Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 714

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 6 năm 2020
Lượt đọc 2668Ngày cập nhật 08/06/2020

Điểm báo từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 6 năm 2020

 

 

Đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu

   Ngày 4-6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.

   Đánh giá diễn biến dịch bệnh trên thế giới, các chuyên gia cho biết, hiện nay, một số quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện tốt chính sách ngăn chặn dịch từ sớm nên đã kiểm soát được dịch bệnh, tương đối an toàn và ổn định. Nhưng đối với nhiều nước khác ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm khi thực hiện các biện pháp phong toả, xét nghiệm nhưng do triển khai muộn nên chưa thể khẳng định được khu vực nào là an toàn.

   Các chuyên gia cho rằng tình hình dịch bệnh bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp, nên chúng ta vẫn phải tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt công tác cách ly; kịp thời phát hiện ca mắc mới để thực hiện khoanh vùng, điều trị hiệu quả.

   Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, do dịch bệnh kéo dài nên vấn đề tổ chức đưa công dân Việt Nam từ các khu vực có dịch về nước (người lao động hết hợp đồng, du học sinh, người thăm thân, chuyên gia người Việt bị kẹt lại các nước do dịch bệnh), cũng như việc đón các đoàn ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động kỹ thuật cao… vào Việt Nam đang tạo ra sức ép rất lớn.

   Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, trong đó có giải pháp: Tổ chức chuyến bay đến một số điểm trung chuyển; đón công dân Việt Nam, các đoàn ngoại giao; mở kênh đăng ký cho các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, bao gồm cả có những chuyên gia chỉ nhập cảnh ngắn hạn để xúc tiến đầu tư, hoạt động thương mại;…

   Vì thế, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, các hướng dẫn về đưa đón, tổ chức cách ly đối với các đối tượng nhập cảnh phải hết sức cụ thể, tổ chức kiểm tra thường xuyên. Bộ Y tế được giao xây dựng và ban hành sớm hướng dẫn đón các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam ngắn hạn.

   Ban Chỉ đạo cũng lưu ý, mặc dù tình hình trong nước tương đối tốt nhưng thời gian qua trong bộ máy ở một số nơi có biểu hiện lỏng lẻo, sơ hở, điển hình là việc chuẩn bị những địa điểm cách ly phi hành đoàn, chuyên gia nước ngoài. Chúng ta cần phải tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh.

   Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận và thống nhất tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly các phi hành đoàn, tổ bay quốc tế; cách ly người nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ; xem xét mở kênh đăng ký chuyến bay đối với các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam; giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối xem xét giải quyết thủ tục đưa các chuyên gia, kỹ sư, doanh nhân người Việt đang bị kẹt ở nước ngoài (như đối với chuyên gia nước ngoài) về Việt Nam để phục vụ phát triển sản xuất trong nước…

   Về nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19, hiện đã có nhiều quốc gia và tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới tham gia nhưng mới ở giai đoạn thử lâm sàng, chưa thể hy vọng có ngay được để phục vụ phòng, chống dịch bệnh (Nhân dân, trang 1). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-562020

  Mỗi người dân sẽ có một mã định danh y tế

   Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2153/QĐ-BYT về quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế. Theo đó, mã số Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được sử dụng làm mã định danh y tế để xác định danh tính một cá nhân tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 

   Mỗi người dân chỉ được cấp một mã định danh y tế duy nhất và mỗi mã định danh y tế chỉ được cấp cho một người, đồng thời tồn tại suốt đời. Các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác. Theo quy định, mã định danh y tế gồm 10 ký tự số là số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT theo quy định tại Quyết định số 1263/QĐ-BHXH ngày 21-11-2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành và quy định quản lý, sử dụng hệ thống danh mục dùng chung, chỉ tiêu báo cáo ngành BHXH. Bộ dữ liệu thông tin định danh gồm: Mã số BHXH, họ tên, ngày sinh, giới tính, mã tỉnh/huyện/xã nơi đăng ký khai sinh, mã thẻ BHYT (nếu người dân có tham gia BHYT). Các cơ sở y tế tra cứu mã số BHXH của người dân trên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. Khi trích chuyển dữ liệu khám chữa bệnh của người bệnh, các cơ sở khám bệnh sử dụng mã định danh y tế và các thông tin liên quan để liên kết các thông tin của người bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 7). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-562020

Chuyên gia đầu ngành 3 miền hội chẩn đặc biệt

   Chiều 4/6, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì hội chẩn trực tuyến quốc gia của Tiểu ban Điều trị và Hội đồng Chuyên môn (Bộ Y tế) cùng các chuyên gia hồi sức, tim mạch lồng ngực, truyền nhiễm, hô hấp, ngoại khoa... về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân 91-nam phi công người Anh. Cuộc hội chẩn có sự tham gia của chuyên gia ở các điểm cầu BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Trung ương Huế.

   Báo cáo tại buổi hội chẩn, đại diện BV Chợ Rẫy cho biết, ngoài những diễn biến tích cực trước đó như đã mỉm cười, thực hiện được các y lệnh của bác sĩ,  hiện tại bệnh nhân 91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 2/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO sáng ngày 3/6. Đến nay sau 24h ngừng sử dụng ECMO, bệnh nhân vẫn ổn định.

   Kết quả chụp XQ phổi của bệnh nhân cải thiện. Vùng sáng (thông khí) cải thiện nhiều, đặc biệt phổi trái đã thông khí hơn 50%, phổi phải hơn 8%. Kết quả CT-ngực và bụng sáng ngày 04/6: Nhìn chung các tổn thương bình thường. Bệnh nhân hiện đang thở máy áp lực.

   Tại buổi hội chẩn, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị và chuyên gia từ các điểm cầu đều gửi lời chúc mừng kết quả bước đầu trong điều trị bệnh nhân 91 đến thời điểm này của BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM và BV Chợ Rẫy kế thừa sau đó

   Tham gia hội chẩn, chuyên gia tại các điểm cầu đều cho rằng dù bệnh nhân có những tiến triển ban đầu về sức khoẻ, tuy nhiên tình trạng vẫn còn nặng và cần tiếp tục nỗ lực điều trị nội khoa, hồi sức, dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu và bệnh nhân cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc...

   Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tổ điều trị cho bệnh nhân tiếp tục theo dõi điều trị về nội khoa; đảm bảo về mặt dinh dưỡng, chỉ số miễn dịch và tình trạng nhiễm trùng.  Bên cạnh điều trị nội khoa để bệnh nhân ngày càng tốt hơn thì cần phải chuẩn bị sẵn điều kiện về ngoại khoa (nhóm ghép phổi) để có thể sẵn sàng tiến hành khi đủ điều kiện

   Với bệnh nhân này đề nghị hết sức cố gắng trong điều trị để làm sao  cho phổi bệnh nhân tăng tiếp diện tích thông khí (Tiền phong, trang 14). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-562020

Đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh: đề xuất WHO hỗ trợ kỹ thuật

   Ngày 2.6, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn đã tiếp và làm việc với nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, do ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - làm Trưởng đoàn.

   Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự hỗ trợ của WHO đối với lĩnh vực y tế tại Việt Nam nói chung và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, thời gian qua, WHO đã chung tay cùng với Việt Nam trong công tác phòng chống và đẩy lùi đại dịch COVID-19.

   Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Kidong Park đã chúc mừng những thành tựu to lớn mà BHXH Việt Nam đã đạt được trong 25 năm qua. Đồng thời, ông Kidong Park cũng đánh giá cao hệ thống y tế của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19. Ông Park cho rằng, thành công này có được là do nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến việc Việt Nam rất quan tâm, xây dựng được hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và hệ thống thông tin giám định BHYT hiệu quả.

   Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, kiêm phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - đã đề xuất các nội dung hợp tác giữa BHXH Việt Nam và WHO trong thời gian tới. Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất WHO hỗ trợ triển khai nghiên cứu đánh giá thực hiện Luật BHYT từ năm 2015 đến nay, trong đó tiến hành xây dựng đề cương đánh giá; thu thập và phân tích số liệu thứ cấp; khảo sát tại địa phương; cung cấp kinh nghiệm quốc tế và thực hiện chính sách BHYT. Qua đó, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật BHYT và các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Luật BHYT.

   Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đề xuất WHO hỗ trợ kỹ thuật đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) gồm: Thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRGs); hỗ trợ chuyên gia đào tạo kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện DRGs. Hỗ trợ xây dựng các quy tắc giám định phục vụ giám định điện tử. Nâng cao năng lực quản lý chi phí và sử dụng hợp lý thuốc và vật tư y tế; đàm phán giá thuốc và vật tư y tế; cung cấp kinh nghiệm quốc tế và đàm phán giá thuốc; cung cấp dữ liệu về giá thuốc thực hiện đàm phán tại các quốc gia; kinh nghiệm đấu thầu thuốc tại các quốc gia trên thế giới và định hướng cho Việt Nam; kinh nghiệm mua sắm vật tư y tế và khuyến cáo cho Việt Nam. Hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực quản trị hệ thống, đào tạo về chuyên môn, phương thức thanh toán, quản lý thuốc và vật tư y tế…

   Ghi nhận những đề xuất của BHXH Việt Nam, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Y tế nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng. Theo đó, WHO sẽ cùng với BHXH Việt Nam thực hiện nghiên cứu khảo sát thực tế, đánh giá triển khai Luật BHYT, tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cũng như thay đổi các phương thức thanh toán BHYT.

   Liên quan đến vấn đề đào tạo, WHO sẽ xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, cử chuyên gia hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ của ngành BHXH trong lĩnh vực Y tế. Trước mắt, việc đào tạo có thể thông qua các hình thức hội thảo trực tuyến trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa kiểm soát tốt tình trạng dịch COVID-19. (Lao động, trang 4). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-462020

Bộ Y tế ban hành kế hoạch hành động thực hiện chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030

   Nội dung Kế hoạch tập trung vào việc tăng cường cung cấp thông tin về Dân số và Phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp; đa dạng hóa các loại hình truyền thông về Dân số và Phát triển…

   Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình này, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký Quyết định số 2235/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030 (gọi tắt là Kế hoạch hành động).

   Kế hoạch có mục tiêu chính nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương để huy động sự tham gia và cam kết với công tác dân số thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

   Cùng với đó, phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, phân bố dân cư hợp lý, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước.

   Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các giải pháp như: Tăng cường cung cấp thông tin về Dân số và Phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp; huy động các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia truyền thông về Dân số và Phát triển; tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình phối hợp, tập trung xây dựng các mô hình, hoạt động truyền thông toàn diện các nội dung về Dân số và Phát triển.

   Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về Dân số và Phát triển; bảo đảm về chất lượng, đổi mới về hình thức, nội dung. Cung cấp trang thiết bị, phương tiện truyền thông phù hợp cho cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác truyền thông về Dân số và Phát triển, ưu tiên tuyến cơ sở, nhất là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai.

   Đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi về Dân số và Phát triển trên các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự, tin bài, sách, ảnh, sự kiện truyền thông; lồng ghép nội dung truyền thông Dân số và Phát triển vào các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung khai thác, phát triển và tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông khác.

   Ngoài ra, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống dân số các cấp; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số, y tế cơ sở nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực về Dân số và Phát triển của các tầng lớp nhân dân.

   Mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, bình đẳng giới, không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống cho vị thành niên, thanh niên…

   Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch này trên địa bàn các tỉnh/thành phố, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 2959/BYT-TCDS đến Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Truyền thông Dân số đến năm 2030.

   Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố xây dựng Kế hoạch Truyền thông Dân số đến năm 2030 và trình UBND tỉnh/thành phố phê duyệt. Nội dung Kế hoạch bám sát vào các mục tiêu, giải pháp đã nêu trong Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030 mà Bộ Y tế đã ban hành.

   Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh/thành phố bố trí ngân sách địa phương triển khai Kế hoạch Truyền thông Dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Chủ động cân đối và đảm bảo nguồn lực thực hiện các hoạt động theo nhu cầu, đặc điểm tình hình cụ thể tại địa phương và theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

   Trong quá trình triển khai, tổ chức sơ kết giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Truyền thông Dân số đến năm 2030 vào năm 2025, tổng kết việc triển khai vào năm 2030 và hàng năm báo cáo về Bộ Y tế (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) để tổng hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế để xem xét giải quyết. (Gia đình & Xã hội, trang 6). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-462020

Cảnh báo nguy cơ bệnh than quay lại

   Thời gian qua, đơn vị chăm sóc vết thương, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) tiếp nhận một số ca bệnh có đặc điểm chung là bệnh lý nền (tiểu đường) với tổn thương điển hình là một vùng viêm tấy đỏ, đau nằm vùng gáy, lưng… được các bác sĩ chẩn đoán xác định là bệnh “hậu bối”. Sau vài ngày diễn biến xuất hiện vỡ mủ nhưng thành nhiều nốt nhỏ trông giống tổ ong hoặc gương sen, đau nhức. Có trường hợp do điều trị không đúng hoặc tự ý đắp lá sẽ gây tổn thương lan rộng.

   PGS, TS Nguyễn Đức Chính, người trực tiếp phẫu thuật cho các ca bệnh cho biết: “hậu bối” hay còn gọi là bệnh than, “cụm nhọt tổ ong”, “nhọt gương sen”. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do tụ cầu vàng, nếu không được xử lý, nhiễm trùng có thể lan đến các phần khác của cơ thể. Bệnh không tự khỏi theo cách thay băng thông thường hoặc tự uống thuốc mà cần sự can thiệp của bác sĩ. Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh những diễn biến nặng, thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết còn có thể gây chết người (Nhân dân, trang 8). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-262020

   Thêm 9 người khỏi bệnh, Việt Nam chỉ còn 15 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị

   Ngày 8/6/2020, thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, cả nước có 09 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

   Trong đó có 06 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; 02 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và 01 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).

   Những trường hợp này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

   Như vậy, tổng số trường hợp được chữa khỏi ở nước ta là 316/331 (chiếm 95% tổng số bệnh nhân). Hiện còn 15 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định.

   Cụ thể:

I. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN304, BN296, BN289, BN306, BN310, BN323. Tất cả trường hợp này đều là các ca bệnh trở về từ Nga và Mỹ, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng.

Sau quá trình điều trị, đến nay các bệnh nhân đều tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không ho, dấu hiệu sinh tồn ổn định, phổi thông khí đều, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Hiện, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn 6 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.

BN304: 47 tuổi, nam, ở Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

- Vào viện: 16/5/2020

- Xét nghiệm: 2 lần âm tính

BN296: 45 tuổi, nam, ở Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa

- Vào viện: 17/5/2020

- Xét nghiệm: 2 lần âm tính

BN289: 25 tuổi, nam, ở Kim Động, Hưng Yên

- Vào viện: 17/5/2020

- Xét nghiệm: 2 lần âm tính

BN306: 25 tuổi, nam, ở Giao Thủy, Nam Định

- Vào viện: 17/5/2020

- Xét nghiệm: 2 lần âm tính

BN310: 26 tuổi, nam, ở Cam Lâm, Khánh Hòa

- Vào viện: 17/5/2020

- Xét nghiệm: 2 lần âm tính

BN323: 19, nữ, ở Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

- Vào viện: 17/5/2020

- Xét nghiệm: 2 lần âm tính

II. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, 02 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh gồm:

BN300: (26 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 13/5/2020)

BN327: (31 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 18/5/2020).

- Các bệnh nhân đã có 03 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, lần 1 vào ngày 30/5 và lần 2 vào ngày 04/6/2020 và lần 3 vào ngày 06/6/2020.

- Hiện tại sức khỏe các bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

III. Tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có 01 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh gồm:

BN271: (37 tuổi, nam, quốc tịch Anh, vào viện ngày 03/5/2020).

Quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có nhiều lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân từ ngày 25/5/2020-28/5/2020 đều có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

https://suckhoedoisong.vn/them-9-nguoi-khoi-benh-viet-nam-chi-con-15-benh-nhan-covid-19-dang-dieu-tri-n175301.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngọc Thạch - Trung tâm KSBT tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày