Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.692.986
Truy cập hiện tại 279

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 19 đến ngày 26 tháng 8 năm 2019
Lượt đọc 2319Ngày cập nhật 26/08/2019

Điểm báo từ ngày 19 đến ngày 26 tháng 8 năm 2019

Tăng cường truyền thông phòng bệnh tay chân miệng

      Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng dịp khai trường.

        Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

       Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính; triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện ăn chín, uống chín, ở sạch, bàn tay sạch và sử dụng đồ chơi sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

       Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình.

     Yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ngay từ đầu năm học mới, tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

      Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

        Các đơn vị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, điều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi ghi nhận trường hợp mắc bệnh và khu vực có ổ dịch cũ (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2682019

Bệnh hô hấp vào mùa

      Thời tiết thay đổi, chuyển từ nắng sang mưa, đồng thời vào mùa nhập học là thời điểm thuận lợi cho các bệnh lý hô hấp gia tăng ở trẻ em.

     Tại các bệnh viện (BV) nhi ở TP.HCM hiện nay, số lượng bệnh nhi khám bệnh hô hấp đang có dấu hiệu tăng dần đều. Dự báo số lượng bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp sẽ ngày càng gia tăng khi bước vào những tháng sắp tới, đặc biệt là tháng 9, tháng 10.

Bệnh có xu hướng tăng

       Tại BV Nhi đồng 1, chăm sóc bé Phạm Hồng Ngọc (hai tuổi, ngụ Tiền Giang) tại khoa hô hấp, chị Nguyễn Hồng Trinh (28 tuổi) cho biết bé ho nhiều, có đàm nhưng trị ở địa phương không đỡ nên lên TP.

“Mấy hôm nay thời tiết cứ thay đổi thất thường, ngày hôm trước thì nắng nóng, qua hôm sau chuyển lạnh và có mưa, người lớn cũng muốn đổ bệnh, huống gì là con nít. Ở nhà tôi, ngoài bé này ra thì ông bà bé cũng mắc cảm, ho. Xung quanh hàng xóm mấy bé nhỏ cũng bị như vậy” - chị Trinh kể.

    Nằm khoa nội tổng hợp đã được một tuần nhưng bé Nguyễn Tuấn Khải (2,5 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) vẫn còn thỉnh thoảng ho. Bà Trương Thị Kim Thoa (56 tuổi, bà nội bé) cho biết bé sinh non nên thời tiết thay đổi là hay bị viêm họng, cảm, sốt, đợt này bé bị bệnh nặng nhất. “Bác sĩ cho biết cháu tôi bị viêm phổi, cha mẹ thằng nhỏ không nghỉ được lâu nên tôi phải vào ở BV phụ chăm sóc cháu” - bà Thoa kể.

    Theo số liệu thống kê của BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), kể từ tháng 6 đến nay, số lượng bệnh nhi khám bệnh và nằm viện do đường hô hấp có xu hướng tăng. Từ đầu tháng 8 đến nay BV ghi nhận hơn 30.000 lượt khám bệnh hô hấp, hiện tại có 1.300 ca nằm viện. BV dự báo theo diễn tiến mọi năm, số ca mắc bệnh hô hấp sẽ nhích dần và cao điểm sẽ rơi vào tuần thứ 38, 39 trong năm, tức tầm tháng 9, tháng 10.

      Tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), gần cửa ngõ các tỉnh miền Đông Nam bộ, số lượt khám bệnh lý hô hấp cũng chiếm chủ yếu trong tổng số lượt khám bệnh trong ngày. Các bệnh lý hô hấp trẻ thường gặp là ho, sốt, sổ mũi, viêm mũi, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản.

Không phải ho nhiều là bệnh nặng

TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa hô hấp BV Nhi đồng 1, nhận xét thời tiết giao mùa chuyển từ nắng gắt sang mưa là thời điểm thuận lợi cho nhiều mầm bệnh phát sinh.

     Ngoài ra, cơ thể trẻ em, nhất là dưới năm tuổi, khả năng đề kháng và chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài hạn chế nên trẻ rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh liên quan đường hô hấp. Với thời tiết thay đổi đột ngột và thời gian trẻ bắt đầu nhập học tiếp xúc trong môi trường tập thể, các bậc phụ huynh cần quan tâm phòng bệnh cho con.

    Đối với trẻ nhỏ còn đang bú mẹ, nhất là dưới sáu tháng tuổi, nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn và kéo dài càng lâu càng tốt để tăng sức đề kháng cho bé.

      Ngoài ra, phụ huynh nên lưu ý chủng ngừa phòng bệnh viêm phổi cho con. Khi thời tiết trở mưa, lưu ý cho trẻ ăn mặc đủ ấm, tránh nơi gió lùa. Bên cạnh đó, biện pháp rửa tay đơn giản nhưng hiệu quả được khuyến khích.

    Tiếp theo đó, cần tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người khác đang mắc bệnh cảm, ho thông thường. Đặc biệt, các bé sơ sinh, sinh non, có bệnh mạn tính càng cần được chú ý bảo vệ vì khi mắc các bệnh lý hô hấp, bệnh dễ diễn tiến nặng hơn ở các đối tượng này.

Theo BS Tuấn, mắc các bệnh đường hô hấp đa phần sẽ tự khỏi sau 10 ngày, tuy nhiên có một số tình huống cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay như bé ngủ li bì, không thể lay gọi, ăn được bao nhiêu nôn hết bấy nhiêu, không bú được, co giật, thở lõm ngực, khó thở, thở nhanh, sốt cao liên tục trên 39 độ kéo dài trên hai ngày, ho ra máu, ho ra đàm đục… Với những dấu hiệu này có khả năng trẻ không chỉ mắc bệnh lý hô hấp mà còn mắc các bệnh nguy hiểm khác.

       Ngoài ra, theo BS Tuấn, có một hiểu lầm khá phổ biến là bệnh hô hấp có liên quan đến việc ho ít hay ho nhiều, ho ít là bệnh nhẹ, còn ho nhiều là bệnh nặng. “Trên thực tế, bé ho ít hay ho nhiều không phản ánh mức độ bệnh nặng mà quan trọng là bé thở ra sao. Bởi lẽ các trường hợp bệnh đường hô hấp dưới là bệnh nặng nhưng bé ho rất ít. Đối với bệnh đường hô hấp trên, bé ho nhiều hơn nhưng đa phần bệnh nhẹ do các thụ thể làm khởi phát phản xạ hô hấp đa phần nằm ở đường hô hấp trên. Khi ho không có dấu hiệu nguy hiểm, nhịp thở của bé sẽ còn nếu bé khó thở, thở nhanh hơn bình thường thở co rút lồng ngực là bệnh đang có dấu hiệu nặng, cần lưu tâm hơn” - BS Tuấn khuyến cáo. (Pháp luật TP.HCM, ngày 21/8, trang 1).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2282019

Ghép quả tim hiến tặng cho bệnh nhân 36 tuổi

      Sáng 22-8, tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Lê Hồng H. (36 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) đã dần bình phục sau khi được ghép tim. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, có thể vận động nhẹ tại giường.

     Trước đó, bệnh nhân được ghép tim từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, quả tim hiến tặng từ người cho chết não được lấy ra khỏi lồng ngực bệnh nhân lúc 13 giờ 45 ngày 15-8-2019 và được chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế lúc 16 giờ 15 phút cùng ngày bằng đường hàng không.

      Tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, các nhóm trong ê kíp ghép tim của bệnh viện đã tiến hành lấy bỏ quả tim của bệnh nhân và ghép quả tim của người hiến tặng vào lồng ngực của bệnh nhân H.,. Quả tim được ghép đập lại lúc 17 giờ. Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Như Hiệp cho biết, đây là ca thứ 5 ghép tim xuyên Việt thực hiện thành công tại bệnh viện. Đồng thời, gửi lời cảm ơn đến thân nhân người hiến tạng, lãnh đạo, đồng nghiệp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã giúp đỡ, phối hợp trong việc thực hiện ca ghép tim xuyên Việt thứ 5 này thành công. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2382019

Kỉ lục y khoa Việt Nam: 6 ngày thực hiện thành công 15 ca ghép tạng

       Trong gần 1 tuần từ 12.8 đến 18.8, bệnh viện Việt Đức đã thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não và thực hiện 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống. Như vậy có tới 15 ca ghép tạng trong 6 ngày.

Ngày 12.8, 8 tháng sau ca ghép phổi thứ nhất, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức và thực hiện thành công ca ghép hai phổi thứ 2 từ người cho đa tạng chết não. Người hiến tạng còn trẻ và các tạng hiến đều có chất lượng rất tốt.

Người nhận phổi là ông N.V.K (38 tuổi) mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối- có chỉ định ghép phổi tuyệt đối. Bệnh khởi phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ, 10 năm nay diễn biến nặng, gần đây liên tục nằm viện với máy thở và oxy hỗ trợ.

Ca mổ lấy- ghép 2 phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4h chiều 12.8 đến 6h30 phút ngày 13.8.

Ghép 2 phổi từ người cho chết não được xếp vào loại khó và phức tạp nhất về mặt kỹ thuật mổ trong các loại ghép tạng. Sau mổ 6 giờ, bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đường mở ngực được đóng lại sau ghép 30 giờ, và máy hỗ trợ phổi được dừng và rút sau mổ hơn 2 ngày.

Kết quả kiểm tra chất lượng phổi ghép bằng xét nghiệm khí máu, soi phế quản, siêu âm mạch phổi, cấy vi trùng đường thở, đều cho kết quả tốt. Chức năng tim và thận của bệnh nhân đều trong giới hạn bình thường. Như vậy tiến triển sau ghép của bệnh nhân là thuận lợi và hy vọng có thể tự thở hoàn toàn một vài ngày tới.

Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Ước- Trưởng khoa phẫu thuật Lồng ngực- Bệnh viện Việt Đức cho hay "Quy trình lấy phổi rất phức tạp. Đây là kỹ thuật khó. Quy trình gồm hàng trăm bước khác nhau, hết sức chi tiết, khi thực hiện phải thống nhất trên quy trình đó. Chúng tôi hoàn chỉnh quy trình từ ca ghép đầu tiên, đến ca thứ 2 thì tương đối thuận lợi. Nếu lấy tim thì dễ, còn nếu lấy cả phổi và tim thì khó khăn hơn nhiều"

Giáo sư Trần Bình Giang- Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết lấy đa tạng hoàn toàn khác lấy đơn tạng. Có yêu cầu về mặt quy trình bảo quản, yêu cầu về dung dịch giữ tạng, cách hồi sức để tạng sống và ghép cũng là vấn đề lớn.

Tim gan thận tương đối đồng nhất. Lấy phổi, yêu cầu rất cao. Trước khi chết não, hồi sức cứu chữa, nếu làm không tốt, áp lực đường thở, thuốc điều trị... có thể làm hỏng phổi. Khi muốn lấy đa tạng, đó là vấn đề rất khó. Tiến bộ rất lớn trong vấn đề ghép tạng.

Một điểm đặc biệt nữa của ca ghép phổi này là lần đầu tiên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân, gồm 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân). Như vậy là có 6 bàn mổ ghép tạng cùng lúc, 1 bàn lấy tạng và 5 bàn ghép tạng. Cho đến hôm nay, tất cả 5 bệnh nhân ghép tạng đều có diễn biến thuận lợi.

Theo Giáo sư Trần Bình Giang, đặc biệt hơn, trong gần 1 tuần từ 12.8 đến 18.8, bệnh viện Việt Đức đã thực hiện tới 10 ca mổ ghép tạng từ người cho chết não (phổi, 2 tim, 3 gan, 4 thận) với nguồn hiến đa tạng từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (2 ca) và Bệnh viện Chợ Rẫy (1 ca). Tất cả các ca ghép đều cho kết quả thuận lợi.

Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn tiếp tục thực hiện 5 ca ghép tạng theo chương trình từ người cho sống (1 gan, 4 thận). Như vậy có tới 15 ca ghép tạng trong 6 ngày. Đây có thể coi là một kỷ lục mới trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam. (Lao động, trang 3; Nhân dân, trang 5).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2082019

 

Trường học, bệnh viện được yêu cầu thanh toán không tiền mặt

      Các trường học, bệnh viện... sẽ lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR, cho phép phụ huynh, học sinh, người bệnh, người dân,.. sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán, tương tự như việc mua hàng trong siêu thị.

      Đây là một trong những yêu cầu mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi đến các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nhằm triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt ưu tiên lĩnh vực y tế, giáo dục.

     Theo văn bản này, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn như cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan Bảo hiểm xã hội, công ty nước sạch, điện lực, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính...  xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng có khả năng kết nối với phần mềm ứng dụng của các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

    Ngoài ra, các trường học, bệnh viện và các đơn vị cung ứng dịch vụ công được yêu cầu thông báo số tài khoản của đơn vị mình mở tại ngân hàng để tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán dịch vụ công bằng các dịch vụ thanh toán mà ngân hàng đang cung ứng như chuyển tiền qua mobile, thanh toán qua các kênh ngân hàng điện tử…

     Các trường học, bệnh viện và đơn vị cung ứng dịch vụ công lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR để cho phép phụ huynh, học sinh, người bệnh, người dân,.. sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán, tương tự như việc thanh toán tiền mua hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị.

     Các cơ quan cung cấp dịch vụ công cũng phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép ghi nhận thông tin cần thanh toán như số tiền, mã hồ sơ/khách hàng..  để người sử dụng có thể truy cập các ứng dụng trên internet, mobile và thực hiện trả tiền thông qua các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng gồm thanh toán qua thiết bị di động, thanh toán qua internet, ví điện tử, dịch vụ thanh toán hóa đơn... tương tự như việc thanh toán hóa đơn tiền điện, cước viễn thông... hiện nay. (Tuổi trẻ, trang 7).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2382019

Chất chồng nỗi lo tăng giá dịch vụ y tế

      Từ ngày 20-8, giá nhiều loại dịch vụ y tế tại bệnh viện công được điều chỉnh tăng lên. Việc tăng viện phí được lý giải do mức lương cơ sở tăng lên, đã nằm trong lộ trình tăng giá của Bộ Y tế. Tuy nhiên, sau 2 ngày triển khai, điều khiến người dân quan ngại, giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng phục vụ có tăng tương xứng?

Gánh nặng đè lên người bệnh

     Theo quy định của Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa các BV (bao gồm giá khám chữa bệnh có BHYT và ngoài phạm vi BHYT), giá khám chữa bệnh sẽ tăng đồng loạt từ ngày 20-8.

      Cụ thể, giá dịch vụ khám bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 38.700 đồng (hiện là 37.000 đồng); bệnh viện hạng II là 34.500 đồng (hiện là 33.000 đồng); bệnh viện hạng III là 30.500 đồng (hiện là 29.000 đồng). Cùng với đó, giá dịch vụ giường bệnh BHYT cũng tăng lên mức tối đa là 782.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng đặc biệt (quy định cũ là 753.000 đồng/ngày)... Giá dịch vụ y tế tăng đã trở thành gánh nặng đè lên người bệnh.

     Cầm trên tay hàng chục biên lai với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng là khoản viện phí mà chị Trần Thị Kim Dung (quận 9, TPHCM) phải đóng để phẫu thuật ung thư gan cho chồng tại BV Chợ Rẫy. Chị Dung cho biết, số tiền tích góp sau nhiều năm làm công nhân chỉ đủ chi trả đợt đầu điều trị bệnh cho chồng.

“Mỗi lần giá dịch vụ y tế tăng là nỗi lo thêm chất chồng. Đợt trước tăng giá thuốc, nay lại tăng viện phí, mỗi đợt điều trị tốn cả chục triệu đồng nhưng cố gắng được đến đâu thì hay đến đó”, chị Dung nói.

“Đối với bệnh nhân có BHYT lo một, những người không mua BHYT lại lo mười. Vợ chồng đều làm tự do nên không mua BHYT. Anh Lâm làm thợ hồ, không may bị tai nạn. Chỉ hơn 1 tháng nằm viện, gia đình đã tốn gần 100 triệu đồng nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. Thời gian điều trị còn dài mà viện phí lại tăng, khó khăn chồng chất thêm”, chị Giang, vợ anh Nguyễn Xuân Lâm (ở Long An) đang điều trị tại BV Nhân dân 115, cho biết.

Giám sát dịch vụ

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế),  2 thông tư trên không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1.390.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018) sang mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. Với việc điều chỉnh này, giá khám bệnh, ngày giường sẽ tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%.

Về tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế đến người dân, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, đối với các đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội... khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% sẽ không bị ảnh hưởng.

Đối với người cận nghèo tỷ lệ đồng chi trả là 5%, mức độ tác động không đáng kể. Còn các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều.

Điều băn khoăn hiện nay của nhiều người bệnh, trong khi giá dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh của nhiều cơ sở y tế vẫn… giậm chân tại chỗ, chưa tương xứng, thậm chí thụt lùi.

Nhiều bệnh viện vẫn chăm chú khám chữa bệnh theo yêu cầu, còn xem nhẹ, phân biệt đối xử khám chữa bệnh bằng BHYT. TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho rằng tăng giá viện phí lần này là điều chỉnh tăng theo bậc lương tối thiểu, không ảnh hưởng nhiều tới người có thẻ BHYT.

Để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, bệnh viện cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian chờ đợi, phiền hà cho người bệnh.

“Dù viện phí có tăng hay không thì mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh luôn là vấn đề sống còn trong hoạt động của bệnh viện”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn khẳng định. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2382019

Nâng cao chất lượng điều trị ung bướu cho tuyến dưới

      Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, với vai trò là hạt nhân, Bệnh viện K (Bộ Y tế) đã tổ chức các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, hiện đại lĩnh vực ung bướu cho các bệnh viện vệ tinh trên cả nước. Vì vậy, người dân đã được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương mình.

      Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, mỗi năm có gần 165 nghìn người mới mắc, hơn 115 nghìn người chết do bệnh ung thư. Hiện có khoảng hơn 300 nghìn người đang sống chung với bệnh ung thư. Đáng chú ý, vì người bệnh được tiếp cận với những phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến hơn; áp dụng các xét nghiệm hiện đại, phẫu thuật cập nhật kỹ thuật mới, hóa trị cũng sử dụng những loại thuốc mới để đạt hiệu quả tốt hơn cho nên chi phí điều trị ngày càng cao đã trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và toàn xã hội hiện nay. Theo tính toán của các chuyên gia, cứ sau 10 năm chi phí điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam lại tăng từ 1,5 đến hai lần.

      GS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Trong những năm 2000, cả nước mới có ba bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh và đáp ứng được 30% nhu cầu khám bệnh ung thư cho người dân. Trong khi đó, nhiều bệnh viện chưa có khoa ung thư, người bệnh thường phải nằm rải rác tại các khoa điều trị trong bệnh viện như ngoại khoa, nội khoa. Lực lượng cán bộ làm công tác trong chuyên ngành ung bướu còn thiếu, chưa đáp ứng về số lượng và trình độ chuyên môn, dẫn đến tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên... Trước thực trạng nêu trên, ngày 11- 3- 2013, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định số 774/QĐ-BYT phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó ung bướu là một trong năm chuyên khoa được lựa chọn đầu tiên để thực hiện. Bệnh viện K, là một trong những cơ sở y tế hạt nhân được Bộ Y tế chọn triển khai đề án nhằm nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tỉnh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế. Từ đó, giảm tải áp lực cho bệnh viện tuyến trên, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương, giảm bớt chi phí điều trị, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.

       Thực hiện đề án, tính đến nay Bệnh viện K đã có 17 bệnh viện vệ tinh gồm các bệnh viện đa khoa Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hùng Vương, Phú Thọ, Bắc Ninh, Điện Biên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Bãi Cháy, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, đa khoa Trung ương Quảng Nam; các bệnh viện ung bướu Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An; chỉ đạo tuyến cho 30 bệnh viện trên cả nước... Bệnh viện K đã tiến hành đào tạo 2.972 lượt học viên; chuyển giao 291 lượt kỹ thuật; biên soạn 12 cuốn sách chuyên môn phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… Một số kỹ thuật được đào tạo, chuyển giao giảm tỷ lệ chuyển tuyến đến 100% như: phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư tử cung, xạ trị ung thư vú, cổ tử cung…

Là một trong những bệnh viện tham gia đề án, từ năm 2014 đến nay Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã được các chuyên gia của Bệnh viện K chuyển giao 10 gói kỹ thuật phẫu trị, hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư, giải phẫu bệnh - tế bào học và y học hạt nhân. Thông qua phương thức “cầm tay chỉ việc”, đến nay các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, phương pháp điều trị bệnh ung thư như: phẫu thuật dạ dày, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật cắt đại trực tràng, phẫu thuật ung thư tuyến giáp có vét hạch, xạ trị điều biến liều bệnh lý ung thư vú, ung thư vòm, lồng ngực, ung thư thận… Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện đón hơn 150 người đến khám, điều trị các bệnh ung thư. Người đến khám bệnh, chữa bệnh ung thư đã được thụ hưởng, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của cả nước; đồng thời được chăm sóc tốt hơn, tiết kiệm được chi phí, cũng như góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Từ năm 2013 đến năm 2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã cử gần 70 lượt bác sĩ, kỹ sư, điều dưỡng tham gia các lớp đào tạo do Bệnh viện K tổ chức; tiếp nhận, chuyển giao thành công 19 kỹ thuật chuyên ngành ung bướu từ Bệnh viện K. Nhờ các kỹ thuật được chuyển giao, giảm được tỷ lệ chuyển viện ngành ung bướu lên tuyến trên từ 80% (giai đoạn trước khi triển khai đề án) xuống còn 10% như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: Đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu đã khẳng định hướng đi đúng, hiệu quả của Bộ Y tế và có ý nghĩa nhân văn. Các bệnh viện tuyến dưới được nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời các bệnh viện tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đề án hơn nữa, thời gian tới các bệnh viện hạt nhân cần tăng cường triển khai hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ. Các bệnh viện vệ tinh tiếp tục đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh; năng động trong quản lý, chặt chẽ trong tổ chức để bảo đảm nâng cao chất lượng bệnh viện, tạo uy tín để thu hút người dân, người bệnh đến bệnh viện. Cán bộ, bác sĩ cần xem người, bệnh là trung tâm và lấy hiệu quả điều trị là thước đo, mục tiêu phấn đấu của đơn vị mình… (Nhân dân, trang 5).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2282019

Phẫu thuật cho người bị gù nặng do viêm cột sống dính khớp

       Mới đây, khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân Phạm Văn D (22 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng cột sống bị biến dạng rất lớn. Bệnh nhân chung sống với thân hình gù, nhìn về phía trước khó khăn. Tình trạng biến dạng của bệnh nhân ngày càng nặng mặc dù đã điều trị nội khoa nhiều năm. Những bệnh nhân bị gù nặng như trên nếu không được nắn chỉnh lại cột sống sẽ dễ dẫn đến suy hô hấp do tim, phổi bị chèn ép, vận động hạn chế... ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

       Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù bằng kỹ thuật mới. Các bác sĩ sử dụng bốn thanh rod (hai thanh rod ngắn cố định từ đốt sống L2 đến L4, hai thanh rod dài cố định từ đốt sống T10 đến S1) thay vì sử dụng hai thanh rod như trước. Kíp phẫu thuật đã cắt một phần đốt sống L3 để nắn chỉnh biến dạng cột sống trong năm giờ phẫu thuật. Sau mổ, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt: cột sống được ưỡn trở lại, lồng ngực hết chèn ép nên bệnh nhân dễ thở, hết đau tức ngực, vận động dễ dàng, khi đi không phải cúi gằm xuống vì mắt đã nhìn được xa. Mặc dù vẫn phải theo dõi lâu dài nhưng chất lượng cuộc sống cải thiện đã mang đến niềm vui và hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho bệnh nhân. (Nhân dân, trang 5).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2082019

Các tin khác
Xem tin theo ngày