VAI TRÒ CỦA VIỆC NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ
Thiên bẩm của người phụ nữ sinh ra có hạnh phúc lớn lao là được làm vợ, làm mẹ. Truyền thống của người phụ nữ Việt Nam đều mong muốn nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, đó là một tập quán tốt và khoa học. Ngày nay, với cơ chế thị trường nhiều thông tin quảng cáo về các chất bổ sung vào sữa bột giúp trẻ phát triển tốt về cân nặng và chiều cao, thông minh cùng với nhận thức chưa đúng của một số bà mẹ trẻ, gia đình có điều kiện đã coi sữa công thức có thể thay thế được sữa mẹ, thậm chí tốt hơn sữa mẹ. Các nhà dinh dưỡng đã đưa ra các khuyến cáo rằng không có một loại thực phẩm, thức ăn nào tốt hơn sữa mẹ, có thay thế được và phù hợp như sữa mẹ vì vậy duy trì và bảo về nguồn sữa mẹ cho trẻ là rất cần thiết và quan trọng. Thời gian nuôi con bằng sữa mẹ quá ngắn sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Vì thức ăn bổ sung thay thế sữa mẹ có giá trị dinh dưỡng thấp, gây nhiều nguy cơ suy dinh dưỡng cho trẻ. Trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là mắc bệnh tiêu chảy. Sự phát triển của trí tuệ và thị lực bị ảnh hưởng.
Sữa mẹ bảo vệ trẻ chống lại bệnh tật.
Nucleotide là một thành phần tự nhiên trong sữa mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hoá các phản ứng miễn dịch khi trẻ được tiêm phòng vaccine. Chất này chịu trách nhiệm cung cấp sự miễn dịch để chống lại các dịch bệnh ở trẻ.
Hàng năm trên thế giới có khoảng 26% trẻ bị viêm đường hô hấp, 30-50% trẻ bị tiêu chảy và suy dinh dưỡng. Đến tháng thứ 9 sau sinh, tổng toàn bộ kháng thể trong cơ thể của trẻ chỉ đạt 60% so với người trưởng thành. Tiêm phòng vaccine là công việc rất quan trọng để trẻ tăng cường sức đề kháng, phát triển hệ thống miễn dịch.
Sữa mẹ có các bạch cầu, kháng thể (IgA) và các tiểu thể (lysozyme) làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong cao ở trẻ. Mới đây, theo công bố của các công trình nghiên cứu lâm sàng, trong sữa mẹ còn có Tổng toàn bộ Nucleotide (viết tắt là TPAN), là dưỡng chất hiện diện tự nhiên trong sữa mẹ với hàm lượng thay đổi từ 69 đến 72 mg/l. TPAN giúp hỗ trợ sự phát triển của hệ thống miễn dịch của trẻ, làm gia tăng lượng kháng thể và giảm tần suất tiêu chảy, đáp ứng miễn dịch đối với vaccine chủng ngừa viêm màng não (Hib) và vaccine bạch hầu. Điều này có nghĩa là nó giúp tăng sức đề kháng của cơ thể đối với những bệnh nhiễm khuẩn thông thường ở trẻ như tiêu chảy, bạch hầu, viêm màng não.
Sữa mẹ là nguồn thực phẩm lý tưởng
Trẻ lớn lên rất nhanh trong thời kỳ sơ sinh. Vì vậy nhu cầu về chất dinh dưỡng rất lớn, trong khi bộ máy tiêu hoá lại chưa hoàn chỉnh. Trong giai đoạn này, chỉ có sữa mẹ là thức ăn lý tưởng đáp ứng được. Nuôi con bằng sữa mẹ là một phương pháp tự nhiên và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả bà mẹ và trẻ em.
Sữa mẹ tập hợp phong phú các yếu tố hoá sinh ở dạng đang hoạt động, một lượng lớn các hormone và yếu tố tăng trưởng cùng với ít nhất 60 loại enzym bên cạnh thành phần hoàn hảo của những chất dinh dưỡng vi lượng và đa lượng.
Trong năm đầu đời, trọng lượng trẻ sơ sinh sẽ tăng gấp 3 lần và chiều cao tăng gấp 2 lần. Trẻ cần số năng lượng tính trên cân nặng cao gấp 3-4 lần so với người lớn. Cụ thể, trẻ sơ sinh cần 90-120 kcal/kg, trong khi đó người lớn chỉ cần 30-50 kcal/kg. Năng lượng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ từ các chất bột đường (lactose) và chất béo chủ yếu có trong sữa mẹ. Chất đường trong sữa mẹ có nhiều lactose hơn, cần thiết cho sự phát triển của thần kinh và giúp các vi khuẩn có ích trong đường ruột phát triển. Chất bột đường là nguồn cung cấp năng lượng, giúp tạo vị ngọt cho sữa. Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất bột đường giúp tăng cường sức đề kháng đối với một số bệnh lý ở trẻ. Chất đạm cần cho sự tăng trưởng, giúp xây dựng và sữa chữa các tế bào hư hỏng.
Chất béo trong sữa mẹ có vai trò là chất chuyên chở những vitamin tan trong chất béo như vitamin A&D, cùng với axit béo thiết yếu là axit linoleic, đóng vai trò sống còn cho sự phát triển của hệ thần kinh cũng như chức năng mô. Thành phần axit béo trong sữa mẹ cho phép cải thiện sự hấp thu chất béo tại ruột.
Cơ thể cần khoảng 20 axit amin. Trong đó có khoảng 8 axit amin thiết yếu cơ thể trẻ không thể tự sản sinh mà phải được cung cấp từ thực phẩm bên ngoài. Trong nửa năm đầu của trẻ, sữa đóng vai trò cung cấp lượng axit amin thiếu hụt này. Cơ thể trẻ có thể hấp thụ 66% lượng canxi trong sữa mẹ, chỉ có 40% lượng canxi trong các loại sữa bột.
Cách cho con bú
- Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ cho con bú khi căng sữa, người ta thường gọi là xuống sữa, như vậy là không đúng, vì nó càng làm sữa xuống chậm hơn. Tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng một giờ đầu người mẹ nên cho trẻ bú. Bú càng sớm càng tốt. Vì sữa mẹ tiết ra theo phản xạ, bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Trẻ được bú sữa non sẽ có kháng thể phòng bệnh nhiễm trùng. Trẻ bú có tác dụng co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ sau sinh.
Số lần cho trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tuỳ thuộc vào nhu cầu của trẻ. Cho trẻ bú bất cứ khi trẻ đòi ăn, nếu các bà mẹ nghĩ mình ít sữa thì lại cần cho trẻ bú nhiều để kích thích bài tiết sữa tốt hơn.
- Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn. Thời gian cho bú tuỳ theo đứa trẻ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Sau khi bú hết một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cần cho trẻ ăn bất cứ loại thức ăn nào khác, kể cả nước. Khi trẻ bị bệnh, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ đẻ non yếu không bú mẹ được, hoặc trường hợp mẹ bị ốm, mẹ bị mắc 1 số bệnh mà không cho trẻ bú được, cần vắt sữa mẹ ra cốc và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc trực tiếp uống bằng cốc. Nên cho trẻ bú đến 18 tháng - 24 tháng tuổi, không cai sữa trẻ trước 12 tháng tuổi.
Bảo vệ nguồn sữa mẹ
- Muốn có sữa cho con bú thì người mẹ ngay trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, giúp người mẹ tăng cân tốt (tăng từ 10-12 kg), đó là nguồn dự trữ mỡ để sản suất sữa sau khi sinh.
- Khi cho con bú, điều trước tiên cần phải quan tâm là người mẹ cần phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đẫy giấc. Khẩu phần ăn của mẹ cao hơn mức bình thường. Hàng ngày ăn thêm vài bát cơm, một ít thịt, cá, trứng hoặc một ít rau đậu. Nên ăn thêm quả chín để có đủ vitamin. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ hoặc vừng rang muối giã nhỏ ăn với xôi có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Nên hạn chế các thức ăn gia vị như ớt, hành, tỏi vì nó qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.
- Khi cho con bú, nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa.
- Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước nhất là nước cháo, nước hoa quả, sữa... (mỗi ngày khoảng 1,5 – 2,0 lít).
- Vì sữa mẹ được tiết theo cơ chế phản xạ, cho nên tinh thần của người mẹ phải thoải mái, tự tin tránh những căng thẳng, buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Chế độ lao động nghỉ ngơi sau khi sinh đẻ có ảnh hưởng đến bài tiết sữa.
Khi cai sữa cho trẻ cần chú ý:
- Không cai sữa quá sớm, khi chưa có đủ thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ.
- Không nên cai sữa vào mùa hè nóng nực, vì trẻ kém ăn.
- Không nên cai sữa đột ngột dễ gây sang chấn tinh thần làm trẻ quấy khóc, biếng ăn.
- Không cai sữa khi trẻ bị ốm, nhất là khi bị tiêu chảy vì thức ăn thay thế trẻ chưa thích nghi được dễ dẫn tới rối loạn tiêu hoá, dễ gây hậu quả suy dinh dưỡng.
- Sau khi cai sữa, cần có các chế độ ăn thay thế đảm bảo đủ chất cho trẻ, nhất là chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ...), chất béo (dầu, mỡ) và các loại rau, quả...
Nuôi con bằng sữa mẹ còn có tác dụng tốt về phương diện tâm lý. Cho con bú mẹ làm gắn bó tình cảm giữa mẹ con, giúp trẻ phát triển tốt về mặt tình cảm và trí tuệ sau này. Sữa mẹ đóng góp vào việc bảo vệ sức khoẻ bà mẹ như: giảm thiếu máu, thiếu sắt, giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp kéo dài thời gian sinh sản, giảm xuất huyết sau sinh, giảm bài tiết hóc môn oxytocin (làm co cơ tuyến vú để tống sữa vào ống dẫn sữa) và các hóc môn điều hoà thần kinh.
ThS. Nguyễn Khoa Nguyên-GĐ TTCSSKSS