Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 196

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 năm 2020
Lượt đọc 2682Ngày cập nhật 06/07/2020

   Điểm báo từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 năm 2020

 

Hơn 11.000 người cách ly, tròn 80 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm cộng đồng

   Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi  sức khỏe là 11.466.

   Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tới 18 giờ ngày 5.7, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca mắc bệnh Covid-19 mới.

   Tính tới nay, đã 80 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam vẫn đang là 355 người, chưa có trường hợp nào tử vong, 340 bệnh nhân đã được chữa khỏi (chiếm 95,8%). 15 bệnh nhân còn lại đang tiếp tục được điều trị tại các cơ sở y tế trong nước, tình hình sức khỏe ổn định, trong đó 3 người đã cho kết quả âm tính với vi rút từ 2 lần trở lên.

   Cũng theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid- 19, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.466, tăng thêm gần 1.000 người so với hôm qua. Trong số này, chỉ có 107 người được cách ly tập trung tại bệnh viện; 10.919 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác. Số người phải cách ly tại nhà là 440 người.

   Đại tá Phan Văn Chương, Cục phó Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, cho biết chiều 5.7, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đã đón chuyến bay số hiệu VN672 đưa hơn 300 người từ Malaysia về nước.

   Đây hầu hết là công dân Việt Nam bị kẹt ở Malaysia bởi dịch Covid-19. Ngay trong tối cùng ngày, các phương tiện do Quân khu 9 điều động đã đưa toàn bộ số hành khách trên về cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh Vĩnh Long và Trường quân sự Trà Vinh. Dự kiến vào ngày 9.7 sẽ có một chuyến bay nữa chở hơn 300 người từ Nga về SB Cần Thơ (Thanh niên, trang 3).http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-672020

Gia Lai phát hiện 10 ca mắc bạch hầu, 01 ca tử vong

   Ngày 5.7, Bệnh viện (BV) Nhi Gia Lai cho biết bệnh nhi V. (4 tuổi, ngụ xã Hải Yang, H.Đăk Đoa, Gia Lai) bị bệnh bạch hầu đã tử vong vào 2 giờ cùng ngày.

   Trước đó, cháu V. nhập viện vào cuối giờ chiều 3.7 với các triệu chứng: sốt, ho, đau họng. Người nhà đã tự mua thuốc về cho cháu uống từ 6 ngày trước nhưng bệnh không giảm mà có chiều hướng nặng hơn nên đã chuyển cháu đến BV. Cháu V. được các bác sĩ của BV Nhi Gia Lai chẩn đoán bị viêm họng, amidal, thanh quản giả mạc, viêm phổi.

   Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu V. bị giả mạc hầu họng trực khuẩn (Gram +) dạng hình chùy, được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu. Các bác sĩ đã tiến hành các biện pháp tối ưu để điều trị nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, cháu V. đã tử vong.

   Chiều cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết trong số 26 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhi V. được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên xét nghiệm, có 9 mẫu dương tính với bệnh bạch hầu. Trong đó có cha, mẹ và họ hàng, người quen của cháu V.

   Trong sáng 5.7, BV Nhi Gia Lai tiếp tục tiếp nhận thêm 4 trường hợp có những triệu chứng như viêm họng, giả mạc, sốt từ làng Bông Hiot, xã Hải Yang. Các bệnh nhân nhập viện gồm 2 mẹ con có độ tuổi là 10 và 33 cùng hai bệnh nhân khác có tuổi 10, 11. Hiện BV đang triển khai khẩn trương các biện pháp điều trị tích cực, đồng thời đưa mẫu đi xét nghiệm để kiểm tra xem có bị bệnh bạch hầu hay không.

   Cũng trong sáng 5.7, đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên cùng ngành y tế Gia Lai đã đến xã Hải Yang khảo sát, triển khai các biện pháp khẩn cấp dập dịch. Trước mắt, nhân viên y tế tập trung khám sàng lọc, điều trị kháng sinh dự phòng cho người dân xã Hải Yang; điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc nghi ngờ mắc bệnh để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.

   Tại khu vực cửa ngõ ra vào làng Bông Hiot, xã Hải Yang, UBND H.Đăk Đoa đã thành lập chốt kiểm dịch, hạn chế người ra vào để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đồng thời, ngành y tế Gia Lai sẽ đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên hỗ trợ vắc xin để triển khai tiêm phòng cho người dân trong thời gian tới.

   Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 5.7, ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo khẩn trương phun dung dịch khử khuẩn môi trường cho toàn xã Hải Yang, cho người dân trong làng uống thuốc dự phòng và khám sàng lọc cho toàn bộ người dân trong xã. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên vì nếu có thể, sẽ cho người dân sử dụng vắc xin để ngăn ngừa bệnh bùng phát, lây lan” (Thanh niên, trang 22).http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-672020

Bệnh bạch hầu tái phát do “vùng lõm” tiêm chủng

   Ở Việt Nam, vaccine ngừa bệnh bạch hầu được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ em được tiêm chủng miễn phí từ lâu, tuy nhiên hiện vẫn chưa thể loại trừ bệnh bạch hầu.

   Lỗ hổng tiêm chủng

   Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, đến chiều 2-7, sức khỏe bệnh nhi G.A.P. (13 tuổi, dân tộc H’Mông, tỉnh Đắk Nông) bị nhiễm bạch hầu đang diễn tiến xấu, tình trạng viêm cơ tim ngày càng nặng. Mặc dù bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp nhân tạo nhưng diễn tiến viêm cơ tim nặng hơn, suy tim, men tim tăng gấp 20 - 30 lần so với bình thường… Kết quả siêu âm cho thấy cơ tim nhão. Bệnh viện đang điều trị hỗ trợ tích cực tim mạch, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch chờ phục hồi.

   Theo TS-BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, nếu xem xét khả năng ghép tim, các bác sĩ sẽ tính đến trường hợp can thiệp ECMO cho bệnh nhi. “Bệnh nhi nhập viện tại bệnh viện địa phương ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh. Khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, bệnh đến ngày thứ 6 nhưng chưa được dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu do tình trạng thuốc khan hiếm. Người nhà bệnh nhi cho biết, bệnh nhi chưa được chích ngừa bạch hầu trước đây” - TS-BS Phan Tứ Quý cho hay.

   Lý giải về việc xuất hiện một số ổ dịch bạch hầu gần đây, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, hiện dịch bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta nên người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Từ đầu tháng 6-2020 tới nay, trên địa bàn một số xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận hơn 12 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 1 trẻ nhỏ 9 tuổi đã tử vong. TPHCM cũng vừa ghi nhận ca mắc bạch hầu đầu tiên là một thanh niên.

   Qua giám sát dịch tễ tại Đắk Nông, khu vực bùng phát dịch bạch hầu là nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, đặc biệt các trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng bạch hầu vì khu vực này là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc vẫn còn tâm lý e ngại việc tiêm ngừa vaccine.

   Chủ động phòng chống, không quá hoang mang

   Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vaccine ngừa bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là vaccine phối hợp “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five) hoặc vaccine DPT-VGB-Hib (SII). Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

   PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, trong giai đoạn chuyển đổi vaccine “5 trong 1” Quinvaxem sang vaccine ComBe Five, tỷ lệ tiêm chủng vaccine giảm mạnh. Cùng với đó, thời gian cách ly xã hội vừa qua do dịch Covid-19 cũng có hơn 1 tháng tạm ngưng tiêm chủng, dù viện đã chỉ đạo tiêm vét nhưng vẫn có một tỷ lệ nhất định sót mũi tiêm hoặc chưa tiêm. Trong khi đó, một số chuyên gia dịch tễ cho biết, theo

   Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ được tiêm miễn phí vaccine phối hợp “5 trong 1” trong đó có bạch hầu là trẻ dưới 2 tuổi nhưng do đây vẫn là bệnh lưu hành, khi tỷ lệ tiêm chủng giảm hơn, nhóm nguy cơ cao hơn thì đối tượng dễ bị tác động lại là trẻ lớn. Giai đoạn vừa qua đã có chiến dịch tiêm bổ sung vaccine TD (ngừa bạch hầu và uốn ván) nhưng mới triển khai được đến nhóm dưới 7 tuổi và mới tiến hành được ở 30 tỉnh, thành nguy cơ cao. Do đó một số ý kiến đề nghị mở rộng các tỉnh được tham gia chiến dịch này để tiêm vét, tiêm bổ sung cho các cháu đang bị thiếu mũi hoặc chưa tiêm vaccine ngừa bạch hầu. (Sài Gòn giải phóng, trang 7). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-372020

Hà Nội: 6 tháng ghi nhận 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết

   Suckhoedoisong.vn - Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố ghi nhận 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết (phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã và 198/579 xã, phường, thị trấn), giảm so với cùng kỳ năm 2019.

   Tuy nhiên, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Một số xã ghi nhận nhiều bệnh nhân và có ổ dịch có diễn biến phức tạp như: Tam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca), Khánh Hà - Thường Tín (48 ca), Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca).

   Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng cũng ghi nhân 201 trường hợp mắc. Bệnh nhân bắt đầu gia tăng nhanh trong 2 tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non và tại các khu chung cư.

   Bệnh sởi có 15 trường hợp mắc bệnh, hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ (10 trường hợp chiếm 67%).

   Trong 6 tháng năm 2020, Hà Nội có 121 trường hợp mắc COVID-19. Tính đến nay, tất cả các trường hợp mắc bệnh đều đã được công bố khỏi bệnh, trong đó 96/121 trường hợp đã được ra viện.

   Cũng theo báo cáo của Sở Y tế  Hà Nội, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố cơ bản đang được kiểm soát tốt, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 2 là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh nhà nước từng bước mở cửa, giao thương trở lại với quốc tế để phát triển kinh tế xã hội sẽ là thách thức lớn trong công tác phòng chống dịch.

   Đối với các dịch bệnh lưu hành khác như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, viêm não Nhật Bản... mặc dù ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những tuần gần đây tạo điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch trên địa bàn thành phố. Vì vậy, nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch một cách chủ động.

   Chính vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế các quận, huyện tiếp tục thực hiện quản lý tốt người nhập cảnh để phòng chống dịch COVID-19 xâm nhập đặc biệt là những người là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh để làm việc. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan như công an, người dân, ban ngành đoàn thể để rà soát phát hiện và tổ chức cách ly kịp thời người nhập cảnh trái phép không khai báo, không được cách ly sau khi nhập cảnh.

   Quyết liệt triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; thực hiện triệt để các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với mục tiêu tất cả các hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học được kiểm tra vệ sinh môi trường định kỳ thường xuyên. Đặc biệt là tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà, lực lượng cộng tác viên, đội xung kích sẽ kiểm tra từng hộ gia đình để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy.

   Thực hiện duy trì tiêm chủng hàng tuần tại trạm y tế xã, phường, thị trấn để tăng cường cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế việc tiêm muộn, hoãn tiêm. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học đặc biệt là công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non mẫu giáo.

   Nói về nguy cơ của dịch SXH năm nay các chuyên gia phân tích, dù cao điểm của dịch đã rơi vào các năm 2017 và 2019, song năm 2020 người dân không được phép chủ quan.

   Cũng theo chuyên gia , trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai cần phải nâng cao cảnh giác trong mùa dịch SXH, bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương. Cụ thể, Bệnh SXH gây giảm thể tích tuần hoàn nên trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm. Trong khi đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh nền như đái tháo đường, bệnh về gan, thận đều là những nguyên nhân khiến SXH diễn biến nặng hơn nếu mắc phải.

   Với phụ nữ mang thai, dù chưa ghi nhận trường hợp virus Dengue gây nên dị tật thai nhi nhưng khi mắc SXH có thể dẫn đến trường hợp sẩy thai. Vậy nên khi mắc bệnh mà có các triệu chứng như chảy máu, nôn ra máu; đi ngoài phân đen; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh; khó thở cần đến ngay bệnh viện gần nhất vì đó là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-6-thang-ghi-nhan-634-truong-hop-mac-sot-xuat-huyet-n176679.html

Việt Nam là một trong bốn quốc gia ở Đông Nam Á chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19

   Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, từ 6h đến 18h ngày 1-7, nước ta không ghi nhận thêm ca nhiễm mới và có thêm bệnh nhân 335 (nam, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. 76 ngày liên tiếp, Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng.

   Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 355 ca nhiễm Covid-19 tại nước ta có 336 người được điều trị khỏi (chiếm 94,6%). Các bệnh nhân còn lại đang điều trị ở các cơ sở y tế cơ bản có sức khỏe ổn định, trong đó có 4 ca âm tính lần một, 4 ca âm tính lần hai với vi rút SARS-CoV-2.

   Tính đến 16h30 ngày 1-7, thế giới ghi nhận thêm 179.852 trường hợp mắc và 6.018 trường hợp tử vong do Covid-19. Như vậy, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 10,6 triệu trường hợp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 514.448 trường hợp tử vong.

   Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số mắc cao nhất, với hơn 2,7 triệu trường hợp; 18 quốc gia khác có số mắc hơn 100.000 trường hợp, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Peru, Chile, Italia, Iran, Mexico, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Saudi Arabia, Pháp, Bangladesh, Nam Phi, Canada; 47 quốc gia có số mắc trong khoảng 10.000 - 100.000 trường hợp; 65 quốc gia, vùng lãnh thổ có số mắc trong khoảng 1.000 - 10.000 trường hợp; 84 quốc gia, vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.

   Số trường hợp tử vong do Covid-19 tại Mỹ cũng cao nhất thế giới với 130.123 trường hợp, 8 quốc gia khác có hơn 10.000 trường hợp tử vong, gồm: Brazil, Anh, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Mexico, Ấn Độ, Iran; 28 quốc gia có số tử vong trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp.

   Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số mắc và số tử vong cao nhất (57.770 trường hợp mắc và 2.934 trường hợp tử vong), 4 quốc gia chưa ghi nhận ca tử vong do dịch Covid-19, gồm: Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào. (Hà Nội mới, trang 7). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-272020

Quyết không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm Covid-19

   Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 24-6-2020.

   Trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch đã đề ra, giữ vững thành quả quan trọng về phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua; tiếp tục đề cao cảnh giác, không để phạm sai lầm, khuyết điểm, nhất là không thể vì nôn nóng phát triển kinh tế - xã hội mà mở cửa ào ạt, lơ là công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh tại Việt Nam.

   Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quan tâm hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, trước hết là sẵn sàng truy vết, xét nghiệm nhanh, rửa tay, đeo khẩu trang ở    những nơi đông người. Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, kiên định 5 nguyên tắc: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch.

   Tiếp tục tổ chức tốt và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Đồng ý ưu tiên đưa khoảng 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là các trường hợp đặc biệt về nước như đề xuất của Bộ Ngoại giao (bao gồm các trường hợp là lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa...).

   Thủ tướng tiếp tục cho phép và tạo điều kiện cho các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao... nhập cảnh Việt Nam, kể cả nhập cảnh trong thời gian ngắn (dưới 14 ngày) và có biện pháp cách ly phù hợp, linh hoạt. Thủ tướng cũng chỉ đạo chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam...

   Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 ở mức 4-5%. Bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch nội địa. (Hà Nội mới, trang 2). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-372020

Thêm một người nhiễm Covid-19 được công bố khỏi bệnh

   Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, tính đến 18 giờ ngày 1-7, Việt Nam trải qua 76 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.960 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 96 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.940 người và 870 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

   Ngày 1-7, có thêm một người bệnh (người bệnh thứ 335) nhiễm Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh được công bố khỏi bệnh. Người bệnh sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Như vậy, tính đến thời điểm này Việt Nam đã chữa khỏi 336 người bệnh trên tổng số 355 người nhiễm Covid-19 (đạt tỷ lệ 94,6%). Trong tổng số người bệnh nhiễm Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, bốn người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính một lần với vi-rút SARS-CoV-2; bốn người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần trở lên với vi-rút SARS-CoV-2. (Nhân dân, trang 8). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-272020

 Làm rõ vụ một người Indonesia “dương tính nhẹ” Covid-19

   Chiều 1.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã có báo cáo cho Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM về một trường hợp 'dương tính yếu' với Covid-19.

   Theo đó, nam bệnh nhân (31 tuổi, quốc tịch Indonesia) nhập cảnh vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 11.3. Nam bệnh nhân cư ngụ tại TT Bến Cát, Bình Dương và làm việc tại một công ty ở H.Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Nam bệnh nhân muốn lấy giấy xác nhận không dương tính với Covid-19 để về nước nên ngày 30.6 đã cùng 1 đồng nghiệp lên TP.HCM, đến một phòng khám ở P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM.

   Do phòng khám này không đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 nên phòng khám đã lấy mẫu và chuyển sang Bệnh viện FV vào sáng 30.6.

   Theo báo cáo của Bệnh viện FV, đến 18 giờ cùng ngày (30.6), sau khi có kết quả xét nghiệm "dương tính yếu" với Covid-19, Bệnh viện FV đã trả kết quả cho phòng khám gởi mẫu, đồng thời thông tin cho HCDC và Sở Y tế TP.HCM. Mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới kiểm tra chéo theo quy định của Bộ Y tế.

   Kết quả điều tra dịch tễ của HCDC cho biết khoảng 8 giờ ngày 30.6, nam bệnh nhân đến phòng khám ở Q.2 và rời phòng khám lúc 9 giờ 20 phút. Khoảng 10 giờ ngày 30.6, nam bệnh nhân cùng bạn vào cửa Tây chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) tham quan khoảng 20 phút, và đi thẳng về Bình Dương. Bệnh nhân có mang khẩu trang và không rõ tiếp xúc với ai.

   Nam bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện tỉnh Bình Dương ngay trong đêm 30.6.

   HCDC đã lập danh sách 4 nhân viên y tế của phòng khám có tiếp xúc trực tiếp với nam bệnh nhân (đã được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung).

   6 nhân viên khác tại phòng khám không tiếp xúc trực tiếp đang được điều tra và cách ly phù hợp; 11 người khác đến khám cùng giờ cũng đang được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Các trường hợp tiếp xúc gần đã được cách ly tại nhà.

   Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết trong ngày 1.7, Viện Pasteur TP.HCM đã điều tra các yếu tố dịch tễ tại nơi nam bệnh nhân sinh sống, làm việc; tiến hành cách ly điều tra những người liên quan. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm khẳng định nam bệnh nhân "có nhiễm Covid-19 hay không" sẽ có trong khuya nay 1.7.

   Thông tin ban đầu cho biết, ca bệnh này virus đang ở ngưỡng có thể âm, có thể dương chưa rõ. Tuy nhiên, khả năng lây lan Covid-19 của nam bệnh nhân khó xảy ra. (Thanh niên, trang 5).http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-272020

Phòng chống dịch Covid-19: Chuyên gia quốc tế khuyến cáo việc mở cửa trở lại

   Tiếp tục nhấn mạnh thông điệp dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, do đó các chuyên gia quốc tế khuyến cáo khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần phải hết sức thận trọng

   Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới. Cuộc họp diễn ra chiều ngày 30/6.

   Cũng tại cuộc họp đại diện WHO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam thời gian qua, cũng như những nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

   Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, hiện chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này, các chuyên gia quốc tế đã trao đổi một số thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới. Tình hình nghiên cứu sản xuất vắc xin. Căn cứ để các quốc gia xem xét quyết định việc mở cửa trở lại đường biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế với một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát được dịch bệnh.

   Dịch bệnh COVID-19 đã gây sức ép rất lớn đến sức chịu đựng của nền kinh tế nhiều quốc gia cũng như trên thế giới, gần đây một số nước đã tính toán đến việc mở cửa trở lại đường biên giới, nối lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, các chuyên gia khuyến cáo các nước hết sức cân nhắc khi xem xét, quyết định vấn đề này.

  Tiếp tục nhấn mạnh thông điệp dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, do đó các chuyên gia quốc tế khuyến cáo khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới  hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần phải hết sức thận trọng.

   Đặc biệt, phải cân nhắc phản ứng của dân chúng (người dân trong nước có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không?); năng lực ứng phó của hệ thống y tế; khả năng chịu đựng của nền kinh tế;… Các chuyên gia lưu ý phải đầu tư tối đa cho hệ thống y tế để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời cần có đối thoại song phương với quốc gia xem xét mở cửa trở lại biên giới và nối lại đường bay và nên xem xét mở cửa biên giới từ từ, từng bước, thận trọng;...

   Về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, bởi đây là yếu tố then chốt để ngăn ngừa đại dịch; đồng thời cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để công chúng sẵn sàng ứng phó với làn sóng mới;…

   Đại diện các tổ chức quốc tế cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức phối hợp với Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19, mong muốn Việt Nam chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng ngừa virus SARS-CoV-2.

   Đại diện WHO cho biết, hiện trên thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vắc xin, Liên minh này rất muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Việc tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vắc xin trong thời gian sớm nhất có thể (khoảng cuối năm 2021).

   Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có 2 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng, chống COVID-19. Hiện đã tiến hành thử nghiệm vắc xin trên chuột, chất lượng đạt được khá tốt, thời gian tới sẽ thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó thử nghiệm trên người;…

   Nhấn mạnh với tinh thần tự lực, thời gian qua Việt Nam không chỉ sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2, máy thở 100% "made in Vietnam" đã xuất khẩu đi nhiều nước,... Hiện Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, sản xuất vắc xin, GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn tiếp tục được WHO và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh quá trình này. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-272020

Việt Nam sẵn sàng phối hợp cùng thế giới phòng, chống dịch bệnh

   Ngày 30.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.

   Dịch bệnh còn có nhiều diễn biến phức tạp

   Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tại cuộc họp, các chuyên gia nhận định, dịch bệnh COVID-19 đã gây sức ép rất lớn đến sức chịu đựng của nền kinh tế nhiều quốc gia cũng như trên thế giới.

   Gần đây một số nước đã tính toán đến việc mở cửa trở lại đường biên giới, nối lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, các nước hết sức cân nhắc khi xem xét, quyết định vấn đề này.

   TS. Kidong Park - Giám đốc WHO tại Việt Nam cho biết, cách đây 2 tháng WHO đã có cuộc họp về vấn đề mở cửa biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế.

   Theo đó, để quyết định việc này, các quốc gia cần căn cứ trên 3 yếu tố: Trước hết là dịch bệnh đã được kiểm soát hay chưa (ở cả hai đầu chuyến bay đi – đến); hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không? Hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập hay không?

   Sau cuộc họp này, nhóm kỹ thuật của WHO sẽ xây dựng một văn bản hướng dẫn tạm thời để các quốc gia, vùng lãnh thổ cân nhắc trong việc mở cửa lại đường biên, nối lại các đường bay quốc tế. Trong văn bản này, WHO bổ sung thêm 2 căn cứ: Việc mở cửa phải dựa trên năng lực giám sát tại cửa khẩu; chỉ ưu tiên những hoạt động đi lại thực sự cần thiết.

   Tiếp tục nhấn mạnh thông điệp dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, do đó các chuyên gia quốc tế khuyến cáo khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần phải hết sức thận trọng. Đặc biệt, phải cân nhắc đến phản ứng của dân chúng (người dân trong nước có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không?); năng lực ứng phó của hệ thống y tế; khả năng chịu đựng của nền kinh tế;…

   Các chuyên gia lưu ý phải đầu tư tối đa cho hệ thống y tế để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời cần có đối thoại song phương với quốc gia xem xét mở cửa trở lại biên giới và nối lại đường bay và nên xem xét mở cửa biên giới từ từ, từng bước, thận trọng;...

   Đại diện WHO cho biết, hiện trên thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vaccine. Liên minh này rất muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Việc tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vaccine trong thời gian sớm nhất có thể (khoảng cuối năm 2021).

   Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng thế giới chống dịch

   Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có 2 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19. Hiện đã tiến hành thử nghiệm trên chuột, chất lượng đạt được khá tốt, thời gian tới sẽ thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó thử nghiệm trên người;…

   Nhấn mạnh với tinh thần tự lực, thời gian qua Việt Nam không chỉ sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2, máy thở 100% made in Vietnam đã xuất khẩu đi nhiều nước,... Hiện Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine, GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn tiếp tục được WHO và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh quá trình này.

   Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định phòng, chống đại dịch COVID-19 là công việc chung của toàn thế giới. Việt Nam sẵn sàng đồng hành, đóng góp cùng thế giới trong phòng, chống dịch bệnh.

   Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất 4 loại sinh phẩm xét nghiệm (kit thử). Trong số này có những loại kit thử rất tốt, độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại đang bán trên thị trường thế giới, đặc biệt công nghệ xét nghiệm đơn giản mà nhiều nước không có. Phó Thủ tướng mong muốn WHO và các tổ chức quốc tế hợp tác, giúp Việt Nam kết nối, chia sẻ, phổ biến các sản phẩm này với các quốc gia trên thế giới để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. (Lao động, trang 1; Nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 1). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-172020

Thử nghiệm thành công vắc xin Covid-19 giai đoạn 2

   50 con chuột trong giai đoạn thử nghiệm lần 2 văcxin Covid-19 đã đáp ứng miễn dịch, Việt Nam tiến thêm một bước gần hơn sản xuất văcxin phòng ngừa Covid-19.

   Tiến tới xây dựng quy mô sản xuất hàng chục triệu liều

   Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) - Bộ Y tế cho hay, sau đợt tiêm thử nghiệm văcxin ngừa Covid-19 lần 2, 50 con chuột được tiêm thử nghiệm có đáp ứng miễn dịch. Với thành công bước đầu này, thời gian tới, đơn vị nghiên cứu sẽ hoàn thiện quy mô, hướng đến sản xuất văcxin sử dụng cho người. Đơn vị nghiên cứu sẽ tiến hành tiêm văcxin trên động vật và theo dõi hiệu quả bảo vệ. Quá trình thử nghiệm tiếp theo này có thể phải mất 8-9 tháng mới có thể "ra đời" văcxin hoàn chỉnh thử nghiệm trên chuột, sau đó mới sang người..

   Trước đó, ngay khi có trình tự gene virus gây Covid-19 từ các nhà khoa học Vũ Hán công bố, các nhà nghiên cứu của Công ty TNHH Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu văcxin Covid-19. Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 2. Sau đó, các nhà khoa học đã tạo ra chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.

   Ngày 15/5 và 29/5, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển văcxin Covid-19 lần lượt được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để đánh giá. Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao. Ở giai đoạn tiếp theo, văcxin dự tuyển sẽ được phát triển thành văcxin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

   Cần 9 - 12 tháng nữa

   ThS Mạc Văn Trọng, Vabiotech cho hay, để cho ra đời văcxin hoàn chỉnh cần 9 – 12 tháng nữa. Hiện nhóm nghiên cứu đang nỗ lực gấp rút để đi đến đích. Việc hoàn thành nghiên cứu văcxin trong thời gian 18 - 24 tháng là một “kỳ tích” chưa từng có trong lịch sử nghiên cứu văcxin ở Việt Nam. Dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại văcxin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về văcxin cho Việt Nam, nhất là các văcxin đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gene của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại văcxin mới.

   Công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất văcxin Covid-19 là công nghệ vector virus thay vì các công nghệ văcxin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các văcxin đại dịch.

   Hiện, trên thế giới có hơn 80 quốc gia đang tập trung nghiên cứu văcxin Covid-19, 8 quốc gia đã thử nghiệm lâm sàng trên người. Tại Việt Nam, có nhiều đơn vị tham gia nghiên cứu văcxin Covid-19, gồm: Công ty TNHH Văcxin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Văcxin và Sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện Văcxin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen và các chuyên gia, một số viện nghiên cứu, trường đại học… Tuy nhiên, hiện chỉ có Vabiotech là đơn vị đầu tiên thử nghiệm trên chuột và đã cho thành công bước đầu. (Khoa học & Đời sống, trang 3; Tuổi trẻ, trang 14; Thanh niên, trang 3).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-172020

Bệnh nhân phi công người Anh sẽ về nước vào ngày 12/7/2020

   Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết bệnh nhân phi công người Anh có thể hồi hương trên chuyến bay vào ngày 12-7 từ Hà Nội nếu đủ điều kiện sức khỏe.

   Ngày 29-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đã nhận được công hàm của Đại sứ quán Anh đề nghị cho bệnh nhân phi công người Anh (BN91) về nước trên chuyến bay ngày 12-7. Chuyến bay này của Vietnam Airlines dự kiến sẽ xuất phát từ sân bay Nội Bài, Hà Nội đến Anh đón công dân Việt Nam về nước.

   Thứ trưởng Sơn cũng cho biết khi BN91 về nước sẽ có một êkíp bác sĩ đi cùng để hỗ trợ chăm sóc y tế.

   BN91 đang phục hồi chức năng toàn diện

   Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho hay BN91 đang điều trị tại BV Chợ Rẫy đã hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi chức năng toàn diện để đánh giá các tiêu chí an toàn trước khi cho phép xuất viện và hồi hương bằng đường hàng không.

   Bệnh nhân đã tự thở khí phòng, đã cai máy thở 17 ngày, các chỉ số khác bình thường và giao tiếp tốt bằng lời nói. Hiện sức cơ hai tay bình thường, sức cơ hai chân 4/5, bệnh nhân tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và bước được vài bước. Bệnh nhân tự ăn uống qua miệng; chức năng gan, thận, tim mạch, men tụy bình thường; trao đổi oxy ở phổi cải thiện hơn.

   Các bác sĩ tăng cường phục hồi chức năng ngày hai lần, cho bệnh nhân tập thổi hô hấp ký, xuống giường ngồi trên ghế.

   Bệnh nhân hiện đã ngưng thuốc kháng nấm, chỉ dùng thuốc kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto, kết hợp với săn sóc tại chỗ vết loét cùng cụt.

   Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để có thể đi lại an toàn khi di chuyển.

   Đến nay, BN91 đã trải qua 103 ngày điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và BV Chợ Rẫy, trong đó tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18-3 đến chiều 22-5 và tại Khoa hồi sức tích cực của BV Chợ Rẫy từ chiều 22-5 đến nay.

   Thêm năm người khỏi COVID-19

   Cùng ngày, thông tin từ Tiểu ban điều trị cho biết có thêm năm bệnh nhân (BN) COVID-19 tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) được công bố khỏi bệnh.

   Đó là các BN 344, 346, 348, 351 và 352. Cụ thể:

   BN344 (nam, 52 tuổi, quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 19-6. Quá trình điều trị đã có ba lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, lần 1 vào ngày 25-6, lần 2 vào ngày 27-6 và lần 3 vào ngày 28-6.

   BN348 (nam, 39 tuổi, quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 19-6. BN đã có ba lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Các kết quả xét nghiệm ngày 26 và 28-6 đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

   BN351 (nữ, 46 tuổi, quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 24-6. Quá trình điều trị có hai lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm các ngày 27 và 28-6 đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

   BN352 (nữ, 30 tuổi quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 24-6. Các kết quả xét nghiệm ngày 26 và 28-6 đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

   Hiện sức khỏe các BN ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Tất cả sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

   Tính đến chiều 29-6, Việt Nam có tổng số 355 ca nhiễm, trong đó 335 người đã khỏi, còn 20 bệnh nhân đang điều trị. (Pháp luật TP.HCM, ngày 30/6, trang 3). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-172020

Giám sát trọng điểm Covid-19 tại chung cư Phạm Viết Chánh, thành phố Hồ Chí Minh

   Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết xét nghiệm sàng lọc, giám sát trọng điểm Covid-19 tại chung cư Phạm Viết Chánh, TP.HCM.

   Trước việc lan truyền trên mạng văn bản do P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM thông tin về việc lấy mẫu xét nghiệm phòng ngừa Covid-19 toàn bộ cư dân cư trú tại tầng 12 lô D, chung cư Phạm Viết Chánh trên địa bàn, tối 29.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo) cho biết đây là xét nghiệm sàng lọc giám sát trọng điểm.

   Theo đó, chung cư Phạm Viết Chánh có bệnh nhân (BN) 326 mới được ra viện sau đợt điều trị. Sau thời gian điều trị, BN 326 đã được công bố khỏi bệnh ngày 9.5. BN tiếp tục được cách ly 14 ngày tại khu cách ly của Q.Bình Thạnh sau khi khỏi bệnh và đã về nhà tại tầng 12 lô D, chung cư Phạm Viết Chánh được 6 ngày nay. Khi về chung cư tại Q.Bình Thạnh, BN tiếp tục được xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra.

   Ngày 20.6 vừa qua, BN có kết quả dương tính yếu với virus SARS-CoV-2. Để bảo đảm an toàn và chủ động phòng ngừa dịch Covid-19, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM yêu cầu người dân sống cùng tầng với BN 326 tại chung cư Phạm Viết Chánh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc để giám sát trọng điểm.

   * Thêm 5 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh

   Chiều 29.6, Ban chỉ đạo thông báo trong ngày, 5 BN Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) đã được công bố khỏi bệnh, là các BN thứ 344, 346, 348, 351 và 352. Đây là các BN từ nước ngoài về Việt Nam trong tháng 6, trong đó, ca mắc nhỏ tuổi nhất là BN 346 (nam, 6 tuổi, vào viện ngày 19.6). Đến nay, đã có 335/355 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam được điều trị khỏi.

   Ban chỉ đạo cũng cho biết trong 2 ngày 28 - 29.6, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với các cơ quan chức năng đưa hơn 280 công dân Việt Nam từ Pháp và các nước lân cận về nước.

   Tất cả hành khách được cách ly và kiểm tra y tế ngay khi đến sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Theo Ban chỉ đạo, để kiểm soát nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam, trong nước tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới. Việc kiểm soát người nhập cảnh phải được đặt lên hàng đầu, tất cả ca nhập cảnh phải được cách ly, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định. (Thanh niên, trang 8; Nhân dân, trang 5). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-3062020

Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

   Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 3368/BYT-BHYT về việc tăng cường truyền thông về chính sách, pháp luật BHYT và kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 1/7/2020 với chủ đề truyền thông năm 2020: “Thực hiện nghiêm Luật BHYT hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

   Theo đó, thực hiện Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 1/7 hàng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”; nhằm tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật BHYT hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, BHXH các tỉnh, thành phố và các sở, ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các hoạt động sau:

   Sở Y tế, BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền về BHYT, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT gắn với việc thực hiện chỉ tiêu phát triển BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 nhằm duy trì tỷ lệ tham gia BHYT của tỉnh, thành phố đã đạt được và tiếp tục bao phủ phần dân số chưa tham gia BHYT; trong đó, đặc biệt tuyên truyền để 100% đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT, tăng tỷ lệ hộ gia đình tham gia BHYT với toàn bộ thành viên.

   Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành có các biện pháp truyền thông, tuyên truyền phù hợp, hiệu quả để người dân hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia BHYT và khám chữa bệnh BHYT.

   Theo Bộ Y tế, đến hết năm 2019 có 85,945 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ trên 89% dân số; ước tính đến tháng 6/2020 có 85,428 triệu người tham gia BHYT, tăng 828.000 người so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 517.000 người so với thời điểm hết năm 2019 (nguyên nhân là do dịch bệnh COVID, người lao động tại một số doanh nghiệp không có việc làm), đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số, hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao (Đảng, Quốc hội giao tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 là trên 80%), đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 (năm 2019 Thủ tướng giao 88,1%), trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.

   Với kết quả này, mục tiêu đến hết năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là có khả năng thực hiện được và phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% dân số tham gia BHYT theo mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra (Sức khỏe & Đời sống, trang 7). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-3062020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngọc Thạch - Trung tâm KSBT tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày