bottom
Dịch vụ
Liên kết website
Hưởng ứng tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển năm 2017"
Lượt đọc 13253Ngày cập nhật 12/10/2017

Hưởng  ứng Ngày lương thực thế giới (16-10) của tổ chức FAO và tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” năm 2017 của Bộ Y Tế (từ ngày 16/10 – 23/10/2017) với thông điệp : “Bảo đảm an ninh lương thực và Phát triển nông thôn: nền tảng để giảm suy dinh dưỡng bền vững”. 

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, thể lực và trí tuệ của con người trong suốt vòng đời. Do đó với tình trạng thiếu dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng hay dinh dưỡng không hợp lý, không hợp vệ sinh khi chế biến…tất cả những điều đó đều ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của mỗi người. Đầu tư tốt vào dinh dưỡng có thể đem lại hiệu  quả về kinh tế xã hội với điều kiện là nó được vững chắc dựa trên nguyên tắc cộng đồng cùng tham gia có hiệu quả. Ở người lớn, thu nhập sẽ được cải thiện thông qua một sự gia tăng đáng kể về năng suất, dẫn đến một tiêu chuẩn sống cao hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống. Ở trẻ em, đầu tư dinh dưỡng dẫn đến sự gia tăng về nhận thức, tăng hiệu quả học tập. (Trích FAO-CHAPTER1-The Role of Nutrition in Social and Economic Development)

 Vì vậy mọi người cần có một chế độ ăn uống đầy đủ về số lượng, cân đối về chất lượng đồng thời kết hợp rèn luyện thể lực tốt để cơ thể phát triển một cách cân đối và khỏe mạnh.

Nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ đã giảm đáng kể và bền vững, hiểu biết của người dân về dinh dưỡng hợp lý đã được nâng cao. Tình hình an ninh lương thực thực phẩm được cải thiện rõ rệt, bữa ăn của nhân dân phong phú hơn về số lượng và chất lượng. Nhiều bằng chứng thuyết phục cho thấy tầm vóc người Việt Nam đang được cải thiện; Nhưng bên cạnh đó làn sóng đô thị hóa trên diện rộng cũng làm nảy sinh nhiều bất cập về mặt xã hội, về sản xuất và cả về môi trường sinh thái. Quá trình đô thị hóa làm tăng sự phân hóa giàu nghèo, đồng thời làm giảm diện tích canh tác của các hộ gia đình nông dân, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong dân cư nước ta; Mặc khác, lối sống và cách ăn uống truyền thống cũng bị thay đổi bởi những loại thức ăn như thực phẩm ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo, đường, chất bảo quản,…; Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều khu vực chịu tác động tiêu cực nghiêm trọng của thiên tai như hạn hán, xâm nhập mặn, bão lụt, sạt lở đất, nhất là các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Từ đó làm cho an ninh lương thực nhiều vùng bị đe dọa, tác động trực tiếp đến tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ.Vấn đề tăng dân số cũng đặt ra những áp lực lớn cho phát triển. Đến năm 2020, dân số nước ta sẽ có khoảng 100 triệu người nên vấn đề đảm bảo đủ lượng lương thực thực phẩm, cùng với các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cần được quan tâm; Khi Việt Nam ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, nguồn viện trợ và vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức của quốc tế cho chương trình dinh dưỡng sẽ giảm mạnh; Nước ta đang ở trong thời kỳ chuyển tiếp về dinh dưỡng. Bên cạnh các bệnh do thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em còn cao thì thừa cân và béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan dến dinh dưỡng đang gia tăng tạo nên gánh nặng “kép” về dinh dưỡng (Trích Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030).

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho toàn dân, chúng ta cần:

1. Phát triển VAC để tăng thu nhập và tạo nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn cho bữa ăn gia đình.

2.Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, trí tuệ và tầm vóc khi trưởng thành.

3.Tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì, hạn chế ăn mặn.

4. Chủ động ứng phó với thiên tai, bảo đảm chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, ưu tiên trẻ em và phụ nữ.

Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng bền vững và hạn chế các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng.

Chúng ta cần tổ chức bữa ăn hợp lý trong gia đình. Chọn những thực phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu khác nhau của các thành viên trong gia đình, căn cứ vào tuổi tác, giới tính, tình trạng thể chất và nghề nghiệp của họ.Cần chọn đủ thực phẩm của 4 nhóm thức ăn để tạo thành một bữa ăn hoàn chỉnh, cân bằng dinh dưỡng: Nhóm Protein, Lipit, Glucid, các Vitamin và muối khoáng. Bữa ăn hợp lý là bữa ăn đủ năng lượng, đủ chất dinh dưỡng và các chất dinh dưỡng có tỷ lệ cân đối.Các thức ăn trong thiên nhiên chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau. Không có loại thực phẩm nào chứa đầy đủ các chất với tỷ lệ cần thiết cho cơ thể, do đó cần phải lựa chọn, phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn để bổ sung lẫn nhau và phải đảm bảo an toàn về mặt sinh học, hóa học.

Trần Thị Thu Minh
Các tin khác
Xem tin theo ngày