Kết quả các cuộc khảo sát về thăm dò thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục (QHTD) vào những năm đầu thế kỷ 21 tại Châu Âu cho thấy, mức độ đáng báo động về kiến thức, hiểu biết, hành vi QHTD không được an toàn và các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ, 36% độ tuổi vị thành niên cho biết không sử dụng biện pháp bảo vệ khi QHTD và tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường QHTD cao nhất ở độ tuổi dưới 25. Trước tình hình đó, liên minh của 11 Tổ chức Phi chính phủ, các Hiệp hội Khoa học và Y học quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là “Ngày tránh thai thế giới” và phát động lần đầu tiên vào ngày 26/9/2007 tại Châu Âu.
Theo Cơ quan về Sức khỏe sinh sản và Sức khỏe tình dục của Liên Hợp Quốc và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, mỗi năm trên thế giới có trên 120 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong số đó 61% được giải quyết bằng nạo/phá thai, tương đương với 73 triệu ca/năm. Cũng theo báo cáo của UNFPA năm 2022, Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp của Bộ Y tế dựa trên báo cáo của các địa phương, những năm gần đây có khoảng 200.000 - 250.000 ca phá thai/năm. Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có trên 1,2 triệu ca nạo/phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên.
Theo các chuyên gia, trẻ vị thành niên nếu nạo/phá thai sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý, đặc biệt nguy cơ có thể dẫn đến vô sinh. Để hạn chế tình trạng nạo/phá thai ở trẻ vị thành niên, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là cần trang bị kiến thức về an toàn tình dục và sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên trên cơ sở phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.
Chủ đề Ngày Tránh thai Thế giới năm 2024: “Giới trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước”. Vì vậy, việc truyền tải các thông điệp về tình dục an toàn và chủ động phòng tránh thai có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng. Phòng tránh thai mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, tinh thần, kinh tế cho tuổi vị thành niên, gia đình và xã hội:
1. Biện pháp phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chuẩn bị tâm lý, kinh tế trước khi sinh con, chủ động thời gian sinh đẻ, khoảng cách và số lượng con sinh ra.
2. Tránh được những tai biến sản khoa khi sinh con quá sớm hoặc quá muộn, sinh con quá dày hoặc quá nhiều. Đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý dễ dẫn đến tình trạng hao mòn sức khỏe, trẻ suy dinh dưỡng, dị tật thai nhi, có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc tử vong mẹ.
3. Phòng tránh thai giúp thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”, từ đó nâng cao đời sống kinh tế và chất lượng cuộc sống, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, có thời gian để chăm lo cho gia đình nhiều hơn và để chăm sóc bản thân.
Các phương pháp tránh thai cho Nam và Nữ
01. Sử dụng bao cao su (BCS Nam, BCS nữ) .
02. Thuốc ngừa thai dạng uống.
03. Thuốc tránh thai khẩn cấp.
04. Thuốc ngừa thai dạng tiêm.
05. Chất diệt tinh trùng
06. Đặt vòng tránh thai.
07. Cấy que tránh thai.
08. Mũ chụp cổ tử cung
09. Vòng tử cung
10. Bọt sốp tránh thai
11. Miếng dán tránh thai.
12. Tính ngày rụng trứng theo chu kỳ kinh nguyệt
13. Xuất tinh ngoài âm đạo.
14. Triệt sản nữ vĩnh viễn
15 Triệt sản nữ vĩnh viễn
16. Khoảng thời gian tương đối an toàn
17. Kiêng quan hệ.