Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 518

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 9 năm 2019
Lượt đọc 2317Ngày cập nhật 23/09/2019

Điểm báo từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 9 năm 2019

Whitmore bệnh cũ đang vào mùa

       Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.

        TS. Trịnh Thành Trung - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc ĐHQGHN cho biết, mùa mưa là thời gian con người dễ nhiễm vi khuản gây bệnh. Sự gia tăng về số lượng ca bệnh trong thời gian gần đây không phải là do sự bùng phát về dịch bệnh mà do nhiều cơ sở y tế đã xét nghiệm được đúng bệnh ...  (Tiền phong, trang 6).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2092019

Bộ Y tế yêu cầu hạn chế thấp nhất lượng phụ gia có trong thực phẩm

     Theo Thông tư mới quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm vừa được Bộ Y tế ban hành, Bộ Y tế yêu cầu phải hạn chế mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm và việc sử dụng phụ gia phải đảm bảo không làm thay đổi bản chất của thực phẩm.

   Ngày 16-9, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BYT quy định về quản lý và sử dụng Phụ gia thực phẩm. Thông tư này quy định về danh mục phụ gia thực phẩm; sử dụng, quản lý phụ gia thực phẩm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhiên có liên quan; chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 16-10-2019.

     Theo Thông tư, Bộ Y tế yêu cầu, nguyên tắc chung trong sử dụng phụ gia thực phẩm phải đảm bảo: phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.

Khoản 2, Điều 7 Thông tư này nhấn mạnh: Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm khi không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế, công nghệ.

    Ngoài ra, so với Thông tư cũ (Thông tư số 27/2012/TT-BYT) ban hành từ năm 2012 thì Thông tư mới cũng siết chặt quy định đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và phối trộn phụ gia thực phẩm.

     Trong đó, Bộ Y tế quy định: chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản; việc san chia, đóng gói lại này phải không được gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người… (An ninh Thủ đô, trang 7)

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1992019

Cung ứng đủ, kịp thời thuốc phòng chống bệnh sốt xuất huyết

       Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc trên toàn quốc yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết.

      Cục Quản lý Dược cho biết, dung dịch cao phân tử (dextran 40 hoặc 70, hydroxyethyl starch 200.000 dalton) được chỉ định dùng chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.

     Cục Quản lý Dược nhận được thông tin về nguy cơ thiếu dung dịch cao phân tử tại một số tỉnh phía Nam nếu tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

     Hiện có 06 thuốc là dung dịch cao phân tử có chứa hydroxyethyl starch (HES) có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Theo quy định tại Luật Dược, tất cả các thuốc này được nhập khẩu theo nhu cầu của đơn vị mà không phải thực hiện việc cấp phép nhập khẩu.

     Để đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc, tìm kiếm nguồn cung dung dịch cao phân tử để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.

    Các đơn vị sản xuất xây dựng kế hoạch nghiên cứu sản xuất thuốc có chứa dextran hoặc HES nhằm tăng cường tính chủ động trong cung ứng thuốc cũng như an ninh y tế.

     Trường hợp cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài chưa thể cung ứng ngay dung dịch cao phân tử theo đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt hoặc cơ sở nhập khẩu tìm được nguồn cung mới có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

     Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ưong chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh.

     Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2092019

An toàn người bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu

     Ngày 17-9, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh thế giới lần thứ nhất”.

     Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới chỉ rõ, cứ 10 người bệnh, thì có một người người bị tổn hại trong quá trình tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh. Trong đó, tới 50% nguyên nhân có thể phòng tránh được. Ngoài ra, có tới hơn một triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

     Tại lễ mít tinh, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, bệnh viện là nơi chăm sóc sức khỏe cho người bệnh song đây lại chính là môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào. Ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực tâm lý, Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh khỏi và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát.

     Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc phát động Ngày An toàn người bệnh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về an toàn người bệnh trên toàn cầu với chủ đề “An toàn người bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu” với mục tiêu trước tiên là không gây nguy hại cho người bệnh. “Thông qua sự kiện này, ngành Y tế cũng muốn chuyển tải thông điệp tới các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách hãy quan tâm tới an toàn người bệnh và đặt thành một ưu tiên y tế quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

    Với các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và dược sĩ, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi, hãy xem người bệnh như đối tác của mình trong chăm sóc sức khỏe cho họ, hợp tác với người bệnh để tạo văn hóa an toàn người bệnh một cách minh bạch và cởi mở, đồng thời khuyến khích báo cáo không đổ lỗ và học từ những sai sót. (An ninh Thủ đô, trang 6).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1892019

Quan tâm chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ

     Suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi là tình trạng trẻ có chiều cao theo tuổi thấp so với chiều cao chuẩn, là dạng suy dinh dưỡng mạn tính, kéo dài. SDD thấp còi phản ánh quá trình dài chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ không được tốt và phần lớn các trường hợp thấp còi xảy ra trước khi trẻ được ba tuổi. Do vậy, trong giai đoạn này rất cần chế độ dinh dưỡng phù hợp để trẻ tránh nguy cơ bị SDD thấp còi.

     Chúng ta thấy có mối liên quan rõ ràng là trẻ bị thấp còi thì khi đến giai đoạn trưởng thành cũng có chiều cao thấp. Hơn nữa, những người bị SDD thấp còi thường có nguy cơ tử vong cao, dễ mắc bệnh hơn so với người bình thường. Trẻ em gái bị SDD thấp còi, lớn lên trở thành người phụ nữ thấp còi, khi sinh nở sẽ khó khăn và nguy cơ đẻ con SDD thấp còi cao hơn. Theo số liệu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta là 23,8% và thể nhẹ cân là 13,4%; tỷ lệ trẻ bị SDD thấp còi còn cao và có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng, miền khi vẫn còn một số nơi tỷ lệ này ở mức rất cao hơn 30%.

    Từ khi còn trong bào thai đến khi là người trưởng thành, người ta có thể chia thành hai hoặc ba giai đoạn quan trọng về phát triển chiều cao gồm: giai đoạn bào thai, nếu trẻ bị SDD bào thai hoặc sinh non tháng, nhẹ cân, chiều dài thấp thì nguy cơ SDD thấp còi cao; giai đoạn trẻ dưới hai tuổi (chiều dài lúc trẻ hai tuổi bằng một phần hai lúc trưởng thành), vì vậy cách nuôi dưỡng trẻ dưới hai tuổi là hết sức quan trọng. Giai đoạn bào thai và giai đoạn trẻ dưới hai tuổi người ta có thể gộp thành một giai đoạn và gọi là giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ và giai đoạn tuổi tiền dậy thì, dậy thì. Ðây là giai đoạn phát triển chiều cao rất tốt với trẻ gái từ 10 đến 13 tuổi, 13 đến 17 tuổi ở trẻ trai. Sau giai đoạn này, trẻ sẽ khó có thể phát triển chiều cao được nhiều nữa.

     Vì vậy, khi trẻ bị SDD thấp còi, thì chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cần cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng theo lứa tuổi, theo giới tính, trẻ không thể có chiều cao tốt nếu chế độ ăn thiếu năng lượng. Vì vậy, cần ăn đủ các bữa cháo, bột, cơm hằng ngày theo tháng tuổi, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, dầu mỡ trong các bữa ăn. Ưu tiên ăn đủ các thức ăn giàu chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa… ăn thêm đậu, đỗ, vừng, lạc. Chọn các thực phẩm giàu can-xi, sắt, kẽm cũng chính là các thức ăn có nguồn gốc động vật, giàu chất đạm như trứng, sữa, hải thủy sản, thịt… Ðáng chú ý là tăng cường các thức ăn có chứa nhiều kẽm như thịt gà, thịt ếch, hàu… vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây chậm phát triển chiều cao của trẻ. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng và tiếp tục cho bú đến hai tuổi. Nếu mẹ bị thiếu hoặc mất sữa thì phải được bổ sung sữa bột công thức cho trẻ theo tháng tuổi, khi trẻ lớn vẫn tiếp tục duy trì uống sữa và các chế phẩm của sữa hằng ngày, vì sữa là nguồn cung cấp can-xi chính trong bữa ăn của trẻ; nên cho trẻ ăn nhiều tôm, cua, cá là những thực phẩm thông dụng và là nguồn can-xi dồi dào. Ăn nhiều rau xanh, quả chín giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vi-ta-min, khoáng chất, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt can-xi và các vi chất như sắt, kẽm… Bên cạnh chế độ ăn, cũng cần bổ sung các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc như vi-ta-min D, vi-ta-min A, can-xi, kẽm, sắt,… theo hướng dẫn của bác sĩ. Ðiều trị kịp thời các bệnh còi xương, rối loạn tiêu hóa khi trẻ mắc phải. Chế độ luyện tập cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao của trẻ, các môn thể thao giúp phát triển chiều cao như bơi, đạp xe, cầu lông, xà đơn - xà kép, tăng cường thời gian hoạt động ngoài trời ở những nơi không gian thoáng, sạch giúp hấp thu vi-ta-min D.

      Ở giai đoạn tiếp theo, nhu cầu dinh dưỡng cho lứa tuổi này cũng khá quan trọng. Nhu cầu năng lượng tùy theo giới tính, độ tuổi, nhưng thường từ 1.900 đến 2.300 kcal/ngày đối với nữ và 2.100 đến 2.800 kcal/ngày đối với nam. Ðể đáp ứng được nhu cầu, trẻ cần ăn ba bữa một ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng. Các chất cần cho cơ thể là: đạm (protein) để phát triển về chiều cao và cân nặng, vì chất đạm giúp tạo nên cấu trúc của tế bào, tạo nên các nội tiết tố và đáp ứng khả năng miễn dịch cơ thể. Nguồn protein động vật cung cấp cho bữa ăn từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua...; nguồn protein thực vật từ đậu đỗ, vừng, lạc. Chất béo: là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hòa tan và hấp thu các loại vi-ta-min (A, E, D, K) tan trong dầu. Sắt: cũng rất quan trọng, nhưng ở nước ta khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt giá trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp. Vì vậy, ngay giai đoạn đầu vị thành niên (đặc biệt với trẻ gái) cần uống bổ sung viên sắt hoặc viên đa vi chất hằng tuần. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà... Vi-ta-min A cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. Vi-ta-min A có nhiều trong thức ăn động vật như gan, trứng, sữa... Can-xi rất cần cho lứa tuổi dậy thì vì tốc độ tăng trưởng chiều cao rất nhanh nhu cầu can-xi nhiều. Can-xi cùng với phốt-pho để duy trì và hình thành bộ xương, răng vững chắc… Do vậy cần cho trẻ thường xuyên sử dụng sữa, các sản phẩm từ sữa hoặc sử dụng các thực phẩm giàu can-xi như tôm, cua, cá và hải sản. Ngoài ra, các vi chất dinh dưỡng khác như vi-ta-min D, vi-ta-min C, kẽm… cũng rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ, cho nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu chất kẽm (tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu), nhiều vi-ta-min C (các loại rau xanh, quả chín).

       Để giúp trẻ phát triển cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành, các bà mẹ không chỉ quan tâm đến cân nặng của trẻ mà còn phải hết sức quan tâm đến chiều cao, vì chiều cao chỉ có hai, ba giai đoạn tối ưu để trẻ phát triển, nếu bỏ qua các giai đoạn này thì không có cơ hội lấy lại được. (Nhân dân, trang 5)

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1992019

Ô nhiễm không khí: Làm gì để hạn chế nhiễm bệnh?

     PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, ô nhiễm môi trường tác động đến nhiều bệnh lý đường hô hấp. Ngoài ra, các bệnh về mắt, dị ứng da, tim mạch cũng tăng vì nguyên nhân này.

     Các chuyên gia y tế cảnh báo, người lớn trung bình thở trên 15 mét khối khí mỗi ngày. Mặc dù các chất ô nhiễm trong không khí thường không nhìn thấy, chúng có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, bao gồm cả phổi, tim và các cơ quan khác, và bào thai đang phát triển.

      Các tác động của ô nhiễm không khí trên đường hô hấp phụ thuộc vào loại và sự pha trộn các chất ô nhiễm với nhau, nồng độ trong không khí, thời lượng tiếp xúc, lượng chất gây ô nhiễm được hít vào và lượng chất gây ô nhiễm thâm nhập vào phổi. Các triệu chứng phổi có thể được nhìn thấy ngay sau khi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao, bao gồm kích ứng đường hô hấp, khó thở và tăng nguy cơ lên cơn suyễn. Khi tiếp xúc với chất gây ô nhiễm không khí trong một thời gian dài có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

     Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư, người khỏe mạnh làm việc hoặc tập thể dục ngoài trời cũng rất dễ bị các tác dụng phụ của ô nhiễm không khí, đặc biệt là khi có nồng độ ôzôn mặt đất cao. Các loại bụi có kích thước nhỏ, các chất hóa học hay chất kháng viêm trong bụi có thể phát tán từ phổi vào hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến tim mạch. Việc tiếp xúc với bụi mịn (bụi có đường kính khí động nhỏ hơn 2,5 mm) và bụi phát sinh từ khí thải động cơ có tác hại lớn hơn so với bụi thông thường. Các loại bụi có kích thước nhỏ, các chất hóa học hay chất kháng viêm trong bụi có thể phát tán từ phổi vào hệ tuần hoàn, ảnh hưởng đến tim mạch. Nguyên nhân là không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến khả năng giãn nở và co thắt của các mạnh máu. Dưới tác động của không khí ô nhiễm, của khói thuốc lá, các mạch máu bị giảm kích cỡ, cản trở lưu thông huyết mạch. Không khí ô nhiễm còn làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông ở động mạch - nguyên nhân chính của chứng nhồi máu cơ tim.

     Bác sĩ Cảnh cho hay, mũi là “cửa ngõ” của đường hô hấp, vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường. Khi không khí bị ô nhiễm kéo dài và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan đến “cửa ngõ” này rất dễ xuất hiện và khó kiểm soát. Không khí ô nhiễm cũng là tác nhân gây bệnh về da liễu như mụn, dị ứng, viêm da… Đó là nơi chứa nhiều mầm bệnh, tác nhân mang vi khuẩn, virus, nấm mốc vào cơ thể người nếu tiếp xúc lâu dài và tùy theo cơ địa của từng người sẽ có các bệnh lý khác nhau. Bệnh viện Mắt T.Ư từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp viêm nhiễm mắt, giác mạc do khí bụi.

Chăm sóc sức khỏe thế nào?

    Trong thời gian ô nhiễm không khí nghiêm trọng, những người có bệnh tim hoặc bệnh phổi nên tránh những bài tập nặng; Những người bị đau ngực, khó thở hoặc ho nên gặp bác sĩ, dùng thuốc giảm triệu chứng nếu đã được cho kê đơn từ trước. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục, người bệnh nên đi khám bác sĩ. Vào mùa đông, tránh đi bộ dọc theo các đường phố đông đúc với rất nhiều khói từ các phương tiện xe cộ. Mùa hè, mức độ ô nhiễm không khí thường cao hơn vào những ngày nắng nóng gay gắt, do đó, cố gắng tránh các hoạt động ngoài trời hoặc chỉ tiến hành vào buổi sáng khi mức độ ô nhiễm thường thấp hơn.

     PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, để phòng bệnh khi ra đường cần đeo khẩu trang, đeo kính để giảm bớt việc tiếp xúc với khói bụi. Tuy nhiên với những hạt bụi nhỏ dưới 5 micromet, khẩu trang thông thường cũng không có tác dụng. (Tiền phong, trang 4)

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1992019

Bộ Y tế nghiêm túc tiếp thu và sẽ thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ

    Sáng 20/9, tại Bộ Y tế, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đặng Công Huẩn – trưởng đoàn Thanh tra Chính phủ đã đến công bố Kết luận thanh tra số 1574/KLTT-TTCP ngày 13/9/2019 của Thanh tra Chính phủ việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

     Về phía Bộ Y tế, có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ.

     Tại buổi công bố, Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Văn bản số 9495/VPCP-V.I ngày 07/9/2017 và số 97/TB-VPCP ngày 27/6/2018 của Văn phòng Chính phủ), TTCP đã triển khai thực hiện việc thanh tra các nội dung theo quy định tại Bộ Y tế, các tỉnh/thành địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

     Các nội dung thanh tra bao gồm: việc cấp phép nhập khẩu, cấp số đăng ký cho 10 thuốc của Công ty Helix; cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix năm 2014; việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty Cổ phần VN Pharma.

   Kết quả thanh tra cho thấy những mặt ưu điểm và hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại, đó là:

- Về các văn bản quy phạm pháp luật: Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Dược năm 2016 và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược năm 2016 đã quy định cụ thể tiêu chí, hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp phép, thủ tục và thời gian cấp phép, quản lý hoạt động nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành...; Luật Dược năm 2016 và Nghị định54/2017/NĐ-CP về cơ bản đã thay thế các nội dung quy định của Bộ Y tế tại các thông tư, quyết định, nguyên tắc, quy trình thẩm định, xét duyệt...

     Cục Quản lý dược (QLD) ban hành các quy định về quy trình hoạt động tác nghiệp trong nội bộ Cục QLD như: Quy trình tiếp nhận, xử lý, thẩm định và xét duyệt hồ sơ đăng ký thuốc QT.QLD.56 ngày 07/6/2013; Nguyên tắc xét duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký;... để thẩm định, xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, cấp số đăng ký thuốc và giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp nước ngoài.

- Theo kết quả xác minh tại các cơ sở y tế và báo cáo của Cục công nghệ thông tin và thống kê Hải Quan, thì kể từ ngày 30/12/2013 (thời điểm thuốc H-Capita được cấp giấy phép nhập khẩu) cho đến ngày 31/2/2014, chỉ có 9.300 hộp thuốc H-Capita do công ty VN Pharma đã nhập vào Việt Nam. Khi phát hiện vi phạm liên quan đến hồ sơ hành chính của thuốc H-Capita, Cục QLD đã kịp thời niêm phong Lô thuốc không cho lưu hành thuốc ra thị trường và gửi văn bản đến cơ quan Công an để điều tra, giải quyết vụ việc theo thẩm quyền; thu hồi số đăng ký 07 thuốc, thu hồi giấy phép nhập khẩu 03 thuốc và thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty Helix.

- Các đơn vị được kiểm tra thực hiện tương đối đầy đủ các quy định về đấu thầu mua thuốc, chưa thấy có biểu hiện ưu tiên để Công ty cổ phần VN Pharma trúng thầu.

- Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan, chủ quan và việc kiểm tra công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế, TTCP phát hiện một số dạng khuyết điểm sai phạm. Thời hạn thẩm định và cấp số đăng ký, xét duyệt và cấp giấy phép nhập khẩu chậm so với quy định, việc xây dựng kế hoạch đấu thầu mua thuốc có thiếu sót về thủ tục hành chính, thiếu tiêu chí theo quy định, kế hoạch thuốc xây dựng chưa sát với tình hình thực tế sử dụng thuốc.

Tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu chưa làm tròn nhiệm vụ được giao trong việc chấm, xét, chọn thầu, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu vượt quy định. Tại các cơ sở y tế địa phương, việc ký, thực hiện hợp đồng còn sơ hở, không thống kê và báo cáo được các nhà thầu vi phạm, không thanh lý hợp đồng…

     Phó Tổng TTCP đề nghị, lãnh đạo Bộ Y tế và các bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện KLTT thành 3 nhóm vấn đề, đó là: điều chỉnh cơ chế chính sách để các đối tượng không lợi dụng sơ hở, bất cập trục lợi; tăng cường lực lượng cán bộ, bổ sung, bố trí, sắp xếp hợp lý nhân lực có trình độ nghiệp vụ theo yêu cầu nhiệm vụ; và xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm.

      Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, trong quá trình thanh tra, về phía Bộ Y tế, các Cục, Vụ chức năng đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh tra; nghiêm túc thực hiện tất cả các yêu cầu của Đoàn thanh tra trong việc cung cấp đầy đủ hồ sơ một cách kịp thời, rõ ràng, tạo mọi điều kiện về phòng làm việc, các trang thiết bị phục vụ công việc,… để Đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ trưởng cho biết: “Sau khi nghe đại diện Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận, đây là Kết luận đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và yêu cầu Bộ Y tế nghiêm túc thực hiện, thay mặt Bộ Y tế chúng tôi xin tiếp thu một cách nghiêm túc và sẽ thực hiện một cách đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”.

“Trong quá trình triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng như ý kiến của đồng chí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn tại buổi công bố, chúng tôi sẽ phân công theo các nhóm (về xây dựng thể chế, về nâng cao trình độ năng lực của các chuyên viên, chuyên gia thẩm định) và có kế hoạch triển khai sớm. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn chúng tôi tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ” ông Trương Quốc Cường cho biết thêm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2392019

Cục trưởng Cục ATTP: Nhiều cơ sở bất chấp luân thường đạo lý trong kinh doanh thực phẩm chức năng

     Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xử phạt vi phạm về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng với số tiền lên đến hơn 46 tỷ đồng. Đáng chú ý, có nhiều quảng cáo, chiêu thức kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp 'luân thường đạo lý'…

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đang ngày càng tinh vi hơn, khiến cơ quan chức năng cũng khó xử lý.

- Qua theo dõi trên Facebook và các mạng xã hội, tình trạng quảng cáo, kinh doanh thực phẩm chức năng online rất sôi động, với những lời quảng cáo “nổ” công dụng sản phẩm như “tiên dược”, khiến người dùng không biết thực ra ra sao. Cơ quan quản lý có biết thực trạng này?

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong:

    Tôi rất chia sẻ và thông cảm với bức xúc của người tiêu dùng, thậm chí ngay chính người thân của tôi cũng đã từng bị những quảng cáo "nổ" công dụng của thực phẩm chức năng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh.

    Theo quy định pháp luật, vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật xử phạt vi phạm hành chính. Song cũng phải nói rằng, hiện nay việc quản lý nội dung quảng cáo trên một số trang mạng xã hội, website còn rất khó khăn, đặc biệt với những mạng xã hội, website có hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, chẳng hạn như Facebook.

      Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng khác để xử lý tình trạng này. Chúng tôi cũng đã có hai buổi làm việc với đại diện Facebook (cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông), phía Facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các website, tài khoản vi phạm.

- Không chỉ quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng còn tinh vi hơn bằng cách đặt tên một số sản phẩm thực phẩm chức năng trùng hoặc na ná tên các loại thuốc chữa bệnh, cố tình khiến người tiêu dùng hiểu nhầm. Tại sao những vi phạm như thế vẫn ngập tràn?

    Nguyên tắc của một sản phẩm khi đặt tên phải có tra cứu Cục Sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm nhái thì không thông qua quy trình này, do đó người tiêu dùng cần cẩn thận, tìm hiểu, đọc kỹ các thông tin trên nhãn mác sản phẩm.

      Có thể nói, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

     Ví dụ, những bệnh nhân mắc bệnh nan y nếu phát hiện sớm, phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh, chí ít cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.

Về giải pháp, vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành đã trình chính phủ ban hành Nghị định số 115 NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP thay cho Nghị định 178 trước đây.

Theo đó, mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều. Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Vậy trong “ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng như hiện nay, xin ông cho biết làm sao để người tiêu dùng "nhận diện" được sản phẩm thực phẩm chức năng kém chất lượng, vi phạm quảng cáo?

     Thực phẩm chức năng là những sản phẩm hỗ trợ chức năng, các bộ phận cơ thể của con người, có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Đây là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc.

      Tuy nhiên, cần khẳng định, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, không được phép quảng cáo hay ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh. Đồng thời, cũng không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo.

Do vậy, khi thấy các sản phẩm đang quảng cáo có những nội dung quảng cáo hoặc hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng nêu trên thì tốt nhất người tiêu dùng không nên mua, không tin, không sử dụng. Trước khi mua sản phẩm thực phẩm chức năng, nên tìm hiểu thông tin trên các cơ quan chính thống (Bộ Y tế, Cục ATTP…), xem thương hiệu sản phẩm đó…

Trong quá trình mua hoặc sử dụng, nếu phát hiện ra sản phẩm thực phẩm chức năng bị làm giả thì nên báo ngay cho các cơ quan chức năng sau đây: Thanh tra y tế, Thanh tra ATTP, Quản lý Thị trường, Công an, Cục ATTP/Chi cục ATVSTP… (An ninh thủ đô, trang 4)

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2392019

Bệnh viện có nhân viên robot

        Tại Hội nghị 'Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bệnh viện 2019' do Bệnh viện Quân dân y miền Đông (Cục Hậu cần Quân khu 7) tổ chức sáng 19-9, Đại tá Trương Hoàng Việt, Giám đốc bệnh viện, cho biết, bệnh viện vừa trang bị một robot tên 'Tấm', hình dáng giống nữ y tá. Robot có khả năng di chuyển tự động, nhận dạng khuôn mặt và nhớ tên người bệnh, giúp tiếp đón, hỗ trợ người bệnh, hướng dẫn và trả lời những câu hỏi của người bệnh... Đơn vị còn trang bị robot lau sàn nhà vệ sinh, cánh tay robot hỗ trợ người khuyết tật…(Sài Gòn giải phóng, trang 5)

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2092019

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày