Tìm kiếm tin tức
Hưởng ứng Lễ Phát động “Đăng ký hiến tặng mô tạng - Cho đi là còn mãi”.
Lượt đọc 462Ngày cập nhật 21/05/2024

     Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”, được diễn ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát động phong trào. Tham dự lễ có gần 300 đại biểu là lãnh đạo các Bộ/Ban/Ngành, UBMTTQVN, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành, lãnh đạo các BV Hiến/Ghép tạng, Trường Đại học Y Dược, Hội Chữ Thập đỏ, các Tổ chức thế giới,  Tổ chức Tôn giáo, Hội/Đoàn thể và các doanh nghiệp. Sau buổi phát động Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã đăng ký hiến tặng mô/tạng.

     Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô/tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái trong cộng đồng.

     Lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”, được tổ chức đúng vào ngày 19/5 - Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người đã cống hiến trọn đời vì Độc lập cho Dân tộc, Tự do cho Tổ quốc, Hạnh phúc cho Nhân dân và Hòa bình cho nhân loại.

     Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chia sẻ và bày tỏ: Đây một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện văn hóa tốt đẹp tính đoàn kết, tương thân, tương ái, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay. Đó chính là những yếu tố làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác.

     Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp. Trong hơn 30 năm qua, ghép tạng ở nước ta đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc, đó chính là nhờ ba nhân tố chủ yếu: - Chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; - Sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế; - Sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

     Tính từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992, đến nay cả nước ghi nhận có trên 8.600 ca ghép tạng được thực hiện. Trong đó, ghép thận trên 7.900 ca, ghép gan gần 600 ca, ghép tim phổi 92 ca và một số trường hợp ghép tụy, ghép ruột, ghép đa tạng khác. Đây là điểm sáng, là niềm tự hào, là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú của các chuyên gia ghép tạng, của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam nói riêng và của ngành Y tế Việt Nam nói chung.

     Chúng ta rất xúc động được biết, hiện nay Việt Nam đã có hàng nghìn người hiến mô, tạng và khoảng hơn 86.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. Đây là minh chứng sống động cho sự nhận thức, tình thương và lòng nhân ái ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong xã hội về hiến tạng cứu người - một nghĩa cử cao đẹp.

   

      Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn và tri ân những tấm lòng nhân ái, hành động cao đẹp của những người, những gia đình đã và sẽ hiến tạng. Đây thực sự là những tấm gương sáng về người tốt, việc thiện, nêu cao tinh thần "cho đi là còn mãi", vượt qua nỗi đau thương, mất mát, định kiến để gieo mầm sự sống, hạnh phúc cho nhiều gia đình, bệnh nhân khác. Chúng ta cần nhân lên những ý tưởng, hành động cao đẹp, nhân đạo này, tạo thành phong trào, xu thế trên cả nước. Phát huy truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc ta, với mong muốn nhận thức và tinh thần hiến tạng cứu người tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa trong xã hội.

     Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu nhấn mạnh:

     Tôi kêu gọi: Mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, vùng miền: hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống", đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì "cho đi là còn mãi", một người có thể cứu nhiều người, phát huy sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân.

     Tôi đề nghị: Các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội vận động hiến mô tạng Việt Nam, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, những người có ảnh hưởng trong xã hội ủng hộ và tăng cường công tác truyền thông, lan toả ý nghĩa cao đẹp, vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng với tinh thần "cho đi là còn mãi".

     Đồng thời, tôi lưu ý: Mọi hành vi thương mại hóa và mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, mua hoặc bán xác người đều bị nghiêm cấm. - Việc hiến tạng là hoàn toàn tự nguyện, mang tính nhân đạo và không nhằm mục đích thương mại. Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia phải điều phối tạng đúng luật pháp, minh bạch và công bằng, bác ái...

     Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Ghép mô, tạng được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của Y học thế giới, là một trong những phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ XX…Đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Việc cấy ghép tế bào, mô hoặc cơ quan của con người cứu được nhiều mạng sống và phục hồi các chức năng thiết yếu mà không có giải pháp thay thế nào có hiệu quả tương đương…

     Tại lễ Phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã gửi thư kêu gọi các thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế tham gia đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời…/.

 

Chí Hùng (Tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày