
.jpg)
.jpg)
Sự kiện “Ngày hội thể thao thân thiện cho trẻ khuyết tật trí tuệ và khuyết tật phát triển” tại Trung tâm Thanh thiếu nhi, số 57 đường Lâm Hoằng, phường Vỹ Dạ, Thành phố Huế.
Ngày 10/08/1961 là ngày đầu tiên đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam, họ đã sử dụng chất độc da cam/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam. Do Quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tiến hành phun rải tại khu vực phía Bắc tỉnh Kon Tum bằng máy bay trực thăng, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang”.
Mỹ áp dụng chiến thuật phun rải chất độc hóa học Da cam nhằm làm rụng lá cây, làm cho du kích Cộng sản không có nơi ẩn náu và cắt đứt nguồn tiếp tế của họ. Mục đích của Mỹ rất rõ ràng, khi mà họ không kiểm soát nổi nơi nào đó nữa, thì họ phải phá hủy toàn bộ mùa màng để làm cho đối phương và dân chúng đói khổ, buộc phải quỳ gối đầu hàng.
Ngày 31/10/1971, chuyến bay cuối cùng phun rải chất độc hóa học Da cam của quân đội Mỹ dưới mật danh là “Trail Dust” “Bụi đường mòn” bằng máy bay trực thăng kết thúc.
Chỉ trong vòng 10 năm từ năm 1961 đến năm 1971 theo thống kê, quân đội Mỹ đã tiến hành trên 19.900 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học. Trong đó có 61% là chất độc Da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn/bản, trên diện tích hơn 3,6 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm từ vùng ven biển đến vùng đồi núi thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng. Trong đó, Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam nặng nề và nghiêm trọng nhất. Đặc biệt, hậu quả chất độc da cam/dioxin làm cho nhiều trẻ bị đa dị tật, dị tật nặng, chậm phát triển trí tuệ, câm, điếc, hội chứng down, lác mắt, động kinh, sứt môi, hở vòm ếch, teo cơ, liệt, dị dạng các chi...




Các tổ chức quốc tế, các địa phương, cơ quan/ban ngành các tổ chức từ thiện, các nhà tài trợ hàng năm thường tổ chức các hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung tay xoa dịu "Nỗi đau da cam"
Để thể hiện trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, trong nhiều năm qua, các cấp các ngành của mỗi địa phương luôn thực hiện chế độ ưu tiên trong khám chữa bệnh đối với người có công cách mạng, gia đình chính sách và nạn nhân chất độc da cam. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo mà hơn hết thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" với những người có công với đất nước, nêu cao truyền thống "Thương người như thể thương thân".
Kỷ niệm 62 năm “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam” ngày 10/8, các địa phương, các cấp/ngành, các tổ chức/cá nhân hãy chung tay góp sức, hỗ trợ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là lương tâm, là trách nhiệm là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Bằng sự hảo tâm và tấm lòng vàng hãy cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ để họ vơi bớt mặc cảm và những khó khăn trong cuộc sống. Hãy lan tỏa tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biến nhận thức của mỗi người thành hành động cụ thể, thiết thực giúp đỡ nạn nhân da cam vượt lên chính mình, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng…/.