Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 1.089

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 9 năm 2020
Lượt đọc 2300Ngày cập nhật 07/09/2020

Điểm báo từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 9 năm 2020

Hội thảo phổ biến các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19

            Ngày 06/9/2020, tại Thanh Hóa, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Cục Quản lý môi trường - Bộ Y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc ở Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo phổ biến các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 cho các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên – Huế trở ra.

            Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Vụ Kế hoạch tài chính, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Công đoàn y tế Việt Nam.

            Hội thảo tập trung theo dõi trình bày tóm tắt các văn bản đã được ban hành về Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các khu vực công cộng, nơi làm việc, cộng đồng, trường học; Hướng dẫn cách ly y tế và chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam; Hướng dẫn khử trùng và xử lý môi trường, quản lý chất thải y tế trong phòng chống dịch COVID-19; Một số loại tài liệu truyền thông phòng, chống  dịch COVID-19.

            Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và chỉ ra các khó khăn, vướng mắc đã gặp phải khi triển khai các hướng dẫn nói trên tại địa phương, đồng thời đề nghị các cục, vụ liên quan của Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu và có hướng chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện các Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19. Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành y tế các địa phương phải tập trung kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế đóng trên địa bàn mình phụ trách, đảm bảo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm chỉnh các hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế, trong đó, cần thực hiện tốt công tác phân luồng khám, chữa bệnh; tập trung phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh để chỉ định xét nghiệm kịp thời; trong công tác cách ly cần lưu ý người thuộc diện cách ly phải được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có đủ 2 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới đủ điều kiện rời khu cách ly tập trung; các địa phương cũng cần tham mưu để các tỉnh/thành trong cả nước quản lý tốt các trường hợp nhập cảnh là các chuyên gia, lao động tay nghề cao. Thực hiện tốt các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế là đã góp phần cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế.

            Cũng trong thời gian tổ chức Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã trao Cờ Thi đua của Bộ Y tế cho Cục Quản lý môi trường y tế vì những thành tích xuất sắc trong công tác năm 2019 cùng nhiều bằng khen cho tập thể, cá nhân của Cục nhân kỷ niệm 10 năm thành lập.

http://t5g.org.vn/hoi-thao-pho-bien-cac-huong-dan-phong-chong-dich-covid-19

Thay đổi chiến lược xét nghiệm COVID-19

            Để chung sống an toàn với dịch COVID-19, phải đổi mới chiến lược xét nghiệm - các chuyên gia nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/9. Thảo luận về chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình mới, các thành viên Ban chỉ đạo khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến nay, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch chưa đến 400 triệu USD. Việt Nam là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.

     Thời gian tới, Việt Nam phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu... Chiến lược xét nghiệm vì thế cũng phải điều chỉnh. Các chuyên gia nhấn mạnh, phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm. Tại các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… đã triển khai việc xét nghiệm nhanh để quản lý người nhập cảnh tại các cảng hàng không quốc tế.

     GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng, chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới phải sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên ở những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… Ưu điểm của phương pháp này là thời gian nhanh, kết quả chính xác, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam…, góp phần chống dịch hiệu quả.

Phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh

Hiện nay, tại Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Cụ thể, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có loại sinh phẩm sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Nhược điểm của loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là chỉ có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm bị SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên. Trong khi đó, xét nghiệm tìm kháng nguyên đang được thực hiện bằng phương pháp Realtime RT-PCR có thời gian thực hiện lâu, có yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.

Để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có ưu điểm của cả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime RT-PCR.

Việt Nam hiện có 3 đơn vị nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên và đang ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm. Đại diện các đơn vị khẳng định năng lực hoàn toàn có thể nghiên cứu, sản xuất được các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng tương đương với sản phẩm các nước phát triển. Những đơn vị này mong muốn có cơ chế đặt hàng nghiên cứu, sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các mẫu bệnh phẩm lâm sàng để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.

Bộ Y tế cho biết sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện tập huấn các phương pháp xét nghiệm sử dụng mọi loại kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất hiện nay. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, trong tuần này Bộ sẽ tham vấn các doanh nghiệp và tuần sau sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền về việc triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đề xuất, trong khi chờ sản phẩm sản xuất trong nước, trước mắt Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng cao từ một số nước tiên tiến để sử dụng tại các sân bay, cảng hàng không (Tiền phong, trang 15).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-492020

UNICEF dẫn đầu trong việc thu mua và cung ứng vắc-xin COVID-19

- UNICEF sẽ hợp tác với các nhà sản xuất và đối tác nhằm thu mua vắc xin cũng như tổ chức hoạt động vận chuyển, hậu cần và lưu trữ vắc-xin COVID-19

UNICEF hiện đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm thu mua và cung ứng vắc-xin COVID-19. Đây có thể là hoạt động thu mua và cung ứng vắc-xin có quy mô lớn nhất và diễn ra nhanh nhất thế giới từ trước tới nay. Hoạt động này nằm trong kế hoạch vắc-xin toàn cầu của Cơ chế Tiếp cận Toàn cầu Vắc –xin COVID-19 (Cơ chế COVAX) do Gavi - Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng - nắm vai trò lãnh đạo.

Trong bối cảnh nhiều thử nghiệm vắc-xin có triển vọng, thay mặt Cơ chế COVAX, UNICEF phối hợp cùng Quỹ quay vòng thuộc Tổ chức Y tế Liên Châu Mỹ (PAHO) sẽ chỉ đạo công tác thu mua và cung ứng các liều vắc-xin COVID-19 cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Những quốc gia này sẽ nhận được các cơ chế hỗ trợ trong việc mua vắc-xin thông qua Cam kết Gavi COVAX AMC cũng như kho dự trữ vắc-xin dự phòng cho các trường hợp nhân đạo khẩn cấp. Ngoài ra, UNICEF còn đóng vai trò điều phối hoạt động thu mua nhằm hỗ trợ 80 quốc gia có thu nhập cao hơn. Các quốc gia này đã bày tỏ ý định tham gia vào Cơ chế COVAX và sẽ tự chi trả cho vắc-xin bằng nguồn ngân sách tài chính công của mình.

UNICEF sẽ triển khai những hoạt động này với sự hợp tác chặt chẽ cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Gavi, Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), PAHO, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Bill & Melinda Gates và nhiều đối tác khác. Cơ chế COVAX được mở rộng với mọi quốc gia nhằm đảm bảo tất cả các nước đều được tiếp cận với vắc-xin COVID-19 trong tương lai khi vắc-xin được phát triển thành công.

Theo bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF: Đây là hoạt động hợp tác chung tay giữa các chính phủ, các nhà sản xuất, và các đối tác đa phương nhằm tiếp tục cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vốn còn nhiều rủi ro. Trong nỗ lực chung nhằm phát triển vắc-xin, UNICEF đang tận dụng những lợi thế riêng biệt trong cung ứng vắc-xin để đảm bảo mọi quốc gia đều được tiếp cận với những liều vắc-xin đầu tiên một cách an toàn, nhanh chóng, và công bằng sau khi vắc-xin được sản xuất.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tham gia Cơ chế COVAX, và đã được chấp thuận là quốc gia có thể  tham gia Cam kết COVAX AMC. UNICEF cùng với WHO và các đối tác phát triển khác sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác chuẩn bị quan trọng này, từ việc kiểm kê dây chuyền lạnh cho đến kế hoạch vận chuyển để chuẩn bị sẵn sàng vắc-xin cho người dân.

UNICEF là đơn vị thu mua vắc-xin đơn lẻ lớn nhất trên thế giới, với hơn 2 tỷ liều vắc-xin mỗi năm phục vụ cho hoạt động tiêm chủng thường xuyên và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh thay mặt cho gần 100 quốc gia. UNICEF cũng là đối tác thu mua cung ứng vắc-xin chính cho Gavi - Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng. Trong vòng 20 năm qua, Gavi đã giúp hơn 760 triệu trẻ em được tiếp cận với vắc-xin và ngăn chặn được hơn 13 triệu trường hợp tử vong. UNICEF sẽ tận dụng chuyên môn về thu mua và định hình thị trường để điều phối hoạt động thu mua và cung ứng vắc-xin COVID-19 cho Cơ chế COVAX. Điều này có khả năng giúp tăng gấp đôi tổng khối lượng thu mua vắc-xin của tổ chức này chỉ trong năm 2021.

Theo một đánh giá thị trường của UNICEF được xây dựng dựa trên việc tổng hợp thông tin do các nhà sản xuất vắc-xin cung cấp cũng như dữ liệu công khai có sẵn, các nhà sản xuất sẵn sàng chung sức để sản xuất ra một số lượng vắc-xin lớn chưa từng có trong vòng một đến hai năm tới đây. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng chỉ ra rằng việc đầu tư để hỗ trợ sản xuất các liều vắc-xin với quy mô lớn như vậy sẽ phụ thuộc vào việc thử nghiệm lâm sàng thành công, đạt được các thỏa thuận mua trước, xác nhận được nguồn tài trợ, đơn giản hóa quy trình đăng ký và thủ tục pháp lý, cùng nhiều yếu tố khác.

Đánh giá này cũng cho thấy khả năng đáp ứng của các nhà sản xuất với thiết kế và mục tiêu của Cơ chế COVAX - một trụ cột chính trong Sáng kiến ACT – Accelerator. Sáng kiến ACT - Accelerator là một chương trình hợp tác toàn cầu mới mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối công bằng vắc-xin, phương pháp chẩn đoán và trị liệu nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 ở tất cả các quốc gia bất kể mức thu nhập.

Bước quan trọng tiếp theo là phải đảm bảo các nền kinh tế tự chủ về tài chính đăng kí tham gia vào Cơ chế COVAX trước ngày 18/09. Điều này sẽ cho phép COVAX có thể hỗ trợ các khoản đầu tư sớm, có rủi ro cao khi tăng khả năng sản xuất trên quy mô lớn thông qua các thỏa thuận mua trước.

Khung phân bổ của COVAX hiện đang được WHO xây dựng sẽ cung cấp thông tin hướng dẫn về cách thức và địa điểm mà UNICEF, PAHO và các đơn vị thu mua khác đại diện cho các quốc gia thành viên sẽ cung cấp vắc-xin COVID-19 do Cơ sở COVAX tiếp nhận. Dự kiến các đợt phân bổ vắc-xin đầu tiên sẽ được mở rộng để các quốc gia thực hiện tiêm chủng cho nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội, sau đó sẽ là các đợt vắc-xin dành cho những nhóm dân số có nguy cơ cao mắc COVID-19.

UNICEF, Gavi, WHO, và PAHO, với sự hợp tác cùng các đối tác và chính phủ các nước, đã bắt đầu những bước chuẩn bị quan trọng để sẵn sàng nguồn cung vắc-xin cho quốc gia như:

-Làm việc với các nhà sản xuất thiết bị để lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng thiết bị tiêm an toàn và các yêu cầu về chuỗi cung ứng lạnh cho vắc-xin;

-Xây dựng hướng dẫn cùng với WHO và xây dựng các khóa đào tạo nhằm hỗ trợ các chính sách về tiêm chủng cũng như hoạt động xử lý, lưu trữ và phân phối vắc-xin phù hợp;

-Cùng nhà sản xuất xây dựng giải pháp vận chuyển và hậu cần nhằm đưa vắc-xin tới các quốc gia nhanh chóng và an toàn nhất có thể ngay sau khi có kế hoạch phân bổ;

-Hỗ trợ các nước trong việc lập kế hoạch cung cấp vắc-xin, bao gồm xác định đối tượng chịu rủi ro cao nhất cũng như vận chuyển và bảo quản tại thời điểm cung cấp dịch vụ;

-Tăng cường phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự và các đối tác khác nhằm đảm bảo người dân được thông tin đầy đủ về quy trình tiêm chủng COVID-19 cũng như triển khai các biện pháp nhằm nâng cao lòng tin của người dân và giải quyết thông tin sai lệch về vắc-xin COVID-19.

https://suckhoedoisong.vn/unicef-dan-dau-trong-viec-thu-mua-va-cung-ung-vac-xin-covid-19-n179878.html

Phòng, chống sốt xuất huyết: Không thể xem nhẹ

       Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó đã có trường hợp tử vong. Điển hình như trường hợp một bệnh nhân (57 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau 5 ngày tự điều trị tại nhà mới đến bệnh viện khám. Khi đó, men gan của bệnh nhân đã tăng cao, bắt đầu suy gan, suy thận, suy đa tạng. Bệnh nhân được lọc máu, sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), nhưng đã tử vong sáng 1-9.

       Trước đó, đầu tháng 8-2020, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận một thanh niên (17 tuổi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà mà không đến bệnh viện điều trị. Sau 2 ngày nhập viện, bệnh nhân này đã tử vong do suy đa tạng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Thế nhưng hiện nay, do lo ngại lây nhiễm Covid-19, nhiều người khi mắc sốt xuất huyết không đến bệnh viện khám từ sớm mà chỉ đến khám khi bệnh đã chuyển biến nặng, khó cứu chữa.

Tương tự, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng tiếp nhận điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị năm nay ít hơn so với mọi năm. Nguyên nhân có thể là do người dân lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên không đến bệnh viện…

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 1.574 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 1.612 trường hợp (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 3.186 trường hợp). Tuy nhiên, trong tuần từ ngày 17 đến 23-8 ghi nhận 67 ca mắc sốt xuất huyết tại 42 xã, phường, thị trấn, thì đến tuần từ ngày 24 đến 30-8, số ca mắc sốt xuất huyết tăng lên 152 trường hợp tại 74 xã, phường, thị trấn. Qua công tác kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội tại những địa bàn trọng điểm có nhiều người mắc sốt xuất huyết, công tác phòng, chống dịch bệnh này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử tại huyện Phúc Thọ, địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết dẫn đầu thành phố (334 ca), người dân còn chủ quan. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) Trần Anh Tuấn, nhiều gia đình vẫn có thói quen tích nước mưa, téc nước sinh hoạt không đậy kín nắp, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển. Còn tại quận Nam Từ Liêm - nơi có số ca mắc sốt xuất huyết đứng thứ tư thành phố (149 ca), theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, chất lượng hoạt động của đội xung kích và tổ giám sát diệt bọ gậy chưa cao, chưa thực hiện liên tục…

Không để dịch xảy ra mới chống

Để tránh chẩn đoán nhầm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Khi bệnh nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng… “Nếu có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường lưu ý.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nội) Khổng Minh Tuấn đề nghị, các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết tại cộng đồng. Đặc biệt, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, phòng y tế các quận, huyện, thị xã phải quản lý, quán triệt các cơ sở y tế tư nhân tuyệt đối không giữ bệnh nhân sốt xuất huyết truyền dịch tại cơ sở hoặc đưa về nhà.

Thời gian tới, dự báo thời tiết nắng mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, việc phòng, chống sốt xuất huyết cũng giống như phòng, chống dịch Covid-19, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó sự đồng thuận và phối hợp của người dân là rất quan trọng. Đồng thời, chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt công tác vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải…, không để muỗi sinh sản và phát triển; kiện toàn lại đội xung kích diệt bọ gậy, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh hằng ngày, hằng tuần.

“Bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải chủ động phòng, chống sốt xuất huyết. Dù đây là thời điểm khó khăn, song chúng ta phải quyết tâm thực hiện, vì nếu bị động, để dịch xảy ra mới chống, thì sẽ rất khó dập dịch”, ông Hoàng Đức Hạnh lưu ý (Hà Nội mới, trang 5).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-492020

Liên tiếp 2 người tử vong do sốt xuất huyết, người dân vẫn còn rất chủ quan

          Điểm chung của 2 bệnh nhân Covid-19 vừa tử vong do SXH ở Hà Nội là đều không phân biệt được sớm triệu chứng của bệnh SXH với bệnh khác, cố gắng tự điều trị tại nhà dù bệnh đã có dấu hiệu nặng, khi nguy kịch mới nhập viện thì đã quá muộn…

Vì thế, trong mùa cao điểm của dịch bệnh với số ca mắc SXH đang tăng nhanh như hiện nay, các chuyên gia chỉ rõ, người dân cần tuyệt đối tránh các sai lầm thường gặp sau.

Tránh nhầm lẫn SXH với các bệnh sốt khác

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ…

Để phân biệt, SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Bác sĩ Cường cho biết thêm, các triệu chứng của bệnh SXH rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường khác nên người dân khi có các biểu hiện sốt cao một cách đột ngột trong 1- 2 ngày đầu, dùng thuốc hạ sốt không hạ, cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Không tùy tiện dùng thuốc hạ sốt

Ngày 1-9, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận một bệnh nhân tử vong do SXH (ca tử vong thứ 2 ở Hà Nội) là nam bệnh nhân 57 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm. Ca bệnh này đến bệnh viện muộn với tình trạng bệnh nặng suy đa tạng. Chẩn đoán khi tử vong: sốc nhiễm khuẩn/rối loạn đông máu-sốc Dengue/Ngộ độc paracetamol.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc tự ý dùng thuốc hạ sốt, paracetamol để điều trị các bệnh sốt nói chung, SXH nói riêng còn rất phổ biến. Đây là sai lầm cần tránh, đặc biệt bệnh nhân SXH tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh bừa bãi.

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo, người dân cần thận trọng, tham vấn ý kiến chuyên gia y tế khi dùng các loại thuốc hạ sốt để điều trị SXH.

Lý do vì trên thị trường có một số loại thuốc có tác dụng hạ sốt song lại có thể gây hại cho bệnh nhân SXH. Đấy là chưa kể người dân không nên lạm dụng thuốc hạ sốt bởi có thể gây ngộ độc, tổn thương gan.

Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tự ý truyền dịch tại nhà để điều trị khi thấy SXH là sai lầm đáng tiếc mà nhiều người mắc phải. Trong thực tế, đã có nhiều bệnh nhân SXH vì ngại đến cơ sở y tế để khám, tự ý điều trị bằng truyền dịch tại nhà dẫn đến tử vong.

Điển hình như ca tử vong đầu tiên do SXH ở Hà Nội cách đây nửa tháng, nam thanh niên chưa đầy 20 tuổi được chẩn đoán mắc SXH nhưng ngại không vào viện mà ở nhà tự truyền dịch. Khi chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà, 2 ngày sau thì tử vong do suy đa tạng.

Bác sĩ Cấp nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không tự truyền dịch tại nhà để phòng ngừa biến chứng dẫn đến sốc phản vệ và tử vong.

Thấy hết sốt cũng không được chủ quan

Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân SXH thường có nhiều mức độ khác nhau: bệnh nhân không có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo và bệnh nhân SXH nặng.

Với trường hợp bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo thì cần nhập viện điều trị.

BS Nguyễn Kim Thư cũng cảnh báo, đa số bệnh nhân SXH thường có dấu hiệu cảnh báo từ ngày thứ 3, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt nên người bệnh thường chủ quan nghĩ là đã khỏi bệnh.

Do đó, nhân viên y tế luôn phải theo dõi sát sao bệnh nhân hàng ngày, tiến hành xét nghiệm công thức máu cũng như theo dõi tình trạng bệnh nhân để xử lý kịp thời nếu người bệnh có diễn biến nặng lên (An ninh thủ đô, trang 6).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-492020

Ngộ độc do ăn pate Minh Chay lời cảnh báo từ chuyên gia bệnh truyền nhiễm

      Liên quan đến hàng chục ca nhập viện do ngộ độc Clostridium botulinum từ việc ăn pate Minh Chay gây xôn xao dư luận và gây lo lắng cho nhiều người, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy đã có những chia sẻ xung quanh sự việc này.

     Theo đó, TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết,  30 năm công tác trong ngành truyền nhiễm, đến năm nay anh mới gặp ca bệnh ngộ độc Clostridium botulinum đầu tiên. Do đó, không ngạc nhiên khi các bác sĩ ở tuyến dưới khi gặp bệnh này này lại chẩn đoán sang bệnh lý khác.

      Cũng theo Bs. Hùng khi tiếp nhận bệnh nhân được chuyển từ Vũng Tàu đến chúng tôi cũng có chẩn đoán các bệnh lý khác như nhược cơ... Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân nằm viện tại đây 2-3 ngày bác sĩ theo dõi và nhờ vào những chẩn đoán bằng các phương tiện hiện đại lúc này mới phát hiện ra được loại bệnh lý ngộ độc này.

"Bệnh lý này chủ yếu do độc tố vào cơ thể nó làm tổn thương các đầu mút dây thần kinh dẫn tới các cơ không còn nữa nên bị liệt cơ (vì cơ không có sự chỉ huy của dây thần kinh nên không vận động được -pv), Ts Hùng nói.

Ts. Hùng cũng chia sẻ thêm, độc tố  gây lên tình trạng này do một loại vi khuẩn gây ra, nó  không màu, không mùi, không vị nên không thể nhận biết. Đây là loại vi khuẩn yếm khí, nó sống trong môi trường không có không khí và vi khuẩn này có thể sống khá lâu do nó có khả năng tự tạo ra vỏ bọc gọi là bào tử. Dưới vỏ bọc bào tử nên nó tồn tại trong đất, cát, trong môi trường bình thường rất tốt, mặc dù vậy nhưng lúc này nó không thể hoạt động được, nhưng khi gặp môi trường không có không khí thì từ bào tử tồn tại đó nó tái hoạt động trở lại. Khi nó hoạt động trở lại thì nó sản sinh ra các vi khuẩn, quá trình sản sinh đó tạo ra chất độc.

Vi khuẩn này không dễ tiêu diệt, nhưng độc chất thì dễ tiêu diệt. Bởi vi khuẩn này không bền với nhiệt, do đó trên 80 độ thì độc tố này bị huỷ hoại ngay.

Để phòng bệnh theo Ts Hùng,việc đầu tiên giữ vệ sinh thực phẩm bằng ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch sẽ.

Cũng theo Ts Hùng, với các quy trình sản xuất đồ hộp công nghiệp, bao giờ họ cũng có một công đoạn cuối cùng là  tiệt khuẩn. Tức là sau khi đóng hộp xong để đảm bảo trong quá trình đóng hộp nếu không may bị nhiễm vi khuẩn có hại thì quy trình tiệt khuẩn sẽ loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn đó, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

"Với các sản phẩm tự đóng bằng tay, đóng gói thủ công sẽ không có quy trình tiệt khuẩn, nên khi đóng kín hộp sẽ tạo môi trường có vi khuẩn, mà trong đó có vi khuẩn yếm khí sinh sôi phát triển con người ăn phải dễ dẫn đến ngộ độc. Chính vì thế, với các sản phẩm đóng hộp thủ công nên tránh, trong trường hợp chúng ta ăn cần phải nấu chín", Ts. Hùng cảnh báo.

Nhiều người thắc mắc khi ngộ độc loại vi khuẩn này thì người dân có tự nhận biết được không và nhận biết bằng cách nào, theo Ts. Hùng, để nhận biết ngộ độc loại này không dễ dàng.

Bởi lẽ, trong giai đoạn đầu có thể có như tình trạng rối loạn tiêu hoá sau khi ăn thức ăn nhiễm bẩn, bệnh nhân đau bụng, nôn ói, mệt mỏi giống như các ngộ độc thường thấy. Tuy nhiên loại ngộ độc này sau đó tiến triển rất nhau có thể dẫn đến tính trạng nói khó, nuốt khó, sụp mí...

Mặt khác, nếu mắc bệnh lý do viêm nhiễm thì có sốt, nhưng bệnh này không sốt. Ngoài ra, khi thấy tình trạng yếu tứ chí hay liệt cơ nhiều người lại nghĩ đến các bệnh lý thần kinh, nhưng nếu là bệnh lý thần kinh thì sẽ có rối loạn tri giác, nhưng bệnh này cũng không bị rối loạn tri giác mà bệnh nhân vẫn tỉnh táo chỉ là khó thở và liệt tứ tri.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu người dân dùng sản phẩm này sau khi có rối loạn tiêu hoá thấy triệu chứng buồn ngủ, mí mắt sụp, nói khàn... thì đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị bởi nếu không nó có thể xảy ra tình trạng liệt toàn thân, khó thở và có thể trở nặng.

BV Chợ Rẫy  cho biết, bệnh nhân đang điều trị tại đây trong tình trạng tỉnh, không sốt nhưng triệu chứng liệt tứ chi vẫn chưa có cải thiện.

https://suckhoedoisong.vn/ngo-doc-do-an-pate-minh-chay-loi-canh-bao-tu-chuyen-gia-benh-truyen-nhiem-n179633.html

Những điều cần biết về virus cúm và vắc xin cúm

Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm  gây nên. Cúm là bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa

Cúm mùa có bao nhiêu loại?

Cúm mùa được chia làm 3 loại gồm cúm A, cúm B và cúm C.

Trong đó, cúm A với nhiều chủng gây bệnh như A(H5N1), A(H3N2), A(H1N1)… là loại nguy hiểm nhất, bởi trải qua lịch sử giám sát, những đại dịch thường xuất phát từ chủng cúm này. Cúm A không chỉ gây bệnh trên người mà còn trên gia cầm, động vật hoang dã, một khi nó đột biến và lây sang cho người sẽ gây đại dịch.

Cúm B chỉ có một chủng loại duy nhất lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc, còn cúm C gần giống với cảm lạnh thông thường.

Cùng triệu chứng ho, sốt, làm sao phân biệt cảm lạnh và cảm cúm?

Cảm lạnh chỉ gây nhiễm trùng hô hấp trên, không dẫn đến biến chứng nặng tử vong và chỉ cần nghỉ ngơi, không cần uống thuốc sẽ tự khỏi. Nhưng cúm mùa thì ngược lại, nó có thể gây áp lực lên cả đường hô hấp trên và lan xuống đường hô hấp dưới gây nguy hiểm tính mạng.

Cảm lạnh cũng gây các triệu chứng như sốt, ho sổ mũi nhưng nhẹ hơn. Trong khi đó, cúm mùa diễn tiến rất đột ngột, sốt cao, mệt mỏi nghiêm trọng, đau nhức mình mẩy, khó thở, tức ngực, ho nặng và thường kéo dài. Riêng ở trẻ em có một số triệu chứng đặc biệt như quấy khóc, bỏ bú, bú kém, không uống được nước, một số trường hợp có dấu hiệu co giật.

Nếu nghĩ rằng có thể bị cúm, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Thời gian ủ bệnh của cúm mùa?

Thời gian ủ bệnh của virus cúm ngắn, thường từ 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày. Thời kỳ lây bệnh khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng.

Cúm mùa lây nhiễm như thế nào?

Virus cúm có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho hay hắt hơi. Cúm màu cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với mầm bệnh như tay dính virus qua bắt tay, sử dụng chung điện thoại, remote tivi… rồi đưa lên mắt, mũi hay miệng của mình.

Tỷ lệ lây lan mạnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Ai dễ bị biến chứng khi mắc cúm mùa?Ở một cơ thể khỏe mạnh và ở độ tuổi trẻ, cúm mùa thường không có những ảnh hưởng nghiêm trọng, nó chỉ mang lại cảm giác khó chịu, mệt mỏi trong vài ngày và sẽ tự khỏi sau 1 hoặc 2 tuần nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, đối với trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa (tiểu đường), thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch do HIV hoặc hóa trị liệu, béo phì khi bị cúm mùa có thể diễn tính thành ác tính, gây biến chứng viêm phế quản, hen suyễn, nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm não, thậm chí là suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong.

Vai trò của vắc xin trong việc phòng ngừa cúm?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, vắc xin là một biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả nhất trong việc phòng cúm. Vắc xin cúm mùa đã được sử dụng trên 50 năm nay trên toàn cầu, khả năng bảo vệ sau khi tiêm ngừa lên đến 98%.

Chỉ một mũi tiêm hàng năm giúp giảm khả năng mắc bệnh; Giảm thời gian nằm viện, tỷ lệ biến chứng và tử vong ở trẻ em, người trưởng thành trong độ tuổi lao động, người cao tuổi; Giúp phòng ngừa các biến cố sức khỏe nghiêm trọng có liên quan tới các bệnh mạn tính có sẵn như tiểu đường, hô hấp, tim mạch; Bảo vệ phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh nở (bao gồm cả việc bảo vệ đứa trẻ khỏi cúm nhờ kháng thể của mẹ truyền cho con khi đang mang thai).

Đối với vắc xin cúm, hiện trên thị trường có đầy đủ tất cả các dạng của công nghệ vắc xin, từ vắc xin sống giảm độc lực ở các nước Âu Mỹ thường dùng là dạng xịt, cho tới vắc xin bất hoạt, thậm chí tiểu đơn vị vắc xin dạng mảnh theo công nghệ protein.

Trong đó, vắc xin cúm bất hoạt thế hệ 3 với hiệu quả và ít tác dụng ngoại ý hơn các thế hệ cũ, an toàn cho người bệnh hô hấp, tim mạch, kể cả phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú mà không ảnh hưởng đến thai nhi, trẻ sơ sinh.

Đặc biệt, mỗi năm, các thành phần kháng nguyên trong vắc xin sẽ được điều chỉnh dựa trên các khuyến cáo của WHO để phù hợp với các chủng virus cúm biến đổi. Đồng thời, có thể tiêm với các vắc xin khác mà không gây tương tác.

Độ tuổi và thời điểm nào nên tiêm phòng cúm?

Mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần chích ngừa cúm, tuy nhiên những nhóm người sau càng cần phải chích ngừa hơn, đó là: Trẻ em; phụ nữ mang thai; người cao tuổi (đặc biệt là người trên 65 tuổi); người sống ở nhà dưỡng lão; người mắc bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, người suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS hay ghép tạng; nhân viên y tế; người sống chung với người có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm.

Vắc xin cúm nên được tiêm ngừa trước khi cúm mùa bắt đầu lây lan trong cộng đồng (như đã nói ở Việt Nam thường gia tăng vào thời điểm chuyển mùa, như tháng 3-4-5 và tháng 7-8). Khoảng 2 tuần sau khi tiêm, cơ thể có thể hình thành kháng thể bảo vệ khỏi các chủng virus có trong vắc xin.

Các phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin cúm?

Sau khi tiêm vắc xin ngừa cúm, kể cả trẻ em hay người lớn đều cần theo dõi phản ứng tại chỗ, lưu lại cơ thể y tế trong 30 phút, theo dõi huyết áp và nhịp tim.

Tác dụng phụ của vắc xin cúm thường ít xảy ra, vì hiện nay đang dùng vắc xin bất hoạt. Đa phần các phản ứng như sưng đau chỗ tiêm, sốt thường nhẹ và tự khỏi. Nếu sốt, đau có thể dùng paracetamol và có thể dùng thêm biện pháp chườm lạnh. Nhưng lưu ý là không chườm nóng, bôi dầu, đắp khoai tây hay bôi những chất lạ lên vị trí tiêm, vì có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Cơ địa dị ứng trứng, có nên tiêm ngừa vắc xin cúm mùa?

Trong quá trình sản xuất vắc xin có công đoạn cấy virus cúm trên phôi trứng gà, nhưng nồng độ ovalbumin rất ít, thậm chí bây giờ đa số chúng ta sử dụng vắc xin bất hoạt, hầu như không có hoặc rất ít gây dị ứng.

Trên phương diện khoa học, tất cả những hướng dẫn về chủng ngừa trên thế giới của Hoa Kỳ, Canada, Úc… đều cho rằng dị ứng trứng không phải chống chỉ định tuyệt đối của chủng ngừa, nếu dùng vắc xin bất hoạt. Nhưng bắt buộc cần thận trọng trong trường hợp bệnh nhân thật sự có phản ứng phản vệ với trứng (sốc hoặc khó thở sau khi ăn trứng).

Đồng thời, trước khi tiêm ngừa nên cung cấp cho nhân viên y tế thông tin về tình trạng dị ứng của người bệnh, kể cả dị ứng trứng.

https://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-virus-cum-va-vac-xin-cum-n177066.html

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày