Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 9.161.003
Truy cập hiện tại 193

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chăm sóc sức khỏe sinh sản Vị thành niên: Tuổi dậy thì
Lượt đọc 2781Ngày cập nhật 15/03/2024

- Tuổi dậy thì là tuổi đẹp nhất của đời người, là thời kỳ các bộ phận trong cơ thể (đặc biệt là cơ quan sinh sản) phát triển mạnh và hoàn thiện.

- Có rất nhiều điều tuyệt vời chào đón VTN trong thời kỳ này. Nhưng cũng có nhiều điều rắc rối có thể xảy ra liên quan đến SKSS, VTN cần biết để chủ động ứng phó với các rắc rối này.

- Cần thực hiện vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bộ phận sinh dục, để phòng tránh mắc nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. .

- Quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục/HIV-AIDS, ảnh hưởng đến SKSS của VTN sau này.

TUỔI DẬY THÌ

1. Giới thiệu

Tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thiếu nhi và tuổi trưởng thành. Đây là giai đoạn đặc biệt trong quá trình phát triển của một con người vì có sự thay đổi mạnh mẽ về cả về thể chất, tinh thần, tình cảm và cách ứng xử.

Tuổi dậy thì thường diễn ra trong khoảng từ 10 đến 18 tuổi và được chia thành 3 giai đoạn (theo sự thay đổi tâm, sinh lý):

- Giai đoạn đầu (10 - 13 tuổi): là giai đoạn khởi đầu của tuổi dậy thì. Cơ thể phát triển một cách nhanh chóng. Những thay đổi trên cơ thể thường làm cho một số bạn bối rối, e thẹn và và lo lắng. Bạn bè cùng tuổi trở nên vô cùng quan trọng, đôi khi các em lo lắng không biết các bạn khác nghĩ gì về mình.

- Giai đoạn giữa (14 - 16 tuổi): ở độ tuổi này, các em tự nhận thấy những thay đổi rõ rệt trên cơ thể mình, tự cảm nhận mình có vẻ người lớn hơn, muốn khám phá về người khác, có nhu cầu tình yêu và tình dục. Các em thường kết bạn theo nhóm bạn thân và mỗi nhóm có phong cách riêng.

- Giai đoạn cuối (17 - 18 tuổi): độ tuổi này các em đã khá độc lập trong suy nghĩ, ứng xử và chọn bạn; có quan niệm cụ thể về vẻ đẹp và yêu đương một cách thực tế; bắt đầu có quan điểm riêng về đạo đức và cách ứng xử trong xã hội.

Tuy nhiên, sự phân chia nói trên chỉ có tính tương đối và có thể khác nhau ở từng người, tùy thuộc vào gen di truyền, chế độ ăn uống, sinh hoạt, giáo dục của gia đình và nhà trường, môi trường sống... Vì thế, các em không nên lo lắng nếu quá trình thay đổi của mình khác so với bạn bè, mà hãy cởi mở trao đổi với bố mẹ, người chăm sóc hoặc thầy cô giáo, người mà các em tin tưởng để được hỗ trợ.

2. Nội dung chính

2.1. Thay đổi tâm, sinh lý tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì là thời kỳ phát triển đặc biệt, trong đó xảy ra đồng thời hàng loạt những biến đổi nhanh chóng cả về cơ thể cũng như sự biến đổi tâm lý và các mối quan hệ xã hội. Cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ y tế cần hiểu rõ về các đặc điểm tâm sinh lý và những thay đổi trong độ tuổi này để tiếp cận, hỗ trợ các em một cách phù hợp, thân thiện và hiệu quả.

Thay đổi về tâm lý

Ở tuổi dậy thì, các em thường có những biểu hiện về tâm lý như sau:

- Cảm xúc thay đổi thất thường, khó kiểm soát được tâm trạng, dễ dàng tức giận vô cớ, đôi khi im lặng hoặc đáp lại câu hỏi của người lớn một cách thiếu lễ phép;

- Thích thể hiện cái “tôi” của mình, muốn khẳng định bản thân trước mặt nhiều người;

- Muốn làm chủ suy nghĩ và hành động của mình nhiều hơn trước;

- Mong muốn tìm hiểu kỹ lưỡng về cấu tạo của cơ thể mình, bắt đầu quan tâm đến làm đẹp thường xuyên hơn;

- Rất dễ rung động về mặt tình cảm, đôi khi nhầm lẫn giữa tình cảm bạn bè và tình yêu đôi lứa;

- Có mong muốn kết nối với nhiều bạn bè, hành vi của các em chịu nhiều ảnh hưởng từ nhóm bạn chơi cùng…

Thay đổi về sinh lý

Ở tuổi này, các em có sự thay đổi rõ rệt về cân nặng, chiều cao, cơ quan sinh sản. Sau đây là những thay đổi có tính phổ biến về sinh lý ở em gái và em trai.

Những thay đổi về sinh lý ở em gái

- Phát triển nhanh về chiều cao, cân nặng do sự chi phối của hormone tăng trưởng và hormone sinh dục;

- Lớp mỡ dưới da tăng lên, tập trung chủ yếu tại vùng ngực, mông, đùi, cánh tay, cơ thể dần hình thành đường cong rõ nét;

- Tuyến vú phát triển, xuất hiện lông mu. Âm đạo, buồng trứng, và khung xương chậu đều phát triển;

- Tuyến mồ hôi, tuyến nhờn phát triển, da dễ bị mụn trứng cá;

- Xuất hiện kinh nguyệt…

Mốc quan trọng đánh dấu em gái đã bước vào tuổi dậy thì là kỳ kinh nguyệt đầu tiên.

Những thay đổi về sinh lý ở em trai

- Cơ thể trở nên vạm vỡ, khung xương phát triển nhanh, ngực và vai to rộng hơn, chiều cao bắt đầu tăng nhanh;

- Lông mu và lông nách bắt đầu xuất hiện với màu sẫm và thô cứng. Râu mọc ở cằm, quanh miệng và có thể ở hai bên quai hàm;

- Xuất hiện mùi cơ thể, chất nhờn tiết ra, da dễ bị mụn trứng cá. Giọng nói cũng trở nên trầm hơn;

- Kích thước tinh hoàn và dương vật tăng lên. Tinh hoàn, túi tinh và tuyến tiền liệt bắt đầu sản xuất tinh dịch chứa tinh trùng; dương vật cứng ngoài ý muốn và hiện tượng xuất tinh diễn ra, thường là vào ban đêm (mộng tinh).

Mốc quan trọng đánh dấu em trai đã bước vào tuổi dậy thì là lần xuất tinh đầu tiên.

2.2. Kinh nguyệt và xuất tinh

Kinh nguyệt ở VTN nữ

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường với biểu hiện là chảy máu ra ngoài âm đạo do bong niêm mạc tử cung. Kinh nguyệt có tính chất định kỳ hàng tháng, là kết quả của sự thay đổi nội tiết buồng trứng trong cơ thể.

Ở tuổi VTN, kinh nguyệt có thể chưa đều trong khoảng 1-2 năm đầu kể từ khi bắt đầu có kinh do hoạt động của các cơ quan nội tiết chưa hoàn chỉnh.

Kinh nguyệt bình thường

- Tuổi bắt đầu có kinh: từ 11-18 tuổi.

- Vòng kinh: từ 22-35 ngày, trung bình là 28-30 ngày.

- Thời gian hành kinh: từ 3-7 ngày.

- Lượng máu kinh: trung bình tính bằng thay 3-5 lần băng vệ sinh mỗi ngày.

- Máu kinh: màu đỏ tươi, không đông, có mùi hơi nồng, không tanh.

Kinh nguyệt không bình thường

- Kinh sớm: có kinh trước 10 tuổi.

- Vô kinh nguyên phát: quá 18 tuổi chưa hành kinh.

- Vô kinh thứ phát: quá 3 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh rất đều và quá 6 tháng chưa có kinh nếu trước đó kinh không đều.

- Vô kinh giả: máu kinh vẫn có nhưng không chảy ra ngoài, còn gọi là bế kinh do màng trinh kín hoặc cổ tử cung bị dính.

- Kinh ít: lượng máu kinh ra rất ít.

- Kinh nhiều: lượng máu kinh nhiều hơn bình thường.

- Kinh thưa: vòng kinh dài trên 35 ngày.

- Kinh mau: vòng kinh ngắn dưới 21 ngày.

- Băng kinh: máu kinh ra rất nhiều, trên 150ml trong một vài ngày (thay >8 lần băng vệ sinh/ngày) gây choáng váng, mệt mỏi, đôi khi bị ngất xỉu.

- Rong kinh: kinh kéo dài trên 7 ngày.

- Rong huyết: ra máu không liên quan đến kỳ kinh.

- Thống kinh: đau bụng nhiều khi có kinh, có thể bị mệt mỏi và ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt.

Xuất tinh ở VTN nam

Xuất tinh là hiện tượng xuất tiết tinh dịch xảy ra khi nam giới đạt cực khoái. Xuất tinh có thể xảy ra trong khi thức hoặc khi ngủ, xuất tinh trong khi ngủ thường được gọi là “giấc mơ ướt” hoặc “mộng tinh”.

Một số biểu hiện xuất tinh bất thường:

- Xuất tinh sớm: thường xuyên xảy ra tình trạng vừa cảm thấy bị kích thích đã có phản xạ xuất tinh, thậm chí mới chỉ vài giây đã dẫn tới xuất tinh. Nguyên nhân do yếu tố tâm lý, dị tật bẩm sinh, nhiễm khuẩn đường sinh dục...

- Di tinh: tình trạng tinh dịch rỉ ra không kiểm soát được và không liên quan đến cực khoái hay phản xạ xuất tinh. Nếu xảy ra thường xuyên có thể do các dị tật của hệ thống sinh dục hay bệnh lý của các cơ thắt…

Khi gặp bất thường về kinh nguyệt hoặc xuất tinh, VTN cần bình tĩnh, không nên tự xử lý hoặc nghe theo những lời mách bảo không có căn cứ khoa học. Hãy chia sẻ vấn đề gặp phải với cha mẹ, thầy cô giáo, nhân viên tư vấn hoặc điện thoại tới tổng đài 111.

2.3. Một số nguy cơ về sức khỏe sinh sản có thể gặp ở VTN

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng VTN Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) như: quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS… Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất gây nghiện có ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tâm lý của VTN, tác động làm gia tăng hành vi không an toàn về SKSS, SKTD.

Nguyên nhân: do các em thiếu hiểu biết, thiếu kĩ năng và đặc biệt là thiếu tiếp cận tới các nguồn thông tin tin cậy cũng như các dịch vụ tư vấn, dự phòng và hỗ trợ, chăm sóc SKSS cho VTN…

2.4. Chăm sóc cơ thể

VTN cần có chế độ ăn ngủ điều độ: ăn đủ bữa, đủ chất; uống đủ nước, tránh nước có ga, nước ngọt đóng chai. Phân bố thời gian ngủ nghỉ phù hợp, không thức khuya. Ngủ đủ giấc và đúng giờ sẽ có giấc ngủ sâu, tạo điều kiện để hormon tăng trưởng sản sinh trong lúc ngủ.

VTN cần thực hiện vệ sinh cơ thể thường xuyên: tắm rửa hàng ngày bằng nước sạch, ở nơi kín gió. Thay quần áo ít nhất 2 lần mỗi ngày, trước khi đi học và sau khi về nhà. Chải tóc hàng ngày, gội đầu sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên.

VTN cần thực hiện vệ sinh bộ phận sinh dục theo hướng dẫn dưới đây:

Vệ sinh bộ phận sinh dục nam

- Dùng nước sạch rửa nhẹ bề mặt dương vật và bao tinh hoàn, sau đó kéo quy đầu về hướng gốc dương vật, làm cho quy đầu lật ngược, để cho đầu dương vật lộ ra hoàn toàn rồi dùng nước sạch rửa đầu dương vật. Sau đó dùng khăn bông mềm sạch lau khô.

- Sử dụng quần lót có chất liệu thoáng mát, dễ co giãn và thấm mồ hôi. Nên mặc quần lót vừa với cơ thể vì mặc quần lót chật sẽ gây cọ sát và làm nóng tinh hoàn, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng (nhiệt độ thích hợp ở tinh hoàn khoảng 35-36 độ C). Giặt đồ lót ngay sau khi thay ra và phơi ngoài nắng hoặc nơi khô thoáng.

Vệ sinh bộ phận sinh dục nữ

- Vệ sinh âm hộ hàng ngày bằng nước sạch, không được thụt bất kỳ loại nước hoặc dung dịch nào vào trong âm đạo vì sẽ gây viêm âm đạo. Rửa và lau chùi từ phía trước ra phía sau (từ âm hộ ra phía hậu môn) để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo gây viêm âm đạo. Lau khô âm hộ bằng khăn sau khi tắm rửa và sau khi đi tiểu để giữ âm hộ luôn khô sạch.

- Không nên dùng băng vệ sinh hằng ngày thường xuyên vì có thể gây viêm nhiễm âm đạo.

- Mặc quần lót bằng vải thoáng mát, thấm hút tốt, vừa với cơ thể. Giặt quần lót ngay sau khi thay ra, phơi ở nơi thoáng có ánh nắng.

- Vệ sinh kinh nguyệt: Vào những ngày hành kinh không nên ngâm người trong bồn tắm hay bơi lội; Cần tắm rửa hàng ngày bằng nước sạch, nước ấm hoặc với xà phòng tắm hoặc nước rửa vệ sinh (có bán ở các hiệu thuốc). Nên thay băng vệ sinh 3 - 5 lần một ngày;

Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục

- Rửa bộ phận sinh dục bằng nước sạch, sau đó dùng khăn bông sạch thấm khô.

- Không rửa, bơm, thụt tháo, moi móc chất nhờn tinh dịch hay dịch tiết âm đạo.

- Lưu ý: không giao hợp trong thời gian hành kinh vì dễ bị nhiễm khuẩn.

Nguồn: Quyết định 2885/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 của Bộ Y tế về Tài liệu Hướng dẫn truyền thông trực tiếp về Chăm sóc sức khỏe sinh sản VTN.

 

Ths. Bs. Hà Thị Mỹ Dung - Khoa Sức khỏe sinh sản
Các tin khác
Xem theo ngày