NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ DỊ TẬT BẨM SINH
Dị tật bẩm sinh là vấn đề sức khỏe cho trẻ em, cũng như là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam có 30.000-45.000 trẻ khuyết tật sinh ra mỗi năm, mỗi ngày có khoảng 80 – 120 trẻ khuyết tật ra đời; có 4.000 – 6.000 ca khuyết tật bẩm sinh do Rubella trong đợt dịch năm 2011và 1.000 ca khuyết tật bẩm sinh do giang mai mỗi năm. Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số - Nhà ở 2009 có 6,1 triệu người khuyết tật trên 5 tuổi, chiếm tỷ lệ 7,8% trong nhóm dân số này. Theo UNICEF (2010), trong nhóm tuổi từ 0-5 tuổi, 76% khuyết tật là khuyết tật bẩm sinh, và tỷ lệ này là 36% ở nhóm tuổi từ 0-18 tuổi, Theo Ban Tuyên Giáo TW (2012), nguyên nhân gây nên khuyết tật: 36% là khuyết tật bẩm sinh, 32% do bệnh lý, 26% do hậu quả chiến tranh và 6% do các nguyên nhân khác. Theo Ủy ban bổ sung axit folic vào thực phẩm, Bộ Y tế (2008) dự báo có khoảng 42,000 trẻ khuyết tật liên quan ống thần kinh trong giai đoạn 2009-2015, và trong số này sẽ có 21,000 trẻ tử vong trước 1 tuổi.
Để góp phần nâng cao chất lượng dân số, cải thiện chất lượng giống nòi, một trong những can thiệp quan trọng là phòng ngừa khuyết tật bẩm sinh. Chất lượng trứng và tinh trùng, cũng như môi trường tử cung đầy đủ chất dinh dưỡng, khỏe mạnh sẽ tạo điều kiện để phôi phát triển thuận lợi, hạn chế sự hình thành và phát triển các khuyết tật, góp phần sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh.
Mỗi khuyết tật bẩm sinh đều có nguyên nhân, và ngày nay rất nhiều khuyết tật bẩm sinh đã xác định được nguyên nhân (khoảng 50%) và can thiệp phòng ngừa nguyên phát có thể giảm tỷ lệ KTBS khoảng 20-25%. Những vấn đề cơ bản mà gia đình và các bà mẹ cần biết về Dị tật bẩm sinh (DTBS) là:
-
Các dị tật bẩm sinh có phổ biến không ?
Trung bình cứ 33 trẻ sinh sống sẽ có 1 trẻ mắc dị tật bẩm sinh. Trong số 5 ca tử vong ở trẻ sơ sinh có 1 ca là do mắc dị tật bẩm sinh và nhiều trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh mà trong gia đình hoàn toàn không có ai mắc dị tật này => Như vậy, DTBS khá phổ biến và không hoàn toàn do yếu tố di truyền
-
Phụ nữ có nên dùng acid folic (vitamin B9) trong thời kỳ thanh niên và trong suốt cuộc đời của mình không?
Vitamin này giúp giảm thiểu nguy cơ dị tật của hệ thần kinh trung ương (sọ não và tủy sống) và Hệ thần kinh phát triển rất sớm ở thời điểm người phụ nữ có thể không hề biết mình là mình đã mang thai => Tất cả phụ nữ trong độ tuổi mang thai nên uống axit folic hằng ngày
-
Bạn có biết nhiều loại dị tật bẩm sinh chỉ được chẩn đoán khi mẹ đã đưa bé về nhà sau khi sinh không?
Các dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến ngoại hình thường dễ chẩn đoán như khe hở môi – hàm... Nhưng, nhiều loại dị tật bẩm sinh không được phát hiện ngay từ lúc mới sinh và thường là các dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến cách thức cơ thể hoạt động như các dị tật tim bẩm sinh => Cần tiến hành các sàng lọc DTBS ở trẻ sơ sinh.
-
Bạn có biết một số dị tật bẩm sinh có thể được chẩn đoán ngay từ trước khi sinh không?
Một số các xét nghiệm như siêu âm, lấy nước ối, máu để xét nghiệm có thể giúp phát hiện nhiều dị tật bẩm sinh của thai nhi như tật nứt đốt sống, các dị tật tim bẩm sinh, hay hội chứng Down => Khám thai và sàng lọc trước sinh rất quan trọng vì sẽ giúp chẩn đoán sớm nhiều loại dị tật của thai nhi
-
Bạn có biết rất nhiều dị tật bẩm sinh có thể ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính không những của gia đình có con bị dị tật mà còn của tất cả mọi người không?
Tại Mỹ, các ca dị tật bẩm sinh chiếm trung bình hơn 139.000 ngày nằm viện trong một năm, tiêu tốn khoản viện phí chừng 2,6 tỷ USD. Ngân sách của gia đình và chính phủ sẽ phải chịu các chi phí này => Có con bị dị tật sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc làm ăn của bố mẹ, tăng chi phí khám chữa bệnh, do đó làm giảm thu nhập của gia đình.
-
Bạn có biết rằng dị tật bẩm sinh có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác chứ không phải chỉ luôn là do di truyền không?
Hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng các loại ma túy và một số loại dược phẩm, phơi nhiễm với các hóa chất, mắc các bệnh nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi => Gần 50% các dị tật bẩm sinh chưa được biết rõ nguyên nhân.
-
Bạn có biết có thể dự phòng một số loại dị tật bẩm sinh không?
Một người phụ nữ có thể thực hiện một số việc quan trọng trước và trong khi mang thai để dự phòng các dị tật bẩm sinh, là:
-
Uống axit folic, kiểm tra y tế thường xuyên, đảm bảo các vấn đề về sức khỏe như tình trạng tiểu đường phải được kiểm soát.
-
Xét nghiệm về khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng
-
Chủng ngừa các loại vắcxin cần thiết
-
Không hút thuốc, uống rượu, sử dụng các loại ma túy.
-
Bạn có biết có những cách mà người phụ nữ mang thai có thể giữ cho thai nhi khỏi bị nhiễm trùng không?
Các Bà mẹ mang thai, nên rửa tay thường xuyên và đúng cách: Sau khi đi vệ sinh, chạm vào thịt sống, trứng chưa nấu chín, hoặc rau chưa rửa, bồng bế vật nuôi, làm vườn, hoặc chăm sóc cho trẻ nhỏ.
-
Bạn có biết không có liều lượng rượu an toàn hoặc thời điểm an toàn để uống rượu trong thời kỳ mang thai không?
Các rối loạn ở thai nhi do rượu (fetal alcohol spectrum disorders: FASDs) là một nhóm các biểu hiện bệnh lý ở trẻ có thể xảy ra khi người mẹ uống rượu trong thời kỳ mang thai. Rối loạn này có thể phòng ngừa được 100% nếu phụ nữ không uống rượu khi mang thai.. => Không có liều lượng rượu an toàn, không có thời gian uống rượu an toàn và loại rượu thích hợp để uống trong thời kỳ mang thai.
-
Bạn có biết rằng một đứa trẻ khi còn nằm trong bụng mẹ không phải luôn luôn được bảo vệ khỏi tác động từ bên ngoài không?
Khi mẹ hút thuốc, uống rượu, sử dụng các loại ma túy, các loại dược phẩm hoặc tiếp xúc với các loại bệnh truyền nhiễm thì trẻ cũng bị phơi nhiễm. Các thói quen lành mạnh như uống axit folic hàng ngày, ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng và hợp vệ sinh có thể giúp đảm bảo trẻ sẽ được sinh ra khỏe mạnh => Bánh nhau, cầu nối giữa mẹ và bé, không phải là một rào cản chắc chắn để bảo vệ thai nhi.
Vì thế hệ con em tương lai khỏe mạnh, phát triển đầy đủ cả thể chất và tinh thần, cần biểu biết và phòng ngừa Dị tật bẩm sinh cho trẻ em
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC KHI MANG THAI
Để chuẩn bị tốt cho việc mang thai, chị em cần:
-
Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai
-
Kiểm tra tình trạng chủng ngừa các bệnh nhiễm trùng
-
Kiểm tra tình trạng răng miệng
-
Sử dụng vitamin tổng hợp trong đó có axit folic hằng ngày
-
Ăn thức ăn tốt cho sức khỏe và có trọng lượng cơ thể phù hợp
-
Không hút thuốc, uống rượu, sử dụng các loại ma túy, tránh những nơi có khói thuốc. Không tự ý sử dụng các loại thuốc trị bệnh không phải được kê toa cho bạn. Tránh bị nhiễm loại ký sinh trùng Toxoplasma bằng cách không ăn thịt chưa nấu chín và tránh xa nơi có phân mèo, rừa sạch tay, vỏ trái cây và rau sống trước khi ăn.
-
Tránh các loại thú nuôi thuộc họ gậm nhấm như chuột lang, hamster, chuột bạch
-
Tránh các loại hóa chất độc hại như các loại dung dịch để tẩy các loại sơn tan trong dầu
-
Tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn bị chồng ngược đãi
-
Giảm căng thẳng trong cuộc sống