. Người có bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường hoặc AIDS hoặc đang được hóa trị hay xạ trị ung thư sẽ làm giảm đáp ứng miễn dịch.

         - Ngộ độc Botulin: là một loại NĐTP có khả năng gây tử vong. Độc tố Botulin thường được tìm thấy trong thực phẩm đóng hộp, đặc biệt là đậu xanh và cà chua. Triệu chứng của ngộ độc thường  thấy như: đau đầu, hoa mắt, yếu cơ và cuối cùng là liệt. Một số người còn biểu hiện buồn nôn và nôn, táo bón, bí tiểu, khó thở, và khô miệng.

          - Bệnh kéo dài hơn 2 hoặc 3 ngày hoặc đi cầu phân có máu.

          Không sử dụng thuốc chống tiêu chảy vì thuốc có thể làm chậm việc đào thải vi khuẩn, chất độc ra khỏi cơ thể. Cần lưu lại mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, kể cả chất nôn, chất thải ra từ người bệnh để giúp xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Ths.Bs.Lê Trung Quân
Các tin khác
Xem tin theo ngày