Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 172

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 10 năm 2019
Lượt đọc 4099Ngày cập nhật 07/10/2019

Điểm báo từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 10 năm 2019

Trang bị kiến thức và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong hệ thống y tế

       Bộ Y tế vừa tổ chức Lễ Bế giảng khóa VII và Khai giảng khóa IX - Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Y tế Việt Nam tại Trường ĐH Y tế công cộng. Đối tượng tham dự các khóa học bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo đơn vị y tế dự phòng; Giám đốc/Phó Giám đốc bệnh viện.

     PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương đã đến dự và giảng bài với chủ đề: "Một số quan điểm về lãnh đạo và quản lý; Đổi mới chính sách y tế ở Việt Nam".

     Mục tiêu của khóa đào tạo là trang bị và cập nhật kiến thức về quản lý y tế, kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo quản lý ngành Y tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Y tế. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được ứng dụng các nguyên lý và phương pháp đào tạo dựa trên năng lực để trang bị cho học viên những kiến thức và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong hệ thống y tế, chính sách, định hướng chiến lược phát triển ngành Y tế, quản lý các nguồn lực, quản lý các hoạt động và cung cấp dịch vụ y tế.

      Để xây dựng Chương trình đào tạo này, Bộ Y tế giao cho Trường ĐH Y tế công cộng phối hợp với các chuyên gia trong nước và đặc biệt là các chuyên gia của Trường ĐH Y tế công cộng Rennes – Pháp để xây dựng 3 chương trình đào tạo bồi dưỡng về quản lý y tế cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Y tế. Quá trình xây dựng các chương trình đào tạo này đã được thực hiện công phu, bài bản với nhiều lần hội thảo xin ý kiến góp ý của cán bộ quản lý y tế như lãnh đạo Vụ, Cục của Bộ Y tế, các Sở Y tế, các bệnh viện và các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước; đồng thời có sự tham vấn của các chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế. Chương trình đã được Bộ Y tế thẩm định vào tháng 8/2017 và cho phép triển khai từ năm 2018.

Giảng viên của khóa học là cán bộ lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan, các chuyên gia của các Bộ ngành để cập nhật, hướng dẫn học viên thực hiện các văn bản quản lý về y tế; đại diện một số tổ chức quốc tế được mời để chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế. Bên cạnh đó, các giảng viên của Trường Đại học Y tế công cộng và Viện Y tế công cộng TPHCM cùng phối hợp giảng dạy, hệ thống hóa lý thuyết và các nguyên lý lãnh đạo, quản lý.

       Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức được 8 khóa đào tạo cho đối tượng lãnh đạo quản lý với tổng số 1270 học viên được đào tạo. Các học viên đã hoàn thành các nội dung lý thuyết và thảo luận trên lớp, đi thực tế tại các cơ sở y tế của tỉnh, thực hiện áp dụng tại cơ quan công tác và chia sẻ kết quả áp dụng với giảng viên và học viên toàn khóa. Khóa IX của chương trình sẽ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12/2019, gồm một lớp cho lãnh đạo các Vụ, Cục, văn phòng Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế; 2 lớp cho lãnh đạo bệnh viện.

        Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về quản lý y tế cho cán bộ lãnh đạo quản lý ngành Y tế là nhiệm vụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Y tế, thực hiện tốt chủ trương đổi mới hệ thống y tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết số 20 và 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có đổi mới về thể chế, bộ máy tổ chức, phương thức quản lý, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

       Đồng thời, với việc triển khai các khóa đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành Y tế, Bộ Y tế thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Với phương pháp đào tạo dựa trên năng lực, chương trình đào tạo được cấu trúc thành 4 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1, học tập trung trên lớp kéo dài 3 tuần nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng tổng hợp, đồng thời thông qua thảo luận tình huống để cập nhật và nâng cao các năng lực cần thiết cho công tác lãnh đạo quản lý; Giai đoạn 2, đi tìm hiểu thực tế 1 tuần tại địa phương nhằm đối chiếu và so sánh kiến thức đã học với thực tiễn tại các cơ sở y tế; Giai đoạn 3, ứng dụng thực hành trong công tác lãnh đạo, quản lý tại cơ quan công tác của học viên trong 7 tuần; Giai đoạn 4, cập nhật và báo cáo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trong 1 tuần. (Gia đình & Xã hội, trang 7)

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-3102019

Y tế và giáo dục nên đặt ở vị trí... tiền vệ

      Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất quan trọng của mỗi quốc gia. Nếu để giáo dục, y tế tự chủ hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này.

      Thông tin này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai khóa ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019, ngày 5.10.

Tự chủ không có nghĩa “tự bơi”

      Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chia sẻ về chủ đề "Tự chủ đại học (ĐH) - Đổi mới và sáng tạo" trước cán bộ giảng viên và hơn 900 tân sinh viên ĐH này. Ông Huệ nhấn mạnh: "Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất quan trọng của mỗi quốc gia. Nếu coi các lĩnh vực công là thành viên của một đội bóng đá thì không bao giờ đặt y tế và giáo dục ở vị trí tiền đạo mà chỉ nên ở vị trí tiền vệ".

      Phó thủ tướng lý giải nếu để giáo dục, y tế tự chủ hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này. Trung Quốc đã mắc phải sai lầm này, gây ra tình trạng tăng giá dịch vụ, lạm thu quá sức chi trả của người dân và nhà nước và đang phải khắc phục. Đi liền với đó trách nhiệm giải trình của cơ sở tự chủ chưa tương xứng với mức độ tự chủ sẽ gây ra tình trạng tham nhũng, thất thoát.

      Tuy nhiên, xu hướng chung trong giáo dục ĐH toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ nhà nước kiểm soát sang nhà nước giám sát.

     Ngay cả trong mô hình nhà nước kiểm soát thì cơ sở giáo dục ĐH vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định. Đồng thời, ngay trong mô hình độc lập thì nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu giải trình đối với các cơ sở giáo dục ĐH.

     Phó thủ tướng cũng nêu rõ, tự chủ ĐH không có nghĩa là các trường ĐH phải hoàn toàn "tự túc", "tự bơi" về mặt tài chính mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính. Đồng thời nhà nước vẫn có chính sách đặt hàng đào tạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển cùng với các chính sách xã hội hóa và đóng góp nguồn lực từ các doanh nghiệp, cựu giáo chức, cựu sinh viên.

       Ông Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta đừng nghĩ tự chủ là nhà nước bỏ hết là không phải". Theo ông, càng tự chủ bao nhiêu thì trách nhiệm giải trình càng lớn, các hoạt động càng phải công khai minh bạch.

"Trong cùng một quốc gia, mức độ tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH không giống nhau mà tùy thuộc vào chất lượng, năng lực của bản thân cơ sở đó", ông Huệ nói.

Thành lập trường trong trường ĐH và trường thuộc ĐH quốc gia

        Trong buổi làm việc, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có những kiến nghị về thực hiện tự chủ ĐH. Cụ thể, ĐH này kiến nghị Chính phủ cho phép chủ động áp dụng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH trước khi có nghị định hướng dẫn thi hành. Cụ thể là đề án thí điểm tự chủ của các trường ĐH thành viên theo 2 nhóm: tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, tự chủ phần lớn chi thường xuyên; Chủ động thành lập các trường trực thuộc ĐH này và các trường trực thuộc các trường ĐH thành viên.

        Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, cũng kiến nghị với Phó thủ tướng: "Nếu được xin phép cho ĐH Quốc gia được ủy quyền giao quyền tự chủ cho các trường thành viên trong thời gian nghị định chưa được ban hành". Theo bà Tú Anh, trường ĐH này đã có đề án nhưng chờ 2 năm chưa được thực hiện tự chủ. "Chúng tôi hiện đang rất khó khăn trong giữ người, các tiến sĩ thường xuyên bị “mất” qua trường tư và doanh nghiệp", bà Tú Anh nói.

      Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết tinh thần chung là Bộ GD-ĐT ủng hộ. Tuy nhiên, hiện tự chủ chi thường xuyên mới chỉ gồm 2 loại: toàn bộ hoặc một phần, không có tự chủ phần lớn như mô hình ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất.

      Về thành lập các trường trực thuộc, theo ông Phúc, luật mới hiện nay cho phép thành lập trường trong trường ĐH và trường thuộc ĐH Quốc gia. Do vậy, việc này thuộc thẩm quyền của ĐH Quốc gia và không có vướng mắc gì.

     Việc thành lập trường thuộc ĐH quốc gia và trực thuộc trường ĐH thành viên, Phó thủ tướng giao cho Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý theo quy định hiện hành, điều kiện để thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo được chi thường xuyên và chi đầu tư.

     Theo Phó thủ tướng: "Nếu nâng cấp khoa thành trường mà hoàn toàn tự chủ được thì vẫn hơn đẻ ra một cái mới nhưng là gánh nặng cho trường và ngân sách nhà nước". Từ đó, Phó thủ tướng khuyến khích nâng cấp từ những cơ sở có sẵn để tự chủ không phải giảm người làm mà là giảm chi từ ngân sách. Chẳng hạn, có thể nâng cấp trường từ khoa y, khoa quốc tế... (Thanh niên, trang 17).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-7102019

Bệnh viện được giao tự chủ mà không biết tự chủ cái gì

       Cụ thể, nêu vấn đề tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH về việc thực hiện chính sách về cơ chế tự chủ của các BV công lập, đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư, cho rằng vướng mắc lớn nhất của việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các BV là giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, đặc biệt là về tài chính và cán bộ. Cho biết đây là tâm sự “tưởng rất kỳ lạ nhưng thực tế lại thế” của một lãnh đạo BV, ông Trí đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết làm thế nào để tháo gỡ và ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này?

      Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng nhận định, cái khó nhất của thực hiện tự chủ là giao tự chủ nhưng không được tự quyết, mà mọi việc đều phải xin ý kiến hết, nhất là chuyện nhân sự. Từ đó, ông Xuân đề nghị Bộ Nội vụ giải thích vì sao các BV được tự chủ nhưng không ký hợp đồng được, với lý do là không có chỉ tiêu biên chế?

     Giải trình sau đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh làm cơ sở cho tự chủ của các BV chưa làm được, do ảnh hưởng tới chỉ số CPI và khả năng cân đối của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Còn đối với vấn đề nhân sự, Bộ trưởng lý giải hiện nay các đơn vị tự chủ được quyền quyết định đề án vị trí việc làm, số lượng người làm việc và tuyển dụng. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn chưa phân cấp, mà do UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt, nên vướng.

      “Chúng tôi chia sẻ vấn đề này nhưng không phải thẩm quyền của Bộ Y tế”, bà Tiến nói và cho biết vấn đề này Bộ Nội vụ trả lời sẽ sát hơn.

     Trong phần giải trình liên tục bị chủ tọa ngắt lời và đề nghị đi thẳng vào trọng tâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Trọng Thừa lại cho biết, Bộ Nội vụ đã tháo gỡ vấn đề này, vì hiện đã cho phép các BV xác định vị trí việc làm và phân cấp các UBND tỉnh phê duyệt, nên vấn đề nhân sự trong BV “không có gì vướng mắc, cản trở”.

        Cho rằng phần trả lời của các cơ quan hữu quan "chưa thấm vào cái tinh tế bên trong", đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết nhiều địa phương đang thực hiện một cách máy móc khi triển khai Nghị quyết của T.Ư về tinh giản bộ máy, vì cứ chằm chằm vào giảm biên chế trong ngành y tế, trong khi bệnh nhân ngày càng đông hơn, các BV đang cần nhiều người làm hơn. “Nghị quyết của T.Ư đặt mục tiêu giảm 10% biên chế là giảm 10% số người ăn lương nhà nước, chứ người làm việc các nơi là phải tăng”, ông Trí nêu quan điểm và đề nghị Bộ Nội vụ phải sâu sát hơn trong vấn đề này.

       Tỉnh có chưa tới 1 triệu người, nhưng mổ mắt cho 5 triệu bệnh nhân !

     Trong phiên thảo luận về việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT chiều cùng ngày, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Hoàng Mai cho biết một trong những tồn tại, bất cập “dai dẳng và bức xúc” là thanh quyết toán BHYT giữa Cơ quan BHXH VN và các BV. Theo ông Mai, các BV rất bức xúc vì không có tiền thanh toán cho đối tác, thậm chí một số BV tới cuối năm không có tiền thưởng cho cán bộ vì không quyết toán được tiền BHYT. “Có nơi, UBND tỉnh phải trích ngân sách trên 30 tỉ để giúp cơ sở khám chữa bệnh tạm thanh toán tiền với các đơn vị đối tác”, ông Mai nói.

      Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xem lại cách phân bổ kinh phí BHYT vì các BV đang gặp khó khăn. “Đến lúc người ta từ chối, sợ khám bảo hiểm vì hết tiền phân bổ rồi còn đâu mà khám. Nhận vào không thanh toán được thì sao?”, ông Trí nói.

      Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi thì cho rằng BHXH hiện đã ứng trước 80% nguồn kinh phí phân bổ hằng năm, nhưng với đơn vị 1.000 tỉ mà giữ lại 20%, tương ứng với 200 tỉ, thì là con số rất lớn. “Chỉ cần giữ lại 1 tỉ thôi cũng đủ chết rồi, chứ đừng nói 200 tỉ. Đề nghị BHXH báo cáo với UBND các tỉnh để chỉ đạo cơ quan BHXH địa phương phải linh hoạt trong việc thanh toán với các BV. Bây giờ chúng ta giao cho BV tự chủ, nâng cao chất lượng mà không có tiền để mua thuốc thì làm sao được”, ông Lợi nói.

     Giải trình về vấn đề này, Phó tổng giám đốc BHXH VN Phạm Lương Sơn cho biết vấn đề hiện nay là nằm ở việc quyết toán, vì các BV không giải trình, thuyết minh được các khoản chi phí. “Có những loại bệnh mà chỉ nhìn vào chi phí 6 tháng đầu năm 2019 đã thấy bất cập, vô lý là chi phí mổ Phaco (phẫu thuật đục thủy tinh thể - PV).

      Có BV chỉ 6 tháng mà chi 24 tỉ, theo logic bình thường thì số tiền này phải điều trị cho 5 triệu bệnh nhân, trong khi tỉnh đó dân số chưa tới 1 triệu người!”, ông Sơn nêu và cho biết nhiều khoản BHXH có bị phê bình cũng không thể thanh toán, vì nếu thanh toán thì cái chưa đúng của BV sẽ trở thành cái sai của cơ quan BHXH (Thanh niên, trang 4).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-4102019

Nỗ lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vì sự an toàn của người bệnh

      Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế.

      Ngày 30/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Khoa Gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở khám chữa bệnh.

      Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ Trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương nhấn mạnh: Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%.

      “Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn BV cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế. Đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn BV còn nặng hơn chính bệnh mà bệnh nhân mắc phải”- PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại.

      Chính vì thế tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quy chế thành lập khoa chống nhiễm khuẩn tại Quy chế BV (1997) và Thông tư số 18/2009/TT-BYT Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng nhiều văn bản khác hướng dẫn về công tác này. Đồng thời, trong 83 tiêu chí về đánh giá chất lượng BV thì kiểm soát nhiễm khuẩn là một tiêu chí quan trọng.

      Theo Bộ trưởng, đến nay công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn BV, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn BV và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh BV, chủ động phòng chống bệnh dịch...

      Mặc dù vậy, nhiễm khuẩn BV đang là vấn đề rất đáng quan ngại hiện nay. Nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt Đới Trung ương (2013), khảo sát tại khoa Hồi sức tích cực của 15 BV từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và BV dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các BV tuyến trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn BV cao hơn và tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn BV. Đặc biệt các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem dao động từ 50% đến 75%.

     “Tôi rất sốt ruột về vấn đề này, đi đến các BV tuyến trung ương hay BV tỉnh tôi đều dành sự quan tâm đến thăm, kiểm tra trực tiếp tại các Khoa Hồi sức, Khoa Gây mê hay đơn vị gây mê hồi sức. Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong cơ sở y tế, đặc biệt tại các khoa gây mê hồi sức và hồi sức tích cực vì liên quan mật thiết đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Việc đầu tư cho hoạt động kiêm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp và hiệu quả

     Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng thực trạng trên, trước hết là do một số người đứng đầu cơ sở y tế chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, do vậy việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động kiêm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp và hiệu quả. Chưa có chính sách thu hút, khuyến khích những người có tâm huyết, có chuyên môn làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

    Tiếp đến, nhân lực giám sát chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn thiếu ở hầu hết các BV. “Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo, do vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại nhiễm khuẩn BV thường gặp và giám sát các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Nhân lực điều dưỡng thiếu, chưa thực hiện được chăm sóc toàn diện dẫn đến mỗi người bệnh phải có người nhà vào chăm sóc làm lan truyền vi sinh vật từ môi trường cộng đồng vào BV và ngược lại”- Bộ trưởng thẳng thắn nêu thực trạng.

     Bên cạnh đó, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều BV chưa được quan tâm đầu tư đúng quy định. Thiết kế BV, đặc biệt thiết kế tại khoa hồi sức tích cực, khoa gây mê hồi sức chưa bảo đảm về kiểm soát nhiễm khuẩn.

     “Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn  tại các BV tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng vào công tác giám sát bao gồm giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn BV – Đây mới là nhiệm vụ trọng tâm của kiểm soát nhiễm khuẩn  tại BV nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

      Ngoài ra, còn nguyên nhân khác nữa là chưa có chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn  hiệu quả trong các trường, do vậy các bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên y tế khác khi và làm việc tại các cơ sở y tế chưa có đủ kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Nhân viên y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc người bệnh phải được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn

      Do đó, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cam kết thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành. Song song với truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.

      Đồng thời thiết kế/cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn và bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo cơ cấu giá viện phí dành cho kiểm soát nhiễm khuẩn.

     Bố trí đủ nhân lực có năng lực chuyên môn, đã được đào tạo và có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách. Bảo đảm nhân viên y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc người bệnh phải được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Tăng cường nhân lực cho khoa hồi sức tích cực và khoa Gây mê hồi sức để bảo đảm chăm sóc toàn diện người bệnh.

      Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, Giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y  tế, sinh viên, học sinh, người bệnh và người nhà. Tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo đúng hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn đã ban hành nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn BV đến mức thấp nhất.

     Thực hiện cải tiến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần bảo đảm cung cấp dịch vụ an toàn và chất lượng. Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV đúng quy định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2102019

Vì sao bệnh tay chân miệng tăng?

        Năm nay bệnh tay chân miệng tiếp tục có xu hướng tăng bằng so với cùng kỳ các năm. Điều này chính là nghịch lý bởi theo Sở Y tế TP.HCM, các đơn vị đã "thực hiện rất tốt các giải pháp đề ra". Tại sao vẫn tăng?

       Trong buổi giao ban đầu tuần mới đây, giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh có ý kiến truyền đạt yêu cầu các lãnh đạo phòng chức năng phải tìm ra nguyên nhân tại sao dịch tay chân miệng gia tăng.

Bệnh tăng liên tục

       Từ giữa tháng 7, lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh đang vào mùa, có xu hướng lây lan nhanh nếu không thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa.

      Báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thuộc Sở Y tế TP, trong tháng 8 toàn thành phố có 3.088 ca tay chân miệng được báo cáo. Trong đó có 457 ca nội trú và 2.631 ca ngoại trú, tăng 115% so với tháng 7 (1.438 ca). Số ca tích lũy đến tháng 8-2019 là 9.718 ca, giảm 16% so với cùng kỳ 2018 (11.495 ca), không có ca tử vong. Và theo báo cáo sơ bộ, số trẻ em bị tay chân miệng trong tháng 9 lại có chiều hướng gia tăng.

       Ghi nhận tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám và được kê thuốc điều trị ngoại trú lẫn số trẻ phải nhập viện điều trị nội trú đều gia tăng. Nếu như tháng 7 chỉ có hơn 1.900 trẻ đến khám bệnh do mắc tay chân miệng thì trong tháng 8 có đến gần 5.000 ca. Tháng 7 có 168 ca phải nhập viện điều trị nội trú thì đến tháng 8 con số này tăng lên 283 ca và mới chỉ tính đến nửa đầu tháng 9 có đến 235 ca. Trước tình hình này, khoa nhiễm đã bố trí một khu vực dành riêng cho bệnh nhi để tránh lây lan cho các bệnh nhi khác.

       Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 số liệu thống kê sơ bộ cho thấy trong tháng 8, mỗi ngày đơn vị điều trị cho khoảng 20 trẻ nội trú mắc tay chân miệng. Nhưng đến giữa tháng 9 con số này tăng hơn 2 lần (50 trẻ/ngày). Đặc biệt có một số trường hợp khá nặng, phải thở máy.

Trường học và phụ huynh thờ ơ

      Quy luật của bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, bắt đầu phát sinh từ tháng 8 kéo dài đến hết tháng 12 khi trẻ trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè.

     Theo tìm hiểu, để giám sát việc bùng phát dịch bệnh, từ lâu giải pháp mà Sở Y tế TP đề ra là xây dựng hệ thống giám sát dịch tễ từ TP - quận huyên - phường xã, qua đó ghi nhận ca bệnh đến khám, điều trị tại các bệnh viện báo cáo trong vòng 24 giờ để được điều tra dịch tễ xử lý.

    Mặt khác, hằng năm Sở Y tế TP đều ký kế hoạch liên tịch với Sở GD&ĐT, đồng thời có các văn bản chỉ đạo địa phương triển khai "chiến dịch" phòng chống bệnh tay chân miệng, nhất là trong thời điểm khai giảng năm học mới tại các trường học, với các nhóm trẻ. Các khuyến cáo yêu cầu trường học tuân thủ kiểm soát bệnh truyền nhiễm thông qua điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh để cách ly kịp thời, điều trị.

      Giải pháp là thế, nhưng ghi nhận tại một số trường mầm non lại cho thấy từ giáo viên đến phụ huynh còn khá thờ ơ với các biểu hiện của trẻ để phòng ngừa. Đặc biệt ở khâu điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh để cách ly kịp thời chỉ là "trên lý thuyết", ít nơi quan tâm.

      Tại một trường mầm non ở P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) khi được hỏi về các biểu hiện để nhận biết trẻ bị bệnh tay chân miệng, cô giáo tên A. lắc đầu nói "chịu thua". Rồi cô này cười thú nhận: "Tụi em chỉ được thông báo sơ là giữ gìn vệ sinh trong lớp học, chứ không hiểu rõ về biểu hiện của bệnh nên chỉ khi gia đình chủ động thông báo mới biết bé nào bị ốm".

      Chị H., có con từng cho theo học ở đây, cho biết hầu như các trường chỉ quan tâm đến tháng đóng tiền học phí, rất hiếm khi quan tâm đến việc bé bị bệnh hoặc có đi học hay không. "Nếu phụ huynh có con bị bệnh nhưng vẫn cho đi học bình thường thì coi như cả nhóm trẻ đều bị lây bệnh" - chị H. khẳng định.

Không chỉ nguyên nhân từ nhà trường, thực tế có nhiều bậc cha mẹ "phó thác" con cho trường. "Vì công việc bận rộn, họ cứ việc đẩy con vào trường mà ít quan tâm đến việc con mình có bệnh hoặc vừa bị lây bệnh hay không. Chỉ đến lúc con bị bệnh nhập viện mới tá hỏa, lúc ấy quá muộn" - phụ huynh tên T. cho hay.

      Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết đối với bệnh tay chân miệng các giải pháp phòng ngừa, khống chế ổ dịch ngay từ đầu mùa rất quan trọng. Và nếu làm tốt sẽ giảm thiểu số ca nguy cơ lây bệnh. Còn nói ngăn chặn triệt để là điều không thể bởi bệnh chưa có văcxin phòng ngừa. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bệnh tăng? Theo BS Khanh, có một thực tế là ý thức của người dân khi chưa mắc bệnh họ không thực hiện phòng ngừa theo khuyến cáo. "Quy luật của bệnh là không thay đổi. Muốn phá vỡ quy luật chỉ có văcxin, bởi nếu chỉ phòng ngừa thường quy, người dân sẽ không thực hành" - BS Khanh nói.

     Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có văcxin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước, xà phòng, vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

      Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo nếu phát hiện sớm trẻ có các biểu hiện như thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái, sốc... cần cách ly với các trẻ khác, nhanh chóng đưa trẻ nhập viện tránh bệnh trở nặng, có thể biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Nhà trường biết nhưng không báo

      Mấy ngày qua, anh N.D.T. (35 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) bất ngờ thấy con trai 3 tuổi có các biểu hiện lạ như bứt rứt, đêm ngủ không được. Sáng ra, anh kiểm tra phát hiện ở tay, chân nổi các mụn nước, kèm theo đó là những nốt ửng đỏ. Sau khám, bác sĩ khẳng định con trai anh đã "dính" bệnh tay chân miệng và yêu cầu cách ly điều trị.

     "Tôi gọi điện cho nhà trường nơi bé học để hỏi sự tình. Nhà trường nói có một bé cùng lớp với con tôi bị tay chân miệng nhưng chưa kịp thông báo cho các phụ huynh khác biết. Tôi khá bất ngờ với cách xử lý này và yêu cầu nhà trường phải có biện pháp cách ly, tẩy trùng, đồng thời thông báo cho phụ huynh biết để chủ động đề phòng" - anh T. nói. (Tuổi trẻ, trang 14)

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-7102019

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Khó triển khai đồng loạt

       Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt mang đến nhiều lợi ích, giúp đơn giản hóa thủ tục cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi. Vì vậy, Bộ Y tế đang đẩy mạnh triển khai các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, trong đó yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn đô thị phải thực hiện phương thức thanh toán này trước ngày 31-12-2019. Thế nhưng, trên thực tế, ứng dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt khó triển khai đồng loạt.

Chủ yếu vẫn là... tiền mặt

       Từ tháng 9-2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã áp dụng thí điểm giải pháp thanh toán viện phí bằng thẻ bảo lãnh viện phí tại Khoa Điều trị theo yêu cầu 1C. Sau 1 năm triển khai, đã có gần 7.000 người bệnh sử dụng thẻ bảo lãnh viện phí thay cho tiền mặt, chiếm hơn 40% số người bệnh đến khám. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, hình thức thanh toán này không chỉ giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi, mà còn giúp bệnh viện dễ dàng kiểm soát nguồn thu, giảm nhân lực kiểm đếm tiền mặt. Với bệnh nhân ở xa, thanh toán viện phí qua thẻ còn giúp họ quản lý tiền tốt hơn, không còn nỗi lo đánh rơi, hay bị trộm cắp...

       Tiện lợi là vậy, song theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vẫn chủ yếu chi trả viện phí bằng tiền mặt. Ngồi chờ thanh toán viện phí, chị Lương Thị Chung (ở tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, nhà cách bệnh viện khoảng 40km, việc phải mang một khoản tiền mặt tương đối lớn để thanh toán viện phí cũng rất bất tiện, nhưng chị đã quen với việc thanh toán tiền mặt mỗi khi vào bệnh viện. Còn anh Nguyễn Văn Nam (ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), thay vì sử dụng dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ bảo lãnh viện phí, anh lại xếp hàng chờ ở cây ATM để rút tiền nhằm thanh toán viện phí…

      Từ năm 2013, Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên ở khu vực miền Bắc áp dụng thanh toán viện phí qua thẻ, mà không dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thẻ này có đầy đủ tính năng như thẻ ATM thông thường, có thể dùng để đăng ký khám bệnh, khám theo lịch hẹn qua website hoặc qua tổng đài điện thoại của bệnh viện. Việc thanh toán viện phí qua thẻ có nhiều cái lợi và sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai, song để thanh toán viện phí 100% qua thẻ, thì cần có lộ trình, chưa thể làm ngay được.

      Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng triển khai dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ khám, chữa bệnh. Ông Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho rằng, thẻ khám, chữa bệnh sẽ tích hợp thẻ ngân hàng với nhiều tính năng, tiện ích vượt trội như: Lưu trữ thông tin cá nhân, bệnh án của bệnh nhân; thanh toán viện phí; thanh toán tiền thuốc… Tuy nhiên, để cán bộ y tế, người bệnh thích ứng dần với những tiện ích trên, bệnh viện vẫn áp dụng song song hai hình thức thanh toán: Bằng tiền mặt và bằng thẻ.

      Bộ Y tế đặt mục tiêu cho các bệnh viện trên địa bàn đô thị áp dụng thanh toán điện tử trước ngày 31-12-2019. Thế nhưng, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô như: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện E… vẫn chưa áp dụng phương thức này. Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), mốc thời gian trên được đưa ra để các bệnh viện phấn đấu, nhưng khó có thể đạt được. Hiện tại, đã có hơn 30 bệnh viện trên cả nước triển khai phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, nhưng người dân đến khám, chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt vì nhiều lý do khác nhau.

Xây dựng quy trình thanh toán thuận tiện

      Việt Nam hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động Mobile Banking (ngân hàng trên điện thoại di động) và 31 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung  gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất đa dạng như: Thẻ sử dụng máy POS, ATM hoặc cài thẻ vào điện thoại để thanh toán; dùng điện thoại sử dụng ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử hoặc quét mã QR (Quick Response trên phiếu viện phí) để thanh toán.

      Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, khi áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh thông thường. Để hạn chế gây xáo trộn, ảnh hưởng không tích cực, các cơ sở y tế phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa, phòng, bộ phận liên quan. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các cơ sở y tế để bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử.

      Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt 6 chữ “S”, đó là: Sẵn sàng, sâu sắc và san sẻ. Về việc phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có cơ chế chi trả phí, các ngân hàng sẽ thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua chính sách hỗ trợ ban đầu với các cơ sở khám, chữa bệnh như miễn hoặc giảm phí dịch vụ thanh toán với các thanh toán viện phí... (Hà Nội mới, trang 5).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2102019

Thu hồi khẩn 11 loại thuốc có chứa vượt ngưỡng tạp chất nguy cơ gây ung thư

       Ngày 2-10, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở nhập khẩu thuốc yêu cầu thu hồi thuốc chứa Ranitidine có chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) vượt giới hạn cho phép. Theo đó, căn cứ thông báo của Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA), Cơ quan quản lý dược phẩm Thụy Sĩ (Swissmedic) về việc thu hồi các thuốc chứa Ranitidine do phát hiện chứa tạp chất NDMA có nguy cơ gây ung thư ở hàm lượng vượt quá ngưỡng cho phép của quốc tế, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi ngay 11 thuốc thành phẩm trên địa bàn cả nước.

       Cụ thể gồm các loại thuốc sau: Thuốc Aciloc 150 (số đăng ký: VN-17188-13) và thuốc Aciloc 300 (SĐK: VN-17848-14), dạng bào chế viên nén bao phim, công ty Cadila Pharmaceuticals Ltd (Ấn Độ) sản xuất; thuốc Apo-Ranitidine 150mg (SĐK: VN-3366-07), dạng viên nén, do Apotex Inc của Canada sản xuất; thuốc Zantac Tablets (SĐK: VN-10264-10, VN-20764-17), dạng viên nén bao phim, do Glaxo Wellcome S.A của Tây Ban Nha sản xuất;

      Thuốc Zantac Injection (SĐK: VN – 10265-10, VN-20516-17), dạng dung dịch tiêm, do GlaxoSmithKline Manufacturing S.p.A của Italy sản xuất; thuốc Ratylno-150 (SĐK: VN-18567-14), dạng viên nén bao phim, do Micro Labs Ltd của Ấn Độ sản xuất; thuốc Hyzan Tablet 150mg, dạng viên nén bao phim, do Xepa – Soul Pattinson của Malaysia sản xuất;

       Thuốc Neoceptin R-150 Tablet 150mg, dạng viên nén bao phim, do Beximco Pharmaceuticals Ltd sản xuất; thuốc Vesyca film coated tablet 150mg, dạng viên nén bao phim, của Y.S.P. Industries của Malaysia sản xuất; thuốc Xanidine Tablet 150mg, dạng viên nén bao phim, của Berlin Pharmaceutical Industry Co Ltd của Thái Lan sản xuất; thuốc Zantac Syrup 150mg/10ml, dạng Si rô, của Aspen Bad Oldesloe GmbH Germany (Đức) và Glaxo Wellcome Operations (Mỹ) sản xuất.

     Cục Quản lý Dược yêu cầu các Công ty nhập khẩu thuốc phối hợp với nhà phân phối thuốc thông báo thu hồi tất cả các lô thuốc thành phấm nêu trên tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc và tiến hành thu hồi toàn bộ các lô thuốc này.

     Đồng thời, Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo việc thu hồi tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; Công bố thông tin việc thu hồi tất cả các thuốc thành phẩm nêu trên trên trang thông tin điện tử của Sở; Kiểm tra và giám sát các Công ty nhập khẩu thuốc trên địa bàn thục hiện việc thu hồi các thuốc nêu trên (An ninh thủ đô, trang 8).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-4102019

Cục Quản lý Dược: Cấp 2 cặp thuốc cùng tên cho 2 công ty

       Từ năm 2011 đến 2014, trên 100 bệnh viện thuộc 36 tỉnh, thành đã chấm trúng thầu 4 loại thuốc có vấn đề về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa ghi thuốc do Công ty Health 2000 Canada sản xuất, VN Pharma nhập khẩu.

      Thông tin từ Bảo hiểm xã hội ngày 3-10 cho biết như trên.

     Bốn loại thuốc này đã bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) yêu cầu ngưng nhập khẩu từ cuối năm 2014. 

      Nhưng điều bất ngờ, khi xem xét lại 4 thuốc này, 2 thuốc có tên hoàn toàn trùng với 2 thuốc khác do Công ty "ma" Helix Canada sản xuất, Công ty VN Pharma nhập khẩu (tháng 9-2014, Cục Quản lý dược cũng đã rút số đăng ký 7 thuốc của Helix, trong đó có 2 loại thuốc này). 

     Việc cấp số đăng ký cho 2 thuốc cùng tên là vi phạm thông tư 22-2009 và cũng thể hiện một sự "ưu ái" cho VN Pharma.

Lạ lùng 2 cặp thuốc cùng tên

      Theo thông tin từ cơ quan bảo hiểm, 4 loại kháng sinh do Health 2000 sản xuất, VN Pharma nhập khẩu nói trên gồm thuốc H2K Ciprofloxacin Infusion 200mg/100ml (số đăng ký VN-11531-10), thuốc H2K Levofloxacin Infusion 500mg/100ml (số đăng ký VN-11532-10), thuốc Kaderox-250 và thuốc Kafotax-1000.

       Trong thời gian từ năm 2011-2014, tổng số tiền 4 loại thuốc này trúng thầu vào bệnh viện là 55 tỉ đồng. Trong đó, quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả trên 52 tỉ đồng tiền thuốc, số còn lại do người bệnh tự chi trả.

       Tuy nhiên, qua xem xét danh sách 7 thuốc do Helix Canada sản xuất, VN Pharma nhập khẩu mà Cục Quản lý dược có quyết định rút số đăng ký ngày

19-9-2014, lại thấy tên 2 thuốc H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml (số đăng ký VN-17877-14) và H2K Levofloxacin 500mg/100m (số đăng ký VN 17880-14).

      Chiếu theo quy định trong thông tư 22-2009, visa thuốc có thời hạn 5 năm, nhưng ở đây là khoảng 4 năm Cục Quản lý dược lại cấp 2 tên thuốc trùng với 2 tên thuốc đang lưu hành, vi phạm yêu cầu không cấp trùng hoặc tương tự với tên thuốc đã được cấp số đăng ký của cơ sở khác.

        Ở đây có 2 cặp thuốc cùng tên của 2 nhà sản xuất, do cùng Công ty VN Pharma nhập khẩu. Việc cấp trùng tên có thể vô hình trung tạo một lợi thế đáng kể cho VN Pharma: khi có tên thuốc mới thì được kê khai giá mới, chưa kể những lợi thế có thể có khi tham gia đấu thầu.

Health 2000: còn thuốc chưa bị "lộ"

       Qua khảo sát danh mục thuốc do Health 2000 sản xuất và VN Pharma nhập khẩu, chúng tôi còn thấy có thêm 3 thuốc chưa có tên trong danh sách trúng thầu vào bệnh viện mà bảo hiểm y tế đã rà soát. Số này bao gồm thuốc Vipanzon 40mg, MGP Moxinase 625 và MGP Axinex 1000. Các thuốc này có được nhập khẩu vào VN, như MGP Moxinase 625 có lô hàng vào VN ngày 5-6-2011 trị giá gần 35.000 USD, thuốc MGP Axinex 1000 có lô hàng ngày 1-3-2012 trị giá trên 157.000 USD...

      Kiểm tra kết quả đấu thầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh năm 2012, MGP Axinex 1000 trúng thầu vào Bệnh viện K lô hàng 244 triệu đồng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (trúng thầu lô 420 triệu đồng), Bệnh viện Nhi T.Ư (chưa rõ số tiền)..., giá trúng thầu tùy bệnh viện, dao động 61.000-76.000 đồng/lọ. Các thuốc Vipanzol và MGP Moxinase 625 cũng trúng thầu vào nhiều bệnh viện T.Ư và địa phương. 

      Tuy nhiên, số tổng hợp cuối chưa được đưa vào danh sách 55 tỉ đồng của cơ quan bảo hiểm. Hiện cơ quan bảo hiểm đang khoanh số tiền thuốc này, chưa yêu cầu thu hồi.

       Dù vậy, việc cơ quan quản lý có nhiều ưu ái khó hiểu cho VN Pharma, thuốc có nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ đã vào đến bệnh viện số lượng lớn, cần khẩn thiết yêu cầu làm rõ nguồn gốc thuốc này ở đâu, ai chịu trách nhiệm nếu đây lại là một vụ "hồn Trương Ba, da hàng thịt" như thuốc Helix mà từ đó, nhiều thành viên VN Pharma phải ra tòa. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép khi có nhiều "ưu ái" lạ lùng cho VN Pharma (Tuổi trẻ, trang 4).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-4102019

Mạo danh Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược chữa dạ dày

      Mới đây, Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai nhận được điện thoại của người dân đề nghị xác minh thông tin “Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai đang có chương trình hỗ trợ 3000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày trên cả nước?”…

      Theo phản ánh của người dân đến Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai, trên mạng xã hội lan truyền thông tin: “Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu…thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ”.

      Người phản ánh thông tin cho biết thêm, bản thân bị bệnh dạ dày nên khi nhận được thông tin trên, chị này rất vui mừng và đã nhấn nút “đăng ký”, để lại số điện thoại và thông tin cá nhân.

      Một lúc sau, chị nhận được điện thoại của một người lạ tự xưng là bác sĩ của khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị lại nhận được một cuộc điện thoại của một người lạ khác tự xưng là nhân viên của Khoa Dược – Bệnh viện Bạch Mai hỏi địa chỉ để ship trà đến cho chị và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.

     Nhận được thông tin phản ánh, Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Bạch Mai đã liên hệ với các đơn vị liên quan để xác minh sự việc.

     TS.BS.Vũ Trường Khanh, trưởng Khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai khẳng định: “Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và Khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang”.

     Qua đây, bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, đơn vị y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng internet rất phổ biến. Do đó, bà con cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những lời quảng cáo có cánh để rồi tiền mất tật mang. Nếu có bệnh, bà con nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô, trang 19)

Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 3: “Chiêu trò mới: Mạo danh các bệnh viện lớn để lừa người bệnh”

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-7102019

Phẫu thuật tách rời thành công 2 bé gái song sinh dính nhau

      Ngày 2-10, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật tách rời 2 bé gái song sinh dính nhau ở phần bụng.

      Trước đó, sản phụ N.T.H.H (ngụ tỉnh Quảng Nam) theo dõi thai kỳ tại BV Từ Dũ và được các bác sĩ phát hiện song thai là 2 bé gái có bụng dính nhau (từ phần ức trở xuống). Sản phụ được theo dõi đặc biệt trong quá trình mang thai dưới sự phối hợp của BV Từ Dũ và BV Nhi đồng 1.

      Ngày 23-8, 2 bé gái dính nhau chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Ngay lập tức, 2 em bé được chuyển đến BV Nhi đồng 1 để nuôi dưỡng, theo dõi và chuẩn bị phẫu thuật tách rời. Tại BV Nhi đồng 1, các kết quả kiểm tra cho thấy, hai bé gái có phần gan dính nhau, thông nối mạch máu trong gan.

     Ngoài dính nhau phần gan, chưa phát hiện các dị tật về hệ tiêu hóa, tim mạch. Do đó, sáng ngày 2-10, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật tách rời, thời điểm diễn ra phẫu thuật, tổng cân nặng của cặp song sinh đạt 7,9kg.

     Ê kíp mổ bắt đầu từ 8 giờ sáng 2-10 với đội ngũ nhân viên y tế gồm 28 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng. Trong quá trình phẫu thuật tách rời phần gan dính nhau, các bác sĩ cũng gặp khó khăn khi gan của trẻ sơ sinh rất mềm, dễ vỡ, màng bao gan không dai như trẻ lớn, nên các bác sĩ phải thực hiện vô cùng nhẹ nhàng, khéo léo, tránh nguy cơ chảy máu ồ ạt. Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công, 2 bé gái sau khi tách rời đều khỏe mạnh, ổn định và đang được hồi sức tích cực. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-3102019

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày