Thực hiện Công văn số 2116/BYT-DP ngày 12/4/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Cụ thể, trong 7 ngày vừa qua (từ 5/4 đến 11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới). Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng, số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình 1-2 ca nặng/ngày. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đánh giá dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch, sự biến đổi, xuất hiện của các chủng virus, các biến thể mới trong tương lai.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2023 đến nay hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm của tỉnh chỉ ghi nhận 12 ca bệnh COVID-19 được theo dõi, điều trị tại nhà và không có trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong. Dịch COVID-19 tuy đã được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh nhưng số liệu thống kê từ hệ thống giám sát chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”, nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không đến khai báo với cơ sở y tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 của tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở mức trung bình thấp so với các tỉnh/thành phố khác; các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm…vẫn xuất hiện rãi rác, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch.
Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát dịch hiệu quả, không để dịch bùng phát trở lại, hạn chế tốt đa số ca mắc bệnh và tử vong, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, Sở Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai một số nội dung sau:
1. Tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ, Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 02/3/2023 của UBND tỉnh về kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 và các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn Sở Y tế.
2. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác đối với dịch COVID-19; Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên toàn quốc và trên địa bàn quản lý để kịp thời có các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; Tiếp tục rà soát, bổ sung các kịch bản phòng chống dịch cụ thể để không bị động trước diễn biến dịch bệnh.
3. Tập trung đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin liều cơ bản và các liều nhắc lại cho các nhóm đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế; trước mắt phấn đấu tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi cơ bản đạt 100% và các mũi nhắc lại đạt tối thiểu 80%. Đồng thời huy động sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và phát huy tối đa Tổ Phòng, chống dịch cộng đồng để rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao.
4. Tăng cường công tác giám sát chủ động tại các cửa khẩu, tại cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly và kịp thời xử lý, không để dịch bùng phát trong cộng đồng. Đồng thời ngành giáo dục và đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để giám sát tình hình dịch tại trường học và tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho phụ huynh và học sinh.
5. Duy trì và tổ chức tốt công tác điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng để thu dung, cấp cứu, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 hiệu quả, lưu ý đối với các đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người chưa tiêm đủ mũi vắc xin, hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển nặng và tử vong do dịch bệnh. Hướng dẫn cụ thể cho người nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà an toàn, không lay lan dịch bệnh cho người trong nhà và cộng đồng. Thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân trong trường hợp số ca mắc tăng cao. Đảm bảo công tác hậu cần, dự trù đủ kinh phí, nhu cầu về thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch.
6. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, phát tờ rơi, loa đài, phát thanh...để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng như vệ sinh phòng bệnh, đeo khẩu trang nơi đông người đặc biệt trong dịp nghỉ lễ trong thời gian đến; tập trung thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc xin, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch.
7. Tiếp tục duy trì tốt công tác thống kê báo cáo dịch COVID-19 định kỳ, đột xuất theo quy định của Sở Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và chịu trách nhiệm trước tính chính xác và kịp thời của các số liệu báo cáo do cơ quan, đơn vị mình cung cấp.
8. Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục thực hiện công tác đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính Phủ, Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế gửi về Bộ Y tế theo quy định và công khai hàng tháng cấp độ dịch của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh tại trang thông tin điện tử của đơn vị để các địa phương có căn cứ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo cấp độ dịch.
Đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện./.
Xin đính kèm văn bản.