Hoạt động của các nhóm nguy cơ cao tại Thừa Thiên Huế như nhóm phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, người sử dụng ma túy rất kín đáo và khó tiếp cận trực tiếp. Bên cạnh đó các nhóm nguy cơ cao này vẫn bị xã hội kỳ thị và tự kỳ thị. Đây là một rào cản rất lớn trong việc tiếp cận truyền thông, cấp phát vật phẩm dự phòng lây nhiễm HIV và tư vấn xét nghiệm HIV. Vì vậy, mô hình cấp phát test tự xét nghiệm HIV qua website được đánh giá là rất phù hợp với đặc điểm tình hình dịch tại Thừa Thiên Huế.
Nhằm phát triển mạnh dịch vụ tự xét nghiệm HIV qua website, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động quảng bá qua nhiều kênh thông tin và trên nhiều nhóm đối tượng. Trong năm 2024, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông và quảng bá dịch vụ này cho đối tượng học sinh, sinh viên thông qua sự phối hợp với Đại học Huế và Sở Giáo dục và Đào tạo, ước tính khoảng 10.000 lượt học sinh, sinh viên sẽ tham gia. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục phối hợp với 08 ban, ngành, đoàn thể khác trên địa bàn để triển khai mạnh ở nhiều các nhóm đối tượng, đặc biệt phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh triển khai 09 cuộc truyền thông cho cán bộ đoàn, đoàn viên trên toàn tỉnh dự kiến với sự tham gia của hơn 1.000 đoàn viên; phối hợp với Công đoàn các khu kinh tế công nghiệp tỉnh tổ chức truyền thông cho đoàn viên là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh với dự kiến 1.000 người tham gia.
Truyền thông và quảng bá dịch vụ cho sinh viên thuộc Đại học Huế
Truyền thông và quảng bá dịch vụ cho học sinh THPT tại các trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo
Truyền thông và quảng bá dịch vụ tại cụm dân cư thông qua chương trình văn nghệ
Đối tượng nguy cơ cao tại tỉnh Thừa Thiên Huê thường là những người trẻ tuổi và sử dụng đa dạng các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc truyền thông, tiếp cận và quảng cáo các dịch vụ qua mạng xã hội là một giải pháp mới và mang lại hiệu quả cao. Trong năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS qua Facebook, Tiktok, Zalo, mạng xã hội Blued dành cho cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới. Xây dựng, sáng tạo các nội dung đặc sắc, đúng thị hiếu của đối tượng đích, bắt kịp các xu hướng trên các nền tảng này, giúp tăng lượt tiếp cận và đảm bảo hiệu quả truyền thông.
Quảng bá dịch vụ qua Facebook tại Huế.
Quảng báo dịch vụ qua kênh Tiktok tại Huế.
Đa dạng hóa và mở rộng các hoạt động truyền thông và quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nói chung và dịch vụ tự xét nghiệm HIV qua website nói riêng là một trong những giải pháp trọng điểm và xuyên suốt trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm của hệ thống chính trị nói chung và của ngành y tế nói riêng, hi vọng rằng các giải pháp trên sẽ mang lại hiệu quả làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trên địa bàn toàn tỉnh, hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030./.