|
|
|
|
| |
| |
|
| |
|
Bệnh Sởi và các biện pháp phòng bệnh cho trẻ em và người lớn hiệu quả bạn cần biết Lượt đọc 413Ngày cập nhật 09/12/2024
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm.
1. Đường lây truyền của bệnh sởi
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp, thậm chí tốc độ lây lan của chúng còn nhanh hơn so với Covid-19 và virus cúm. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện… hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh.
Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… chính vì vậy bệnh dễ lây thành dịch. Giai đoạn người bệnh có khả năng lây bệnh cho người khác là từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau giai đoạn phát ban của người bệnh.
2. Những người có nguy cơ mắc bệnh sởi
Bất kể ai từ người lớn đến trẻ nhỏ chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Trong đó trẻ dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc sởi cao nhất.
3. Biến chứng của bệnh
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, bùng phát lao tiềm ẩn, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
4. Chăm sóc và điều trị tại nhà
Hiện nay, bệnh sởi chưa có điều trị đặc hiệu. Nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Với trẻ nhỏ, cần chú ý không cho trẻ bị bệnh tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường.
-
Uống thuốc hạ sốt khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% , bổ sung vitamin A để dự phòng thiếu vitamin A, giúp bảo vệ mắt nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
-
Vệ sinh thân thể, thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
-
Không kiêng khem trong chế độ ăn. Đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại hoa quả có màu đỏ, màu cam, uống nhiều nước.
-
Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc. Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý, chế biến thức ăn: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.
-
Thời gian người bệnh cần cách ly là từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu phát ban.
Trong thời gian chăm sóc và điều trị tại nhà, người bị sởi có các dấu hiệu bất thường như xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, có biểu hiện chói mắt hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám lại và xử trí kịp thời.
5. Cách phòng tránh bệnh
-
Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ từ sớm ngay từ lúc trẻ vừa đạt 9 tháng tuổi đồng thời tiêm đầy đủ, đúng lịch các mũi còn lại theo khuyến cáo. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.
-
Tiêm chủng trước khi mang thai, đặc biệt là vắc xin phòng sởi, là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi khỏi những biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra. Bệnh sởi trong thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai, sinh non hoặc thậm chí dị tật bẩm sinh.
-
Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.
-
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ.
-
Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.
-
Uống đầy đủ nước mỗi ngày.
-
Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.
BS Lê Quang Vũ - TTKSBT Các tin khác
| |
|
|
|