Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 372

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 18 đến 24 tháng 8 năm 2020
Lượt đọc 1488Ngày cập nhật 24/08/2020

Điểm báo từ ngày 18 đến 24 tháng 8 năm 2020

Thủ tướng: Chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ         

        (Chinhphu.vn) - “Chúng ta xác địch chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh”.

      Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 vào chiều nay, 21/8/2020.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đến nay, có hơn 20 triệu cài đặt ứng dụng Bluezone, trong đó, 10 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ cài đặt chiếm 20-45% dân số, bắt đầu truy vết có hiệu quả, phát hiện 1.400 trường hợp F1, F2 nhanh, chính xác. Ở Hải Dương, ứng dụng giúp truy vết 730 trường hợp một cách chính xác.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết tuần vừa qua, mỗi ngày Thành phố ghi nhận 2-6 ca nhiễm COVID-19, đa số trong đó nằm trong sự kiểm soát. Hằng ngày, có 5-10 ca xuất viện, giảm tải được áp lực tại các bệnh viện. TP. Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp đúng đắn, đồng bộ, kịp thời, tiến tới sẽ khống chế được dịch vào cuối tháng 8, lãnh đạo TP. Đà Nẵng nêu rõ. Về năng lực xét nghiệm, hiện công suất xét nghiệm của ngành Y tế Thành phố đạt khoảng 13.000 mẫu/ngày. Đến nay, đã xét nghiệm 171.000 mẫu, xấp xỉ 1/3 số xét nghiệm cả nước nhờ tăng số lượng các cơ sở xét nghiệm và áp dụng phương pháp xét nghiệm gộp nhóm. Năng lực xét nghiệm chính là "chìa khóa" giúp TP. Đà Nẵng "đón đầu", "ngăn chặn" việc lây nhiễm dịch. Bên cạnh đó, Thành phố đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp lên phương án thực hiện kỳ thi tốt nghiệp cho hơn 10.000 học sinh.

Không được để xảy ra ổ dịch tại bệnh viện, cơ sở y tế

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, dịch vẫn còn phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát, kể cả ở địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn.

Qua đợt dịch này, chúng ta rút ra nhiều bài học trong quá trình chỉ đạo, trong đó có tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” trong chỉ đạo, thực hiện; xét nghiệm nhanh, rộng, ứng dụng các phần mềm như Bluezone, truyền thông thông tin kịp thời, người dân ủng hộ, nhất là hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Trung ương và địa phương chỉ đạo quyết liệt nhưng linh hoạt, bảo đảm an toàn, kiểm soát nhưng vẫn thực hiện mục tiêu kép.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu, nước ta hội nhập sâu rộng, do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, các cấp, các ngành, đặc biệt ngành Y tế không được chủ quan, không được coi thường trong quá trình chỉ đạo mà phải tập trung, làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng. “Chúng ta xác địch chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng dịch thì chúng ta vẫn phải chung sống với dịch bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh toàn cầu sụt giảm, tăng trưởng âm, chúng ta là nước mới thoát nghèo, chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đề phòng, khống chế bằng được COVID-19, phong tỏa kiên quyết, chặn đứng nguồn lây ở các ổ dịch thì vẫn phải duy trì hoạt động kinh tế-xã hội ở mức độ cần thiết. Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phải cương quyết, sát sao, tỉnh táo chỉ đạo 2 nhiệm vụ này để làm sao đạt hiệu quả tối ưu. Không được để dịch bệnh lây lan bùng phát, đồng thời không để người dân quá lo lắng, bất ổn về cách ly xã hội.

Cần tăng cường hệ thống xét nghiệm, nâng cao khả năng xét nghiệm lên một tầm mới, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân xét nghiệm. Ngành Y tế cần suy nghĩ về việc nhận diện, chẩn đoán sớm nguy cơ mắc COVID-19 đối với các bệnh nhân có biểu hiện dù là nhẹ nhất. Cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, là người có bệnh lý nền, người cao tuổi dễ bị tử vong. Không được để xảy ra ổ dịch, nhất là tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải làm nhanh hơn, làm sớm hơn, cương quyết hơn bởi vì đường nào thì đây cũng là nơi chữa bệnh, dễ lây nhiễm.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, xuất hiện ca bệnh thì phải khoanh gấp, kịp thời, không để xảy ra ổ dịch lây lan diện rộng. Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát công tác phòng, chống dịch. Cần có văn hóa ứng xử trong bối cảnh có dịch, đặc biệt là văn hóa đeo khẩu trang trong trường học, bệnh viện, trên phương tiện công cộng, ở nơi đông người. Thủ tướng nhất trí với ý kiến cho rằng cần có chế tài bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết. Cần tuyên truyền, vận động nhân dân cài đặt các ứng dụng phần mềm phòng chống dịch như Bluezone.

Hệ thống khai báo y tế cần phải thuận lợi, tránh mất thời gian. “Văn hóa ứng xử trong thời kỳ dịch bệnh cần được phổ cập hơn nữa, kể cả rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, tinh thần cảnh giác với dịch bệnh”, Thủ tướng nêu rõ. Kiểm soát chặt chẽ người nhập cư trái phép trong nội địa và quản lý biên giới; xử lý các chủ khách sạn, các cơ sở lưu trú sử dụng lao động nhập cư trái phép.

Theo dõi, nắm chắc tình hình, không để dịch bùng phát, nếu có phải nhanh hơn, nhạy cảm hơn, chính xác, kịp thời hơn đối với mọi đối tượng có nguy cơ lây nhiễm là một yêu cầu đặt ra đối với công cuộc phòng, chống dịch. Các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý vào Việt Nam phải được cách ly phù hợp, trong đó có trách nhiệm của người mời, đặc biệt chính quyền địa phương.

Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thảo luận với các địa phương, sớm có phương án để giải quyết vấn đề này, trong đó bàn với Chủ tịch UBND Quảng Nam, Đà Nẵng và một số địa phương có học sinh thuộc diện F1, F2 để tiếp tục tổ chức tốt đợt thi tới trên tinh thần bảo đảm an toàn; chuẩn bị cho khai giảng năm học mới linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi địa phương.

Thủ tướng cho biết, sẽ sớm sửa đổi chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc, không có thu nhập một cách thuận lợi hơn nữa, phương án này Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ sớm trình Chính phủ./.

https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/thu-tuong-chong-dich-covid-19-la-mot-cuoc-chien-truong-ky?inheritRedirect=false&redi

Chủ động phòng Covid-19 đối với người cao tuổi

            Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, lây truyền từ người sang người. Bất cứ lứa tuổi nào đều có thể bị nhiễm Covid-19, nhưng đối với người cao tuổi, nhất là những người có bệnh nền có nguy cơ bị nặng hơn. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng. Nguy cơ “cơn bão cytokine”

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Khi nhiễm Covid-19 bệnh cũng nặng nề hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Cụ thể, qua kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ tử vong lên tới 19% ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên; 10,5% ở người có mắc bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc đái tháo đường; 6,3% ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); 6,0% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư.

Tại Việt Nam, tính đến chiều 23-8, có 19/27 trường hợp mắc Covid-19 tử vong là những người 60-90 tuổi trở lên (chiếm hơn 70%). Đa phần các trường hợp mắc Covid-19 tử vong đều trên nền các bệnh lý nặng: Suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp...

Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) - người tham gia hội chẩn, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng cho biết, dịch Covid-19 giai đoạn này đã “tấn công” vào các bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền nặng, khiến việc điều trị của các bác sĩ trở nên vô cùng khó khăn. Đối với những bệnh nhân này, việc nhiễm Covid-19 đã làm tổn thương tăng lên, suy đa phủ tạng nặng hơn, vì trước đó bản thân họ đã có những tổn thương. “Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đó là tình trạng “cơn bão cytokine” - một phản ứng miễn dịch cấp tính gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể. Đây là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như vi rút gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống. Do đó, tình trạng suy đa phủ tạng sẽ nặng hơn khi người bệnh dương tính với vi rút SARS-CoV-2”, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn cho biết thêm.

Trong số các bệnh lý nền mà bệnh nhân mắc phải, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nguy hiểm nhất là các bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo. Có những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo hơn 10 năm, dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở cơ thể gia tăng. Thêm vào đó, những biến chứng như: Suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp… càng khiến khả năng đáp ứng của cơ thể bị đè nén, không thể phản ứng lại được với sự xâm nhập của vi rút. Mặc dù được các bác sĩ hồi sức giỏi điều trị với những kỹ thuật tiên tiến, nhưng một số bệnh nhân vẫn tử vong.

Tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh đúng cách

Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính. Cụ thể, trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh; trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Do đó, việc phòng, chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi là vô cùng quan trọng.

Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, chuyên khoa hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, vi rút SARS-CoV-2 chủng mới đang lưu hành ở nước ta có nguy cơ lây lan cao và nhanh hơn nhiều so với các chủng cũ trước đó. Để phòng bệnh, người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu, tránh đến những nơi đông người và tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Để có một hệ miễn dịch hoạt động tốt, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Phổi trung ương) cho rằng, mỗi người cần phải bảo đảm cung cấp đủ năng lượng thông qua các bữa ăn hằng ngày, nhất là bữa sáng. Ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều đạm trong 3 bữa chính, người cao tuổi cần ăn thêm bữa phụ giữa giờ với các thực phẩm như: Sữa, sữa chua, hoa quả, ngũ cốc… Bên cạnh đó, bổ sung thêm các loại thực phẩm nhiều vitamin A, nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, vì nó đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp.

Cùng với việc bổ sung các chất dinh dưỡng, theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Thay vì hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý, bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế, áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục. Khi có một tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh sẽ giúp người cao tuổi phòng, tránh dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. 

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2482020

9 bài học chống dịch COVID-19 hiệu quả

             Nhận định về công tác chống dịch COVID-19 trong vòng một tháng qua tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 21/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây. Bộ Y tế cho hay đang tổng kết các bài học kinh nghiệm từ trường hợp Đà Nẵng, Quảng Nam hay Hải Dương. Theo đó, có 9 bài học chống dịch COVID-19 hiệu quả, Quyền Bộ trưởng chia sẻ tại cuộc họp. Quyền Bộ trưởng cũng thông tin trong vài ngày tới, tại Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế.

Tại Hải Dương, dịch bệnh cũng cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại nhà nhà 36 phố Ngô Quyền, TP Hải Dương với tất cả 12 trường hợp mắc bệnh đã được kiểm soát kịp thời. Công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm vẫn đang được khẩn trương thực hiện để nhanh chóng dập dịch dứt điểm.

Các ổ dịch khác tại một số địa phương được phát hiện đều nhanh chóng được khoanh vùng, cách ly và thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết.

“Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp mắc COVID-19 chưa được phát hiện, có khả năng lây lan trong cộng đồng nếu không thực hiện biện pháp phòng chống dịch kịp thời” – GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay.

Bộ Y tế cho hay đang tổng kết các bài học kinh nghiệm từ trường hợp Đà Nẵng, Quảng Nam hay Hải Dương. Theo đó, có 9 bài học được Quyền Bộ trưởng chia sẻ tại cuộc họp.

Trước hết, công tác phòng chống dịch COVID-19 đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo, các cấp các ngành, cơ quan Trung ương, địa phương…

Thứ hai, chúng ta đã xác định vùng nguy cơ và các đối tượng có nguy cơ rất nhanh chóng, đúng đắn, kịp thời, tiết kiệm cho nguồn lực. Đơn cử, tại Đà Nẵng, ngay từ đầu chúng ta đã xác định rất nhanh chóng 3 bệnh viện là tâm dịch, ổ dịch là toàn bộ thành phố Đà Nẵng.

Bài học thứ 3 được ngành Y tế rút ra, đó là cấp uỷ, chính quyền địa phương hành động quyết liệt, giãn cách kịp thời, lựa chọn phù hợp cho từng khu vực, khu vực nào thì phong toả, khu vực nào thì giãn cách tuỳ thuộc địa phương. “Các địa phương áp dụng nhuần nhuyễn” – Quyền Bộ trưởng đánh giá và nêu bài học ở Hải Dương. Theo đó, địa phương này đã thực hiện rất kịp thời, nhanh chóng trong khoanh vùng, phong toả, cách ly và giãn cách. Chính điều này đã hạn chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại Hải Dương.

Thứ tư, ngành Y tế đã huy động lực lượng lớn nhân viên y tế rất lớn “chưa có trong tiền lệ”, bao gồm các giáo sư đầu ngành, các bác sĩ, các chuyên gia và sinh viên. Lực lượng này đã phối hợp Đà Nẵng, Quảng Nam để quyết giữ mặt trận này. Hôm nay, sau hơn 3 tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã rút khỏi Đà Nẵng và về Hà Nội, cả đoàn thực hiện cách ly trước khi trở lại làm việc.

Bài học thứ 5, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ đã thiết lập ngay Bộ chỉ huy tiền phương (Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng) và kho tiền phương trong khu vực này. Bộ phận này đã phối hợp địa phương trong công tác phòng chống dịch, giúp địa phương vững tâm hơn, với những hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, điều phối nhân lực, trang thiết bị trên địa bàn hay của các viện, bệnh viện.

Bài học thứ 6, Quyền Bộ trưởng cũng đề cập vai trò quan trọng của bài học theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng vai trò của chính quyền địa phương, hoạt động hiệu quả của các tổ Covid dựa vào cộng đồng mà các địa phương đã thành lập, triển khai.

Đặc biệt “Bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng phát huy hơn, nhất là trong phòng chống đại dịch” – Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một trong những yếu tố rất quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, công suất xét nghiệm của Việt Nam cũng được nâng lên rất nhanh, việc truy vết, cách ly F1 rất kịp thời. Điều này theo Quyền Bộ trưởng “tuyệt đối rất quan trọng”.

"Ngay từ đầu, ngành Y tế đã dứt khoát quan điểm kiên quyết cách ly F1 và lấy mẫu xét nghiệm. Phải cách ly ngay, đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng mới ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng” – GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Tới nay, trong thời gian ngắn, công suất xét nghiệm đưa lên rất nhanh chóng… Tính từ 23/7/2020 đến nay, cả nước đã thực hiện 421.444 xét nghiệm trong tổng số 843.688 xét nghiệm RT-PCR với công suất xét nghiệm gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần một tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu. Toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

“Khả năng xét nghiệm của chúng ta có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng” – Quyền Bộ trưởng khẳng định.

Bài học thứ 8, được rút ra từ kinh nghiệm chống dịch của các địa phương trong giai đoạn này, đó là đảm bảo tất cả hoạt động phát triển kinh tế với khu vực khác: Kiểm soát biên giới, người nhập cảnh, bảo hộ công dân... Trong thời gian qua, các cấp, các ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đã thực hiện tốt việc này.

Bài học thứ 9, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định là việc chuẩn bị chủ động về hậu cần, không bị gián đoạn như lần trước. Tất cả trang thiết bị, vật tư tiêu hao, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ đã chủ động hơn trước.

Về máy thở, các cơ sở y tế không lo thiếu, ngành y tế đã vận động tài trợ, tổ chức tiếp nhận 3.700 máy thở và sẵn sàng điều chuyển hỗ trợ khi các địa phương, cơ sở y tế có nhu cầu

Đánh giá chung, Quyền Bộ trưởng cho hay trong đợt dịch này, chúng ta đã triển khai các biện pháp bài bản, kịp thời, đồng bộ và rất nhanh chóng. Dự kiến, chúng ta mất khoảng 1 tháng để kiểm soát được tình hình dịch. Ví dụ như Hải Dương trong khoảng 10 ngày là kiểm soát được nhờ hành động nhanh, quyết liệt, thần tốc. Theo Quyền Bộ trưởng, càng hành động nhanh chóng bao nhiêu thì càng hạn chế hậu quả nặng nề bấy nhiêu.

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2482020

Bệnh viện Trung ương Huế điều trị thành công 4 bệnh nhân mắc Covid- 19

         Bệnh viện Trung ương Huế - cơ sở 2 đã công bố điều trị khỏi COVID-19 cho 4 bệnh nhân nặng. Cả 4 bệnh nhân được xuất viện và tiếp tục cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh viện Trung ương Huế - cơ sở 2 đã công bố điều trị khỏi COVID-19 cho 4 bệnh nhân nặng suy thận, chạy thận nhân tạo. Đây là những bệnh nhân có bệnh nền nặng, sau quá trình điều trị tích cực, cả 4 bệnh nhân đều được bệnh viện công bố khỏi bệnh cách đây ít ngày.

4 bệnh nhân được công bố chữa trị khỏi COVID-19 đã trải qua nhiều lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. 

Các bệnh nhân được công bố gồm: BN 483 (37 tuổi); BN 481 (65 tuổi); BN 476 (27 tuổi) và BN 507 (57 tuổi).

Bệnh nhân 383 là nữ giới trú tại phường Nam Dương - quận Hải Châu - TP Đà Nẵng có tiền sử: Suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 tháng, Lupus ban đỏ. Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, vào viện trong tình trạng mệt, khó thở.

Từ ngày 2/7 - 31/7, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, ngày 27/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/7/2020 bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Sau khi được chữa trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân đã có kết quả 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh nhân 481, nữ giới, trú tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bệnh nhân có tiền sử: Thận đa nang 20 năm, Tăng huyết áp hơn 10 năm, suy thận mạn 6 tháng, đã chạy thận nhân tạo 4 tháng nay, suy tim.

Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần. Bệnh nhân không có triệu chứng hô hấp, tuy nhiên bệnh nhân là F1 nguy cơ cao. Từ ngày 15/6 - 31/7, bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 27/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngày 30/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/7/2020, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Chẩn đoán khi vào viện: COVID-19, suy thận mạn, gan thận đa nang, thiếu máu. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 14/8, 15/8, 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh nhân 476 là nữ giới, trú tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 2 năm, tăng huyết áp, thiếu máu, suy tim.

Quá trình bệnh lý: Bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, vào viện trong tình trạng mêt, khó thở. Ngày 30/7, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 31/7/2020, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để điều trị. Chẩn đoán vào viện: COVID-19, suy thận mạn giai đoạn 5, thận nhân tạo, suy tim

Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả 8 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 4/8, 10/8, 11/8, 12/8, 13/8, 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh nhân 507, nam giới, có địa chỉ tại xã Hòa Bắc - huyện Hòa Vang, TP Đà nẵng. Bệnh nhân có tiền sử: Tăng huyết áp 1 năm; chạy thận nhân tạo 2 lần/tuần trong 2 tháng nay.

Từ ngày 14/5 - 24/7, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 31/7, bệnh nhân có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Ngày 1/8, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, chẩn đoán vào viện: COVID-19, suy thận mạn, thiếu máu.

Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có kết quả 6 lần âm tính với SARS-CoV-2 ngày 10/8, 12/8, 13/8, 14/8, 15/8 và 17/8 và được công bố khỏi bệnh. Ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển về cách ly tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng và tiếp tục chữa trị bệnh nền tại Bệnh viện C Đà Nẵng. (An ninh Thủ đô, trang 6; Công an nhân dân, trang 2).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2482020

Phòng chống sốt xuất huyết trong đại dịch COVID-19: Những sai lầm cần tránh

          Lo lắng trước sự lây nhiễm của COVID-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết (sốt, đau mỏi người,..) có tâm lý e ngại khi tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc COVID-19.

Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân Hà Nội hiện nay trước dịch COVID-19 và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính… Tại Hà Nội, từ đầu hè tới nay các ca sốt xuất huyết ban đầu ở ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín… đã lan dần vào cac khu vực trung tâm như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai...

Điển hình có 1 ca sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới là một thanh niên 27 tuổi ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngày 16/8, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, 39 - 40 độ, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng từ ngày 30/7 đến 7/8 nên ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến COVID-19, tuy nhiên làm xét nghiệm RT-PCR đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trong khi đó, xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, kèm da xung huyết đỏ, lúc này xét nghiệm test Dengue NS1 dương tính. Bệnh nhân được kết luận mắc sốt xuất huyết, được điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết: truyền dịch, hạ sốt. Sau 4 ngày điều trị theo đúng phác đồ của bệnh, hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Đặc biệt, cách đây 1 tuần, Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai đã tiếp nhận 1 ca sốt xuất huyết là 1 thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng không vào viện điều trị. Khi đưa đến Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2.

Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

Những sai lầm đáng tiếc

       Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trên đây là hai sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Các chuyên gia khuyến cáo: Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Phân biệt COVID-19 với bệnh sốt xuất huyết

PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. COVID-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Ngoài ra sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc COVID-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

https://suckhoedoisong.vn/phong-chong-sot-xuat-huyet-trong-dai-dich-covid19-nhung-sai-lam-can-tranh-n179242.html

Những điều cần biết về virus cúm và vắc xin cúm

         Cúm là bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này dẫn đến nhiều biến chứng đáng tiếc. PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc về cúm mùa và vắc xin phòng cúm.

Cúm mùa là gì?

Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm (Influenza virus) gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm. Khác với các nước ôn đới, cúm mùa xảy ra vào mùa thu - đông, ở Việt Nam thường gia tăng vào thời điểm chuyển mùa, như tháng 3-4-5 và tháng 7-8.

Cúm mùa có bao nhiêu loại?

Cúm mùa được chia làm 3 loại gồm cúm A, cúm B và cúm C. (ảnh minh hoạ)

Trong đó, cúm A với nhiều chủng gây bệnh như A(H5N1), A(H3N2), A(H1N1)… là loại nguy hiểm nhất, bởi trải qua lịch sử giám sát, những đại dịch thường xuất phát từ chủng cúm này. Cúm A không chỉ gây bệnh trên người mà còn trên gia cầm, động vật hoang dã, một khi nó đột biến và lây sang cho người sẽ gây đại dịch.

Cúm B chỉ có một chủng loại duy nhất lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc, còn cúm C gần giống với cảm lạnh thông thường.

Cùng triệu chứng ho, sốt, làm sao phân biệt cảm lạnh và cảm cúm?

 

Cảm lạnh chỉ gây nhiễm trùng hô hấp trên, không dẫn đến biến chứng nặng tử vong và chỉ cần nghỉ ngơi, không cần uống thuốc sẽ tự khỏi. Nhưng cúm mùa thì ngược lại, nó có thể gây áp lực lên cả đường hô hấp trên và lan xuống đường hô hấp dưới gây nguy hiểm tính mạng.

Cảm lạnh cũng gây các triệu chứng như sốt, ho sổ mũi nhưng nhẹ hơn. Trong khi đó, cúm mùa diễn tiến rất đột ngột, sốt cao, mệt mỏi nghiêm trọng, đau nhức mình mẩy, khó thở, tức ngực, ho nặng và thường kéo dài. Riêng ở trẻ em có một số triệu chứng đặc biệt như quấy khóc, bỏ bú, bú kém, không uống được nước, một số trường hợp có dấu hiệu co giật.

Nếu nghĩ rằng có thể bị cúm, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Thời gian ủ bệnh của cúm mùa?

Thời gian ủ bệnh của virus cúm ngắn, thường từ 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày. Thời kỳ lây bệnh khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng.

Cúm mùa lây nhiễm như thế nào?

Virus cúm có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho hay hắt hơi. Cúm màu cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với mầm bệnh như tay dính virus qua bắt tay, sử dụng chung điện thoại, remote tivi… rồi đưa lên mắt, mũi hay miệng của mình.

Tỷ lệ lây lan mạnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Ai dễ bị biến chứng khi mắc cúm mùa?Ở một cơ thể khỏe mạnh và ở độ tuổi trẻ, cúm mùa thường không có những ảnh hưởng nghiêm trọng, nó chỉ mang lại cảm giác khó chịu, mệt mỏi trong vài ngày và sẽ tự khỏi sau 1 hoặc 2 tuần nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, đối với trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa (tiểu đường), thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch do HIV hoặc hóa trị liệu, béo phì khi bị cúm mùa có thể diễn tính thành ác tính, gây biến chứng viêm phế quản, hen suyễn, nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm não, thậm chí là suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong.

Vai trò của vắc xin trong việc phòng ngừa cúm?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, vắc xin là một biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả nhất trong việc phòng cúm. Vắc xin cúm mùa đã được sử dụng trên 50 năm nay trên toàn cầu, khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa lên đến 98%.

Chỉ một mũi tiêm hàng năm giúp giảm khả năng mắc bệnh; Giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng và tử vong ở trẻ em, người trưởng thành trong độ tuổi lao động, người cao tuổi; Giúp phòng ngừa các biến cố sức khỏe nghiêm trọng có liên quan tới các bệnh mạn tính có sẵn như tiểu đường, hô hấp, tim mạch; Bảo vệ phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh nở (bao gồm cả việc bảo vệ đứa trẻ khỏi cúm nhờ kháng thể của mẹ truyền cho con khi đang mang thai).

Đối với vắc xin cúm, hiện trên thị trường có đầy đủ tất cả các dạng của công nghệ vắc xin, từ vắc xin sống giảm độc lực ở các nước Âu Mỹ thường dùng là dạng xịt, cho tới vắc xin bất hoạt, thậm chí tiểu đơn vị vắc xin dạng mảnh theo công nghệ protein.

Trong đó, vắc xin cúm bất hoạt thế hệ 3 với hiệu quả và ít tác dụng ngoại ý hơn các thế hệ cũ, an toàn cho người bệnh hô hấp, tim mạch, kể cả phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú mà không ảnh hưởng đến thai nhi, trẻ sơ sinh.

Đặc biệt, mỗi năm, các thành phần kháng nguyên trong vắc xin sẽ được điều chỉnh dựa trên các khuyến cáo của WHO để phù hợp với các chủng virus cúm biến đổi. Đồng thời, có thể tiêm với các vắc xin khác mà không gây tương tác.

Độ tuổi và thời điểm nào nên tiêm phòng cúm?

Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần chích ngừa cúm, tuy nhiên những nhóm người sau càng cần phải chích ngừa hơn, đó là: Trẻ em; phụ nữ mang thai; người cao tuổi (đặc biệt là người trên 65 tuổi); người sống ở nhà dưỡng lão; người mắc bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, người suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS hay ghép tạng; nhân viên y tế; người sống chung với người có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm.

Vắc xin cúm nên được tiêm ngừa trước khi cúm mùa bắt đầu lây lan trong cộng đồng (như đã nói ở Việt Nam thường gia tăng vào thời điểm chuyển mùa, như tháng 3-4-5 và tháng 7-8). Khoảng 2 tuần sau khi tiêm, cơ thể có thể hình thành kháng thể bảo vệ khỏi các chủng virus có trong vắc xin.

Các phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin cúm?

Sau khi tiêm vắc xin ngừa cúm, kể cả trẻ em hay người lớn đều cần theo dõi phản ứng tại chỗ, lưu lại cơ thể y tế trong 30 phút, theo dõi huyết áp và nhịp tim.

Tác dụng phụ của vắc xin cúm thường ít xảy ra, vì hiện nay đang dùng vắc xin bất hoạt. Đa phần các phản ứng như sưng đau chỗ tiêm, sốt thường nhẹ và tự khỏi. Nếu sốt, đau có thể dùng paracetamol và có thể dùng thêm biện pháp chườm lạnh. Nhưng lưu ý là không chườm nóng, bôi dầu, đắp khoai tây hay bôi những chất lạ lên vị trí tiêm, vì có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Cơ địa dị ứng trứng, có nên tiêm ngừa vắc xin cúm mùa?

Trong quá trình sản xuất vắc xin có công đoạn cấy virus cúm trên phôi trứng gà, nhưng nồng độ ovalbumin rất ít, thậm chí bây giờ đa số chúng ta sử dụng vắc xin bất hoạt, hầu như không có hoặc rất ít gây dị ứng.

Trên phương diện khoa học, tất cả những hướng dẫn về chủng ngừa trên thế giới của Hoa Kỳ, Canada, Úc… đều cho rằng dị ứng trứng không phải chống chỉ định tuyệt đối của chủng ngừa, nếu dùng vắc xin bất hoạt. Nhưng bắt buộc cần thận trọng trong trường hợp bệnh nhân thật sự có phản ứng phản vệ với trứng (sốc hoặc khó thở sau khi ăn trứng).

Đồng thời, trước khi tiêm ngừa nên cung cấp cho nhân viên y tế thông tin về tình trạng dị ứng của người bệnh, kể cả dị ứng trứng.

https://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-virus-cum-va-vac-xin-cum-n177066.html

Cục ATTP thông tin về chất gây ung thư trong sản phẩm dinh dưỡng công thức tại Hồng Kông

         Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế ) vừa phát đi thông tin liên quan đến nghiên cứu về 3– MCPD và Glycidyl Este trong sản phẩm dinh dưỡng công thức tại Hồng Kông.

Sau khi Hội người tiêu dùng Hong Kong báo cáo 15 nhãn sữa chứa chất 3-MCPD (nếu tiêu thụ quá mức có thể làm suy giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản) và Glycidyl Este (chất nguy cơ gây ung thư nếu sử dụng vượt hàm lượng cho phép), trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm đã liên lạc với đầu mối Hệ thống các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) của Hồng Kông và đã được cung cấp thông tin như sau:

Theo nghiên cứu này, 3-Monochloropropane-1,2-diol (3-MCPD) và glycidyl este (GE) được tìm thấy trong 15 sản phẩm dinh dưỡng công thức là những chất sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm và có thể có trong một số thực phẩm. Hiện tại, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex) và các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Singapore và Châu Âu (EU) chưa đưa ra tiêu chuẩn về 3-MCPD trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức.

Theo Lượng ăn vào hàng tuần tạm thời chịu đựng được (PTWI) do Ủy ban hỗn hợp các chuyên gia FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) xây dựng đối với 3-MCPD thì lượng 3-MCPD được phát hiện trong nghiên cứu của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông đều thấp hơn PTWI khi sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn trên nhãn.

Về quy định đối với GE, Codex, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Singapore cũng không đặt ra tiêu chuẩn về GE trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức. Riêng EU có quy định giới hạn tối đa đối với GE trong sản phẩm dinh dưỡng công thức và tất cả GE được phát hiện trong các sản phẩm dinh dưỡng công thước trong báo cáo của Hội đồng người tiêu dùng Hồng Kông đều đạt tiêu chuẩn của EU.

Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý của Hồng Kông, các tổ chức quốc tế và các cơ quan quản lý của các quốc gia khác để cập nhật những thông tin mới nhất về các quy định đối với 3-MCPD và GE và thông báo tới người tiêu dùng được biết để lựa chọn sản phẩm cho phù hợp.

Trước đó ngày 17/8/2020, Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông công bố kết quả nghiên cứu về an toàn và chất lượng dinh dưỡng trong các sản phẩm dinh dưỡng công thức trên Trang thông tin điện tử.

Kết quả cho biết đã phát hiện 15 mẫu sản phẩm dinh dưỡng công thức có chứa 3-Monochloropropane-1,2-diol (3-MCPD) và 9 mẫu có chứa glycidyl este (GE). Trong số các loại sản phẩm dinh dưỡng công thức kiểm nghiệm có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Wyeth, Mead Johnson, Abbott, Meiji...

https://suckhoedoisong.vn/cuc-attp-thong-tin-ve-chat-gay-ung-thu-trong-san-pham-dinh-duong-cong-thuc-tai-hong-kong-n179234.html

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày