Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.686.814
Truy cập hiện tại 610

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 1 năm 2021
Lượt đọc 1550Ngày cập nhật 18/01/2021

Điểm báo từ ngày 12 đến ngày 18  tháng 01 năm 2021

Vắc-xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam đã tạo kháng thể

     Với mũi vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất, bước đầu các tình nguyện viên đã có kháng thể chống lại virus, thậm chí có người còn sản sinh kháng thể miễn dịch gấp 20 lần. Theo PGS.TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự -  Học viện Quân y, kết quả ban đầu cho thấy vắc-xin Nano Covax rất an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt. Sau khi tiêm tiếp mũi 2, lượng kháng thể sẽ tiếp tục tăng 4-5 lần, thậm chí 20 lần. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi sức khoẻ tình nguyện viên thêm 6 tháng, 1 năm để đánh giá lượng kháng thể có duy trì bền vững hay không và tồn tại bao lâu. Nghiên cứu đã đi được hơn nửa chặng đường giai đoạn 1 nên các nhà khoa học đang xử lý dữ liệu, gửi hồ sơ đạo đức lên Bộ Y tế nhằm xác định liều phù hợp cho giai đoạn 2.

     Thông thường, sau 2 tuần tiêm vắc-xin, cơ thể con người sẽ có phản ứng sinh miễn dịch - sản sinh kháng thể chống lại virus. Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự đã lấy mẫu máu của tình nguyện viên và phát hiện tính sinh miễn dịch khá tốt. Tuy nhiên, để có thể khẳng định tính sinh miễn dịch đáp ứng yêu cầu thì phải được đánh giá qua mũi tiêm thứ 2 (kháng thể của người tình nguyện tăng gấp 4-5 lần so với bình thường). Nhóm nghiên cứu còn lấy mẫu máu của tình nguyện viên sau tiêm vắc-xin để đánh giá trên các mẫu virus nhằm xem xét khả năng trung hoà virus đến đâu trong pha thử nghiệm tiếp theo.

     Theo  TS. Sơn, hiện vẫn chưa đủ dữ liệu để có thể đề xuất được liều tiêm của vắc-xin ngừa COVID-19 Nano Covax. Sau Tết nguyên đán, các nhà nghiên cứu sẽ có kế hoạch để thử nghiệm giai đoạn 2, dự kiến tiêm 2 mũi trong 1 liều.

     Tiêm mũi thứ 2 cho nhóm người tình nguyện đầu tiên

      Sáng 14/1, Học viện Quân y bắt đầu tiêm mũi 2 vắc-xin Nano Covax liều 25mcg cho 3 tình nguyện viên đầu tiên của nhóm 1 sau 28 ngày tiêm mũi 1. Cùng ngày, 10 tình nguyện viên khác được tiêm vắc-xin này mũi 1 liều cao nhất - 75mcg. Cụ thể, 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm mũi 2 liều 25mcg gồm 1 nam và 2 nữ (2 người tuổi dưới 25 và 1 người là cô giáo 42 tuổi). Sau tiêm mũi 2, cả 3 tình nguyện viên đều có sức khoẻ ổn định, ở lại Học viện Quân y theo dõi 24 giờ trước khi về nhà. Họ là 3 người đầu tiên của Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 (ngày 17/12/2020). Một tháng sau tiêm, sức khoẻ của các tình nguyện hoàn toàn bình thường. Ngay sau khi tiêm mũi thứ 2 liều 25mcg, sức khoẻ của các tình nguyện viên đều ổn định, không có gì đáng quan ngại. Dự kiến ngày 17/1, nhóm 17 người còn lại sẽ tiêm mũi 2 vắc-xin Nano Covax.

Với việc hôm qua tiêm cho 10 tình nguyện viên khác mũi 1 vắc-xin Nano Covax liều 75mcg, việc thử nghiệm đã sớm hơn kế hoạch ban đầu 1 ngày với sự cho phép của Bộ Y tế. PGS.TS Hồ Anh Sơn cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 trên hơn 40 tình nguyện viên ở cả 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg. Qua theo dõi, sức khoẻ các tình nguyện viên đều ổn định, tinh thần hoàn toàn bình thường.

Trong giai đoạn 1, do nghiên cứu tập trung đánh giá độ an toàn của vắc-xin và dò liều tối ưu nên các tình nguyện viên phải đảm bảo chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18-28, chưa từng có phản ứng mẫn cảm, dị ứng. Tuy nhiên, sang giai đoạn 2, các tiêu chí sẽ mở rộng hơn rất nhiều, cần 560 tình nguyện viên tham gia. Theo ông Sơn, so với tiêu chuẩn tuyển lựa tình nguyện viên của nhiều hãng dược lớn trên thế giới, Việt Nam yêu cầu các tiêu chí khắt khe hơn.

60 người tiêm vắc-xin đầu tiên trong giai đoạn 1 đã đáp ứng đủ yêu cầu, nhưng Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự sẽ tiếp tục tiêm thử thêm cho những tình nguyện viên khác để đề phòng trường hợp có tình nguyện viên rút lui không tham gia thử nghiệm. (Tiền phong, trang 6).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1512021

Hơn 95 triệu ca nhiễm Covid-19 trên thế giới

       Theo số liệu trang Worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 17-1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 94,92 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 67,75 triệu người đã hồi phục và 2.029.632 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 636.837 ca nhiễm Covid-19, số ca tử vong vẫn ở mức trên 12.000 ca.

     Theo quốc gia, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới với hơn 24,30 triệu ca nhiễm. Trong vòng 24 giờ đất nước thuộc châu Mỹ này ghi nhận gần 200 nghìn ca nhiễm và 3.370 ca tử vong.

   Ấn Độ và Brazil đứng thứ 2 và 3 với số ca nhiễm lần lượt là hơn 10,55 triệu ca nhiễm và hơn 8,45 triệu ca nhiễm. Đứng thứ 4 và 5 về số ca mắc Covid-19 là Nga và Anh với số ca nhiễm ghi nhận lần lượt ở mức hơn 3,54 triệu ca nhiễm và hơn 3,35 triệu ca nhiễm.

     Theo khu vực, Bắc Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với hơn 27,72 triệu người mắc Covid-19, trong đó có 583.607 ca đã tử vong. Tiếp đến là châu Âu với hơn 27,33 triệu ca mắc và 623.738 ca đã tử vong. Xếp thứ 3 là châu Á với hơn 21,97 triệu ca nhiễm và 355.655 ca tử vong

     Theo TTXVN, tại châu Âu, Áo đã quyết định tạm thời đóng hơn 40 cửa khẩu với Séc và Slovakia từ ngày 14-1, do sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19 ở cả hai nước này. Những người có nguyện vọng qua biên giới từ ngày 15-1 phải đăng ký trước bằng hình thức trực tuyến.

      Tuy nhiên, Áo vẫn mở 8 cửa khẩu biên giới chính với Séc. Theo Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Séc và Slovakia là ''cực kỳ căng thẳng'' và việc Áo phải áp dụng các biện pháp trên là nhằm "duy trì trật tự và an ninh công cộng."

     Hy Lạp bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người cao tuổi trên toàn quốc, sau đợt tiêm đầu tiên cho hàng chục nghìn nhân viên trên tuyến đầu chống dịch.

      Trong khi đó, Serbia đã trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu tiếp nhận vaccine phòng Covid-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất khi lô hàng chở 1 triệu liều vaccine của hãng này đã tới sân bay Belgrade.

      Như vậy, sau vaccine của Pfizer/BioNTech và Sputnik V của Nga, sản phẩm của Sinopharm là vaccine thứ 3 được quốc gia vùng Balkan này sử dụng. Dự kiến, việc tiêm phòng vaccine của Sinopharm có thể được bắt đầu vào ngày 17-1 hoặc 18-1.

Cũng theo TTXVN, tại châu Mỹ, chính quyền bang Sao Paulo của Brazil, bang đông dân nhất và từng là tâm dịch Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này, cho biết đã ban hành các lệnh hạn chế mới ở 8 thành phố cấp bang nhằm chặn đứng xu hướng các ca mắc mới tăng cao liên tục trong những tuần gần đây.

     Trong khi đó, Chính phủ Colombia thông báo kéo dài thời hạn đóng các cửa khẩu đường bộ và đường sông cho tới ngày 1-3 như một phần trong các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan.

     Theo TTXVN, tại châu Phi, Algeria tiếp tục mở rộng lệnh phong tỏa từng phần đối với 29 tỉnh thành để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Theo đó, lệnh phong tỏa được mở rộng từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau đối với 29 tỉnh, thành, đi kèm với nhiều biện pháp ngăn chặn khác để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.

    Trong khi đó, nhiều hãng hàng không quốc tế như Emirates của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), KLM của Hà Lan và Lufthansa của Đức đã tạm dừng hoặc giảm tần suất chuyến bay đến Nam Phi do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ nước này hiện đã lây lan tới hàng chục quốc gia trên thế giới.

     Còn ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn dẫn đầu về tổng số ca nhiễm Covid-19. Theo Worldometers.info tính đến 8 giờ (giờ Việt Nam) cùng ngày, quốc gia này ghi nhận thêm 14.224 ca nhiễm mới đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 896 nghìn ca. Tiếp đến là Philippines với tổng số ca nhiễm ghi nhận là 498.691 ca.

     Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chuyên gia tăng cường các nghiên cứu về virus trên quy mô toàn cầu nhằm ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

      Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới đoàn kết hơn để ứng phó với đại dịch Covid-19. (Nhân dân, trang 8).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1812021

Việt Nam 47 ngày không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng

       Chiều tối 17-1, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19.

     Hiện nay, số người mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 1.537 trường hợp, trong đó có tổng cộng 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước.

     Đến thời điểm này, Việt Nam đã trải qua 47 ngày không ghi nhận người mắc mới dịch Covid-19 trong cộng đồng. Về tình hình điều trị, cả nước đã có 1.380 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh.

      Trong số bệnh nhân đang điều trị có 32 người đã âm tính với virus SARS-CoV-2. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn là 35 ca. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1812021

Bộ Y tế bãi bỏ một số lượng lớn văn bản không phù hợp

     Ngày 12-1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Thông tư số 29/2020/ TT-BYT ngày 31-12-2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế (gọi tắt là Thông tư số 29) sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật. Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Thông tư 29 sửa đổi 11 văn bản về quản lý trong lĩnh vực y tế; bãi bỏ 28 thông tư có các quy định đã hết hiệu lực, không còn phù hợp, trong đó có 8 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm. 

      Thông tư 29 được xây dựng dựa trên cơ sở rà soát hơn 547 văn bản quy phạm pháp luật và gần 200 phản ánh kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực y tế. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành một thông tư để sửa đổi, bãi bỏ một số lượng lớn “kỷ lục” các văn bản không còn phù hợp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Việc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Y tế làm lợi cho các doanh nghiệp 2,4 triệu ngày công và 625 tỷ đồng mỗi năm (Hà Nội mới, trang 5).

http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1312021

Phấn đấu thu hút 91,58% dân số tham gia bảo hiểm y tế

       Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2021, toàn ngành đặt mục tiêu thu hút 35,2% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (hiện nay là 32,7%); thu hút 28,5% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp (hiện nay là 27%); 91,58% dân số tham gia bảo hiểm y tế (hiện nay là 90,95%)…

Để đạt được kết quả nêu trên, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa thông tin, dữ liệu, chủ động ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hơn về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, từ đó tự nguyện đăng ký tham gia.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng từ trung ương đến cơ sở tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành nhằm xử lý các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1812021

Gia tăng tai nạn do pháo tự chế

    Càng gần đến Tết Nguyên đán, số vụ tai nạn nhập viện do pháo nổ càng gia tăng. Điều đáng nói, do học cách tự “chế” pháo trên mạng, không ít học sinh đã phải nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Trước thực trạng này, cùng với việc siết chặt quản lý của cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh, nhà trường cần phối hợp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, phòng ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Hậu quả nặng nề của pháo...

     Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, trong vòng 1 tháng trở lại đây đã tiếp nhận gần chục ca tai nạn do pháo nổ. Riêng trong 3 ngày (từ ngày 5-1 đến rạng sáng 8-1), Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp nhập viện trong tình trạng chấn thương rất nặng do pháo tự chế.

Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân N.Q.T. (15 tuổi, ở Hà Nội). Trong lúc chế pháo cùng bạn, T. lấy bột cạo từ hộp que diêm để đốt. Thời điểm phát nổ, T. bị chấn thương còn người bạn may mắn không sao. Ngay sau đó, T. được người nhà chuyển đến bệnh viện huyện sơ cứu và 3h sáng 8-1 được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Qua phim chụp X-quang cho thấy, T. bị gãy xương bàn tay trái. Bệnh nhân được mổ cấp cứu, sau đó tiếp tục chuyển sang Bệnh viện Mắt trung ương để xử lý chấn thương mắt.

Tương tự, tại Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác trong tháng giáp Tết cũng thường tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do pháo tự chế phát nổ. Điểm chung của các bệnh nhi này là đều bị tổn thương vùng mặt và hai tay, chân do tiếp xúc gần với chất gây bỏng.

Trên giường bệnh, em P.T.L. (14 tuổi, ở tỉnh Ninh Bình) bị băng kín toàn bộ khuôn mặt và khắp cơ thể. Bố L. cho biết: “L. cùng 5 người bạn xem hướng dẫn làm thuốc pháo tự chế trên mạng và làm theo. Sau khi kiếm được diêm, than và lưu huỳnh, bọn trẻ tìm một bãi đất trống để “pha chế”. Trong quá trình giã, trộn các hỗn hợp với nhau, tia lửa bùng lên cháy dữ dội. Khi sự việc xảy ra, một người hàng xóm đã phát hiện và lập tức đưa bọn trẻ đi cấp cứu. L. là trường hợp nặng nhất, nên được chuyển đến Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức), các trường hợp bị chấn thương nhập viện do pháo nổ khác với các ca chấn thương do tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Bởi, khi pháo nổ với sức công phá lớn, nạn nhân dễ gặp phải chấn thương nặng, chấn thương ở nhiều vùng trên cơ thể, nhất là thường phải cắt bỏ ngón tay, bàn tay, thậm chí gây mù mắt. Thêm vào đó, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng vết thương, bị bỏng nặng, khiến việc điều trị kéo dài và tốn kém.

Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Khoa Chữa bỏng trẻ em (Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác), may mắn, trường hợp của L. do thực hiện “pha chế” thuốc pháo ở khu vực ngoài trời, thoáng khí. Nếu thuốc pháo được “chế” ở phòng kín, thì khi cháy và phát nổ có thể khiến trẻ bị bỏng hô hấp, gây tử vong.

... cần siết chặt công tác quản lý

Theo thống kê của Bộ Y tế, nếu dịp Tết Nguyên đán 2018, cả nước ghi nhận 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, thì đến dịp Tết Nguyên đán năm 2019 đã tăng lên 287 trường hợp và dịp Tết Nguyên đán 2020 tăng lên tới 321 trường hợp phải khám, cấp cứu do pháo. Như vậy, số ca tai nạn do pháo nổ mỗi dịp Tết gia tăng theo từng năm.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, việc mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ là hành vi trái pháp luật. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng pháo lậu nhập từ nước ngoài về, pháo tự chế..., khiến tai nạn do pháo nổ vẫn xảy ra. Do đó, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý và xử lý quyết liệt việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ các loại, đồng thời tăng cường tuyên truyền về tác hại của pháo tự chế. “Ngoài các tổn thương như: Bỏng, cụt chi..., các tai nạn pháo còn gây những tổn thương nghiêm trọng cho mắt. Vào mỗi dịp Tết, Bệnh viện Mắt trung ương vẫn tiếp nhận hàng chục ca tai nạn mắt do pháo. Khi bị tai nạn do pháo không nên hoảng loạn, không tự ý rửa mặt, hay dụi mắt mà cần tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức”, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo.

Từ những hậu quả đáng tiếc do pháo nổ gây ra, bác sĩ Ngô Tuấn Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cho rằng, để đón năm mới trong an toàn và hạnh phúc, toàn xã hội cũng như mỗi gia đình, nhà trường và bản thân mỗi học sinh nên nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế thuốc gây nổ. Từ đó, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng tò mò, dễ học theo bạn bè và các thông tin trên mạng. Do đó, gia đình, nhà trường, chính quyền, đoàn thể tại địa phương cần giáo dục, tuyên truyền để các em nhận thức được mối nguy hiểm của việc pha trộn các loại hóa chất, trong đó có việc làm thuốc pháo. 

 http://t5g.org.vn/diem-bao-ngay-1812021

Hiểm họa bệnh tật khi rét đậm, rét hại

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Người dân cần biết cách giữ ấm và phòng chống rét cho bản thân và gia đình.

Đề phòng các chứng bệnh về hô hấp và tim mạch

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, TS.BS. Nguyễn Phạm Anh Hoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khi thời tiết xuống dưới 10oC, người già và trẻ em là những đối tượng có khả năng mắc các bệnh lý như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, xương khớp... Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm phổi, suy hô hấp, đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.

BS. Hoa khuyến cáo, để phòng ngừa mắc bệnh khi thời tiết thay đổi, người dân nên mặc đủ ấm, tránh những vị trí gió lùa,... Đối với người cao tuổi, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột như từ trong nhà ấm chạy ra ngoài lạnh. Nếu thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ gây thay đổi về huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não.

Đối với trẻ nhỏ, đôi khi lại ở tình trạng ngược lại, buổi tối cho con mặc quá ấm đi ngủ đến khi nóng quá, trẻ sẽ toát mồ hôi dẫn tới ướt quần áo. Khi quần áo ướt sẽ thấm ngược lại cơ thể trẻ gây ra nguy cơ viêm phổi. Do đó, nên lưu ý giữ nhiệt độ chung trong phòng cho đủ ấm và mặc quần áo vừa phải. Luôn luôn kiểm tra xem trẻ có bị toát mồ hôi không, nếu khi trẻ bị ướt áo thì phải thay áo, tránh để trẻ mặc áo ướt.

Những người đặc thù phải làm việc ở ngoài trời chống chọi với rét đậm, rét hại cần mặc nhiều quần áo, hạn chế để da tiếp xúc với môi trường lạnh. “Nếu trời mưa chúng ta có thể mặc thêm áo mưa hoặc độn các tờ báo ở giữa 2 lớp quần áo sẽ giúp giữ nhiệt” - BS. Hoa cho biết thêm.

Về chế độ ăn, BS. Hoa khuyến cáo, để tăng sức đề kháng của cơ thể cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây đảm bảo đủ nhiệt cho cơ thể. Các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế... giúp giữ ấm rất tốt, còn giúp cơ thể giải cảm, ấm bụng, kích thích tiêu hóa. Hạn chế ăn các món lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể bị lạnh. Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh, bởi rượu làm nở các mạch máu gây giảm thân nhiệt nên khi ra trời lạnh sẽ rất nguy hiểm.

Đề phòng ngạt khí do sưởi bằng củi, than tổ ong trong phòng

BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, nhiều gia đình dùng đèn sưởi, điều hòa nhiệt độ chiều nóng để tăng nhiệt độ trong phòng. Tuy nhiên, cũng cần chú ý nhiệt độ để phù hợp, không để quá nóng. Nhiều trẻ sơ sinh, da mỏng, nếu để quá gần đèn sưởi sẽ dẫn tới hiện tượng bỏng da.

Lưu ý, không nên sưởi ấm phòng bằng bếp than tổ ong hoặc củi trong phòng kín sẽ dẫn tới nguy cơ phát sinh khí cacbonic, giảm khí ôxy. Nếu để thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới hiện tượng hôn mê, tổn thương não, chết ngạt. Trong những đợt lạnh ở các năm trước đây, nhiều vụ tử vong do sưởi bằng than tổ ong, củi đã xảy ra.

Tuyệt đối không tắm khuya, hoặc tắm quá lâu, tắm nơi không kín gió vì dễ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, có thể gây tử vong. Cũng không nên tắm và gội cùng lúc tránh nguy hiểm cho sức khỏe.

https://suckhoedoisong.vn/hiem-hoa-benh-tat-khi-ret-dam-ret-hai-n111434.html

Sau đột quỵ: Ăn gì là tốt?

     Phòng ngừa tái phát đột quỵ là chiến lược tối ưu và lâu dài của bệnh nhân sau đột quỵ, bằng cách kiểm soát cân nặng, huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác. Việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh chính là một bước đi đúng hướng để tăng cường sức khỏe và hạn chế các nguy cơ sau đột quỵ.

      Nhóm thực phẩm thường được sử dụng sau đột quỵ

Ngũ cốc: Hãy chắc chắn rằng ít nhất một nửa các thực phẩm lựa chọn ngũ cốc đến từ ngũ cốc nguyên hạt.

Rau quả: Chọn các loại rau xanh đậm và màu cam thường giàu dinh dưỡng và nhớ thường xuyên ăn đậu khô và đậu Hà Lan.

Trái cây: Ăn nhiều loại trái cây tươi, đông lạnh hoặc khô mỗi ngày.

Sữa: Chọn sữa ít chất béo hoặc thực phẩm từ sữa không có chất béo, hoặc một loạt các loại thực phẩm giàu canxi không có sữa mỗi ngày.

Protein: Chọn thịt nạc và thịt ít mỡ, thịt gia cầm; các loại đậu và cá.

Về chất béo: ưu tiên nguồn chất béo từ cá, các loại hạt và dầu thực vật. Hạn chế các nguồn chất béo từ bơ, bơ thực vật hoặc mỡ heo.

Chiến lược ăn uống để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ

Ăn nhiều loại thức ăn mỗi ngày

Bởi vì không có thức ăn duy nhất có thể cung cấp cho cơ thể chúng ta với tất cả các chất dinh dưỡng cần cho sức khỏe tốt, nên ăn đa dạng các loại thực phẩm mỗi ngày.

Ăn thức ăn có màu sắc “một cầu vồng” trong mỗi bữa ăn

Để gặt hái được những chất dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe tìm thấy trong trái cây và rau quả, quan trọng phải lựa chọn nhiều loại thức ăn đầy màu sắc “cầu vồng” ở mỗi bữa ăn, bằng cách chọn một loạt các loại trái cây, rau và các loại đậu - màu đỏ đậm, cam, vàng rực rỡ, xanh đậm, xanh và tím bạn sẽ được bảo đảm để có một loạt chất dinh dưỡng cần thiết.

Chọn 5 hoặc nhiều cốc trái cây và rau mỗi ngày

Ngoài các bước 1 và 2, chắc chắn rằng bạn ăn ít nhất 5 phần mỗi ngày của trái cây và rau. Một khẩu phần rau bằng: 1/2 chén rau nấu chín. Một phần trái cây bằng: 1 cỡ vừa (cỡ trái banh tennis) trái cây (chuối, bưởi, hạt lựu dưa hoặc dâu, trái cây sấy khô...).

Hạn chế ăn chất béo bão hòa và thực phẩm giàu cholesterol

Hạn chế cholesterol trong thực phẩm là một bước quan trọng để kiểm soát cholesterol và quản lý đột quỵ, có thể đạt được bằng cách: Cắt loại bỏ mỡ có thể nhìn thấy từ các loại thịt và loại bỏ da từ gia cầm; Hạn chế bơ; Loại bỏ mỡ lợn và mỡ động vật; Chọn thực phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo...

Hạn chế natri (muối)

Ăn quá nhiều natri có thể làm cơ thể giữ nước và làm tăng huyết áp, là yếu tố nguy cơ mạnh làm tái phát đột quỵ. Thay vì sử dụng muối, hãy thử sử dụng các loại thảo mộc và gia vị. Tránh gia vị hỗn hợp và hỗn hợp gia vị gồm muối hoặc muối tỏi. Sử dụng ít thực phẩm chế biến và đóng hộp. Hạn chế các loại thức ăn nhanh.

Chọn thực phẩm giàu chất xơ

Là một phần của một chế độ ăn lành mạnh cho tim, chất xơ có thể làm giảm cholesterol và giảm nguy cơ đối với bệnh tim mạch. Chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, thúc đẩy và ngăn ngừa bệnh tiêu hóa và giúp kiểm soát cân nặng, tức là giảm các yếu tố nguy cơ của tái phát đột quỵ.

Hướng dẫn chất xơ khuyến cáo hàng ngày: độ tuổi dưới 50: nam 38g, nữ 25g; trên 50 tuổi: nam 25g, nữ 21g. Các nguồn tốt nhất của chất xơ là các loại trái cây tươi hoặc nấu chín và rau quả, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu (ví dụ: đậu khô, đậu lăng, đậu Hà Lan...).

Duy trì hoặc đạt được một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh

Ăn thực phẩm giàu chất xơ và ít chất béo, tăng hoạt động thể chất và theo dõi các thói quen ăn uống của bạn là tất cả các cách để đạt được trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Giảm lượng đường

Lượng dư thừa đường gia tăng được kết hợp với tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường typ 2 và rối loạn lipid máu, đó là tất cả các yếu tố nguy cơ tái phát đột quỵ. Hãy nhớ rằng đồ ngọt và món tráng miệng có chứa thêm nhiều đường.

Có đủ kali

Đủ lượng kali chế độ ăn uống là cần thiết để duy trì chức năng tim thích hợp. Tuy nhiên, hầu hết người lớn không tiêu thụ đủ kali. Kali có nhiều trong các sản phẩm trái cây, rau, sữa.

Quản lý chế độ ăn uống đóng một vai trò then chốt làm hạn chế các yếu tố nguy cơ (huyết áp, đái tháo đường, béo phì...) gây tái phát đột quỵ. Hãy thực hiện một chiến lược ăn uống lành mạnh và thường xuyên đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe để phòng tránh đột quỵ tái phát.

https://suckhoedoisong.vn/sau-dot-quy-an-gi-la-tot-n123458.html

Vẩn đục dịch kính - khi nào cần đến bác sĩ?

       Vẩn đục dịch kính là bệnh thường gặp ở người trên 40 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Vẩn đục dịch kính thường chỉ gây vướng bận cho việc nhìn, nhưng cũng có khi gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực.

Dấu hiệu bệnh

Người bệnh thường có miêu tả phong phú về triệu chứng của vẩn đục dịch kính (VĐDK). Đó là trong trường nhìn có những đốm, dải, dây, đám mạng nhện...bay lên bay xuống. Có người mô tả cầu kỳ hơn, vật thể giống như quả tạ, giống như thả diều, xơ mướp thường có màu sẫm, cá biệt có màu óng ánh (cholesterol hay acid uric). Bệnh nhân sẽ quan sát rõ hơn nếu có ánh sáng trực tiếp chiếu vào mắt và đồng tử co nhỏ lại, ví dụ như vào buổi sáng khi nhìn qua cửa sổ hay khi ngắm bình minh lên. Có người sẽ thấy xuất hiện kèm cảm giác chớp sáng trong mắt hay thấy có liên quan rõ giữa 2 hiện tượng này. Bác sĩ mắt cũng luôn hỏi người bệnh về bộ đôi triệu chứng: ruồi bay-chớp sáng trong mắt. Một vài ảo giác cũng đem lại cảm giác như bị bệnh VĐDK trong khi thực tế lại không. Đó là gỉ mắt hay bụi bẩn của phim nước mắt, đục thể thủy tinh dạng chấm... Khai thác kỹ sẽ thấy khi chớp mắt nhiều hay rửa mắt bụi và gỉ sẽ tan biến, còn với đục thể thủy tinh thì chấm đen lại nằm cố định - liếc đi đâu chấm đen chạy theo đó. Các bác sĩ có thể nhỏ giãn đồng tử thăm khám kỹ đáy mắt hoặc cho thêm xét nghiệm siêu âm để xác thực bạn có bị VĐDK hay không?

Khi nào cần đi khám?

Vẩn đục dịch kính thường chỉ gây vướng bận cho việc nhìn, không kèm theo rối loạn thị giác hay đau nhức. Có 3 trạng thái tự nhiên của VĐDK:

Nhỏ đi và biến mất.

Giữ nguyên hình hài, số lượng và vị trí: quen quá nên nhiều người không lưu tâm nữa, sẽ có cảm giác giải phóng được nó ra khỏi tầm nhìn.

Nặng lên và thêm các vấn đề khác: số lượng đốm chấm tăng, nhiều đám vẩn đục hơn, cảm giác chớp sáng dày hơn, thấy có màng chắn màu xám chạy dần vào giữa che lấp trường nhìn. Khi bạn có hiện tượng này nên đi khám chuyên khoa mắt ngay bởi đã có biến chứng đe dọa thị lực.

Biến chứng của vẩn đục dịch kính

Trong khám chữa bệnh hàng ngày, chúng tôi phát hiện được nhiều nhất VĐDK do bong dịch kính sau, căn bệnh khá phổ biến ở người trên 40 tuổi. Đằng sau VĐDK còn là rất nhiều bệnh lý khác ảnh hưởng tới dịch kính - hắc mạc - võng mạc như tắc nhánh hay tắc toàn bộ tĩnh mạch trung tâm võng mạc, viêm hắc võng mạc do virus cự bào, bệnh võng mạc tăng huyết áp và đái tháo đường, u lympho nội nhãn, rách và bong võng mạc, viêm màng bồ đào sau, bệnh võng mạc trên bệnh nhân HIV, bệnh hắc võng mạc cận thị... Khi phát hiện được các bệnh lý nền này trên bệnh nhân có biểu hiện VĐDK thì vấn đề điều trị sẽ phải nghiêm túc và quyết liệt hơn, bằng nhiều biện pháp hơn cũng như theo dõi và tầm soát bệnh toàn thân.

Cách ứng phó với vẩn đục dịch kính

Do có những diễn biến trên đây nên ít người phải cất công điều trị VĐDK, chỉ khi có biến chứng hay gây ảnh hưởng lớn đến thị lực, thị trường điều trị mới được đặt ra. Ứng phó đơn giản có khi chỉ là chủ động uống nhiều nước, tránh những động tác mạnh hay xoắn vặn vùng đầu cổ (tập thể dục thái quá, một vài động tác  khó của yoga), kiêng nhịn thở hay chơi thể thao mạnh gắng sức cũng làm VĐDK biến mất dần. Một vài thuốc tra nhỏ mắt có thể cải thiện tình hình VĐDK do tác dụng chống viêm, giảm kết dính tế bào, làm lắng đọng đám vẩn đục. Với bệnh nhân cận thị số cao nên dùng thêm vitamin uống A-C-E, kẽm, selene... để chống thoái hóa hắc võng mạc, nguồn gốc gây VĐDK trên nhóm bệnh nhân này. Laser Yag tuy vẫn còn tranh cãi nhưng bắt đầu được dùng để điều trị VĐDK nặng trước khi tính đến phẫu thuật cắt dịch kính. Cuối cùng, cũng có thể coi là hạ sách nếu phải dùng phẫu thuật cắt dịch kính để điều trị VĐDK.

https://suckhoedoisong.vn/van-duc-dich-kinh-khi-nao-can-den-bac-si-n185383.html

Khoa TTGDSK
Các tin khác
Xem tin theo ngày