Tìm kiếm tin tức
TÌM HIỂU VỀ VẮC-XIN UỐN VÁN BẠCH HẦU GIẢM LIỀU (Td)
Lượt đọc 7995Ngày cập nhật 14/10/2022

Vắc xin Td là gì?

Vắc-xin Td hay còn gọi là vắc-xin Uốn ván- Bạch hầu giảm liều. Vắc-xin này kết hợp Vắc-xin Uốn ván (gọi tắt là T) chứa giải độc tố được bào chế từ Clostridium tetani và vắc-xin bạch hầu giảm liều (gọi tắt là d) chứa giải độc tố được điều chế từ vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, được hấp phụ bằng Aluminium phosphate.

Tại sao phải giảm liều vắc xin Uốn ván- Bạch hầu?

Theo lịch tiêm chủng  mở rộng, trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib (vắc xin 5 trong 1) vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi và liều nhắc lại mũi 4 (vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván) lúc 18 - 24 tháng tuổi. Với 4 mũi tiêm này trẻ sẽ được tiêm các vắc-xin chứa thành phần bạch hầu nguyên liều.

Tuy nhiên, không được tiêm vắc-xin bạch hầu nguyên liều cho trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên. Có người nghĩ rằng, trẻ nhỏ vài tháng tuổi tiêm được vắc-xin bạch hầu nguyên liều thì trẻ lớn hay người lớn cũng tiêm được, nhưng với vắc-xin bạch hầu trẻ lớn buộc phải giảm liều, nếu không có thể dẫn đến sốc phản vệ, gây co giật, nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong.

Vì vậy chỉ định để phòng uốn ván và bạch hầu cho người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên, vắc-xin này cần được giảm liều (Td).  

Trẻ đã tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại sao phải tiêm bổ sung vắc xin Td?

- Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Uốn ván cũng là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây chủ yếu qua da và niêm mạc tổn thương. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng với tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 30-50%.

 

- Mặc dù  hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cao (lên đến 97%), nhưng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian. Đến 7 tuổi, sự miễn dịch đối với bạch hầu, uốn ván của cơ thể đã suy giảm khá nhiều từ lần được tiêm ngừa trước đó, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh. Ngoài ra, độ tuổi này lại thường xuyên hoạt động trong môi trường học đường đông đúc, gặp gỡ nhiều người, chạy nhảy, vận động cũng nhiều hơn... vì vậy nguy cơ mắc các bệnh bạch hầu, uốn ván từ đó cũng cao hơn nên rất cần được tiêm nhắc lại.

- Tiêm vắc xin Td nhắc lại hoặc bổ sung nhằm giúp trẻ tăng đáp ứng miễn dịch phòng bệnh bạch hầu và uốn ván cho trẻ nếu trẻ chưa tiêm hoặc tiêm không đủ mũi hoặc đã tiêm đủ mũi vắc xin phòng bạch hầu và uốn ván lúc trẻ dưới 2 tuổi, kiểm soát dịch bạch hầu không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng.

Liều tiêm vắc xin Td

Liều tiêm là 0,5ml

- Đối với trẻ 7 tuổi trở lên mà trước đó đã được tiêm phòng cơ bản, đủ liều phòng bạch hầu và uốn ván thì tiêm nhắc lại 1 liều vào lứa tuổi thứ 7. Sau 10 năm tiêm phòng lại 1 lần để củng cố miễn dịch.

- Với trẻ từ 7 tuổi trở lên nhưng trước đó chưa được tiêm vắc-xin phòng uốn ván, bạch hầu, thì cần tiêm 3 mũi. Mũi thứ 2 phải cách mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi 3 cách mũi 2 khoảng 6 tháng. Sau nó nếu cần thiết thì cũng 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần.

Vắc xin Td có tác dụng phụ gì?

Bất cứ loại vắc-xin nào cũng đều có nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ. Đối với vắc-xin Td, các tác dụng phụ có thể xảy ra như:

- Đau, đỏ và sưng tấy tại chỗ tiêm.

- Có thể xuất hiện triệu chứng nhức đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi.

- Triệu chứng hiếm gặp là đau nặng, chảy máu, áp xe, viêm dây thần kinh ngoại biên.

Trường hợp nào không nên tiêm

- KHÔNG tiêm nếu như trẻ có phản ứng mạnh ở liều tiêm trước với vắc xin có thành phần bạch hầu, uốn ván

- KHÔNG tiêm vắc-xin Td khi bị nhiễm trùng cấp tính. 

- KHÔNG tiêm vắc xin Td cho trẻ đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung vắc xin Td.

- KHÔNG tiêm vắc xin Td cho trẻ vừa mới tiêm Covid-19 trong vòng 14 ngày.

- KHÔNG tiêm đường bắp cho trẻ bị rối loạn chảy máu hoặc giảm tiểu cầu.

Theo dõi sau khi tiêm

- Sau khi tiêm cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tiêm chủng.

- Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.

- Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng để phát hiện các biểu hiện bất thường của trẻ để đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

 

Ths.Bs.Lê Trung Quân- Khoa TTGDSK
Các tin khác
Xem tin theo ngày