Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?


Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 595

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 7 đến ngày 13 tháng 7 năm 2020
Lượt đọc 1614Ngày cập nhật 13/07/2020

Điểm báo từ ngày 7 đến ngày 13 tháng 7 năm 2020

Cứu bệnh nhân 91 là biểu tượng chống Covid-19 của Việt Nam

   BN 91 là biểu tượng thành của VN trong cuộc chiến chống COVID-19 - báo chí thế giới ca ngợi nỗ lực của Việt Nam cứu sống phi công người Anh.

   BN 91 ca bệnh COVID-19 nặng nhất ở Việt Nam, người từng cận kề với cái chết - đã được xuất viện hôm 11.7 để trở về nhà. Trường hợp phi công Stephen Cameron, làm việc cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, đã trở thành một hiện tượng ở Việt Nam, nơi chính quyền thực thi chính sách xét nghiệm và cách ly nghiêm ngặt nên đã giữ được số ca bệnh ở mức thấp đến ấn tượng và không có ca tử vong” - hãng CBC News của Canada viết. 

   Hãng tin của Canada cho rằng, bệnh tình của Cameron và những nỗ lực cứu sống anh của các bác sĩ Việt Nam đã trở thành một biểu tượng thành công của VN trong cuộc chiến chống Covid- 19. 

   Nhập viện từ đầu tháng 3, Cameron đã có những thời điểm phổi chỉ còn 10% và rơi vào tình trạng nguy kịch. Rất nhiều người Việt Nam đã tình nguyện hiến phổi để cứu sống nam phi công. Như một phép màu, dưới sự chăm sóc 24/24 của các bác sĩ Việt Nam, Cameron dần dần hồi phục và đến tháng 6 anh không cần phải ghép phổi và thở máy nữa. CBC News viết, Việt Nam đã chi hơn 200.000 USD để điều trị cho Cameron, và các bác sĩ Việt Nam sẽ đi cùng bệnh nhân 91 trên chuyến bay đặc biệt trở về Anh.

   Hãng tin Anh Reuters và tờ The Guardian của Anh cho biết, nam phi công, được báo giới Việt Nam gọi là “bệnh nhân 91” vì là người thứ 91 được xác nhận mắc COVID-19 ở Việt Nam, đang trên đường trở về nhà sau khi sống sót một cách kinh ngạc khi cơ hội sống có lúc chỉ còn 10%.

   Tờ báo viết, chỉ mới 6 tuần trước, các bác sĩ Việt Nam nói rằng Cameron cần được ghép phổi, vậy mà sau gần 4 tháng nằm viện ở thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 10 tuần dùng máy thở, người phi công đến từ Motherwell, Scotland, đã được xuất viện hôm 11.7 và bay về Anh vào đêm cùng ngày.

   “Tôi choáng ngợp trước sự hào phóng của người dân Việt Nam, sự tận tâm và chuyên nghiệp của các bác sĩ, y tá làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi cảm ơn tất cả mọi người vì những gì họ đã làm cho tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được về nhà. Nhưng cũng cảm thấy buồn khi phải tạm biệt những người mà tôi coi là bạn bè ở đây” - tờ The Guardian dẫn lời nam phi công nói khi rời bệnh viện Chợ Rẫy.

   Trong khi đó, tờ Daily Mail của Anh dẫn lời bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Sự hồi phục của bệnh nhân giống như một chuyến bay dài. Nhưng ông ấy đã làm được. Các bác sĩ rất vui vì bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện”. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, nam phi công được trao giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2, và được chứng nhận đủ sức khỏe để đi máy bay đường dài.

   Tờ New York Times của Mỹ cũng dành bài viết lớn với tựa đề “Một phi công người Scotland trở thành biểu tượng của cuộc chiến chống virus của Việt Nam được xuất viện”. Được biết, đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) gửi thư chúc mừng BV Chợ Rẫy điều trị thành công cho bệnh nhân 91, và gửi kèm đường dẫn của bài báo đăng trên tờ The New York Times nói trên. “Giữa rất nhiều tin tức không vui về tình hình đại dịch, thật tuyệt vời khi thấy bệnh viện Chợ Rẫy nhận được sự chú ý tích cực của báo chí quốc tế như vậy” - bức thư của đại diện CDC Mỹ viết.

   Hãng tin AP và tờ The Washington Post của Mỹ dẫn lời ông Lưu Hoàng Minh, Phó Đoàn trưởng Đoàn bay 919, nơi phi công Cameron từng làm việc, nói: “Chúng tôi muốn làm cho anh ấy hạnh phúc, để anh ấy cảm thấy như trở về ngôi nhà thứ hai của mình trên máy bay. Đêm nay sẽ là một đêm dài, nhưng anh ấy sẽ có đồng nghiệp của mình trên chuyến bay. Anh ấy sẽ cảm thấy như là một phi công một lần nữa”.

   Đêm 11.7, Cameron - từng là BN nặng nhất - đã được sự hỗ trợ của nhân viên y tế và đội ngũ phục vụ mặt đất đưa lên máy bay Boeing 787-10 Dreamliner để về nước. AP viết, đây là dòng máy bay mà Cameron đã bay. Nam phi công người Anh ngồi khoang hạng thương gia và có 3 ghế đồng hạng cho bác sĩ đi cùng (Lao động, trang 7). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1372020

 

Hai người Việt về từ Nga mắc Covid-19

   Chiều 12.7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo 2 ca nhiễm Covid - 19 mới là bệnh nhân (BN) thứ 371 và 372 tại Việt Nam, cùng nhập cảnh từ Nga.

   BN 371 (nữ, 36 tuổi, địa chỉ tại H.Nam Sách, Hải Dương) và BN 372 (nữ, 31 tuổi, địa chỉ tại H.Mê Linh, Hà Nội) đều đi trên chuyến bay Việt Nam5062 ngày 9.7 từ Nga về Việt Nam. Sau khi nhập cảnh tại sân bay quốc tế Cần Thơ, 2 người cùng được cách ly tập trung tại tỉnh Bạc Liêu. Ngày 10.7, cả 2 được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính. Hiện 2 BN đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu. 9 trường hợp F1 có tiếp xúc gần với 2 nữ BN trên cũng được sàng lọc và đưa đi cách ly, theo dõi sức khỏe.

   Theo BCĐ, 87 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng; 232 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay; 11.009 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe; 350 BN trong số 372 ca mắc tại Việt Nam (tỷ lệ 94,1%) đã được điều trị khỏi (Thanh niên, trang 3).http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1372020

 

Xuất hiện ổ dịch bạch hầu thứ 2 tại Đăk Lăk

   Trưa 12-7, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết, vừa ghi nhận thêm hai trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu trên địa bàn huyện M’Đrắk. Đây là ổ bạch hầu thứ hai xuất hiện tại tỉnh Đắk Lắk.

   Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân Vàng A Bình 16 tuổi, người dân tộc H’Mông, trú tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Theo lời khai, ngày 8-7 bệnh khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt, kèm đau họng, mệt mỏi.

   Ngày 10-7 bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk và được hướng dẫn nhập viện theo dõi. Cùng ngày, lực lượng y tế đã lấy mẫu ngoáy họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Đến ngày 11-7 có kết quả xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu… 

   Trường hợp thứ hai là em Giàng Seo Chứ 16 tuổi, dân tộc H’Mông. Em Giàng Seo Chứ là người nhà của bệnh nhân Vàng A Bình và trực tiếp chăm nuôi bệnh nhân Bình tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk. Hiện tại bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên… 

   Theo ngành y tế tỉnh Đắk Lắk, xã Cư Króa có 948 hộ gia đình với 4.415 nhân khẩu, trong đó riêng thôn 7 có 200 hộ gia đình với 1.247 nhân khẩu. Đặc biệt, điều tra tình hình tiêm chủng cho thấy 36 trẻ dưới 14 tuổi trong thôn 7 không có trẻ nào được tiêm vaccine 5 trong 1.

   Hiện ngành chức năng đã khoanh vùng, lập chốt chặn, cách ly thôn 7, xã Cư Króa để Ngày 12.7, thông tin từ BYT cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 36.253 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 3 ca tử vong (tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh). So với cùng kỳ năm 2019, số mắc giảm 58,6%, số tử vong giảm 10 ca, nhưng hiện số ca mắc bắt đầu gia tăng theo diễn biến mùa dịch hằng năm và đã tăng hơn so với trung bình 5 năm trước.

   Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số mắc SXH tăng trong những tuần gần đây do dịch có tính chất chu kỳ, số mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho véc tơ (muỗi) truyền bệnh phát triển.

   Chiều 12.7, bác sĩ (BS) Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng Cần Thơ, cho biết từ đầu tháng 7 đến nay, số ca mắc SXH từ các tỉnh, thành ĐBSCL nhập viện tại BV này gia tăng nhanh. Hiện có 3 ca rất nặng, đang phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc; trong đó 2 ca từ Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) và 1 ca từ tỉnh Trà Vinh chuyển đến. Theo BS Thanh, ĐBSCL đang bước vào mùa mưa, là thời điểm bệnh SXH gia tăng. Các ổ dịch đồng loạt xuất hiện ở nhiều nơi như H.Bình Tân (Vĩnh Long), Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) và các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh... Trong 6 tháng đầu năm nay, BV Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận hơn 200 ca SXH, trong đó có một số ca nặng.

   Còn theo báo cáo của ngành y tế Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có số mắc SXH tăng 21,7% so với cùng kỳ (hiện toàn tỉnh có 1.189 ca SXH). Gần đây, số ca SXH ở người lớn tăng khá rõ. Ngành y tế ghi nhận có nhiều ca SXH người lớn khi nhập viện trong giai đoạn nặng, sốc, không bắt được mạch, không đo được huyết áp.

   Tại Đồng Tháp, tính đến giữa tháng 6 đã có 873 ca mắc SXH, giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hai, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, thì týp vi rút Dangue-2 đang chiếm ưu thế tại tỉnh này - đây là týp thường gây dịch SXH với số ca mắc và tử vong cao. “Số ca SXH có thể tăng nhanh trong thời gian tới. Nếu cộng đồng không quyết liệt và chủ động trong việc diệt lăng quăng thì nguy cơ xảy ra dịch ở quy mô xã, phường, thị trấn rất cao”, ông Hai cảnh báo.

   Tại Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có trên 1.800 ca mắc SXH, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng những tuần gần đây số mắc liên tục tăng cao, mỗi tuần có hơn 30 ca nhập viện (bình thường mỗi tuần chỉ có trên dưới 10 ca nhập viện). Trước tình trạng bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch, cuối tuần qua Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp đã có văn bản gửi các đơn vị, yêu cầu tập trung phòng chống SXH trên địa bàn.

   UBND tỉnh An Giang cũng đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện tăng cường đồng bộ các giải pháp lăng quăng, phòng chống SXH; Sở Y tế An Giang chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện... phục vụ phòng chống, điều trị SXH, hạn chế số tử vong. Ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh An Giang có 1.119 ca mắc SXH (không có ca tử vong), giảm 10% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, đang vào mùa mưa, nhiều địa phương đang gia tăng bệnh SXH và có nguy cơ bùng phát rộng (Thanh niên, trang 5). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1372020

Dập bạch hầu như dập Covid-19

   Chỉ hai ngày sau khi có quyết định triển khai tiêm ngừa vắcxin bạch hầu diện rộng tại 4 tỉnh Tây Nguyên, chiến dịch tiêm ngừa bệnh bạch hầu đã được phát động tại huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai chiều 9-7.

   Theo ông Nguyễn Thanh Long - quyền bộ trưởng Bộ Y tế, sẽ có 4,7 triệu người dân từ 2 tháng tuổi trở lên của 4 tỉnh Tây Nguyên được tiêm ngừa vắcxin này.

   Gấp rút triển khai chiến dịch

   Có 2 điểm lạ trong vụ dịch này: thông thường bạch hầu xuất hiện ở trẻ nhỏ, nhưng trong vụ dịch này phần lớn người mắc bệnh lại trên 7 tuổi, thậm chí có người gần 60 tuổi. Điểm thứ 2, tỉ lệ tử vong trong số mắc bệnh cao hơn trung bình, khoảng 5,6%, trong khi thông thường ở cộng đồng đã được tiêm ngừa tỉ lệ tử vong khoảng 3%.

   Số mắc bệnh vẫn có dấu hiệu gia tăng, dù cơ quan chức năng khẳng định đã tích cực khoanh vùng dập dịch. Vài ngày trước vùng Tây Nguyên có 53 ca mắc bạch hầu, đến ngày 9-7 con số này đã là 68 ca, 3 ca tử vong.

   Chính vì vậy, chiến dịch tiêm vắcxin ngừa bạch hầu diện rộng đã được triển khai rất nhanh, thay vì bắt đầu từ quý 4-2020 theo lịch trước đây. Chiều 7-7, Bộ Y tế thông báo kế hoạch tiêm chủng và hai ngày sau chiến dịch đã được triển khai với một số lượng người được tiêm rất lớn: khoảng 4,7 triệu mũi tiêm và còn đang rà soát thêm, khoảng 11 triệu mũi tiêm.

   "Chúng tôi đã sẵn sàng vắcxin và cung cấp ngay cho 4 tỉnh Tây Nguyên, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ luôn bơm kim tiêm cho chiến dịch. Trẻ 2-4 tháng tuổi sẽ tiêm vắcxin 5 trong 1, từ 18 tháng tuổi trở lên tiêm vắcxin 3 trong 1 (có thành phần bạch hầu), 7 tuổi trở lên tiêm vắcxin bạch hầu - uốn ván giảm liều. Đây là loại vắcxin rất an toàn" - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Dương Thị Hồng cho biết.

   Vẫn có một số khó khăn khi triển khai chiến dịch. Vắcxin đủ, vật tư y tế đủ, nhưng người dân có đi tiêm hay không? Thời gian qua đã có tình trạng người có chỉ định tiêm vắcxin, uống kháng sinh phòng bệnh không tiêm hay uống do cho rằng mình không có bệnh nên không phải dự phòng. 

   Tuy nhiên, ông Viên Chinh Chiến, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết một số vùng đã lập nhóm vận động, mang thuốc kháng sinh đến tận nhà người dân. Giải pháp vận động sẽ được áp dụng với chiến dịch tiêm ngừa này.

   "Truy vết" bạch hầu như COVID-19

   Theo quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ đưa phần mềm và nhóm "truy vết" áp dụng trong dịch COVID-19 vào ngăn dịch bạch hầu. Trong dịch COVID-19, nhóm này đã làm việc 24/24 giờ với hiệu quả tốt, nay dịch bạch hầu cũng là bệnh lây qua đường hô hấp, nguy cơ lây lan cao nên cũng áp dụng truy vết để khoanh vùng ổ dịch tương tự.

   "Tiêm vắcxin ngừa bạch hầu làm giảm nguy cơ biến chứng, nguy cơ mắc bệnh nhưng mầm bệnh vẫn còn, vì vậy phải phát hiện thật sớm ca mắc, khoanh vùng ổ dịch, cho uống kháng sinh dự phòng và cuối cùng tiêm vắcxin là giải pháp căn cơ để năm sau, năm sau nữa không có dịch" - ông Long chia sẻ.

   Đây là chiến dịch tiêm ngừa có quy mô lớn thứ 2 ở Việt Nam trong 10 năm qua. Trước đó, năm 2014-2015 đã có khoảng 20 triệu trẻ được tiêm vắcxin ngừa sởi - rubella. Tuy nhiên, đây là tiêm ngăn chặn dịch nên thời gian chuẩn bị nhanh chóng hơn, gấp rút hơn để sớm có miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng khu vực Tây Nguyên và từ đó ngăn dịch lây lan sang các tỉnh lân cận, cả nước. (Tuổi trẻ, trang 14; Nhân dân, trang 8; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Lao động, trang 1; An ninh thủ đô, trang 7; Tiền phong, trang 1; Phụ nữ Việt Nam, trang 14).http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1072020

 

GS.TS NGuyễn Thanh Long giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế

   Ngày 7/7, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 2228-QĐNS/TW do đồng chí Trần Quốc Vượng ký, chỉ định GS.TS Nguyễn Thanh Long giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế.

   Cùng ngày, tại Quyết định 976/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi trực tiếp điều hành các công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế theo Quyết định 1780/QĐ-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

   Cũng trong hôm nay, tại Quyết định số 977/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Quyết định về việc giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

   GS.TS Nguyễn Thanh Long sinh ngày 3/9/1966 tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ y khoa chuyên ngành truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội năm 1995; Tiến sĩ y khoa năm 2003; Phó Giáo sư y học năm 2009; Giáo sư y học năm 2013.

   Từ năm 1995 đến năm 2003, ông là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005, ông là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

   Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008, ông là Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Từ tháng 3/2008 đến tháng 11/2011 là Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS.

   Từ tháng 12/2011 đến tháng 10/2018, ông là Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.

   GS.TS Nguyễn Thanh Long có 7 năm đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế trước khi được Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 10/2018.

   Ngày 31/1/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 171/QĐ-TTg điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế. Sau đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long là Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2) http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-972020

Triển khai tiêm chủng diện rộng để ngăn bệnh bạch hầu

   Chiều 7/7, Bộ Y tế đã họp khẩn với các chuyên gia về phòng chống bệnh bạch hầu trong bối cảnh bệnh đang gia tăng tại một số tỉnh Tây Nguyên. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng. Đến thời điểm này, số mắc đã gấp 3 lần năm ngoái. Bệnh có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp. Từ đầu năm tới nay, đã ghi nhận 63 ca bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh, trong đó, Đắk Lắk đã ghi nhận ca mắc đầu tiên. Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người. Gia Lai có thêm 5 ca, nâng số ca mắc lên 15 ca. Riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên 22 ca mắc.

   Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình bệnh bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây. Diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao. Ông Nguyễn Thanh Long yêu cầu toàn ngành cần tập trung hết sức phòng, chống bệnh bạch hầu như đã từng cố gắng để phòng, chống dịch COVID-19… (Gia đình & Xã hội, trang 7).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-972020

Dịch bạch hầu lan rộng: bệnh nhân không được tiêm vắc xin đủ, đúng lịch

   Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm qua đánh giá, tình hình bệnh bạch hầu hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước. Diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này hiện khá cao. Trước diễn biến phức tạp của dịch bạch hầu tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, chiều 7/7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, chủ trì cuộc họp với các chuyên gia về phòng, chống bệnh bạch hầu nhằm tìm ra các biện pháp ngăn chặn và dập dịch hiệu quả.

   Ông Long nhận định, tình hình bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng, đến thời điểm này, số mắc đã gấp 3 lần năm ngoái. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ quan ngại bệnh có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp. Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho hay, từ đầu năm tới chiều 7/7, Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu (tăng 10 ca so với ngày 6/7). Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên. Tỉnh Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người; tỉnh Gia Lai có thêm 5 ca, tổng số ở đây có 15 ca; riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên số ca mắc là 22. 

   “Đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%”, ông Tấn nói. Phân tích về 3 trường hợp tử vong do bạch hầu, ông Tân cho hay, các bệnh nhân đều ở vùng sâu, vùng xa, là ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại các địa bàn đó do phát hiện muộn (có tới 16 năm tại đó không có ca bệnh).

   Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các địa phương này tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ca mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng; triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

   Tại cuộc họp, các chuyên gia về điều trị và dự phòng đều chung nhận định nên tổ chức cấp cứu tại chỗ để đảm bảo an toàn cho người bệnh, tránh việc chuyển viện gây nguy hiểm cho người bệnh. Đặc biệt, do biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là viêm cơ tim, suy tim, gây ngừng tim…, trong điều trị cần chú trọng công tác hồi sức tim mạch.

   GS.TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như từng cố gắng để phòng chống dịch COVID-19. Bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, qua tiếp xúc trực tiếp người bệnh. Bệnh này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 5-7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh. Rất may, bệnh này có vắc-xin và thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu. Hiện bạch hầu nhạy cảm với kháng sinh điều trị thông thường. Do đó, ông Long yêu cầu các cơ quan tập trung nỗ lực khống chế, kiểm soát bệnh một cách căn cơ. 

   Lãnh đạo Bộ Y tế  giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên. “Đây là việc cấp bách”, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh. Với trẻ em, tiêm vắc-xin 3 trong 1, người lớn tiêm vắc-xin Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu). Ông Long yêu cầu rà soát, lập danh sách người dân trên địa bàn đã tiêm, chưa tiêm; tập huấn cán bộ. Việc này phải triển khai ngay và nhanh để đạt hiệu quả cao.

   Các chuyên gia thống nhất cần phải triển khai ngay điều trị dự phòng với người có tiếp xúc mầm bệnh và những người trong khu vực có mầm bệnh. Ví dụ, trong xã có người mắc thì lập tức mọi người trong xã phải uống thuốc dự phòng. Ngoài ra, cần khoanh vùng, dập dịch, thực hiện cách ly với tất cả những xã có người mắc (hạn chế ra vào, ra vào vùng dịch phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần)… Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng giám sát việc này chặt chẽ. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng về việc xuất cấp khẩu trang cho người dân các địa phương này. 

   Việc cấp thiết hiện nay được các chuyên gia nhấn mạnh chính là tập trung cao độ cho điều trị. Bệnh viện Bạch Mai được giao đào tạo, tập huấn cho cán bộ 4 địa phương có dịch, phối hợp Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư để thực hiện. Ông Long yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh thành lập ngay 4 tổ công tác vào “nằm vùng” ở 4 địa phương có dịch. Các tổ này tập hợp các chuyên gia về truyền nhiễm, hồi sức và các lĩnh vực điều trị khác, vừa “cầm tay chỉ việc”, vừa hướng dẫn, tập huấn, giúp cán bộ y tế ở địa phương điều trị bệnh nhân. Song song với đó, sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương. Đồng thời rà soát lại tất cả các phác đồ điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc men chữa bệnh cho dân.

   Vụ Kế hoạch Tài chính tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia; đề xuất cấp kinh phí chống dịch cho 4 tỉnh có dịch từ nguồn dự trữ của Bộ Y tế. Đặc biệt, khởi động lại chương trình truy vết, xem lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của khu vực này, cài ứng dụng Bluezone cho khu vực này (Tiền phong, trang 6).http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-872020

Xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép

   Thông cáo báo chí về một số kết quả chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND thành phố Hà Nội từ ngày 29-6 đến 6-7-2020 nêu rõ, UBND thành phố vừa ban hành Văn bản số 2889/UBND-KGVX ngày 6-7-2020 về việc bảo đảm công tác cách ly y tế đối với các trường hợp nhập cảnh theo quy định.

   UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế Hà Nội thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ngay tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

   Công an thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện rà soát lập danh sách, nơi cư trú, lưu trú của các trường hợp nhập cảnh vào thành phố, đặc biệt chú ý giám sát phát hiện các trường hợp người nhập cảnh qua đường bộ không khai báo y tế, chưa được cách ly y tế.

   Công an thành phố cũng tổ chức củng cố hồ sơ, tài liệu, làm rõ các hành vi và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền đối với người nhập cảnh trái phép, tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, không khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật.

UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội, những người tiếp xúc gần với người nhập cảnh trên địa bàn để thực hiện giám sát, theo dõi y tế và kịp thời tổ chức cách ly y tế theo quy định (Hà Nội mới, trang 2).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-872020

Tác dụng của vắc xin bạch hầu giảm dần

   Bệnh bạch hầu có thể lây truyền ở mọi lứa tuổi. Người lớn, trẻ lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh.

   Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế, từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2020, ghi nhận xu hướng tăng nhẹ số ca mắc bạch hầu và một vài ổ dịch bạch hầu quy mô nhỏ tại một số địa phương, như: Đắk Nông, Gia Lai và Quảng Ngãi. Trên thực tế, hơn 70% các trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong những năm gần đây xuất hiện ở trẻ lớn và người lớn.

   Chưa thể khống chế ca mắc mới

   Lý giải về nguyên nhân xuất hiện các ổ dịch mới tại Tây nguyên (mới đây nhất là tại Gia Lai) và chưa thể khống chế ca mắc mới dù đã qua 6 tháng kể từ khi xuất hiện ổ dịch tại Tây nguyên, PGS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết: “Những trường hợp không tiêm vắc xin hoặc tiêm chủng chưa đủ số mũi phòng bệnh cơ bản sẽ không có hoặc không có đủ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, trở thành đối tượng yếu thế nhất trong cộng đồng khi có dịch xảy ra”.

   Theo PGS Hồng, trên thực tế, chỉ 85 - 90% những người đã tiêm đủ số mũi vắc xin có thể sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bạch hầu. Tùy theo đặc tính của từng cơ thể, 10 - 15% còn lại vẫn không có hoặc không tạo đủ miễn dịch bảo vệ. Mặt khác, miễn dịch do vắc xin bạch hầu tạo ra tồn tại trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ giảm dần theo thời gian. Ở những nhóm trẻ lớn hoặc người lớn, có thể gặp trường hợp miễn dịch giảm xuống dưới ngưỡng bảo vệ.

   “Chính vì vậy, qua thời gian, việc tích lũy những đối tượng chưa tiêm chủng đầy đủ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Việc thực hiện các hoạt động tiêm chủng bổ sung cho nhóm trẻ lớn là cần thiết để củng cố miễn dịch, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh quay trở lại”, PGS Dương Thị Hồng đánh giá.

   Nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương khác

   Trả lời Thanh Niên về đánh giá nguy cơ xuất hiện bạch hầu, PGS Hồng cho hay: “Không chỉ Tây nguyên mà tại các địa phương có nhiều đối tượng cảm nhiễm với bạch hầu đều có nguy cơ xuất hiện bệnh”.

   PGS Hồng lưu ý: “Đặc biệt là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng còn nhiều khó khăn do giao thông đi lại, tập quán sinh hoạt, bất đồng về ngôn ngữ… còn nhiều bà con chưa hiểu được lợi ích và sự cần thiết phải đưa con đi tiêm chủng để phòng bệnh cho con em”.

   PGS Hồng cũng chia sẻ, mặc dù để có thể đưa vắc xin đến được với các điểm tiêm chủng ngoài trạm rất xa xôi, cán bộ y tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng không phải bà con nào cũng sẵn sàng cho con họ tiêm chủng. Vì vậy, công tác vận động, truyền thông là rất quan trọng để người dân hiểu và đưa con đi tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch. Ngoài ra, cũng cần có thời gian để vắc xin và các biện pháp chống dịch phát huy hiệu quả. (Thanh niên, trang 2). http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-772020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngọc Thạch - Trung tâm KSBT tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày