Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?


Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 299

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 6 năm 2020
Lượt đọc 3724Ngày cập nhật 15/06/2020

Điểm báo từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 6 năm 2020

 

Dịch bệnh thế giới diễn biến khó lường, Việt Nam đạt được kết quả "đáng mơ ước"

            Tính đến 9h sáng ngày 15/6, tại Việt Nam chỉ còn 11 người đang điều trị bệnh COVID-19, số trường hợp âm tính từ 1 đến 2 lần là 3 người. So với các quốc gia khác, Việt Nam đã đạt được kết quả "đáng mơ ước" trong phòng chống dịch COVID-19, tuy nhiên trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, Việt Nam không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh.

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h ngày 15/6/2020, theo thống kê của worldometers.info:

* Thế giới: 7.984.432 người mắc; 435.177 người tử vong.

- 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

- Việt Nam đứng thứ 156/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á.

- Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh, với tổng số ca mắc là 117.282, số ca tử vong là 3.435 người.

* Việt Nam: 334 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.

Trong đó:

- Số ca bình phục: 323

- 11 ca bệnh đang được điều trị.

Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay

Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng

Số TH đang được cách ly tập trung

Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế

194

140

7.874

918


1. Từ ngày 16/4 đến nay: Đã 60 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến 9h ngày 14/6: Việt Nam có tổng cộng 194 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

2. Số ca bình phục trong ngày: 0

3. Số ca tử vong: 0

4. Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 1 ca.

- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 3 ca.

5. Số ca nặng: 01

6. Số người cách ly: 8.792

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 96

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.778

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 918

7. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 194

8. Số trường hợp mắc được phát hiện tại cộng đồng: 140, trong đó:

- 34 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài được phát hiện tại cộng đồng;

- 28 trường hợp lây nhiễm từ trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng;

- 78 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.

9. Nhận xét

Đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 323/334 bệnh nhân, chiếm 96,7% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam, trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến khó lường, đặc biệt là quốc gia láng giềng với Việt Nam là Trung Quốc. Sau gần 2 tháng không có ca nhiễm mới ở cộng đồng, chỉ trong vài ngày trở lại đây, Trung Quốc đã phát hiện hàng chục ca nhiễm bệnh trong cộng đồng khiến nhiều khu vực bị phong tỏa trở lại, một số chợ dầu mối bị đóng cửa, nhiều trường học tiếp tục cho học sinh nghỉ học giãn cách xã hội....

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới đây, cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới. Cụ thể, tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài,  kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; thực hiện biện pháp cách ly phù hợp đối với người nhập cảnh, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, không chỉ là nhằm các mục tiêu phát triển kinh tế mà còn vì các mục tiêu chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là với các đối tác quan trọng, các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tạo điều kiện và thực hiện một cách nhân văn việc nhập cảnh của các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, công dân Việt Nam, nhưng phải bảo đảm không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.

Thực hiện tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, chú ý bảo đảm việc làm, hỗ trợ đối với người nghèo, không để bất cứ người dân nào bị đói, đứt bữa, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Về tình hình điều trị các bệnh nhân COVID-19:

Tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 323/334 bệnh nhân, có 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi COVID-19. Hiện cả nước chỉ còn duy nhất bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

11 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại 6 cơ sở y tế, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có nhiều bệnh nhân với 3 trường hợp, đa số có sức khỏe ổn định.

Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 89 ngày điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta), trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3 - 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay. Bệnh nhân đã được ngưng lọc máu từ ngày 27/5, ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6, ngưng thở máy từ sáng 12/6.

Đánh giá sơ bộ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân 91 hiện nay: bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tuy nhiên sức cơ 2 chân còn yếu. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt. Bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu ngày 2 lần; điều chỉnh bù nước điện giải và săn sóc vết loét vùng cụt. Về dinh dưỡng: các bác sĩ cho ăn qua đường tiêu hóa và bệnh nhân dung nạp. Bệnh nhân ăn 1.250 ml súp xay và sữa/ngày.

Bệnh nhân 91 đã ngưng toàn bộ các loại kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto. Đến thời điểm hiện tại, mạch của bệnh nhân là 106 lần/ phút; huyết áp: 130/70 mmHg; T 37oC, SpO2: 99%.

Khuyến cáo:

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm "nhiệm vụ kép", vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6  biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch  COVID-19:

- Vệ sinh tay

- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi

-Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay

- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.

-Giữ khoảng cách tối thiểu 1m

- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào

Danh sách cập nhật số ca mắc COVID-19 tại các Quốc gia trong khu vực ASEAN tính đến 9h ngày 15/6/2020:

 

STT

Quốc gia/vùng lãnh thổ

Ca mắc

Tử vong

1

Singapore

40.604

26

2

Indonesia

38.277

2.134

3

Philippines

25.930

1.088

4

Malaysia

8.453

121

5

Thái Lan

3.135

58

6

Việt Nam

334

0

7

Myanmar

261

6

8

Brunei

141

2

9

Camphuchia

128

0

10

Lào

19

0

 

Tổng

117.282

3.435

https://suckhoedoisong.vn/ban-tin-dich-covid-19-trong-24h-qua--n175673.html

Tỉ lệ người bệnh Covid-19 được điều trị khỏi đạt 96,7%

   Chiều 11-6, Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã được điều trị khỏi, nâng tổng số ca khỏi bệnh của Việt Nam lên 321, chiếm tỷ lệ, 96,7%.

   Ngày 11-6, Việt Nam bước sang ngày thứ ba liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới và cũng đã có 56 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 18 giờ ngày 11-6, Việt Nam có tổng cộng 192 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

   Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 9.226 ca, trong đó có 159 ca cách ly tập trung tại bệnh viện, 8.722 ca cách ly tập trung tại cơ sở khác và 345 ca cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

   Chiều nay, BN303 (nam, sinh năm 1972, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Bệnh nhân vào viện ngày 15-5. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân đã có hai lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

   Ngay sau khi bệnh nhân cuối cùng được công bố khỏi bệnh, khu cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cũng đã được dỡ bỏ. Các bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân trong những ngày vừa qua sẽ tiếp tục thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

   Trong số 11 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có ba ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và có hai ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2. (Nhân dân, trang 5). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1262020

Phi công người Anh mắc Covid-19 tỉnh táo hoàn toàn

   Chiều 11-6, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, liên quan đến tình hình sức khỏe của phi công người Anh (bệnh nhân thứ 91), sau một tuần cai ECMO, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện tốt lên từng ngày. 

   Bệnh nhân hiện tại tỉnh táo hoàn toàn, có thể nhớ cả mật khẩu của điện thoại và iPad của mình; vận động 2 chi trên dần hồi phục về mức bình thường, có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại, sức cơ 2 chân cũng cải thiện 3/5 từ mức 1/5 của 1 tuần trước đó. Bệnh nhân cũng có thể ngồi được trên xe lăn với sự trợ giúp của nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng… (Sài Gòn giải phóng, trang 7). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1262020

Thường trực Chính phủ họp ứng phó dịch Covid-19

   Sáng 9-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về ứng phó dịch Covid-19.

   Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, xã hội trở lại hoạt động khá nhộn nhịp. Gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay ưu đãi 0% từ Ngân sách Chính sách Xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động, đến nay, chưa có khoản vay nào được giải ngân. Điều này cho thấy doanh nghiệp phục hồi, sớm trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số ca nhiễm trên thế giới còn lớn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng.

   Thủ tướng đề nghị cuộc họp thảo luận về một số vấn đề, như việc mở đường bay quốc tế. Số chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà đầu tư, nhà quản lý vào Việt Nam với số lượng không nhỏ. Hiện nay, nhiều địa phương có kiến nghị đưa chuyên gia, nhà quản lý vào để triển khai các dự án. Vậy vấn đề là phải có biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về nước ngày càng nhiều. Vấn đề quản lý cách ly cũng phải đặt ra. Vấn đề nữa là kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh từ biên giới. Thủ tướng đề nghị tiếp tục xây dựng kịch bản truyền thông về phòng, chống dịch của Việt Nam với tinh thần chủ động, không mất cảnh giác trong bối cảnh trở lại hoạt động bình thường trong tình hình mới. Mục tiêu kép là ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và để phòng dịch Covid-19 trở lại.

   Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo (tính đến 5 giờ chiều 8-6), thế giới ghi nhận hơn 7,1 triệu trường họp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; 406.353 trường hợp tử vong. Tại khu vực Đông-Nam Á, ghi nhận 103.703 trường hợp mắc và 3.062 tử vong, trong đó, Singapore ghi nhận số mắc cao nhất (38.296), Indonesia ghi nhận số tử vong cao nhất (1.851); bốn quốc gia chưa ghi nhận tử vong do dịch Covid-19 (Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào).

   Về xu hướng dịch bệnh trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến nay đã có 83 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng, 82 quốc gia/vùng lãnh thổ có xuất hiện chùm ca bệnh, 36 quốc gia/vùng lãnh thổ xuất hiện các ca bệnh rải rác, hai vùng lãnh thổ không ghi nhận ca bệnh. Mỹ vẫn là quốc gia có số trường hợp mắc và tử vong cao nhất trên thế giới với hơn hai triệu trường hợp mắc và hơn 100 nghìn người tử vong; tuy nhiên, số trường hợp tử vong theo ngày đang có xu hướng giảm trong những ngày gần đây. Tại Nam Mỹ, các quốc gia tiếp tục ghi nhận số trường họp mắc mới và tử vong gia tăng, đặc biệt tại Brazil và Chile.

   Tại châu Âu, dịch bệnh đang có xu hướng thuyên giảm. Nhiều quốc gia đang hướng tới việc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Liên hiệp châu Âu dự kiến sẽ mở cửa cho khách du lịch ngoài khu vực từ tháng 7-2020. Châu Á ghi nhận các dấu hiệu tích cực từ một số quốc gia, như: Trung Quốc đại lục không có thêm ca nhiễm trong nước, Hàn Quốc năm ngày liên tiếp không ghi nhận ca tử vong, Nhật Bản có kế hoạch mở cửa du lịch đối với bốn quốc gia, trong đó có Việt Nam.

   Tại Việt Nam, ghi nhận 332 trường hợp mắc Covid-19 (liên tiếp 54 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng); ngày 8-6, ghi nhận thêm ba trường hợp mắc mới, là các hành khách nhập cảnh trở về Việt Nam, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Đến nay, đã ghi nhận 316 trường hợp khỏi (chiếm 95%); 16 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 15 bệnh nhân tình trạng ổn định, bệnh nhân số 91 diễn biến tốt lên. Hiện, bệnh nhân đã ngồi dậy, tập vận động, tập ăn, tri giác nhận biết tốt. Ngày 8-6, đang thực hiện cách ly y tế 8.182 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 141 trường hợp cách ly tại các cơ sở y tế; 7.093 trường hợp cách ly tập trung và 948 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

   Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam thời gian qua là rất đáng trân trọng, gần hai tháng qua đã không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, giúp toàn dân yên tâm, vui mừng. Về quan điểm phát triển trong giai đoạn này, Thủ tướng nêu rõ, an toàn để phát triển, phát triển bền vững trong tình hình bình thường mới. Trong phát triển, phải xem xét, nghiên cứu tình hình thế giới và liên hệ với tình hình Việt Nam, đặc biệt, nước ta là nước hội nhập sâu rộng. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, cụ thể là Kết luận số 77, là phát triển kinh tế - xã hội trong nước là chính. Chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất cho tương lai gần để mở cửa hội nhập, tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới. Trong mở cửa, không chỉ chú ý đến kinh tế mà chú ý cả quan hệ chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là các đối tác mà dịch bệnh đã giảm hẳn.

   Thủ tướng nhấn mạnh việc phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, các cửa khẩu. Đưa chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài về nước là cần thiết, ứng xử nhân văn, cần tạo mọi điều kiện. Phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới. Từng bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch cụ thể để phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách năm nay. Tiếp tục chăm lo an sinh xã hội cho người dân, không để người dân nào đói cơm, lạt muối, đứt bữa…, không để ai bị bỏ lại phía sau. Một vấn đề nữa cần quan tâm là tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly phù hợp nhưng không để người từ nước ngoài vào Việt Nam lây nhiễm ra cộng đồng.

   Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đồng ý cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam, kể cả công nhân lành nghề để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc tại Việt Nam theo địa chỉ. Thủ tướng giao cho UBND các tỉnh, thành phố bố trí địa điểm cách ly có thu phí, tổ chức đón tiếp, xét nghiệm thuận lợi theo quy định. Bộ Tài chính trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế, trên cơ sở quy định pháp luật, xem xét việc thu phí cách ly, đặc biệt là thu phí điều trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Việc đề xuất cách ly, điều trị có thu phí phải nghiên cứu để vận dụng một cách phù hợp, chặt chẽ, tiết kiệm ngân sách, không gây phiền hà cho người dân.

   Đối với doanh nhân người Việt Nam, học sinh, sinh viên, người già… có nhu cầu về nước mà chưa về được, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra các tiêu chí cụ thể, mở kênh đăng ký cho người dân, kể cả các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài; giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không tổ chức các chuyến bay đưa các đối tượng này về nước trên tinh thần nhân văn, tạo thuận lợi. Thủ tướng yêu cầu không hạn chế số chuyến bay chở chuyên gia, doanh nhân, sinh viên, học sinh, người già… theo tiêu chí quy định về nước và để làm ăn. Bộ Ngoại giao thống nhất với Bộ Giao thông vận tải tăng tần suất chuyến bay đối với người Việt Nam muốn về nước theo yêu cầu.

   Về việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước. Đồng ý với các đề xuất tại phiên họp cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke, nhưng Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng kiểm soát những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở này, đặc biệt là buôn bán, sử dụng ma túy. (Nhân dân, trang 1).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1062020

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai y tế thông minh: Bước đột phá chăm so0cs sức khỏe người dân

   Việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại TPHCM đang có bước phát triển mạnh mẽ, với nhiều sáng kiến cải tiến. Tất cả đều hướng đến xây dựng hệ thống y tế TP hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế…

Chuyển mình theo xu hướng

  Đầu năm 2019, lần đầu tiên Sở Y tế TP phát động đợt bình chọn Giải thưởng chất lượng khám, chữa bệnh với chuyên đề “Y tế thông minh”. Hưởng ứng đợt bình chọn này, đã có 38 đơn vị (trong đó, ngoài các bệnh viện (BV) công lập, còn có các BV thuộc bộ, ngành và BV tư nhân trên địa bàn TP) tham gia, với tổng cộng 94 sản phẩm.

  Hội đồng bình chọn đã chọn ra 37 sản phẩm được đánh giá hiệu quả thực tế tại các đơn vị, chọn ra những sản phẩm tiêu biểu nhất để xếp hạng và trao giải. Đây là những sản phẩm mang tính sáng tạo, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đa dạng về loại hình ứng dụng, phong phú về sử dụng nền tảng công nghệ, có hàm lượng công nghệ rất cao, tiếp cận nền tảng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).

  Tất cả sản phẩm tham gia giải thưởng chuyên đề “Y tế thông minh” đều trực tiếp hoặc gián tiếp cung cấp thêm các tiện ích cho người bệnh, nhân viên y tế, và cung cấp các công cụ quản lý thông minh cho cán bộ y tế đang tham gia công tác quản trị BV và quản lý ngành.

  Trong năm 2020, ngành y tế tiếp tục phát triển những ứng dụng mang lại tiện ích thiết thực cho người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế như: ứng dụng “tra cứu nơi khám, chữa bệnh”, ứng dụng “y tế trực tuyến”, ứng dụng “quản lý danh mục kỹ thuật”, ứng dụng “quản lý nguồn nhân lực y tế”…

  Các sản phẩm này cũng là kết quả của những hành động cụ thể ban đầu của ngành y tế thành phố trên lộ trình triển khai Đề án Y tế thông minh. Khi được hiện thực hóa, chắc chắn đề án này sẽ đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân thành phố và khu vực phía Nam.

Dần hoàn thiện Đề án Y tế thông minh

  Tiếp nối các sản phẩm y tế thông minh đã được ngành y tế TP công bố trong năm 2019, Sở Y tế đang hoàn chỉnh Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để trình UBND TP xem xét phê duyệt. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến ứng dụng và phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong lĩnh vực y tế, hướng đến xây dựng hệ thống y tế TP hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời; góp phần xây dựng đô thị thông minh theo mục tiêu của TP đã đề­­ ra.

  Theo đó, ngành y tế sẽ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân TP, đảm bảo liên thông với hồ sơ bệnh án điện tử của các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần làm tăng hiệu quả của hệ thống cơ sở y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Xây dựng hệ thống khám chữa bệnh thông minh tạo ra nhiều tiện ích cho người bệnh khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ, khám chữa bệnh từ xa.

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các BV. Xây dựng dữ liệu của ngành y tế về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân; dữ liệu lớn về nhân lực, cơ sở hành nghề, trang thiết bị, danh mục kỹ thuật… làm nền tảng xây dựng hệ thống thông minh, đóng góp vào kho dữ liệu dùng chung của TP, góp phần vào việc xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh...

  Với y tế thông minh, người dân dễ dàng tiếp cận và trao đổi với các cơ sở khám chữa bệnh từ xa; dễ dàng chọn lựa chuyên khoa cần thiết, chọn BV, chọn giờ khám thuận lợi mà không phải đến BV ngồi chờ để đến lượt khám; không phải làm lại những xét nghiệm vừa mới được BV trước đó đã làm… Người dân cũng có thể giám sát và phản ánh trực tiếp cơ sở y tế, có thể truy cập dễ dàng thông tin về tình hình sức khỏe của mình, cũng như trao đổi trực tiếp và được tư vấn từ xa với bác sĩ điều trị. 

  Trong hoạt động điều trị và nghiên cứu khoa học, dễ dàng trao đổi thông tin lâm sàng, cận lâm sàng trong cùng một BV và giữa các BV với nhau; hội chẩn từ xa thay vì phải chuyển viện…

  Những người công tác trong cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tiếp cận được dữ liệu chính xác và kịp thời của ngành y tế, đề ra những dự báo có cơ sở thực tiễn. Chủ động có can thiệp hiệu quả, như dự báo dịch bệnh và chủ động can thiệp, hệ thống điều phối hoạt động cấp cứu ngoại viện của mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố; điều phối tình trạng quá tải tại các BV, kiểm tra giám sát hành nghề y tế tư nhân…

10 ứng dụng khi xây dựng y tế thông minh

 (1) Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý BV (HIS); (2) Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS); (3) Triển khai hệ thống lưu trữ và luân chuyển hình ảnh (PACs) và quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS); (4) Tích hợp hệ thống HIS, LIS, PACs/RIS, kết nối các dữ liệu từ HIS, LIS, PACS/RIS cho từng hồ sơ bệnh nhân; (5) Xây dựng bệnh án điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử; (6) Ứng dụng các công nghệ nhận dạng mới, nhận diện người bệnh, tránh nhầm lẫn thông tin người bệnh, định vị người bệnh trong quá trình điều trị tại BV; (7) Ứng dụng các thuật toán về máy học, xây dựng các hệ thống nhắc tự động, hệ thống cảnh báo, dự báo thời gian chờ khám, chờ xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh nhằm tránh ùn tắc cục bộ trong quá trình khám bệnh, chuyển lời đọc thành văn bản trong hồ sơ bệnh án điện tử… bằng nguồn dữ liệu sẵn có của BV và công nghệ dựa trên các thuật toán về máy học; (8) Nghiên cứu và ứng dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chẩn đoán và điều trị; (9) Xây dựng ứng dụng tương tác với người bệnh trên thiết bị di động, web; (10) Đảm bảo an toàn thông tin, cần quan tâm xây dựng các quy trình, quy định, các chính sách liên quan đến vận hành hệ thống thu thập số liệu phần mềm quản lý BV từ khâu tiếp nhận bệnh đến xuất viện, kết thúc lần khám, sử dụng và khai thác thông tin bệnh án điện tử. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1062020

Ô nhiễm không khí gây nhiều hệ lụy

   Thời gian qua, ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hiện nay, tình trạng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều cấp độ, đã và đang gây nhiều hệ lụy cho môi trường, tác động xấu đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội...

   Khói, bụi khắp nơi...

   Việc đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt. Những ngày gần đây có mặt tại một số xứ đồng thuộc xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận việc rơm rạ bị đốt ngay trên ruộng, khói bụi bao phủ cả một vùng... Ông Kiều Minh Hùng, xã Liệp Tuyết bức xúc: Mấy ngày gần đây, người dân đốt rơm rạ nhiều. Dù cách xa khu dân cư hàng trăm mét nhưng khói từ ngoài đồng vẫn theo chiều gió bay thẳng vào nhà dân, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tương tự, tình trạng đốt rơm rạ cũng xảy ra ở nhiều xứ đồng thuộc các huyện: Đông Anh, Thạch Thất, Thanh Oai... khiến không khí oi nóng càng trở nên ngột ngạt.

   Không chỉ đốt rơm rạ, tình trạng đốt rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề cũng diễn ra phổ biến ở nhiều vùng quê gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là những ngày Hà Nội đang hứng chịu đợt cao điểm nắng nóng kéo dài. Bà Vũ Thị Hường ở thôn Triệu Xuyên, xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ) cho biết: Mùi khét lẹt của gỗ cháy, cộng với làn khói đen kịt bốc lên, bay vào khu dân cư khiến ai hít phải cũng đau đầu, tức ngực, khó thở...

   Tình trạng đốt vải vụn cũng thường xuyên xảy ra tại điểm tập kết rác thải sinh hoạt thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai). Dù đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn đã nhiều lần kiến nghị UBND xã có biện pháp ngăn chặn, nhưng đến nay tình trạng đốt rác thải vẫn không giảm.

   Đáng chú ý, tình trạng khói bụi từ đốt rơm rạ sau thu hoạch ở các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực nội đô. Những ngày đầu tháng 6-2020, nồng độ bụi mịn (PM2.5) ở nội thành Hà Nội có xu hướng tăng cao bất thường từ thời điểm 23h kéo dài 2-3 tiếng sau đó. Đặc biệt, vào đêm 6-6 vừa qua, nồng độ bụi tăng cao đột biến, chỉ số chất lượng không khí tại khu vực chạm ngưỡng xấu và rất xấu. Nguyên nhân chính được xác định là do nguồn phát thải từ đốt rơm rạ.

   Khu vực nội thành còn phải thường xuyên chịu ô nhiễm bởi khói xe và bụi từ các công trình xây dựng... Trong đó, dọc tuyến đường từ Trần Phú (quận Hà Đông) đến Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động xây dựng, vận chuyển vật liệu gây rơi vãi đất cát, bụi bẩn cũng diễn ra phổ biến.

   Khói, bụi... đang là những tác nhân khiến chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm. Theo kết quả quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tại các tuyến đường có mật độ giao thông cao, nồng độ bụi mịn thường cao hơn trong khu dân cư... Cụ thể, liên tục từ ngày 1 đến 7-6 vừa qua, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (PM10 và PM2.5) trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng.

... và những hệ lụy

   Đã có nhiều năm làm công tác quản lý môi trường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) Mai Trọng Thái nhận xét: Nhiều năm nay, chất lượng không khí ở Hà Nội có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2019, khu vực nội thành ghi nhận 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, chỉ số AQI cao nhất dao động 151-200. Thế nhưng, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, có các đợt ô nhiễm vào các ngày 13 và 14-1; 2 và 23-2, chỉ số AQI tại khu vực Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Trung Yên 3... dao động quanh mức 151-201 (mức xấu và rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân).

   Tại khu vực ngoại thành, những ngày qua tình trạng đốt rơm rạ tái diễn khiến chỉ số AQI từ 18h đến 23h các ngày 3, 4 và 6-6 tại thị trấn Sóc Sơn dao động từ 163 đến 220 (mức xấu và rất xấu); xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), chỉ số AQI 101-130 (mức kém)...

   Ô nhiễm không khí cũng khiến gia tăng các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí; riêng với bệnh lý hô hấp, khoảng 43% trường hợp tử vong...

   Còn tại Việt Nam, bác sĩ Bạch Thị Nhớ, công tác tại Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cho biết: Bụi PM2.5 đi vào cơ thể, khi tích tụ sẽ gây ra các bệnh liên quan đến tim, đột quỵ và một số bệnh mạn tính khác như hen suyễn. Đặc biệt, người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp... liên tục hít phải không khí ô nhiễm, nguy cơ bệnh ngày càng tăng nặng.

  Trước tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thường xuyên khuyến cáo người dân cần theo dõi chất lượng không khí trên website moitruongthudo.vn; trên Báo Hànộimới số ra hằng ngày... Khi thấy chỉ số AQI hiện màu cam (mức kém), màu đỏ (mức xấu), màu tím (mức rất xấu), người dân cần hạn chế ra ngoài trời và có biện pháp bảo vệ sức khỏe. (Hà Nội mới, trang 5).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1062020

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Mục tiêu kép” nhưng trên hết phải an toàn

   Chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội ngày 13/6, Phó Thủ tướng Vũ Đam cho rằng, tới đây, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất lớn.

   “Chúng ta như trong cánh đồng trũng, nước ở ngoài sông lại cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa nên buộc phải giữ thật chặt. Nhưng chúng ta cũng không thể đóng cửa cực đoan mà phải thực hiện “mục tiêu kép”, song cần đảm bảo an toàn trước hết”, Phó Thủ tướng nói.

Tại sao Việt Nam chiến thắng dịch COVID-19?

   Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dân số Việt Nam đông nhưng cả nước ghi nhận 333 ca nhiễm (tính đến hết sáng 13/6), chưa có ca tử vong, chỉ còn 10 người đang điều trị. Đã qua 58 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chừng ấy ngày thì thế giới đã thêm 5,6 triệu ca mắc và thêm gần 300.000 ca tử vong.

   Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời!”.

   Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, chúng ta đạt được thành công đó là do ngay từ ban đầu khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh - lúc đó còn chưa biết tên virus, chưa đặt tên dịch bệnh thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế, từ tháng 12/2019 tham vấn với các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch để chống dịch rất căn cơ, bài bản theo đúng nguyên lý chống dịch đã được đúc kết kinh nghiệm từ các đợt chống dịch trước đây. Việt Nam là nước đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.

   Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Các tổ chức, bạn bè quốc tế sau này đã đánh giá những biện pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất kiên quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất, bởi tổng chi phí cho chống dịch chúng ta đến ngày hôm nay là rất thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Chữa trị cho bệnh nhân nước ngoài: Đạo đức ngành y và truyền thống Việt Nam

   Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã có những hành động thiết thực để chữa trị cho các bệnh nhân người nước ngoài. Đã có 49/50 người nước ngoài đã được chữa khỏi, hiện chỉ còn BN 91 là phi công người Anh.

   Việc Việt Nam tập trung cứu chữa cho các bệnh nhân, nhất là BN 91 không chỉ thể hiện tinh thần của người thầy thuốc là tất cả bệnh nhân đều được cứu chữa như nhau, mà còn thể hiện đạo lý của người Việt Nam như câu nói “nhịn miệng đãi khách đường xa”.

   “Chúng ta rất may mắn là chưa phải vào thế lựa chọn là ưu tiên chữa cho ai hơn, vì Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh. Nhưng giả sử đặt ra trường hợp đó thì Việt Nam nhất định không vì người Việt Nam mà không chăm lo tốt cho người nước ngoài. Tất cả những giá trị đó, tôi cho rằng, chúng ta tiếp tục khơi dậy và phát huy để Việt Nam ngày càng được bạn bè quốc tế tin yêu hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nhân dân Việt Nam - hai chữ tuyệt vời!

   Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19 là nhờ những người dân mà như đánh giá của bạn bè quốc tế là rất tuyệt vời. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn tới tất cả các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia phòng chống dịch.

   Đó là hàng ngàn thầy thuốc không quản ngày đêm, trong đó có những người thì lội rừng đi chống dịch, xa vợ mới cưới, xa con mới sinh, hay những cặp vợ chồng cùng ở trong bệnh viện nhưng cả tháng không gặp mặt nhau.

   Hàng ngàn chiến sĩ đã nằm rừng, canh lối mòn dọc tuyến biên giới, nhường doanh trại cho người dân cách ly, từ những ngày Tết mưa dầm, gió rét đến những ngày hè nắng như đổ lửa.

   Còn có biết bao cụ già, em nhỏ, người dân mang rau, mang gạo, lấy tiền tiết kiệm gửi vào quỹ chống dịch.

   Rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị, kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch.

   Hàng nghìn nhà báo không quản khó khăn, nguy hiểm, vào tận những ổ dịch, nơi đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 để phản ánh đầy đủ tình hình dịch bệnh, góp phần quan trọng để toàn dân đồng lòng, cùng toàn Đảng, toàn quân chống dịch.

   Có rất nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, người thì nghiên cứu, người thì sáng tác, kể cả các cụ lão thành cách mạng, các em nhỏ...

   “Chúng ta càng thấy rõ một điều là mỗi một khi đất nước đứng trước thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cùng những giá trị tốt đẹp nhất của mấy nghìn năm văn hiến lại bừng lên... Chúng ta không thể gửi lời cảm ơn đến từng người, nhưng lời cảm ơn tốt nhất đó là cùng nhau quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch. Đến giờ phút này, chúng ta đã giữ được rất tốt”, Phó Thủ tướng nói. https://suckhoedoisong.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-vi-muc-tieu-kep-nhung-phai-dam-bao-an-toan-n175657.html

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngọc Thạch- Trung tâm KSBT tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày