Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?


Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 252

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 8 đến ngày 14 tháng 9 năm 2020
Lượt đọc 1853Ngày cập nhật 14/09/2020

Điểm báo từ ngày 8 đến ngày 14 tháng 9 năm 2020

Thủ tướng: Có thể tăng dần việc cách ly ở cơ sở lưu trú

      (Chinhphu.vn) - Thủ tướng đề nghị các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận của 3 thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở lưu trú, khách sạn làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu, có thể tăng dần trong thời gian tới.

     Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ vào sáng nay, 11/9/2020, về phòng chống COVID-19.

      Theo Thủ tướng, thời gian qua, các địa phương, nhất là 15 địa phương có ca mắc gồm Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam, Hải Dương và một số địa phương khác đã phối hợp với ngành Y tế, các cấp, các ngành để chỉ đạo triển khai phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm. Đến nay, đã 9 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Về cơ bản, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch tích cực, trách nhiệm, đề cao cảnh giác, vừa đẩy mạnh sản xuất đã được thực hiện, đạt kết quả bước đầu. Đến nay, các địa phương, kể cả Đà Nẵng đã cơ bản trở lại hoạt động bình thường.

     Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa. Cho nên, một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp bộ, các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép. Phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể là thực hiện tốt “thông điệp 5K” - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế. Các địa phương cần phải tăng cường chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp xác lập tình trạng bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa phòng, chống dịch tại cơ sở.

     Thủ tướng nhấn mạnh “tinh thần mở cửa, lo làm ăn kinh doanh nhưng không được chủ quan”. Phải chủ động chuẩn bị các kịch bản, các phương án ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan, các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp có lực lượng lao động lớn và các khu dân cư. Cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, diễn tập, hướng dẫn các biện pháp ứng phó với tình huống xảy ra dịch bệnh ở những khu vực này.

     Sẵn sàng tạo mọi điều kiện để thúc đẩy hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn. Các địa phương không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại giao thương, không “ngăn sông cấm chợ”.

       Bộ Y tế phải phối hợp các bộ, ngành phổ biến và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, đồng thời phải theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở đường bay thương mại quốc tế. Ngành Y tế, ở cả Trung ương và địa phương chủ động, có biện pháp thần tốc khi phát hiện ca dương tính mới.

     Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực; xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia… về Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xem xét giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế, bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn các cảng hàng không tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế, các phương án giải tỏa cho các cảng hàng không quốc tế, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly kinh tế phù hợp, các hướng dẫn khác bảo đảm công tác phòng, chống dịch một cách thuận lợi cho ngươi được nhập cảnh. Tăng tần suất chuyến bay đón công dân về nước cũng như đón các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý vào Việt Nam.

     UBND các tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện cách ly có thu phí. Thủ tướng đề nghị các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận của 3 thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở lưu trú, khách sạn làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu, có thể tăng dần trong thời gian tới. Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng.

     Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí, chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội khi cần thiết.

      Về vấn đề thu tiền xét nghiệm còn có nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng đề nghị VPCP chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế để xác định mức phù hợp.

     Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục truyền thông về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi có bệnh lý nền, khuyến khích khai báo y tế tự nguyện, cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone.

     Các Bộ: Công an, Quốc phòng, UBND các tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý nghiêm các tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, khách sạn nhận người nhập cư trái phép lưu trú, doanh nghiệp nhận lao động, người nhập cảnh trái phép.

Các bộ, ban, ngành, các địa phương, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ở các cửa khẩu tạo thuận lợi nhất về thủ tục cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến Việt Nam với thủ tục nhanh, gọn, rõ ràng, có thời hạn cụ thể và đầu mối chịu trách nhiệm.

“Chúng ta nói mở cửa thì thủ tục phải thuận lợi, còn sau đó thì Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn các cơ quan, các địa phương cách ly và xét nghiệm theo phương thức phù hợp”, Thủ tướng nói. Ngoài các cơ quan truyền thông, báo chí, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tuyên truyền cho nhân dân về thực hiện mục tiêu kép, phát triển kinh tế xã hội, không để đình trệ, đứt gãy các hoạt động kinh tế là yêu cầu quan trọng hiện nay, đồng thời không mất cảnh giác với tình hình dịch bệnh. Tiếp tục phát huy triển khai công việc theo hình thức trực tuyến trên môi trường mạng.

    Thủ tướng nhắc lại việc tạo thuận lợi cho người dân giao thương, không gây khó khăn, chậm trễ như một số trường hợp vừa qua, không để tình trạng chỉ lo phòng, chống dịch bệnh mà không lo phát triển sản xuất kinh tế.

    Về gói hỗ trợ an sinh, Thủ tướng đề nghị sớm trình Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của gói này, trong đó có việc kéo dài thời gian.

      Dẫn dự báo cho rằng ở khu vực ASEAN chỉ có Việt Nam tăng trưởng dương, Thủ tướng nêu rõ, đây là thử thách rất lớn, do đó, chống dịch nhưng phải lo phát triển kinh tế./.

https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/thu-tuong-co-the-tang-dan-viec-cach-ly-o-co-so-luu-tru?inheritRedirect=false&redirect=

Trẻ 5-6 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết

       Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em- BV Nhi TW đã tiếp nhận hơn 60 trẻ nhập viện vì mắc sốt xuất huyết đến điều trị.

Sốt xuất huyết không chừa một ai, trẻ nhũ nhi cũng mắc bệnh

       Chị Thế Thị Thu Trang (ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) đã cho con trai vào BV Nhi Trung ương điều trị được 8 ngày, đến nay con chị vẫn mệt nhiều, dưới da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết và không ăn được. “Con mắc bệnh đúng vào dịp đầu năm học mới, hôm khai giảng không tham dự được nên rất cháu rất buồn”, chị Trang cho hay.

       Chị Trang kể, từ ngày 31/8, chị thấy con có biểu hiện sốt cao, có khi lên đến 41 độ, nôn vài lần trong ngày. Cho bé uống thuốc hạ sốt thì chỉ hạ được ít. Thấy vậy, chị cho con đến BV huyện Đan Phượng thăm khám và được chẩn đoán là sốt xuất huyết. Điều trị tại đây 2 ngày, cháu không đỡ nên gia đình xin chuyển lên BV Nhi TW.

      Ngoài đứa con trai lớn đang điều trị tại viện, trong gia đình chị Trang còn một đứa con nhỏ 4 tuổi cũng mắc bệnh nhưng nhẹ hơn. Ngoài ra, bố chị Trang cũng ở Tân Hội hiện đang bị sốt xuất huyết.

      Con trai chị Trang chỉ là một trong nhiều trẻ hiện đang điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới- BV Nhi Trung ương.

    Thống kê cho biết, tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9. “Hiện tại khoa đang điều trị cho 6-7 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dự kiến con số có thể tăng lên trong những ngày tới do đây đang là thời điểm mùa mưa”- TS Nguyễn Văn Lâm - Giasm đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết.

       TS Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, trong số các trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết rất đa dạng về độ tuổi, may mắn là hiện chưa có trường hợp nào trẻ nguy kịch hay tử vong. Thậm chí có nhiều trẻ nhũ nhi cũng đã nhập viện do mắc căn bệnh này.

       Điển hình là trường hợp cháu bé mới 5-6 ngày tuổi đã mắc sốt xuất huyết. Nguyên nhân có thể do mẹ mắc sốt xuất huyết sau đó bị muỗi đốt, con muỗi đó lại đốt sang người trẻ khiến trẻ bị mắc bệnh. “Đối với những trẻ nhũ nhi dù mới được vài ngày tuổi nhưng trẻ không có biến chứng nặng như những trẻ lớn hơn”- TS Lâm chia sẻ.

     TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh nhân sốt xuất huyết không tăng. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm ghi nhận hơn 60 ca sốt xuất huyết, tập trung nhiều chủ yếu vào tháng 8, 9.

Phụ huynh tuyệt đối không tự ý dùng ibuprofen hạ sốt cho trẻ

     TS Nguyễn Văn Lâm cho hay, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, phát ban, nguyên tắc đầu tiên các gia đình cần phải xem nguyên nhân sốt của trẻ để tìm cách hạ sốt cho tốt. Do đó, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, theo dõi và chẩn đoán bệnh.

     TS Lâm lưu ý, hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con hạ sốt chưa đúng cách. Thí dụ như, khi con sốt xuất huyết, tuyệt đối không cho hạ sốt bằng thuốc Ibprofen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.

      "Chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp trẻ bị xuất huyết tiêu hóa nặng khi bị sốt xuất huyết, khi vào viện khai thác tiền sử gia đình mới biết, phụ huynh tự ý cho dùng ibuprofen. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo tuyệt đối không nên dùng loại thuốc này cho trẻ bị sốt xuất huyết”, TS Lâm cảnh báo.

       TS Lâm nhấn mạnh: Trẻ sốt xuất huyết chỉ cần hạ sốt bằng thuốc paracetamol thông thường.

     Sốt xuất huyết do virus gây nên bệnh khởi phát cũng giống như các bệnh nhân nhiễm trùng khác: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, sang ngày 2-3 sốt cao, ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch.

      Do đó, việc bù dịch cho con cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách. “Giai đoạn sau ngày thứ 5-6 của sốt, trẻ sẽ tái hấp thu nên nếu bù dịch không đúng theo phác đồ thành thừa dịch, gây tràn dịch đa màng, có thể làm trẻ khó thở do bù dịch không đúng”, BS Lâm khuyến cáo.

     Cuối cùng để phòng sốt xuất huyết, vấn đề gốc dễ là vệ sinh nơi ở bằng cách không tích trữ nước mưa, lật úp các đồ dùng có thể chứa nước đọng, ngủ mắc màn, diệt loăng quăng, bọ gậy… (Sức khỏe & Đời sống, trang 12).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1092020

 Thi cấp chứng chỉ hành nghề là khâu đột phá, nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y

      Đây là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế khi chủ trì cuộc làm việc với Chủ tịch Hội đồng Trường và Hiệu trưởng các trường Đại học Y Dược trực thuộc Bộ Y tế chiều ngày 10/9. Cũng tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng khẳng định, không đổi mới đào tạo nhân lực, ngành Y tế không thể vươn cao, tiến xa.Cùng dự buổi làm việc có GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo các Vụ/Cục chức năng liên quan.

     Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo báo cáo tóm tắt về đổi mới đào tạo nhân lực y tế; Mô hình đào tạo bác sĩ y khoa; Báo cáo đề xuất về đổi mới đào tạo nhân lực y tế và tổ chức thi quốc gia đánh giá năng lực nghề nghiệp; Dự thảo Quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ; Báo cáo về việc thành lập Hội đồng y khoa Quốc gia và tổ chức triển khai thực hiện; Xây dựng hai Trung tâm đánh giá năng lực nghề nghiệp…Các đại biểu đã thảo luận về các nội dung liên quan đến đổi mới đào tạo nhân lực y tế; vai trò của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng  trường; cũng như các mong muốn của các trường trong thực hiện tự chủ hoạt động...

     Phát biểu kết luận, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh quan điểm chung trong đổi mới của ngành Y tế hiện nay và tới đây là đổi mới mạnh mẽ, toàn diện các hoạt động của ngành nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân.Một trong những lĩnh vực được lựa chọn đổi mới đầu tiên là nhân lực ngành Y.

     Theo Quyền Bộ trưởng, không đổi mới nhân lực thì không thể vươn cao, tiến xa được và việc này cần quá trình, không thể ngày một ngày hai. “Mong rằng các đồng chí Chủ tịch, Hiệu trưởng các trường cần quán triệt tinh thần đổi mới đó đến toàn thể nhà trường”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh. 

       Thực hiện đổi mới đào tạo nhân lực để ngành Y tế phát triển ngang bằng các nước trong khu vực và các nước trên thế giới ( theo Nghị quyết 20), ngành Y tế xác định lấy việc thi cấp chứng chỉ hành nghệ là khâu đột phá để nâng cao chất lượng.

     Trong giai đoạn đầu, có thể ở mức độ khó vừa phải để những giai đoạn sau sẽ siết chặt, độ khó ngang với thì chúng chỉ hành nghề ở các nước tiên tiến.“Không thể “mẹ hát con khen hay”, bác sĩ tốt nghiệp các trường ra đều được hành nghề như nhau.

     Về lâu dài, điểm thi cấp chứng chỉ hành nghề sẽ là căn cứ để các bệnh viện tuyển chọn nhân lực” – Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.Việc cấp chứng chỉ hành nghề có liên quan hội đồng y khoa. Hội đồng này sẽ hình thành toàn bộ hệ thống ngân hàng câu hỏi, đề thi. Mỗi câu hỏi là một kỹ năng thực hành.

    Quyền Bộ trưởng lưu ý, bên cạnh việc phát triển ngân hàng câu hỏi phải tiến hành song song với xây dựng các tài liệu hướng dẫn đi kèm.Quyền Bộ trưởng chia sẻ, tại các nước như Úc, Mỹ, muốn hành nghề, nhân viên y tế phải thi cấp chứng chỉ, trong khi bằng Đại học chỉ là một căn cứ.

“Tới đây chúng tôi sẽ quyết liệt trong công tác thi cấp chứng chỉ hành nghề này. Đơn cử, người nước ngoài muốn được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải thành thạo tiếng Việt” – GS.TS Nguyễn Thanh Long khẳng định. 

  Cùng đó, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề này sẽ được thực hiện sớm không đợi đến năm 2030 mà sẽ được thực hiện khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực.

     Một điểm được Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh là việc đổi mới đào tạo, phải theo thông lệ quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo có yếu tố Việt Nam.

https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/TW6LTp1ZtwaN/content/thi-cap-chung-chi-hanh-nghe-la-khau-ot-pha-nang-cao-chat-luong-n

Khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế

       Ngày 9-9, Bộ Y tế khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế tại các trang web: https://quanlytrangthietbiyte.com/tra-cuu-ttb-y-te hoặc  https://dmec.moh.gov.vn/. Bộ Y tế xây dựng hệ thống phần mềm, cấp tài khoản để doanh nghiệp tự thực hiện việc công khai giá, cập nhật đăng công khai trên Cổng thông tin giá trang thiết bị y tế kèm theo các yếu tố xác định giá trang thiết bị y tế. Việc công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế, công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế trên Cổng thông tin sẽ giúp  các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán và xây dựng hồ sơ đấu thầu nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và làm lành mạnh thị trường trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Các chủ thể (đại diện của chủ sở hữu thiết bị y tế) phải công khai giá của thiết bị y tế tương ứng với cấu hình, tính năng kỹ thuật và thuế, phí các dịch vụ cơ bản đi kèm (bảo hành, vận chuyển, lắp đặt, đào tạo hướng dẫn sử dụng, giá linh kiện thay thế chính, giá bảo trì sau bảo hành…).

         Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế sẽ quyết tâm thực hiện tốt nội dung này, yêu cầu các hãng (hoặc đơn vị được hãng ủy quyền) thực hiện nghiêm túc việc công khai giá theo quy định của Luật Giá. Bộ Y tế sẽ cập nhật nâng cấp tính năng phần mềm và tham mưu ban hành các văn bản pháp quy để hệ thống này trở thành một kênh tra cứu chính thức về giá trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Từ tháng 4-2020 đến nay, Bộ Y tế đã công khai toàn bộ kết quả đấu thầu trang thiết bị y tế với khoảng 50.000 kết quả, đây là cơ sở, căn cứ tra cứu, tham chiếu, là bước đi làm lành mạnh hóa thị trường. (Nhân dân, trang 8).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1092020

Ban hành khẩn nhiều quy định mới về đấu thầu thiết bị y tế để tránh “thổi giá"

       Tại hội nghị triển khai thực hiện Thông tư số 14/2020/TT-BYT về đấu thầu TTBYT do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến tới tất cả 63 tỉnh/ thành vào ngày 12-9, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, quy định về đấu thầu TTBYT hiện nay còn có nhiều kẽ hở, đã làm nảy sinh một số vụ việc tiêu cực. Cụ thể, các quy định về đấu thầu, mua sắm TTBYT hiện được thực hiện theo các quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan về đấu thầu và các hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC.

      Tuy nhiên, do TTBYT là mặt hàng đặc thù nên việc quy định đấu thầu như một loại hàng hóa thông thường kể trên gây ra nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện và quản lý. Vì thế, Bộ Y tế đã bổ sung quy định và điều chỉnh tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT về đấu thầu TTBYT, với nhiều điểm mới như sau:

- Thực hiện việc phân nhóm đối với TTBYT và việc dự thầu vào các nhóm của gói thầu để các cơ sở y tế có thể thêm cơ sở lua chọn. - Quy định rõ về điều kiện của TTBYT tham dự thầu, trách nhiệm của các nhà cung cấp liên quan đến công tác bảo hành, bảo trì và cung cấp phụ kiện, vật tư thay thế để đảm bảo hiệu quả sử dụng, đầu tư các TTBYT; từ đó tránh tình trạng mua bán lòng vòng, đẩy giá TTBYT như một số vụ việc vừa phát hiện.

- Quy định minh bạch mẫu xây dựng cấu hình, tính năng kỹ thuật và các yêu cầu về tính pháp lý đối với TTBYT khi tham dự thầu.

- Thực hiện việc công khai, minh bạch kết quả lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở đó các đơn vị có thể tham khảo về giá trúng thầu được công bố để lập dự toán giá gói thầu và đồng bộ với việc tham khảo giá trên Cổng thông tin công khai giá TBYT được Bộ Y tế công khai từ ngày 9-9-2020 để các đơn vị có thêm kênh tra cứu, tham khảo khi lập kế hoạch mua sắm, lựa chọn TTBYT phù hợp.

Ngoài ra, Thông tư số 14/2020/TT-BYT cũng nhấn mạnh, TTBYT là loại hàng hóa đặc thù, việc mua sắm tại các cơ sở y tế cần tăng cường vai trò tham mưu của Phòng vật tư TBYT hoặc bộ phận quản lý TTBYT và Hội đồng khoa học tại cơ sở cũng như trách nhiệm của thủ trường các cơ sở y tế với vai trò là chủ đầu tư (An ninh thủ đô, trang 14).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1492020 

Điều phối thuốc giải độc Botulinum vào phía Nam

     Liên quan tới vụ việc pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum khiến một số người bị ngộ độc nặng, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết các bác sĩ vừa hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện, lựa chọn chỉ định theo tình trạng của bệnh nhân, nhằm điều phối thuốc kháng độc tố Botulinum từ Hà Nội (do Tổ chức Y tế thế giới viện trợ) vào các tỉnh, thành phía Nam. Trong đó, 6 lọ thuốc đã được điều phối cho 6 bệnh nhân nặng ở phía Nam. Theo phác đồ điều trị, các bệnh nhân nhẹ hơn không phải dùng thuốc và số thuốc còn lại sẽ được dự trữ cho các bệnh nhân sắp tới.

     Ngay khi về tới TPHCM, các loại thuốc giải độc được giao cho đơn vị quản lý dược của Bệnh viện Nhân dân 115 để kịp thời chuyển đến các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết, đơn vị đã tiếp nhận một liều thuốc giải độc tố Botulinum do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ cho Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân nặng. “Ngay sau khi nhận được thuốc, Khoa Bệnh nhiệt đới đã truyền thuốc cho bệnh nhân N.N.D. (54 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phải thở máy và đang tiếp tục theo dõi sau truyền thuốc”, bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết.

       Để nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum, Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulinum. Thời gian thở máy của bệnh nhân cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng hồi phục. Bộ Y tế đề nghị người dân chủ động chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận; thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (như sữa chua không còn vị chua bình thường)… Lực lượng chức năng tại 30 quận huyện của Hà Nội cũng đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm chay, siêu thị, chuỗi nhà hàng chay. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, qua kiểm tra 93/126 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện và xử lý 14 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là không xuất trình được bản tự công bố sản phẩm, điều kiện bảo quản thực phẩm chưa bảo đảm theo quy định. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị UBND quận huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát và thông báo đến khách hàng không sử dụng những sản phẩm thực phẩm của Công ty Lối Sống Mới đã mua (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1492020

Cách phòng ngừa ngộ độc do botulinum

       Người dân cần chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá... Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo để phòng chống ngộ độc do botulinum.

Cảnh báo thói quen sử dụng túi hút chân không

Đến ngày 9/9, các cơ sở y tế cả nước tiếp nhận gần 20 trường hợp nhập viện do ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay. Ngoài ra, còn một số lượng lớn người bị ngộ độc biểu hiện nhẹ đến các bệnh viện thăm khám.

Vi khuẩn kỵ khí clostridium botulinum sinh ra độc tố botulinum. Đây là nhóm chất độc đầu bảng, ở liều 0,009mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg.

Khi nhiễm botulinum, tỷ lệ tử vong cao từ 7-20%, thời gian liệt kéo dài. Khi nhập viện, bệnh nhân cần thở máy trung bình khoảng 2 tháng, tuy nhiên sau đó sẽ cần rất nhiều tháng để hồi phục.

2 bệnh nhân nặng nhất điều trị tại BV Bạch Mai dù được dùng thuốc giải độc từ ngày 29/8, tuy nhiên đến nay, 1 bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng.

Trong hướng dẫn tạm thời chẩn đoán và điều trị ngộ độc botulinum vừa ban hành, Bộ Y tế cho biết thịt hộp là loại thực phẩm cổ điển gây ngộ độc, do đó, vi khuẩn gây bệnh được gọi là vi khuẩn độc thịt. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc trên thế giới cho thấy tất cả các loại thực phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản... được sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo đều có thể dẫn tới bào tử phát triển thành vi khuẩn và sinh ngoại độc tố gây ngộ độc.

Phổ biến là thực phẩm chế biến, đóng gói thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình hoặc điều kiện sản xuất không đảm bảo. Có thể gặp các trường hợp ngộ độc với sản phẩm sản xuất công nghiệp và ăn tại các nhà hàng.

Trước đây, các ca ngộ độc botulinum rất hiếm gặp trên thế giới, tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng ngộ độc tăng do trào lưu sử dụng túi hút chân không chứa đựng thực phẩm tăng, kèm theo đó là bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại thực phẩm không đủ chín trước khi ăn.

Các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum

Theo Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn clostridium sinh ra. Người bị ngộ độc có thể khởi phát bệnh ở 12-36 giờ sau ăn, nhưng dao động trong khoảng 6-8 ngày sau ăn.

Các dấu hiệu bệnh: nôn, buồn nôn, liệt đối xứng 2 bên bắt đầu từ vùng đầu - mặt, cổ, lan dần xuống chân, sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, nói khó, liệt vùng ngực - bụng, liệt 2 chân, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất nhưng người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác.

Trường hợp ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.

Để phòng chống ngộ độc do botulinum, người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Người dân cần thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường).

Người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).

Bên cạnh đó, cần ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).

Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...), cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14)

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1192020

Người ghi dấu ấn Việt Nam về phẫu thuật nội soi

     Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được PGS, TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư nghiên cứu, phát triển được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, đặt nó mang tên “Dr Lương”. Nét độc đáo của kỹ thuật mổ này là mổ theo đường ngực và nách, thay vì ở cổ như phương pháp phẫu thuật truyền thống.

       Ý tưởng về phẫu thuật nội soi tuyến giáp được PGS,TS Trần Ngọc Lương ấp ủ từ đầu năm 2002, khi có khá nhiều người bị bướu cổ và mắc các bệnh lý tuyến giáp nói chung. Trong số những người mắc các bệnh lý tuyến giáp có rất nhiều phụ nữ, nếu mổ mở theo kiểu truyền thống thì sẽ để lại vết sẹo dài ở cổ, những người có cơ địa sẹo lồi sẽ càng thấy rõ điều đó, trông rất mất thẩm mỹ. Chính vì sợ bị sẹo lồi mà rất nhiều người bệnh nấn ná, thậm chí bỏ phẫu thuật. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng lên mới đến bệnh viện khám và điều trị thì khi đó tình trạng bệnh đã diễn biến phức tạp, việc chữa trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí có những người đã ở giai đoạn muộn. Từ thực tế đó, PGS,TS Trần Ngọc Lương đã dành thời gian nghiên cứu, mong muốn tìm ra phương pháp để chữa được bệnh mà không để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ... Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, kỹ thuật “Dr Lương” đã ra đời chuyên về mổ nội soi tuyến giáp. Năm 2003, ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp đầu tiên được thực hiện, người bệnh không phải “mang” vết sẹo dài từ 3 đến 8 cm ở cổ, vết sẹo chỉ còn nhỏ khoảng 1 cm và chỉ ở vùng nách và ngực. Thời gian nằm viện giảm xuống chỉ còn hai, ba ngày thay vì bảy ngày như trước đây...

       Sự sáng tạo của bác sĩ Lương nằm ở việc ông đã sử dụng khí CO2 để tạo khoang làm việc sau khi bóc tách các thành phần dưới da giúp việc xử lý thương tổn bên trong được an toàn, thuận lợi. Kỹ thuật của bác sĩ Lương được đánh giá là có những ưu điểm sau: đơn giản, nhanh, hiệu quả, chi phí rẻ. Đơn giản là bởi khi tiến hành phẫu thuật các bác sĩ chỉ cần sử dụng các dụng cụ phẫu thuật nội soi ổ bụng thông thường mà ở các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện đều có. Còn nhanh là khi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật chỉ cần tạo ba lỗ nhỏ ở vùng nách của người bệnh, vào tuyến giáp bằng đường bên. Sau đó, đưa thiết bị mổ nội soi vào, bơm CO2 tạo môi trường mổ. Do vậy, mỗi ca phẫu thuật chỉ kéo dài từ 20 đến 30 phút (trừ những ca khó có thể khoảng từ 40 đến 45 phút). An toàn vì theo đường riêng này có thể tìm và tách tuyến cận giáp trạng cũng như dây thần kinh thanh quản quặt ngược (dây thần kinh nói) nên không làm ảnh hưởng đến khả năng nói của người bệnh sau mổ. Quan trọng hơn khi tiến hành mổ nội soi người bệnh không bị mất máu nhiều, bình phục nhanh, có thể trở lại sinh hoạt bình thường chỉ sau vài ngày. Đến nay, kỹ thuật này có thể áp dụng hiệu quả cho tất cả các bệnh lý tuyến giáp khi cần mổ, kể cả ung thư khi chưa có di căn xa. Đáng chú ý, chi phí cho một ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp này rất thấp, chỉ khoảng từ 300 đến 400 USD, trong khi tại các nước thường từ 6.000 đến 7.000 USD thậm chí có nơi lên đến 10.000 USD.

       Đến thời điểm này, PGS, TS Trần Ngọc Lương và cộng sự đã tiến hành mổ thành công cho hơn 5.300 ca bướu cổ bằng kỹ thuật nội soi mới. Kỹ thuật này đã được chuyển giao cho bác sĩ khắp các bệnh viện trong nam, ngoài bắc. Nhiều Bệnh viện đang triển khai thành công như: Chợ Rẫy, đa khoa Cần Thơ, Việt Tiệp Hải Phòng, đa khoa Nghệ An,  Quân y 103, Trung ương Quân đội 108...

Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp do PGS, TS Trần Ngọc Lương nghiên cứu, phát triển đã trở thành niềm tự hào của nền y học Việt Nam, khi nhiều nước trên thế giới cử chuyên gia, bác sĩ sang Việt Nam học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật, trong đó có nhiều nước nền y học đã phát triển như: Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Bồ Đào Nha, Thái-lan... PGS, TS Trần Ngọc Lương được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận “Người có công trình nghiên cứu khoa học về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được ứng dụng, chuyển giao, đào tạo trong nước và nước ngoài nhiều nhất”. (Nhân dân, trang 5).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1092020

'Trăm phương ngàn kế' để lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh

     Dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là bài toán vô cùng gian nan.

    Theo các nhà nhân khẩu học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó, ở nhiều địa phương nhất là các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng vẫn còn tồn tại quan niệm "một trăm đứa khóc như ri không bằng một đứa nó đi giật lùi". Điều này còn in đậm trong từng nếp nhà, nếp nghĩ của người dân.

        Họ cho rằng, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già, do đó, nhiều người cố tìm mọi cách "đẻ cho bằng được thằng cu để nối dõi tông đường". Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trước và trong khi mang thai.

Đề cập cụ thể đến việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết, vào năm 2003, khi thực hiện một nghiên cứu về phá thai, bà và các cộng sự đã phát hiện có nhiều phụ nữ phá thai là những người có 2 con gái trở lên. Đáng buồn là họ thường phá thai khi tuổi thai đã lớn.

Thời điểm đó, nhóm nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi là liệu có phải nguyên nhân là do lựa chọn giới tính thai nhi hay không. Tuy nhiên, lúc đó chưa có các số liệu đủ lớn để khẳng định xu hướng này ở Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, các chuyên gia về nhân khẩu học đã phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và tiến hành các phân tích số liệu biến động dân cư hàng năm và đi đến khẳng định rằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang bắt đầu có xu hướng mất cân bằng.

Theo đó, từ 2003, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục gia tăng. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn mà không tìm được bạn đời.

Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, trong báo cáo dân số thế giới năm nay của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi.

"Đây là một hình thức bạo lực giới nghiêm trọng. Rất nhiều phụ nữ buộc phải mang thai nhiều lần để sinh được con trai. Những người khác thì phải phá thai nhiều lần để đạt được mục đích đó. Rõ ràng, đây là biểu hiện của bất bình đẳng giới. Bản thân người phụ nữ phải trải qua rất nhiều những đau khổ và dằn vặt trước khi đi đến quyết định phá thai. Nhiều người trong số họ còn gặp những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài", TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Thực tế, trong nhiều chuyến công tác tại các địa phương để tìm hiểu về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chúng tôi càng thấy rõ nỗi đau đáu và "khát vọng" để sinh được một thằng "chống gậy". Có ông chồng trở nên cáu bẳn, rượu chè rồi đánh đập vợ con chỉ vì đi ăn cỗ phải ngồi mâm dưới và bị "nói mát" không đẻ được con trai.

Hay có những bà vợ dù tuổi đã cao nhưng vẫn bị ép sinh thêm con vì trước đó đã sinh toàn con gái. Thậm chí, có nhiều ông chồng tuyên bố nếu không đẻ được thằng cu, họ sẵn sàng bỏ vợ để đi "kiếm" một đứa con trai với người vợ mới.

Trước áp lực của gia đình, dòng họ, bản thân nhiều người phụ nữ đã phải tìm trăm phương ngàn kế để cố "nặn" cho bằng được một đứa con trai cho yên cửa yên nhà. Họ tìm đến các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi trước khi mang thai như đi xem bói, tính ngày trứng rụng, uống thuốc hay đi siêu âm để phát hiện giới tính thai nhi. Đến khi không đạt được giới tính thai nhi như mong muốn, họ lại sẵn sàng "chối bỏ" quyền được sống của những thai nhi đó bằng cách lạm dụng sự can thiệp của khoa học, kỹ thuật.

Theo Khoản 2, Điều 7, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã quy định "Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức". Cùng đó, Điều 10, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức như tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách báo, tài liệu, tranh ảnh, ghi hình, ghi âm, tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào, siêu âm; loại bỏ thai nhi vì lí do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là bài toán vô cùng gian nan. Thực tế, trên các trang mạng Internet vẫn còn đầy rẫy những thông tin quảng cáo, hướng dẫn cách ăn uống, tính ngày để sinh con theo ý muốn, nhất là sinh con trai.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của nền y học trên thế giới, nhất là sự tiên tiến trong các kỹ thuật siêu âm hiện đại thì việc xác định giới tính thai nhi ngay từ khi ở trong bụng mẹ đã trở nên khá phổ biến.

Dù pháp luật đã quy định không được tiết lộ giới tính thai nhi, nhưng hầu hết các thai phụ đều biết giới tính đứa con trong bụng từ khá sớm. Điều đó chứng tỏ nhiều cơ sở y tế tư nhân, phòng khám siêu âm vẫn có nhiều cách thức để "lách luật" thông báo ngầm cho thai phụ về giới tính của đứa trẻ.

Tình trạng này rất khó phát hiện và kiểm soát dẫn đến việc nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi vẫn đang diễn ra phổ biến trong đời sống hiện nay, nhất là đối với các gia đình đã sinh con một bề là gái, nhà có điều kiện kinh tế muốn sinh thêm con hoặc đang "khao khát" có một thằng cu "chống gậy". (Gia đình & Xã hội, trang 1).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1092020

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày