Tìm kiếm tin tức
Sử dụng thuốc an toàn hợp lý
Lượt đọc 2805Ngày cập nhật 14/06/2024

Chỉ sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ

      Trong quá trình thăm khám bác sĩ biết được cơ địa của từng bệnh nhân (phụ nữ, trẻ em, người già, người có bệnh tim mạch, gan, thận,…) nên đã kê đơn cho từng đối tượng với từng bệnh cụ thể sao cho hiệu quả điều trị cao nhất nhưng ít tác dụng phụ nhất.

      Không dùng thuốc thông qua thông tin quảng cáo, thuốc không rõ nguồn gốc, nghe theo  mách bảo của người khác và tuyệt đối không nên sử dụng đơn thuốc của người khác để điều trị bệnh cho bản thân.

Dùng đúng thuốc

       Có nhiều loại thuốc hình dạng, tên gọi gần giống nhau, dễ gây nhầm lẫn. Nên kiểm tra thuốc trên đơn thuốc và thuốc trên thực tế giống nhau về tên thuốc và hàm lượng.

Dùng đúng liều lượng

- Dùng đúng số viên, hàm lượng mỗi lần uống và số lần uống trong ngày. Nếu quên uống thì áp dụng:

        + Quên uống thuốc trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm cần uống: uống liều đã quên ngay lập tức và tiếp tục với liều tiếp theo như bình thường.

        + Muộn hơn 2 giờ kể từ thời điểm cần uống thuốc, phụ thuộc vào số lần sử dụng thuốc trong ngày.

        * Nếu thuốc được dùng 1-2 lần/ngày: uống liều đã quên khi nhớ ra, miễn là không sát với thời điểm uống liều tiếp theo. Tránh uống thuốc bù nếu liều kế tiếp đã gần với thời điểm nhớ ra để tránh nguy cơ quá liều.

        * Nếu thuốc được dùng ít nhất 3 lần/ngày: bỏ qua liều đã quên và tiếp tục với liều tiếp theo như thường ngày.

- Các loại thuốc định liều bằng thìa đong hoặc cốc định lượng cần đo lường chính xác theo hướng dẫn.

Dùng đúng cách

- Đối với thuốc viên nang (nhộng), viên bao tan, viên nén khi uống không nên chia nhỏ liều bằng cách mở viên nang, bẻ nhỏ hay nghiền nhỏ mà phải uống cả viên.

 

 - Đối với viên nén có chia khấc, rãnh thì có thể chia nhỏ và nên sử dụng dụng cụ cắt thuốc để chia.

 

 -  Thuốc viên có tác dụng kéo dài, phải uống cả viên, không được bẻ ra hoặc nhai, nghiền.

 

 -  Khi dùng thuốc cần uống với nước đun sôi để nguội, không nên uống thuốc với nước khoáng, nước ngọt, nước trà, sữa hay rượu bia vì có thể làm tương tác thuốc, mất tác dụng của thuốc hoặc làm biến đổi một số thành phần có trong thuốc gây nguy hiểm đối với sức khỏe.

Bảo quản thuốc đúng cách

- Thuốc nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng tốt nhất là nơi có có nhiệt độ là 15-25°, nơi khô ráo, thoáng mát (trừ những thuốc bắt buộc phải để trong tủ lạnh, tủ đông) như tủ thuốc riêng, ngăn kéo tủ quần áo,… tránh ánh sáng mặt trời.

- Không để tủ thuốc trong phòng tắm, nhà bếp, tránh xa tầm nhìn và tầm với của trẻ em, vật nuôi.

- Không để thuốc trong cốp xe, các thuốc cần mang theo sau khi xuống xe thì nên mang theo chứ không để luôn trên xe.

- Giữ cho thuốc luôn được đóng kín và để ở nơi không bị tiếp xúc với không khí như bỏ trong chai, lọ, túi zip.

- Luôn kiểm tra hạn sử dụng của thuốc. Sử dụng thuốc đã hết hạn có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

- Đối với các thuốc không kê đơn:

      + Việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc giúp người bệnh biết được liều và cách dùng.

      + Biết được bản thân có chống chỉ định (tức là những đối tượng không được dùng) và những đối tượng nếu dùng phải rất thận trọng (phải có sự theo dõi sát sao về tình trạng sức khỏe trong quá trình dùng thuốc) hay không?.

      + Nắm được các tác dụng phụ của thuốc để xử lý và phòng tránh: Các tác dụng phụ thường gặp nhẹ như buồn nôn, nôn, chóng mặt, dị ứng da (mẩn ngứa)... đến nặng như gây loét, chảy máu dạ dày, tá tràng; phản ứng dị ứng nặng... có thể tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời, từ đó biết cách xử lý thích hợp như ngừng ngay sử dụng thuốc thuốc, đi đến cơ sở y tế...

- Đối với những thuốc uống theo đơn bác sĩ, cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết theo dõi nếu có lưu ý thận trọng khi dùng thuốc cần theo dõi sức khoẻ, Theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra để báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ.      

Ths.Bs.Lê Trung Quân
Các tin khác
Xem tin theo ngày