bottom
Dịch vụ
Liên kết website
Hưởng ứng “Ngày Sức khoẻ Tâm thần thế giới” 10/10/2024.
Lượt đọc 1481Ngày cập nhật 09/10/2024

     Ngày 10/10 hàng năm là “Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (World Mental Health Day)”, được Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần Thế giới (WFMH) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức lần đầu tiên vào năm 1992. Mục đích nhằm nhắc nhở việc nâng cao nhận thức, quan tâm đến đời sống tinh thần và khẳng định tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường hỗ trợ, khuyến khích sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết việc thúc đẩy sức khỏe tâm thần trong lực lượng lao động, tại nơi làm việc. Chủ đề Ngày Sức khỏe tâm thần Thế giới năm 2024: “Ưu tiên Sức khỏe Tâm thần tại Nơi làm việc”.

 

 

     Theo thống kê, toàn cầu hiện có hơn 60% dân số đang làm việc ở tất cả các lĩnh vực. Công việc giúp cho con người được kết nối, giao lưu với các mối quan hệ xung quanh, tạo nên những giá trị cuộc sống, để phát triển trí tuệ, phát triển nhân cách, được thể hiện vai trò, vị trí và niềm đam mê trong công việc và giúp cho họ có thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình. Sức khỏe tâm thần (SKTT) ảnh hưởng đến tất cả mọi người, mọi nơi, kể cả nơi làm việc dù ở lĩnh vực nào. Theo WHO, mỗi năm kinh tế toàn cầu bị thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD do ảnh hưởng của 12 tỷ ngày làm việc của người lao động bị các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu…

     Thế giới ngày nay không ngừng phát triển, xã hội luôn thay đổi hàng ngày, chính vì vậy con người cũng phải chạy đua để theo kịp những thay đổi với công việc, với cuộc sống. Công việc là động lực có thể giúp con người rèn luyện bản thân, để thử thách, để trưởng thành, để hoàn thiện chính mình. Tuy nhiên, khi áp lực công việc quá lớn, giờ làm việc quá dài, điều kiện làm việc không an toàn, thu nhập thấp, phát sinh những mâu thuẩn, sự ganh đua, kèn cựa, phân biệt, kỳ thị giữa các đồng nghiệp, trong công việc… Làm cho gia tăng những căng thẳng, mệt mõi, tình trạng này thường diễn ra âm thầm, lặng lẽ, kéo dài, ngày càng lớn dần, gây nên tình trạng kiệt sức về thể lực và ảnh hưởng rất lớn về SKTT. Những biểu hiện về rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, mà có khi gây những hậu quả nghiêm trọng tại nơi làm việc.

 

     Môi trường làm việc, có tác động rất lớn đến SKTT của con người. Môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, thoải mái, vui vẽ, sẽ tạo sự hưng phấn, lạc quan là yếu tố quan trọng để gìn giữ và bảo vệ SKTT cho mỗi cá nhân. Môi trường làm việc lành mạnh là nơi người lao động và người quản lý cùng đóng góp vào việc cải thiện và bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho mọi người. Ngược lại, môi trường làm việc luôn bị ức chế, căng thẳng, áp lực, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, bị trù dập, quấy rối… sẽ tác động làm ảnh hưởng đến SKTT gây nên trạng thái chán nản, cáu gắt, kém tập trung và cảm thấy bị tách biệt, từ đó dẫn đến chất lượng cuộc sống, năng suất lao động, hiệu quả công việc sẽ giảm sút hoặc là không hiệu quả.

     Sức khỏe tâm thần có tác động tích cực đến hiệu quả, năng suất làm việc: những nơi có sáng kiến và được ưu tiên về SKTT sẽ tạo ra một nền văn hóa công sở, môi trường nơi làm việc thoải mái, lành mạnh, an toàn sẽ giúp nhân viên phát triển mạnh mẽ, tận tâm, tận lực cống hiến hết mình, nuôi dưỡng lòng trung thành với cơ quan/tổ chức và với người sử dụng lao động. Có thể giảm thiểu tình trạng vắng mặt, giảm tỷ lệ nghỉ việc vô tổ chức, vô kỷ luật, giảm tai nạn lao động. Những yếu tố này góp phần quan trọng trong việc tạo uy tín, hoàn thành nhiệm vụ, tăng doanh thu cho đơn vị/doanh nghiệp, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất, tăng thu nhập của người lao động…

 

     Với chủ đề: “Ưu tiên Sức khỏe tâm thần Nơi làm việc” Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, các quốc gia, các tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động, cùng các bên liên quan có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động nhằm cải thiện SKTT tại nơi làm việc thông qua các hành động sau:

    1. Phòng ngừa các vấn đề SKTT liên quan đến công việc:

    - Các nhà tuyển dụng tổ chức, thực hiện các can thiệp trực tiếp nhắm vào điều kiện làm việc, môi trường làm việc và quản lý các rủi ro tâm lý xã hội trong môi trường làm việc.

    - Các can thiệp tổ chức bao gồm việc đánh giá, thay đổi, giảm thiểu, hoặc loại bỏ các rủi ro tại nơi làm việc đối với SKTT.

    2. Bảo vệ và thúc đẩy SKTT tại nơi làm việc

    - Đào tạo quản lý về SKTT, giúp các nhà quản lý nhận biết và can thiệp kịp thời những người đang gặp khó khăn cảm xúc. Phát triển các kỹ năng giao tiếp như cởi mở, tích cực, lắng nghe. Tăng cường kỹ năng nhận biết và cách quản lý các yếu tố gây căng thẳng trong công việc ảnh hưởng đến SKTT.

    - Đào tạo kiến thức nhằm nâng cao hiểu biết và giảm kỳ thị đối với các vấn đề về SKTT tại nơi làm việc cho người lao động.

    - Hỗ trợ, tư vấn, can thiệp tâm lý xã hội và các hoạt động thể chất,  giải trí giúp người lao động phát triển kỹ năng quản lý căng thẳng và giảm các triệu chứng về SKTT

    3. Hỗ trợ người lao động có các vấn đề SKTT tham gia và phát triển trong công việc

    - Cho nghỉ phép, điều chỉnh công việc, thời gian hợp lý giúp cân bằng, thích ứng lại môi trường làm việc, theo khả năng, nhu cầu và phù hợp với tình hình SKTT để giảm căng thẳng, cử người hỗ trợ giúp đỡ họ hoàn thành nhiệm vụ

    - Hỗ trợ, giúp đỡ người lao động quay trở lại công việc một cách có ý nghĩa, sau một thời gian nghỉ do các vấn đề SKTT, kết hợp hỗ trợ công việc với quan tâm chăm sóc giảm các triệu chứng SKTT.

    - Hỗ trợ người có vấn đề nghiêm trọng về SKTT bằng việc được trả lương và duy trì công việc của họ thông qua việc cung cấp hỗ trợ nghề nghiệp và hỗ trợ SKTT liên tục.

 

 

Chí Hùng (Tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày