bottom
Dịch vụ
Liên kết website
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Thừa Thiên Huế - Hy vọng cho tương lai
Lượt đọc 8823Ngày cập nhật 13/06/2018

Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay đã đạt được những kết quả khả quan đó là hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, những hoạt động có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chương trình đã triển khai gói dịch vụ phòng lây nhiễm mẹ con tại các cơ sở y tế, chuyển tải những thông điệp truyền thông tới cộng đồng nói chung và các bà mẹ mang thai nói riêng đó là “Muốn sinh ra đứa con khỏe mạnh, phụ nữ mang thai cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm, để được chăm sóc và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần được chăm sóc và điều trị thích hợp và nuôi dưỡng an toàn theo chỉ dẫn của cán bộ y tế . 

Sau gần 10 năm  Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được thực hiện tại Tỉnh đã và đang đem lại kết quả rất khả quan. Trong những năm qua, tất cả mẹ và trẻ đều được điều trị thuốc DPLTMC thích hợp. Các trẻ phơi nhiễm đều được xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction - phản ứng chuỗi men) vào tuần thứ 4-6 để chẩn đoán sớm nhiễm HIV. Kết quả có 51 trẻ xét nghiệm âm tính; 2 trẻ dương tính do mẹ đi làm ăn xa, đến ngày sinh mới trở về địa phương để chuẩn bị cho cuộc “vượt cạn” nên không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các trẻ phát hiện nhiễm HIV đều được chuyển đến Khoa Nhi- Bệnh viện TW Huế và các cơ sở y tế khác để theo dõi, điều trị ARV, không có trường hợp mất dấu. Ngoài ra, tại Khoa Sản-Bệnh viện TW Huế triển khai gói dịch vụ chăm sóc toàn diện DPLTMC. Các cơ sở y tế huyện, thị xã tổ chức điều trị dự phòng khẩn cấp lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Để hạn chế lây truyền HIV trong thời kỳ cho con bú, đã có 19 trẻ được cấp sữa đến 6 tháng tuổi do dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ.

Thừa Thiên Huế phấn đấu bảo đảm thực hiện mục tiêu  90% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được dự phòng sớm bằng thuốc ARV…

 Hằng năm Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, nay là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đã tham mưu Sở Y tế ban hành văn bản chỉ đạo và chuyên môn về chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Các cơ sở y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, công tác này còn gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể  công tác xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai còn thực hiện ở giai đoạn muộn của thai kỳ, đặc biệt có những trường hợp xét nghiệm phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong lúc chuyển dạ nên can thiệp muộn. Ngân sách chương trình hạn chế nên sinh phẩm để xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai không đáp ứng được theo nhu cầu, chỉ miễn phí cho các trường hợp nghèo, khó khăn và đối tượng có các hành vi nguy cơ cao. Mặt khác, nhận thức của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng về tầm quan trọng của việc xét nghiệm HIV còn hạn chế, nên ảnh hưởng đến việc tự nguyện xét nghiệm HIV.

Công tác tổ chức, quản lý, truyền thông, tư vấn xét nghiệm và chuyển tuyến phụ nữ mang thai nhiễm HIV và cung cấp dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được tổ chức thực hiện chặt chẽ. Trong Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, Khoa Sức khỏe sinh sản tỉnh  là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với thực trạng của mỗi đơn vị, tăng cường lồng ghép với các chương trình  ở địa phương hoặc vận động từ các nguồn ngân sách hợp pháp khác. Đảm bảo các hoạt động cơ bản gồm tư vấn xét nghiệm HIV, tập huấn chuyên môn, công tác truyền thông và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tăng cường sự phối hợp liên ngành các cấp, các địa phương trong các hoạt động liên quan đến chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tập trung thông tin, truyền thông và giáo dục về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 03 tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp dự phòng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại các cơ sở y tế.

 Về cung cấp các dịch vụ can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS chịu trách nhiệm chỉ đạo và điều hành thông qua  tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho các thai phụ đến khám thai tại các cơ sở y tế; Cung cấp sinh phẩm xét nghiệm HIV, thuốc ARV cho mẹ và cho con; Tiếp tục triển khai điều trị bằng 03 thuốc TDF(Tenofovir)/3TC (Lamivudine)/EFV (Efavirenz) sớm ngay khi phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV bất kể thời gian mang thai và số lượng CD4. Tại các cơ sở sản khoa có cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; Triển khai tư vấn xét nghiệm cho chồng/bạn tình của thai phụ nhiễm HIV tại các cơ sở sản khoa có triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tăng cường hoạt động chuyển gửi trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV sang cơ sở chăm sóc điều trị nhi đảm bảo trẻ được tiếp cận chăm sóc sau sinh (được cấp Cotrimoxazol điều trị dự phòng viêm phổi, được xét nghiệm PCR chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV của trẻ, được khám theo dõi tăng trưởng và tư vấn nuôi con); Tăng cường hoạt động chuyển gửi mẹ nhiễm HIV sang cơ sở đủ điều kiện điều trị ngoại trú người lớn để mẹ được tiếp tục chăm sóc và điều trị ARV liên tục; Tăng cường các hoạt động khám, quản lý thai sản, cung cấp các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ nói chung và phụ nữ nhiễm HIV nói riêng.

Ngoài ra,  Khoa Sức khỏe Sinh sản phối hợp với Khoa phòng chống HIV/AIDS tổ chức đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật định kỳ cho các cơ sở y tế. Tổ chức họp mạng lưới ở các cơ sở y tế triển khai cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin, nhắc nhở các đơn vị. Tổng hợp báo cáo thực hiện kế hoạch theo định kỳ về tình hình cung cấp các dịch vụ lây truyền mẹ con. Thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.Trong quá trình tư vấn khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính, cán bộ y tế có trách nhiệm chuyển tuyến đến các dịch vụ điều trị về HIV/AIDS, đặc biệt điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được triển khai xuyên suốt cả năm. Riêng tháng 6 - Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có kế hoạch và văn bản chỉ đạo để tăng cường hoạt động này.

Chủ động xét nghiệm và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV là cách tốt nhất để các bà mẹ chủ động bảo vệ sức khỏe cho chính đứa con của mình, thoát khỏi căn bệnh thế kỷ. Cha mẹ hãy sinh ra những đứa con khỏe mạnh để trẻ được phát triển toàn diện và cống hiến cho đất nước, xã hội.  

Trong những năm tới, để đạt mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện đồng bộ các hoạt động, như tăng cường sự phối hợp liên ngành các cấp, các địa phương trong các hoạt động liên quan đến chương trình dự phòng LTMC; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, cung cấp các dịch vụ can thiệp phòng LTMC nhằm tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm “H” cho các thai phụ đến khám tại các cơ sở y tế; cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, thuốc ARV, quản lý thai sản, sinh nở cho phụ nữ nhiễm HIV.

Trần Thị Ngọc - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Các tin khác
Xem tin theo ngày