bottom
Dịch vụ
Liên kết website
Cảnh giác với kiến ba khoang
Lượt đọc 8294Ngày cập nhật 26/05/2021

     Hằng năm, cứ đến mùa mưa bão, thời điểm giao mùa, sau các mùa gặt (tháng 4-5 và tháng 9-10) tại Việt Nam thường bị ảnh hưởng của kiến ba khoang, gây ra bệnh viêm da tiếp xúc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tại Thừa Thiên Huế, trong nhiều năm qua thường xảy ra tình trạng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tại nhiều khu chung cư (khu chung cư Hương Sơ, Vicoland…) ,ký túc xá Đại Học Huế, các hộ nhà dân rãi rác trên toàn tỉnh... Người dân cần tìm hiểu về kiến ba khoang, cơ chế gây bệnh, cách nhận biết tổn thương, cách điều trị cũng như cách phòng chống.

       Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc Họ Staphilinidae (cánh cụt), Bộ Colleoptera (Cánh cứng), Lớp Insecta (Côn trùng), Ngành Động vật.

     Loài bọ này thường tìm thấy trên các ruộng lúa, ven ruộng, quanh gốc rạ, bãi cỏ, gần vùng nước, trường học, ký túc xá, khu trọ, nhà ở tập thể công nhân ngoại ô thành phố, những nơi đang xây dựng... Nó có khả năng ăn cả thịt và ăn các côn trùng nhỏ hơn. Vào mùa mưa bão, lũ lụt các loại côn trùng này di chuyển đến các vùng khô ráo hơn.

      Về mặt hình thái học của loại côn trùng này rất đặc biệt: thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong... Loài kiến này có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh; cơ thể đôi khi màu cam tối màu, hay sậm màu và nhọn ở vùng bụng, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng (elytra). Một đôi cánh trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới cánh cứng. Trong ban ngày, bọ sẽ được nhìn thấy bò lê, hoặc bò nhanh và dấu cánh tương tự như kiến. Khi bất thường, nó tăng kích thước phần bụng lên có cử chỉ đe dọa như con bọ cạp và bản thân chúng cũng có thể bay và chạy nhanh trên nước.

     Trong thân kiến có chất Pederine (C24H43O9N), có thể gây cháy, bỏng da giống như chất cangtadin của sâu ban miêu và chất phospho ở "con giời".

      Những người làm việc dưới ánh đèn bị côn trùng rơi vào cổ, mặt, thân mình vô tình giơ tay đập, quệt, chà sát côn trùng và chất Pedirine có trong côn trùng rơi vào da. Có khi côn trùng rơi vào bể tắm, bồn tắm hoặc bám vào khăn mặt, quần áo. Người tiếp xúc với kiến (rơi vào người) không chú ý, chà xát phải côn trùng gây thành viêm da bọng nước (có trường hợp người bệnh giết côn trùng và đưa tay quết lên da và tạo thành vết thương).

      Bệnh do kiến ba khoang gây ra không gây nguy hiểm đến tính mạng nên không nên quá lo sợ, chủ yếu gây tổn thương trên da. Vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng. Đặc biệt tổn thương da nặng nhất, lan tỏa rộng nhất ở vùng da mềm.

       Tổn thương cơ bản: sau khi tiếp xúc với côn trùng, bệnh nhân thấy ngứa, rát, nóng bỏng tại chỗ, sau 6-12 giờ xuất hiện các đám, vết màu đỏ, hơi nề thành vệt, kích thước từ 1-5cm, rộng 3-4 mm, có bờ viền rõ rệt, có vệt có biến sắc màu tím hồng, sau 1-3 ngày xuất hiện các mụn nước trên da đỏ, lấm tấm sau đó xuất hiện bọng nước và bọng mủ (giai đoạn này rất dễ nhầm với các tổn thương như zona, thủy đậu hoặc các mụn virus khác).

       Theo số liệu thống kê qua nhiều nghiên cứu và các hình ảnh đặc trưng ghi lại cho thấy :

       100% biểu hiện bằng vết đỏ, nền cộm và nóng rát tại chỗ;

       80% có tổn thương ở đầu ,cổ , mặt và nửa trên thân mình;

       60% có xuất hiện tổn thương vào buổi sáng;

       3.82% có sưng và nề hai mi mắt,

       Một số trường hợp có hình ảnh đối xứng khớp với nhau.

 

       Biện pháp phòng bệnh

       Cần chú ý điều kiện làm việc và sinh hoạt thường nhật: buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa sổ hoặc có lưới để tránh côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa hàng năm; chú ý phát hiện những côn trùng ở trong nước tắm, khăn mặt, quần áo trước khi dùng và làm vệ sinh môi trường; Các khu nhà ở chật hẹp của các ký túc xá hoặc khu cho công nhân ở gần các khu công nghiệp, nằm ở môi trường rộng, cạnh hoặc xung quanh lại có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong nên việc phòng chống trong môi trường như thế không phải đơn giản;

      Thực hiện biện pháp vệ sinh môi trường, xung quanh nơi ở, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng, do tính ưa ánh sáng đèn nên có thể áp dụng đèn huỳnh quang để ngoài cửa dụ nó vào và tiêu diệt, hốt dọn đem đi đốt;

      Khi Paederus rơi hoặc bò lên da thân mình, nên dùng tay hất xuống đất và dùng chân mang dép hoặc vật gì đó đập cho chết, tránh để dịch tiết của nó dính vào da;

      Phòng chống côn trùng bằng biện pháp hóa chất hay sinh học: hiệu quả của 4 loai thuốc diệt côn trùng tấn công lên các loài côn trùng này, đặc biệt Paederus fuscipes. Hiệu quả của omethoate, chlorpyrifos + deltamethrin, bisultap và imidacloprid + buprofezin lên trên nhằm ức chế côn trùng, P. fuscipes trong môi trường phòng thí nghiệm, kết quả ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất của côn trùng này là 24-48 giờ sau khi xử lý bằng thuốc chlorpyrifos + deltamethrin. Hoạt độ giết chết hay chỉ ức chế đối với P. fuscipes giảm đi khi sử dụng các hóa chất như thế;

       Với mật độ kiến ba khoang nhiều, có thể sử dụng hóa chất  FENDONA 10SC (Alpha permethrin 10%), pha với nồng độ 70ml/8 lít nước, phun tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà có tác dụng xua và diệt chúng.

       Khi nhiễm độc tố của kiến ba khoang

      *Phải rửa tay ngay sau khi chúng ta giết chúng và rửa vùng da nơi kiến tiếp xúc bằng xà phòng. Lưu ý, không được chà xát làm vây bẩn độc tố của chúng ra vùng da nhiều nơi, vì độc tố của chúng có thể gây tổn thương da lan tỏa. Khi da bị tổn thương phồng rộp, hay sang thương loét có thể chúng ta rửa bằng thuốc tím (KMnO4), thuốc xanh Metylen lên vùng da, thuốc kem bôi  có chứa  corticosteroids như: Korcin; Betnovate; Betnovate-GM; Gentrisone.

      *Kháng sinh có thể cần nếu có bội nhiễm bỏng nước trên da, nếu cảm giác ngứa thì không nên gãi mạnh vì có thể gây viêm da lan rộng hơn, lúc này cần uống them thuốc kháng Histamin (thuốc chống dị ứng). Tình trạng viêm da sẽ lành trong 2 - 3 tuần. Nhưng tốt nhất là đến ngay Trạm y tế hoặc cơ sở y tế chuyên khoa Da liễuđể được chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời./.

Tập tin đính kèm:
Nguyễn Bảo Trí - Khoa KSTCT
Các tin khác
Xem tin theo ngày