Tìm kiếm tin tức
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Triển khai chiến dịch tẩm màn phòng, chống Sốt rét.
Lượt đọc 575Ngày cập nhật 09/10/2024

     Phòng chống sốt rét tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã đạt được những thành quả rất to lớn và đã được công nhận loại trừ sốt rét vào năm 2022. Tuy nhiên, Chương trình sốt rét vẫn còn phải đối mặt với những thách thức lớn như tính ổn định, yếu tố nguy cơ xảy dịch, nguy cơ sốt rét quay trở lại vẫn còn do: Tình trạng giao lưu, di biến động dân cư khá phức tạp, khó kiểm soát. Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội có nhiều cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, những kiến thức hiểu biết về công tác phòng chống sốt rét được tiếp nhận qua nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức và phương pháp truyền thông đa dạng nhưng thái độ và hành vi thực hiện để tạo một thói quen tốt trong phòng chống sốt rét vẫn đang còn một khoảng cách như: Ngủ màn, đem theo màn ngủ lúc đi rừng ngủ rẫy, thái độ xử trí khi nghi ngờ mắc bệnh Sốt rét. Vì vậy, nguy cơ sốt rét quay trở lại vẫn còn rất lớn đặc biệt là ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa.

     Hoạt động phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ là 1 nhiệm vụ khó khăn và nhiều thách thức đòi hỏi đầu tư cả về nhân lực lẫn vật lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, cùng sự phối hợp của các cơ quan ban ngành trong tỉnh. Đưa công tác phòng  ngừa Sốt rét quay trở lại sau loại trừ vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục đa kênh, đa cấp, đa hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Trong 9 tháng đầu đầu năm 2024 tại tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 5 ca mắc sốt rét ngoại lai 04 P.falci và 01 P.vivax (Ngoại lai từ các nước: 02 ca Angola, 01 ca Bờ Biển Ngà, 01 ca Lào, 01 ca Cameroon).

     Để chủ động phòng chống sốt rét, duy trì thành quả loại trừ sốt rét tại địa phương. Ngày 7-8/10/2024 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế huyện A Lưới tổ chức tẩm màn bằng hoá chất FENDONA10SC cho nhân dân trên địa bàn xã Hồng Vân, xã Hồng Hạ.

 

 

Hình ảnh cán bộ y tế tẩm màn cho người dân xã Hồng Vân

Hình ảnh cán bộ y tế tẩm màn cho người dân xã Hồng Hạ

     Đây là hoạt động nằm trong chương trình sốt rét theo đó trong đợt này sẽ có hơn 705 chiếc màn được tẩm hóa chất với số dân được bảo vệ 1.410. Trước đó,Trạm Y tế xã Hồng Vân,TYT Hồng Hạ đã làm tốt công tác tuyên truyền tại hộ gia đình, trên hệ thống loa truyền thanh xã về những kiến thức phòng, chống bệnh sốt rét. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh như:

     Tẩm màn bằng hoá chất, phun hoá chất diệt muỗi trong và ngoài nhà;

     Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét;

     Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng hương xua muỗi;

     Cần vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, lật úp các vật dụng chứa nước không sử dụng đến, phá bỏ ổ lăng quăng/bọ gậy, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, vv...

     Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, khi làm việc mặc quần áo dài đề phòng muỗi đốt;

     Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm, chuẩn đoán và điều trị kịp thời.

      Hoạt động tẩm màn đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, từng bước hình thành thói quen giữ vệ sinh môi trường, sử dụng màn khi ngủ. Nhờ vậy, trong nhiều năm trở lại đây công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn các xã được đảm bảo./.

Nguyễn Minh Việt - TT.KSBT
Các tin khác
Xem tin theo ngày