Tìm kiếm tin tức
TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
danh mục
bottom
Dịch vụ
Liên kết website
trưng cầu ý kiến
Bạn đánh giá website của bện viện chúng tôi như thế nào?
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 8.724.501
Truy cập hiện tại 1.653

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Công tác Y tế trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Lượt đọc 402Ngày cập nhật 06/05/2024

    Trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào, công tác y tế luôn vô cùng quan trọng. Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954 thắng lợi, có sự đóng góp to lớn của lực lượng Quân y và Dân công hỏa tuyến. “Những chiến sĩ áo trắng”  nơi đầu tên, mũi đạn, trên trận địa đầy gian khổ, khó khăn, thiếu thốn luôn hết mình để cứu chữa, điều trị cho thương/bệnh binh, vừa làm công tác tư tưởng, an ủi, động viên tinh thần cho bộ đội ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non...”

     Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày lại ở một địa bàn xa hậu cứ, vì vậy bảo vệ giữ gìn sức khỏe, chữa trị thương tích cho bộ đội là một yêu cầu cấp thiết. Theo thống kê của Ban Quân y Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch đã huy động hơn 6.000 người, thành lập 10 Đội điều trị. Mỗi Đội với khoảng 100 quân y cùng 500 dân công hỏa tuyến/thanh niên xung phong, trong đó có 6 Đội  trực thuộc Cục Quân y và 4 Đội của các Đại đoàn. Để bảm đảm an toàn bí mật, trước đó các đoàn công tác của Cục Quân y đã lên Tây Bắc để khảo sát tình hình Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nhằm xác định vị trí các tuyến, bố trí các Đội điều trị, Trạm Quân y, Trạm vận chuyển thương/bệnh binh…

     Sau đợt khảo sát, các đơn vị Quân y bí mật hành quân bộ lên các vị trí tập kết. Trung ương đã cử các bác sĩ nổi tiếng như Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Đình Tụng, Thứ trưởng Bộ y tế Tôn Thất Tùng là bác sĩ phẫu thuật được coi là có đôi bàn tay vàng, trực tiếp ra mặt trận cứu chữa cho các thương binh ngay tại các hầm phẫu thuật. Các địa phương, thầy trò trường Đại học Y Hà Nội, Hiệu trưởng, hiệu phó trường Quân y cũng cử các đoàn y/bác sỹ, sinh viên tham gia, chi viện chiến dịch. Việc sản xuất “Nước lọc Penicillin” của GS Đặng Văn Ngữ có ý nghĩa đặc biệt lớn lao, góp phần đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi. Nhờ nước lọc Penicillin mà 80% thương binh có thể trở về đơn vị chiến đấu mà không bị cưa chân tay do nhiễm trùng vết thương.

     Chiến dịch Điện Biên Phủ, có điểm khác biệt so với những chiến dịch trước, hệ thống cơ sở điều trị các Trạm Quân y Tiểu đoàn, Bệnh xá Trung đoàn, các Đội điều trị của Đại đoàn và Cục Quân y đều được thiết kế theo "Bệnh viện ngầm" một cách khoa học, thương/bệnh binh đều được điều trị trong lòng đất. Các chiến sĩ Quân y đã phải làm việc liên tục trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men. Lực lượng Quân y luôn sát cánh chiến trường để kịp thời cấp cứu và tải thương về tuyến sau, nhanh chóng phục hồi sức khỏe để bộ đội kịp thời trở lại vị trí chiến đấu, bảo vệ bộ đội không mắc sốt rét rừng.

    Với tinh thần "Quyết chiến quyết thắng", trong 56 ngày đêm đội ngũ y/bác sĩ, hộ lý đã tranh thủ từng phút, từng giây khẩn trương cứu chữa cho hơn 10.000 lượt thương binh, gần 4.500 bệnh binh. Hơn 30% số bộ đội được điều trị khỏi trong vòng 5-7 ngày, trở lại đơn vị chiến đấu, góp phần quan trọng vào việc khôi phục sức mạnh chiến đấu trên toàn mặt trận.

     Đêm 30-31/3, Đại đoàn 316 nhận nhiệm vụ đánh đồi A1, một cứ điểm có nhiều hầm ngầm kiên cố của địch. Trận đánh không thành công, thương vong nhiều, số thương binh tăng vọt lên cả nghìn người. Những người lính Quân y phải đối mặt với nhiều căng thẳng, phải cán thương, băng bó vết thương cho chiến sĩ giữa làn bom đạn nhưng tinh thần không hề nao núng. Trong các “Bệnh viện ngầm” các y/bác sĩ phải mổ liên tục cả chục ngày/đêm không ngừng nghỉ, đến giờ thay nhau ăn cơm, không tắm giặt. Trong căn hầm nhỏ hẹp, phòng mổ chỉ có le lói ánh sáng đèn pin và đèn dinamo xe đạp, do một người ngồi lên đạp liên tục để đèn phát ra ánh sáng, để cấp cứu kịp thời cho thương binh. Các chiến sĩ Quân y liên tục nấu nước sôi để khử trùng các dụng cụ phẫu thuật, khăn/gạc, nấu những nồi cháo loãng giúp bộ đội chống đói, chống mất nước. Những chiến lợi phẩm y tế từ máy bay của Pháp "chi viện” cho quân ta cũng được sử dụng để điều trị cho bộ đội.  

     

     Trong quá trình chiến đấu, lực lượng Quân y đã chuyển được hơn 3.000 thương binh về bệnh viện hậu phương và làm luôn công việc khâm liệm khi có bộ đội hy sinh. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, bộ đội thu dọn chiến trường, một số được nghỉ để phục hồi sức khỏe. Riêng lực lượng Quân y phải tiếp tục làm nhiệm vụ vận chuyển hơn 6.000 thương binh về hậu phương. Ra quân tẩy uế chiến trường, giải quyết môi trường trận địa, phòng chống dịch bệnh sau chiến dịch. Công việc khó khăn nhất là khi phát hiện thấy các liệt sĩ hoặc tử thi lính Pháp thì công binh vào gỡ mìn, tạo lối đi an toàn rồi mới vào khâm liệm. Do ruồi nhặng nhiều, chúng thường bâu lên mặt mũi người vào khâm liệm rất khủng khiếp. Để khắc phục nỗi kinh hoàng và tanh tưởi này, quân y có sáng kiến dùng súng phun lửa, chiến lợi phẩm quân ta thu được để diệt ruồi nhặng. Sau hơn một tuần làm việc cật lực, đã tẩy uế, chôn lấp 328 hố rác bẩn, 213 hố bông băng, 45 hố tiêu, lấp kín khu “mả Tây” và chôn 214 xác chết, không để xảy ra tai nạn và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực hiện chính sách khoan hồng, đã chuyển gần 1.500 lính Pháp bị thương từ dưới hầm lên tắm rửa, thay băng, xử lý, chăm sóc vết thương. Hằng tháng qua, họ đã sống trong những gian hầm bẩn thỉu, nhầy nhụa ngày đêm nghe những lời rên la, mê sảng, kêu cứu và chứng kiến những cái chết của đồng đội. Nhờ quân ta chiến thắng, mà họ được sống lại. Ông Huard - đại diện cho Y tế Pháp ở lại để chăm sóc thương binh  đã nói: “Tôi không biết nói gì hơn là những lời chân thành cảm phục và thay mặt các thương binh của chúng tôi, xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến thắng và nhân đạo”.

 

   Mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng lực lượng Quân y đã căng mình ngoài mặt trận hết sức, hết lòng phục vụ cứu, chữa thương/bệnh binh kịp thời. Có những chiến sĩ Quân y đã anh dũng hy sinh ở trên chiến trường.

    Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu - Chấn động địa cầu” mãi mãi ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ, xin được tri ân những Thương binh, những “Chiến sĩ áo trắng”, những người lính từng tham gia chiến dịch đã làm nên chiến thắng lịch sử, để hôm nay con cháu sống trong cảnh hòa bình, tự do, độc lập, hạnh phúc.../.

 

 

 

Chí Hùng (tổng hợp)
Các tin khác
Xem tin theo ngày