Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.692.378
Truy cập hiện tại 28

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 9 năm 2019
Lượt đọc 3211Ngày cập nhật 09/09/2019

Điểm báo từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 9 năm 2019

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra điểm nóng sốt xuất huyết tại Đồng Nai

      Suckhoedoisong.vn - Sáng 9/9, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc tại phường Tam Phước, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao.

       Khảo sát thực tế tại một số hộ dân tại phường Tam Phước, Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác phát hiện vẫn còn tình trạng nhà dân còn có các vật dụng chứa nước có tồn tại lăng quăng. Cụ thể, một bát cắm hương đã bị phát hiện đọng nước và chứa nhiều lăng quăng. Môi trường cũng có nhiều muỗi đã trưởng thành.

       Theo ông Võ Cao Cường, chủ tịch phường, Tam Phước là một phường có nhiều khu công nghiệp đang phát triển với 7 khu phố và tổng dân số hơn 54 nghìn người. Địa bàn có nhiều khu nhà trọ với điều kiện nhà ở chật hẹp, vệ sinh môi trường kém nên dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết.

      Không có trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, tuy nhiên trong thời gian qua, phường ghi nhận và xử lý 38 ổ dịch. Đây là một trong 4 điểm nóng sốt xuất huyết của tỉnh Đồng Nai. Khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức của người dân, đặc biệt là những trại thu mua ve chai đồng nát, ý thức diệt lăng quăng vẫn còn kém.

       BS. Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh có 10/11 huyện có bệnh sốt xuất huyết, điểm nóng là Biên Hoà, Trảng Bom, Nhơn Trạch. Chiều hướng của dịch chưa giảm dù đã tích cực triển khai phòng chống dịch bệnh.

      Trong tháng 8/2019, địa bàn tỉnh ghi nhận 11.617 ca mắc sốt xuất huyết, 2,65 lần so với cùng kỳ năm 2018, đã có 2 ca tử vong. Phân tích nguyên nhân, Sở Y tế tỉnh cho rằng, hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng đến hộ gia đình chưa cao, sự thay đổi ý thức hành vi của người dân còn hạn chế. Trong khi đó mùa mưa đang thuận lợi cho việc muỗi phát triển. Dự báo sốt xuất huyết sẽ ở mức cao trong tháng 9 và tháng 10. Trước mắt, Sở sẽ nâng cao ý thức chính quyền các cấp, nhất là cấp xã trong việc diệt lăng quăng; đẩy mạnh truyền thông; tăng cường kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh, cơ quan, trường học; giám sát việc phun hoá chất diện rộng.

      Tại buổi làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai, PGS.TSTrần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng, tại phía Nam, Đồng Nai và Bình Dương là hai địa phương năm nào cũng có tình trạng sốt xuất huyết phức tạp do có nhiều khu công nghiệp và nhiều bãi đất trống là nơi muỗi có thể sinh sôi. Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, chính quyền và địa phương cần thực hiện tốt thì ngành y tế mới có thể làm tốt việc chống dịch. “Việc cần làm đầu tiên là phải diệt lăng quăng, muốn làm được phải có những đội xung kích, thậm chí phải có công an, cùng đi đến tận hộ dân để yêu cầu người dân và các công trình xí nghiệp loại bỏ hoàn toàn lăng quăng”.

      Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhắc nhở tuyên truyền nâng cao ý thức diệt lăng quăng của người dân là vấn đề nên làm ngay. “Cần phải khắc phục tình trạng người dân tạo nên ổ nuôi lăng quăng từ các vật dụng. Những trường hợp vi phạm cần phải xử phạt”.

      Bộ trưởng cũng nhắc nhở cần phải chú ý đến việc truyền thông, tránh truyền thông lạc đường. "Việc xử lý ổ dịch nhỏ chưa rõ ràng các bước. Các địa phương cần xây dựng rõ các bước xử lý ổ dịch. Phun thuốc như thế nào, thuốc gì, phun bao lần, giám sát sau phun ra sao... Cần loại bỏ những việc làm mang tính hình thức mà phải lập tức hành động. Trước mắt phải lật úp tất cả các vật chứa nước, sau đó phun hoá chất. Nên yêu cầu các hộ gia đình, hộ kinh doanh cam kết không để các vật chứa có nước không có lăng quăng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

     Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, hệ thống bệnh viện cần xử trí lọc bệnh kỹ càng, không thể để nằm cùng các bệnh nhân sốt xuất huyết nằm cùng phòng với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để bệnh nhân bị lây chéo.

Thiên Chương

            https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-kiem-tra-diem-nong-sot-xuat-huyet-tai-dong-nai-n163186.html

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Suckhoedoisong.vn - Thời gian gần đây, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện có tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), ảnh hưởng đến việc sử dụng quỹ BHYT, đến quyền lợi của người bệnh, uy tín của ngành y tế, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT

       Vẫn còn tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ BHYT trong cơ sở KCB

     Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong những năm qua, thực hiện Luật bảo hiểm y tế (BHYT), Luật khám bệnh, chữa bệnh và các quy định liên quan, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trên cả nước đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: đổi mới cơ chế quản lý, cải cách thủ tục hành chính, phát triển khoa học, kỹ thuật, cải tiến chất lượng chuyên môn, nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT, đảm bảo quyền lợi của người bệnh theo quy định , góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

     Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian gần đây, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện có tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, ảnh hưởng đến việc sử dụng quỹ BHYT, đến quyền lợi của người bệnh, uy tín của ngành y tế, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT.

“Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu là do một bộ phận người lao động trong ngành y tế thiếu kiến thức và hiểu biết chính sách, pháp luật về BHYT, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức KCB; hạn chế về kiến thức, năng lực chuyên môn; sự phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và giải quyết vướng mắc phát sinh”- Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ.

Chấn chỉnh công tác KCB BHYT, đặc biệt chú trọng đến chỉ định dịch vụ KCB

     Để kịp thời ngăn chặn hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành Chỉ thị số 10/CT- BYT  yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, KCB. Chú ý đến các nội dung liên quan đến KCB BHYT theo các quy định của pháp luật

     Chỉ đạo các cơ sở KCB tăng cường công tác tự kiểm tra, phòng chống hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

     Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác KCB BHYT; đấu thầu, cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB thuộc quyền quản lý; phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHYT.

     Đối với giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở KCB các tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh công tác KCB BHYT, đặc biệt chú trọng đến chỉ định dịch vụ KCB nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng lạm dụng chỉ định điều trị nội trú, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng (xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh…), kê đơn thuốc quá mức cần thiết; ghi tên dịch vụ kỹ thuật, tên chẩn đoán không đúng với tình trạng bệnh nhằm được chi trả với giá dịch vụ cao hơn;

     Công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc BHYT, không để xảy ra tình trạng lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn thuốc khống, cấp thuốc không đầy đủ cho người bệnh, để chiếm dụng thuốc, tiền của quỹ BHYT.

Đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT,  tránh tình trạng yêu cầu người bệnh tự chi trả các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tê, mặc dù đã có trong danh mục được Quỹ BHYT chi trả và không đưa những nội dung này vào bảng kê chi phí.

     Tư vấn cho người bệnh chưa đúng và đầy đủ về phạm vi quyền lợi của người có thẻ BHYT, tránh tình trạng khi cơ quan bảo hiểm xã hội xuất toán những dịch vụ kỹ thuật, thuốc do nguyên nhân chỉ định không phù hợp, nhân viên y tế yêu cầu người bệnh chi trả những dịch vụ này với lý do cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán như xét nghiệm viêm gan vi rút, HIV, Sốt xuất huyết, nội soi tai mũi họng…

    Đồng thời cần kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị của bệnh viện, kiểm soát việc kê đơn, sử dụng thuốc, chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật và việc tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh.

     Các cơ sở KCB cũng cần thực hiện việc lập bảng kê chi phí KCB của người bệnh bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch và phải có chữ ký xác nhận của người bệnh hoặc người nhà người bệnh để lưu trong hồ sơ bệnh án và cung cấp cho người bệnh 1 bản theo đúng quy định. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến quyền lợi và phạm vi mức hưởng theo quy định của Luật BHYT

     Ngoài ra, các cơ sở KCB cần công khai Bảng giá dịch vụ y tế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại nơi tiếp nhận người bệnh và nơi thanh toán. Bảng giá dịch vụ y tế phải rõ ràng, dễ đọc, dễ thấy, cơ sở KCB phải kịp thời giải đáp những thắc mắc của người bệnh liên quan đến giá dịch vụ y tế. Nghiên cứu tổ chức thực hiện triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

     Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong KCB bảo đảm công khai, minh bạch các danh mục dịch vụ y tế và giá các dịch vụ y tế (bao gồm cả các dịch vụ thực hiện bởi các trang thiết bị xã hội hóa), kịp thời phát hiện những sai sót, trùng lặp trong thanh toán chi phí KCB BHYT để chấn chỉnh, xử lý.

     Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập, phát sinh khi tiếp nhận, kiểm tra cơ sở dữ liệu thẻ BHYT  của người đến KCB chú trọng phát hiện những trường hợp đi KCB nhiều lần trong một thời gian ngắn để có biện pháp chấn chỉnh.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm

      Cũng tại chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố , Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành, Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, Người đứng đầu các cơ sở KCB chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực công tác được giao quản lý, phụ trách.

     Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng giao và yêu cầu các Vụ/Cục liên quan của Bộ Y tế tùy theo chức năng nhiệm vụ thực hiện các nội dung lĩnh vực phụ trách liên quan đến khám chữa bệnh BHYT

     Tại chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thường xuyên thông báo cho Bộ Y tế, Sở Y tế, cơ quan quản lý y tế các bộ, ngành về những trường hợp sử dụng dịch vụ, thuốc, vật tư quá mức cần thiết, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú chưa đúng quy định để các cơ quan quản lý kịp thời kiểm tra chấn chỉnh các cơ sở y tế.

     Cũng tại chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, bố trí ngân sách cho các cơ sở KCB công lập không bảo đảm bù đắp chi phí từ nguồn thu qua giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT

     Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế giao phương án tự chủ cho các cơ sở KCB phù hợp với khả năng của cơ sở KCB và lộ trình kết cấu chi phí vào giá dịch vụ KCB, tránh việc cơ sở KCB phải tăng thu bằng mọi cách để tự chủ, dễ dẫn tới lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc và dịch vụ ngày giường bệnh.

Thái Bình

https://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-yeu-cau-tang-cuong-phong-chong-hanh-vi-lam-dung-truc-loi-quy-bao-hiem-y-te-n163187.html

Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình

       Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BYT hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình. Thông tư hướng dẫn thí điểm về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ sở y học gia đình; nhiệm vụ của bác sĩ gia đình; văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình.

     Các cơ sở y học gia đình được quy định tại thông tư là trạm y tế bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức; phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân; phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám chuyên khoa thuộc Trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám quân y; khoa khám bệnh thuộc bệnh viện quận, huyện hoặc Trung tâm y tế quận, huyện, hoặc bệnh viện của trường đại học y.

Điều kiện để trở thành bác sĩ gia đình

     Theo quy định tại Thông tư 21, để trở thành bác sĩ gia đình cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

     Bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và đã thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình trước ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 15/10/2019) thì tiếp tục được hoạt động và có trách nhiệm tham gia đào tạo lại, đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức về y học gia đình tối thiểu 03 tháng.

Bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình ngay sau khi đáp ứng một trong các trường hợp sau đây:

- Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình;

- Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng;

- Có giấy chứng nhận theo học từng đợt học có các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình với tổng thời gian tối thiểu 3 tháng.

Bác sĩ y học dự phòng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước và sau ngày Thông tư này có hiệu lực, có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng được tham gia khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình tại trạm y tế xã, phường, thị trấn (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-992019

Để thực hiện tự chủ bệnh viện đạt hiệu quả

       Thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện là xu thế tất yếu đã được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa trong nhiều chủ trương, chính sách ban hành thời gian qua. Việc thực hiện tự chủ một cách công khai, minh bạch, hạn chế những mặt trái sẽ giúp đạt mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Theo thống kê của ngành y tế, hiện nay, gần như tất cả các bệnh viện công lập trong cả nước đều đã thực hiện tự chủ. Kết quả thực hiện tự chủ (ở những mức độ khác nhau) cho thấy, các bệnh viện đã từng bước phát huy tính chủ động, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực... Từ đó giúp nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

      Nhằm tạo bước đột phá trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, ngày 19-5 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, K, Hữu nghị Việt Ðức. Nghị quyết này nhằm phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các bệnh viện tuyến trung ương này. Theo đó, Chính phủ giao quyền để các bệnh viện quyết định quy mô, xác định chuyên khoa mũi nhọn, dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người dân. Ðáng chú ý, Nghị quyết số 33 cho phép các bệnh viện có thể thành lập hội đồng quản lý và ban kiểm soát để vận hành bệnh viện tốt hơn. Các bệnh viện cũng được quyết định và sử dụng nguồn tài chính thu được để chủ động cho các hoạt động, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc người bệnh…

    Ðể triển khai Nghị quyết 33, hiện Bộ Y tế và các bệnh viện được giao thí điểm tự chủ đang tập trung xây dựng đề án, kế hoạch để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các bệnh viện cũng đang xây dựng hàng loạt quy chế để thực hiện quy định tự chủ, tránh trường hợp khi Nhà nước giao quyền, các bệnh viện làm không đúng quy định hiện hành.

     Tại buổi tọa đàm mới đây do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ: Thách thức đầu tiên, quan trọng nhất là hàng rào về mặt cơ chế, chính sách. Các cơ quan chức năng liên quan cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm các bệnh viện thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, tránh vi phạm pháp luật hoặc gây khó khăn cho việc KCB, có thể dẫn đến sai phạm, kỷ luật. Ðồng thời tuyên truyền để người dân hiểu, khi bệnh viện tự chủ, thì có thể một số chi phí sẽ tăng lên, nhưng phải thỏa mãn yêu cầu là tăng hợp lý, nâng cao chất lượng KCB. Sự hài lòng của người dân sẽ tăng lên khi bệnh viện làm tốt yêu cầu này. Muốn vậy, các bệnh viện cần sớm có quy chế thực hiện tự chủ một cách rành mạch; ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi, chạy theo lợi nhuận, dẫn đến chi phí KCB tăng, khiến người dân không hài lòng.

     Song song với việc xây dựng đề án tự chủ của bốn bệnh viện, Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, KCB theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Thông tư này chỉ ban hành khung giá tối đa chứ không phải ban hành một mức giá. Trên cơ sở khung giá tối đa đó, các bệnh viện xây dựng các khung giá của bệnh viện mình cho phù hợp, không được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.

     Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33, có nhiều ý kiến lo ngại khi cơ chế tự chủ được triển khai, thông tư mới được áp dụng, các bệnh viện sẽ tiến hành lạm thu, tận thu để tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên. Ðánh giá về vấn đề này, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên khẳng định: Bốn bệnh viện được cho thực hiện thí điểm tự chủ là bệnh viện công, vẫn thuộc sở hữu Nhà nước thì nhiệm vụ đầu tiên là phải hoàn thành chức năng, nhiệm vụ. Hiện nay, gần 90% số dân đã có thẻ KCB bảo hiểm y tế (BHYT), việc chi trả chi phí KCB cho những đối tượng này vẫn do Quỹ BHYT thanh toán theo mức giá Bộ Y tế quy định, chỉ những trường hợp khám theo yêu cầu thì bệnh viện mới được quyết định mức giá. Chắc chắn các bệnh viện không thể tận thu được, bởi sẽ có những cơ chế giám sát chặt chẽ và các bệnh viện phải đủ điều kiện mới được KCB theo yêu cầu. Mặt khác, giá dịch vụ KCB theo yêu cầu chỉ áp dụng đối với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu.

     Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền chia sẻ, khi thực hiện tự chủ, mọi hoạt động của bệnh viện tuy cởi mở hơn, nhưng vẫn phải đúng các quy định, không được làm trái với các luật hiện hành (Bộ luật Lao động; Luật KCB; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…). Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cung ứng dịch vụ của ngành y tế cần đa dạng để đáp ứng nhu cầu người dân. Thế nhưng, dịch vụ theo yêu cầu không phải đơn vị nào muốn cũng mở được, bởi phải theo nhu cầu và khả năng chi trả của người dân; không phải vì tự chủ mà cứ mở ra những dịch vụ quá sức và khả năng chi trả của người dân. Tuy được giao quyền tự chủ, nhưng bốn bệnh viện này là những "cánh chim đầu đàn", là bệnh viện tuyến cuối, do vậy nhiệm vụ quan trọng vẫn phải ưu tiên thực hiện đó là chỉ đạo tuyến, là hạt nhân chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

      Một số chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc ban hành cơ chế, chính sách cũng cần có sự phối hợp liên ngành để thực hiện giám sát, xử lý những sự việc diễn ra ở các cơ sở KCB. Ðồng thời sớm có gói BHYT cơ bản và phải được công khai, minh bạch để người dân yên tâm, tin tưởng. Mặt khác, để bảo đảm tính minh bạch trong KCB cũng như để mọi người dân tiếp cận dịch vụ KCB dễ dàng và công bằng, việc điều hành quản lý phải thực hiện thông qua hệ thống pháp luật chặt chẽ, sát thực tế. Tiếp tục khuyến khích mọi nguồn lực đầu tư vào y tế để tăng khả năng cung ứng dịch vụ, chỉ khi nào nhu cầu và khả năng tài chính của người bệnh và khả năng cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế cân bằng nhau thì mới bảo đảm tính công bằng, minh bạch. (Nhân dân, trang 8).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-0492019

Bệnh viện Trung ương Huế cùng lúc thực hiện 2 ca ghép tạng

     Sáng 5-9, tại Bệnh viện Trung ương Huế, sức khỏe 2 bệnh nhân may mắn được ghép tạng từ người chết não đã hoàn toàn tỉnh táo, các thông số huyết động hô hấp ổn định, các chỉ số sinh hóa và huyết học trong giới hạn. 2 bệnh nhân được rút nội khí quản, ngưng máy thở và tiếp tục được chăm sóc theo dõi cũng như tập vận động nhẹ để phục hồi chức năng.

      GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, nhận thông tin có người chết não hiến tạng tại Bệnh viện 103 (Hà Nội), lúc 22 giờ 25 ngày 30-8, Bệnh viện Trung ương Huế khẩn cấp cử các ê kíp đến Bệnh viện 103. Kết quả tương thích giữa người cho với 2 người nhận (ghép tim và gan) tại Huế, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã quyết định cho phép các kíp mổ của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với các kíp mổ của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ người đã chết não lúc 5 giờ 15 ngày 31-8. Quả tim và gan hiến được lấy ra khỏi cơ thể người chết não tuần tự lúc 7 giờ 40 và lúc 7 giờ 55 sáng 31-8, với sự tính toán cẩn thận và chạy đua thời gian của kíp phẫu thuật lấy tạng, cùng với sự giúp đỡ tích cực của Bộ trưởng Bộ GT-VT, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Sân bay Nội bài, Sân bay Phú bài, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia. Đến 8 giờ 50 ngày 31-8 tim và gan người cho chết não được vận chuyển đồng thời đưa về đến Huế trên chuyến bay mang số hiệu VN1543 của Vietnam Airline, đến Bệnh viện Trung ương Huế lúc 10 giờ 15 cùng ngày.

      Cũng trong thời gian đó, bệnh nhân Trần Văn T. 36 tuổi (Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị suy tim giai đoạn cuối vì bệnh cơ tim giãn và bệnh nhân Lê Khắc T. 52 tuổi, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế bị mắc Ung thư gan trên nền xơ gan mất bù đang chờ ghép tim và gan. Đây là 2 bệnh nhân thích hợp nhất về các chỉ tiêu tuyển chọn với nguồn tạng hiến, được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế ngày 31-8 để chuẩn bị được ghép.

    Toàn bộ các kíp phẫu thuật, kíp gây mê, kíp rửa tạng... đã tập trung phối hợp rất khẩn trương và nhịp nhàng để chạy đua  thời gian thực hiện ghép tạng đồng thời trên 2 bệnh nhân.

    Quả tim ghép của người hiến tặng đã tự đập và đảm bảo huyết động  trong lồng ngực của người bệnh lúc 11 giờ 45 ngày 31-8 sau hơn 4 giờ thiếu máu lạnh.

     Lá gan ghép bắt đầu thực hiện chức năng của mình trong cơ thể bệnh nhân một cách đầy đủ sau hơn 7 giờ thiếu máu lạnh. Cả 2 bệnh nhân được hồi sức ổn định huyết động và chuyển về phòng hồi sức ghép tạng cùng ngày sau khi hoàn tất các công đoạn cuối cùng, cả 2 bệnh nhân được ghép tạng trong đêm 31-8 có các thông số huyết động, hô hấp, các chỉ số sinh hóa và huyết học nằm trong giới hạn cho phép. Chức năng quả tim và gan ghép đã hoạt động tốt (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-692019

 

Việt Nam có robot phẫu thuật nội soi ung thư hiện đại nhất thế giới

     Hệ thống robot giúp kỹ thuật viên thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, tinh tế nhất, lấy được một cách triệt để nhất các tế bào ung thư mà vẫn bảo tồn tối đa được các tổ chức tế bào lành cũng như mạch máu, thần kinh.

    Bệnh nhân Nguyễn Thị B- 71 tuổi (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) thấy xuất hiện tình trạng mệt mỏi, gầy sút 4 kg, kèm theo triệu chứng đại tiện ra máu tươi kéo dài suốt 2 tuần nên đến Bệnh viện K thăm khám. Bệnh nhân B được chẩn đoán ung thư trực tràng cao. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân B.

     Bà B là bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng hệ thống robot Da Vinci thế hệ Xi với sự tham gia của các bác sĩ Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot Bệnh viện K phối hợp với chuyên gia nước ngoài thực hiện.

“Đây là một trong những ca bệnh đầu tiên được ứng dụng thực hiện bằng Robot Da Vinci thế hệ Xi. Việc thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi Robot có nhiều ưu điểm, giúp phẫu thuật viên phẫu tích được u đại trực tràng trong tiểu khung chật hẹp, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, lấy được tối đa khối u mà vẫn bảo tồn tổ chức tế bào lành, bảo đảm chức năng tiết niệu sinh dục tốt"- Tiến sĩ Phạm Văn Bình- Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Bệnh viện K cho hay. 

Tiếp đến, bệnh nhân Lê Bá T- 60 tuổi (Hà Nội) được chẩn đoán ung thư trực tràng. Bệnh nhân T cũng được ê kíp phẫu thuật của Bệnh viện K thực hiện nội soi nạo vét hạch bằng hệ thống Robot Da Vinci thế hệ Xi.

Đánh giá về 2 ca phẫu thuật này, bác sĩ Bình cho rằng: “Bệnh nhân B. và bệnh nhân T. sau phẫu thuật nạo vét hạch đã được lấy hoàn toàn khối u, đánh giá sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định”. 

     Cũng theo bác sĩ Phạm Văn Bình, hệ thống Robot Da Vinci thế hệ Xi được Bệnh viện K trang bị để phục vụ nhu cầu nâng cao chất lượng điều trị ung thư cho người bệnh là thế hệ Robot hiện đại nhất trên thế giới hiện nay.

      Bệnh viện K là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam trang bị hệ thống Robot này và  đưa vào hoạt động với sự tham gia của đội ngũ y bác sỹ đã được đào tạo và trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng. Trong các phương pháp ngoại khoa điều trị ung thư, phẫu thuật nội soi Robot là kỹ thuật cao nhất có tích hợp trí tuệ nhân tạo và cách mạng 4.0.

Robot Da Vinci chỉ định cho những bệnh nhân ung thư đầu cổ, hạ họng thanh quản, ung thư phổi, ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, ung thư gan mật tụy, các ung thư phụ khoa , ung thư tiền liệt tuyến, ung thư bàng quang …

Hệ thống Robot Da Vinci thế hệ Xi giúp kỹ thuật viên thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, tinh tế nhất; lấy được một cách triệt để nhất các tế bào ung thư mà vẫn bảo tồn tối đa được các tổ chức tế bào lành cũng như mạch máu, thần kinh.

“Vì vậy bệnh nhân sau mổ sẽ hồi phục nhanh, giảm đau tối đa , và có giá trị thẩm mỹ cao do sẹo mổ rất nhỏ. Đó là những lợi ích góp phần nâng cao chất lượng và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư”- TS Phạm Văn Bình nhấn mạnh.

      Được biết, hệ thống phẫu thuật Robort Davici XR mới nhất từ Hoa Kỳ này được đầu tư với kinh phí trên 80 tỉ đồng. Hệ thống này cho phép phẫu thuật tới các “vùng sâu, vùng xa” mà bình thường bàn tay của các phẫu thuật viên khó với tới được, ít làm tổn thương vùng xung quanh và người bệnh nhanh phục hồi sau mổ. (Lao động, trang 1).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-0492019

WHO theo dõi tình trạng ô nhiễm sau vụ cháy Công ty Rạng Đông

     Ngày 8-9, liên quan tới tình trạng ô nhiễm môi trường sau vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội), TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng, về những mối nguy hại đối với sức khỏe con người sau vụ cháy này, WHO cần thêm thời gian để theo dõi.

     Bởi, số liệu thu thập được tại Việt Nam mới tiến hành trong khoảng thời gian ngắn, hiện khó so sánh với mức khuyến cáo trung bình hàng năm của WHO. Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng bày tỏ sự tin tưởng các chuyên gia chống độc tại Bệnh viện Bạch Mai hoàn toàn có đủ năng lực để xử lý những vấn đề liên quan đến nhiễm độc. “Tại Nam Phi cũng vừa xảy ra một vụ cháy nhà kho tương tự và chúng tôi cũng đang theo dõi và quan sát. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành với các cơ quan y tế của Việt Nam và hỗ trợ các bạn xử lý những vấn đề cần thiết nếu có…”, TS Kidong Park nhấn mạnh.

     Đề cập đến hướng dẫn của WHO về vấn đề ô nhiễm không khí do khí độc, bao gồm cả thủy ngân, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, mức ảnh hưởng bất lợi thấp nhất quan sát được của thủy ngân trong không khí, tức mức thấp nhất mà thủy ngân có thể gây ra những khác biệt đáng kể về mặt sinh học là từ 15-30 microgram/m³ trong 1 năm. WHO cũng đã xem xét đến một loạt yếu tố có thể ảnh hưởng ở nhóm người có nguy cơ cao và nhận định mức 1 microgram/m³ trong 1 năm là mức ô nhiễm trong giới hạn cho phép.

      Trong khi đó, liên quan tới việc khám sức khỏe cho người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi vụ cháy, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, sau 3 ngày tổ chức khám bệnh đã có hơn 150 người được làm xét nghiệm. Qua quá trình tư vấn, khám sức khỏe cho người dân, chưa phát hiện các biểu hiện cấp tính bất thường. Đợt khám sức khỏe này sẽ kéo dài tới ngày 12-9. (Sài Gòn giải phóng, trang 8)

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-992019

Bệnh tự kỷ có chữa khỏi được không?

Suckhoedoisong.vn - Chị gái tôi sinh cháu được hơn 2 năm nhưng bé có biểu hiện chậm nói, không chú ý đến các phản xạ, đi khám các bác sĩ chẩn đoán bé bị tự kỷ.

      Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tự kỷ là những rối loạn phát triển của não bộ, dẫn đến các biểu hiện như: không biết giao tiếp bằng lời nói và hành động, không biết thể hiện cảm xúc, không phản xạ. Trẻ thường không chơi với bạn, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, nhiều hành động lặp đi lặp lại không chủ đích.

     Tây y coi đây là chứng rối loạn, không phải bệnh, cần phải giáo dục, dạy dỗ chứ không điều trị. Tây y chỉ điều trị những chứng bệnh kèm theo như thần kinh, rối loạn tăng động, chậm phát triển trí tuệ. Những biểu hiện tự kỷ sẽ tồn tại suốt đời của một em bé. Nhiều bố mẹ sau khi đưa con đến bệnh viện chẩn đoán tự kỷ sẽ được tư vấn chuyển đến các trung tâm can thiệp giáo dục tật học.

     Việc chữa khỏi tự kỷ hay không phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ. Có những cháu bị tự kỷ ở dạng nhẹ, chỉ là khó giao tiếp, hòa nhập với mọi người, nếu được phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể chữa trị khỏi. Tuy nhiên, ở mức độ nặng hơn, như trường hợp chị nói, rằng cháu 2 tuổi vẫn không biết ê, a, gọi không quay đầu lại, chảy máu cũng không biết, đại tiểu tiện không kiểm soát... thì là khá nặng. Việc điều trị cần kiên trì nhiều đợt trong nhiều năm, đến khi bé tự chăm sóc tốt cho bản thân.

      Vì vậy, gia đình nên đưa cháu đi chữa trị càng sớm càng tốt để có cơ hội khỏi bệnh cao hơn.

BS. Dương Văn Tâm

https://suckhoedoisong.vn/benh-tu-ky-co-chua-khoi-duoc-khong-n163174.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày