Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 669

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 23 đến ngày 29 tháng 6 năm 2020
Lượt đọc 1962Ngày cập nhật 29/06/2020

  Điểm báo từ ngày 23 đến ngày 29 tháng 6 năm 2020 

 

Tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới phòng dịch Covid-19

       Chiều 28.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) cho biết, trong ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Như vậy, đã 73 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.

   Hiện 9.048 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe; 330/355 bệnh nhân (93%) tại Việt Nam đã được điều trị khỏi. Ngoài ra, 25 bệnh nhân (BN) Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) có số lượng BN đông nhất (11 trường hợp).

   Về sức khỏe BN 91 (nam phi công người Anh), Ban chỉ đạo cho hay đến nay, BN đã trải qua 102 ngày điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và BV Chợ Rẫy (TP.HCM). Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã có đề nghị gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Tiểu ban Điều trị thuộc Ban chỉ đạo đề nghị cho BN 91 hồi hương trên chuyến bay ngày 12.7 của Vietnam Airlines. Chuyến bay sẽ đi Anh đón công dân Việt Nam.

   Theo Ban chỉ đạo, đến ngày 28.6, thế giới đã ghi nhận hơn 10 triệu ca mắc Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn mới, bùng phát nhanh và nguy hiểm hơn cách đây vài tháng. Để ngăn chặn dịch xâm nhập, việc kiểm soát người nhập cảnh phải được đặt lên hàng đầu, tất cả các ca nhập cảnh phải được cách ly phù hợp, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định, đảm bảo không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam; tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. (Thanh niên, trang 3).http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2962020

Chống dịch bạch hầu bằng kinh nghiệm chống dịch Covid-19

   Chiều 28-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng chỉ đạo các lực lượng tham gia chống dịch tại Đắk Glong áp dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc khống chế thành công dịch Covid-19 để ngăn chặn dịch bạch hầu tại địa phương.

   Theo Sở Y tế Đắk Nông, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 12 ca dương tính với bạch hầu. Trong đó 4 ca mắc tại xã Đắk Sor từ ngày 3 tới 8-6; 8 ca mắc tại hai xã Quảng Hòa và Đắk R’ Măng, huyện Đắk Glong. 1 ca tử vong là bé gái 9 tuổi sinh sống tại thôn 6 xã Quảng Hòa.  Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào dân tộc H’ Mông.Ngay sau khi phát hiện ra ổ dịch tại Đắk Nông, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tổ chức các đội đáp ứng nhanh đến trực tiếp làm việc tại ổ dịch để hỗ trợ triển khai các biện pháp chống dịch bệnh, giám sát tình hình dịch bệnh.

   Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo hệ t hống chính trị và ngành y tế huyện Đắk Glong phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch tới người dân, đồng thời thực hiện việc tiêm chủng bổ sung vaccine TD phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7-40 sinh sống tại khu vực có dịch.

   Trung tâm CDC Đắk Nông đã tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan tới các ca dương tính; rà soát thống kê, khám bệnh, thực hiện lấy 562 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; khử khuẩn môi trường 2 lần/ngày.  Từ 19 giờ ngày 19-6, ổ dịch tại đội 2 thôn 6 xã Quảng Hòa đã được khoanh vùng cách ly. Cơ bản sau 7 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng ngày 21-6, tới nay tại Đắk Nông không phát hiện thêm ca mắc bạch hầu mới. (Sài Gòn giải phóng, trang 9). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2962020

Cung cấp 10.000 liều vắc xin chống dịch bạch hầu

   Bộ Y tế cho biết chiều 28.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quảng Hòa (H.Đắk Glong, Đắk Nông). Từ đầu tháng 6 đến nay, tại Đắk Nông đã phát hiện 12 ca mắc bạch hầu, trong đó 4 ca tại xã Đắk Sor, 8 ca tại 2 xã Quảng Hòa và Đắk R’ Măng, H.Đắk Glong; 1 ca tử vong là bé gái 9 tuổi sinh sống tại thôn 6, xã Quảng Hòa.

   Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tại Đắk Nông, các đội đáp ứng nhanh Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên đã về địa phương, phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Đắk Nông khẩn trương khoanh vùng, dập dịch; tiêm chủng bổ sung vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7 - 40 tại khu vực có dịch. TS Văn Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, cho hay Viện đã thực hiện 550 mẫu xét nghiệm, cung cấp cho Đắk Nông 10.000 liều vắc xin uốn ván bạch hầu, trợ giúp 60 bộ quần áo phòng dịch và 200 chai dung dịch rửa tay diệt khuẩn. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã giám sát chặt các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan tới các ca dương tính; rà soát thống kê, khám bệnh, thực hiện lấy 562 mẫu xét nghiệm; khử khuẩn môi trường 2 lần/ngày. Hiện 7 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng (ngày 21.6), tại Đắk Nông không phát hiện thêm ca mắc bạch hầu mới.

   Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và ngành y tế Đắk Nông để ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát tại địa bàn. (Thanh niên, trang 3) http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2962020

Chủ động ngừa sốt xuất huyết, không để thành dịch

   Hiện nay, thời tiết đang nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển và truyền bệnh.

   Một số địa phương có nhiều ca mắc cao và đã có người tử vong do SXH. Để chủ động phòng bệnh, các địa phương đang tích cực vào cuộc để không xảy ra dịch chồng dịch.

Không thể chủ quan

   Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố. Tính riêng tại Hà Nội có 155 ca mắc SXH tại 105 xã, phường của 24 quận, huyện.

   Từ đầu tháng 5/2020, Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch phòng chống SXH trên địa bàn nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do SXH, khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra. Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu tiếp tục củng cố, bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch, không để dịch lan rộng. Đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác xử lý ổ dịch.

Người dân cần đồng hành với ngành y tế

   Tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, theo báo cáo, số bệnh nhân mắc SXH tăng nhanh trong những ngày gần đây, tính đến hiện tại đã ghi nhận 81 ca mắc, đây là khu vực có số ca mắc SXH cao nhất của thành phố với quy mô cấp xã. Huyện Phúc Thọ cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tăng cường công tác điều tra, bao vây khoanh vùng xử lý ổ dịch, giám sát véc-tơ, giám sát bệnh nhân tại cộng đồng; Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, TYT tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy thu gom phế liệu, phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng tại hộ gia đình.

   Qua kiểm tra tại một số hộ gia đình trên địa bàn xã, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, các dụng cụ chứa nước vẫn còn các ổ bọ gậy, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát SXH là rất cao. Chính vì vậy, cần rà soát lại địa bàn dân cư, thống kê cụ thể, đặc biệt là khu vực công cộng như đình, chùa... để quản lý tốt việc phòng chống dịch. Cần có bộ phận thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ chức giao ban với các tổ xung kích mỗi ngày 1 lần để kịp thời nắm bắt và có biện pháp xử lý. Công tác giám sát véc-tơ truyền bệnh, giám sát bệnh nhân cần được triển khai một cách quyết liệt hơn nữa nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả.

   Để bệnh SXH không lan rộng, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nhằm sớm khoanh vùng, khống chế, xử lý các ổ dịch kịp thời, không để bùng phát tại cộng đồng. Cần huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, sự đồng thuận của người dân thì công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, công tác phòng chống SXH nói riêng mới đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy để phòng dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách phòng ngừa SXH

   Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

   Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2962020

Phát hiện một trường hợp mắc bệnh bạch hầu

   Tối 25-6, Trung tá Phan Bá Hiếu - Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng) cho biết, đơn vị này đang điều trị cho một nam học viên, 20 tuổi, mắc bệnh bạch hầu.

   Trước đó khoảng 9 ngày, nam học viên được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và hạch cổ. Kết quả xét nghiệm sau đó của Bệnh viện Quân y 175 và Viện Pasteur TPHCM đều kết luận bệnh nhân mắc bạch hầu.

   Sau đó, Bệnh viện Quân y 175 nhanh chóng báo cáo cho cơ quan chức năng khoanh vùng khử khuẩn. Theo thống kê ban đầu, có 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt, học tập (tất cả đều ở ngoài bệnh viện) được cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng.

   Sau 9 ngày điều trị, hiện tình trạng sức khỏe của nam học viên ổn định. Bệnh nhân đã hết sốt, đau họng, sưng hạch cổ. Như vậy, ngoài Đắk Nông thì TPHCM là địa phương thứ 2 ghi nhận dịch bạch cầu.

   Trước tình hình phức tạp của ổ dịch bạch hầu tại Đắk Nông (gồm 15 ca nghi ngờ và 6 ca dương tính), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nơi tiếp nhận điều trị trực tiếp các trường hợp bạch hầu trong thời gian qua (Sài Gòn giải phóng, trang 7). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2662020

Không để làn sóng thứ 2 của Covid-19 tràn vào Việt Nam

   Chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không có chuyện 'mở cửa ào ạt', không vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

   Chiều 24.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thêm 3 ca mắc Covid-19 nhập cảnh từ Kuwait

   Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng khẳng định không có chuyện “mở cửa ào ạt”, không thể vì mục tiêu nôn nóng phát triển mà mở cửa để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, việc mở cửa cho chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần giám sát, xử lý, giải quyết chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả quan trọng mà chúng ta phấn đấu được trong thời gian qua. Do đó, phải nâng cao tinh thần cảnh giác để không vấp phải sai lầm trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

   Thủ tướng yêu cầu tăng tần suất chuyến bay để đưa người Việt Nam, các nhà đầu tư, chuyên gia, công nhân lành nghề vào Việt Nam, cũng như đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động, học tập nếu nước đó chấp thuận, nhưng cần quy định rõ hơn quy trình, thủ tục giải quyết cũng như công khai hóa, không để tình trạng lấy lý do phòng dịch mà gây khó khăn cho các đối tượng khi nhập cảnh.

   Nhấn mạnh đến việc chưa mở cửa đón khách du lịch, Thủ tướng nêu rõ, mọi chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư đều được vào Việt Nam với phương thức cách ly phù hợp, và giao Bộ Y tế chủ trì xử lý vấn đề này cùng Bộ Ngoại giao. Trong đó, Thủ tướng lưu ý ngành y tế, các ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 theo dõi, bám sát mọi diễn biến, kiên trì thực hiện 5 nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly phù hợp, khoanh vùng và dập dịch trong quá trình chỉ đạo giai đoạn tới.

   Đối với việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng yêu cầu tính toán cụ thể về thời điểm và nhấn mạnh tinh thần đề cao cảnh giác cũng như lưu ý Bộ Y tế bảo đảm duy trì năng lực, sự sẵn sàng đáp ứng của hệ thống đối với các tình huống dịch bệnh. UBND TP.HCM, TP.Hà Nội cũng như các tỉnh có cửa khẩu hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường thủy quốc tế được chỉ đạo lựa chọn khu vực an toàn cho các thương nhân thực hiện việc trao đổi, ký kết với các đối tác khi vào Việt Nam. Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, TP tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung, đặc biệt đối với bà con về nước. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng được yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tại biên giới đường bộ, nhất là các đường mòn, lối mở, phòng dịch chặt chẽ tại các cơ sở cách ly.

   Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 thông báo có thêm 3 ca mới mắc Covid-19 tại Việt Nam, là các bệnh nhân (BN) thứ 350, 351 và 352. Trong đó, BN 350 (nam, 36 tuổi, địa chỉ tại H.Hưng Hà, Thái Bình) là hành khách trên chuyến bay QH9092 từ Kuwait (quá cảnh Qatar) nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày 16.6 (trước đó đã ghi nhận 8 ca mắc Covid-19 trên chuyến bay này). Hiện BN đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

   Hai BN còn lại là BN 351 (nữ, 46 tuổi, địa chỉ tại H.Như Xuân, Thanh Hóa) và BN 352 (nữ, 30 tuổi, địa chỉ tại H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đều là hành khách từ Kuwait về trên chuyến bay KU1513, nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 18.6; được cách ly tập trung tại Hưng Yên ngay sau khi nhập cảnh. Hai BN này đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội).

   Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đến 18 giờ ngày 24.6, đã 69 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. 6.318 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. 329/352 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã được công bố khỏi bệnh; 23 BN đang điều trị. (Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 3). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2562020

Bé trai 1 tuổi mắc Covid-19 đã khỏi bệnh

  Bệnh nhân 328 (bé trai 1 tuổi), điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương, đã khỏi bệnh.

   Chiều 23.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) thông báo, thêm 1 ca mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, là bệnh nhân 328 (bé trai 1 tuổi), điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương.

   Như vậy, hiện đã có 329 bệnh nhân (BN) Covid-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi, 68 ngày liên tiếp cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng; 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, Việt Nam có 349 ca mắc Covid-19, không có ca tử vong.

   Liên quan sức khỏe BN 91 (nam phi công người Anh) đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), Ban chỉ đạo cho hay BN có sức cơ hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ 2 chân, phổi cải thiện trên 85%, đã thở khí phòng hoàn toàn.

   BN đang trong giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và cần 2 - 3 tuần để phục hồi thể trạng, đi lại an toàn. Ban chỉ đạo cũng đề nghị BV Chợ Rẫy cử đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ BV đa khoa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quản lý, điều trị các BN Covid-19 là công dân Việt Nam từ Kuwait về. (Thanh niên, trang 3). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2462020

Cảnh báo đại dịch Covid-19 đang tăng tốc

   Tình hình Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi đẩy mạnh sản xuất thuốc dexamethasone kèm khuyến cáo thận trọng.

   Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tổ chức hôm 22.6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới đoàn kết và có sự lãnh đạo toàn cầu trong việc đối phó đại dịch Covid-19, sau khi số ca mắc vượt ngưỡng 9 triệu vào hôm qua. “Mối đe dọa lớn nhất của thế giới không phải là vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19. Chúng ta không thể đánh bại đại dịch với thế giới chia rẽ. Việc chính trị hóa đại dịch khiến nó càng trầm trọng thêm”, AFP dẫn lời ông nhấn mạnh.

   Trong khi các nước châu Âu tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, các ca mắc Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng, đặc biệt là ở Bắc và Nam Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua dự báo số ca tử vong tại nước này có thể lên đến 150.000, đồng thời nhấn mạnh con số này có thể đã lên đến 4 triệu nếu không có biện pháp đối phó.

   Trong khi đó, nhiều nơi đang lo ngại về các cụm lây nhiễm mới như Melbourne (Úc), Lisbon (Bồ Đào Nha) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Hãng AP dẫn lời chuyên gia Michael Ryan phụ trách chương trình y tế khẩn cấp của WHO nhận định việc ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục cho thấy một số nước đông dân đang tiến tới đỉnh dịch. Trước thông tin cho rằng số ca mắc Covid-19 tăng do xét nghiệm nhiều, ông Ryan bác bỏ nguyên nhân này và nêu rõ rằng tình hình dịch đang phức tạp vì số ca nhập viện và tử vong đều tăng.

   Trước tình hình trên, ông Tedros kêu gọi các nước đẩy mạnh sản xuất dexamethasone, loại thuốc chống viêm giá rẻ giúp giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân nặng. Khoảng 2.000 bệnh nhân Covid-19 sử dụng thuốc này trong nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) và tỷ lệ tử vong giảm 35% trong số những bệnh nhân nặng.

   WHO nhấn mạnh thuốc này chỉ nên sử dụng cho bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch và dưới sự theo dõi sát sao tại bệnh viện. “Không có bằng chứng nào cho thấy thuốc này có hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19 nhẹ hay có tác dụng phòng ngừa, thậm chí nó có thể gây hại”, ông Tedros cảnh báo và kêu gọi các nhà cung cấp cần đảm bảo chất lượng vì có nguy cơ cao các sản phẩm giả hoặc kém chất lượng được tuồn ra thị trường. (Thanh niên, trang 24). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-2462020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngọc Thạch - Trung tâm KSBT tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày