bottom
Dịch vụ
Liên kết website
Các tác hại nghề nghiệp
Lượt đọc 13941Ngày cập nhật 26/07/2018

Tác hại nghề nghiệp là những yếu tố trong quá trình sản xuất và điều kiện lao động có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng lao động của công nhân gây nên những rối loạn bệnh lý hoặc các bệnh nghề nghiệp đối với những người tiếp xúc.Tác hại nghề nghiệp có thể phân ra các loại như sau:

 

Các tác hại nghề nghiệp liên quan đến tổ chức lao động không hợp lý

- Tổ chức lao động không hợp lý có thể gây rất nhiều tác hại lên sự cân bằng trạng thái sinh lý, sinh hoá của cơ thể người lao động, từ đó sinh  ra các rối loạn bệnh lý.
- Thời gian lao động quá lâu dài có thể gây nên sự căng thẳng về thần kinh, thể chất bởi sự đáp ứng quá ngưỡng: lao động lâu, năng lượng bị cạn dần các sản phẩm trung gian tăng lên ở các khối cơ, gây đau mỏi, thậm chí co cứng cơ, mất khả năng hoạt động (ví dụ: acid lactic tăng lên, cơ bị co cứng).
- Cường độ lao động quá nặng nhọc và khẩn trương sẽ huy động khối lượng cơ bắp, thần kinh lớn tham gia nhiều trong một thời gian ngắn, điều này sẽ làm tăng nhanh sự tiêu hao năng lượng và hoạt động của các cơ quan. Khi sự đáp ứng vượt quá ngưỡng bình thường như: khối lượng cơ hoạt động quá lớn, nhu cầu đáp ứng năng lượng cao, cơ thể có thể không đáp ứng kịp. Lao động nặng, tim phải cung cấp máu nhiều qua hệ tuần hoàn đến tổ chức nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng, tăng năng lượng và trao đổi khí, có thể gây nên tình trạng giãn tim đột ngột và tử vong ở những vận động viên. Do lao động quá khẩn trương, sự phối hợp giữa các nhóm cơ,  các bộ phận không hợp lý dễ gây nên tai nạn lao động, hoặc tăng nhanh quá trình mệt mỏi. Chế độ lao động và nghỉ ngơi không hợp lý dễ làm tăng nhanh quá trình mệt mỏi, phát sinh các bệnh nghề nghiệp. Những lao động nặng tiêu hao năng lượng nhiều hoặc tiếp xúc với nhiều yếu tố độc hại sẽ chịu nhiều ảnh hưởng xấu lên sức khỏe nên cần được rút ngắn thời gian lao động và kéo dài thời gian nghỉ ngơi, để các trạng thái sinh lý, sinh hóa của cơ thể được hồi phục nhanh, khi chưa đến ngưỡng mất thăng bằng. Lao động nặng kéo dài sẽ làm tăng các sản phẩm trung gian, cạn kiệt năng  lượng nếu ta cho nghỉ sớm các sản phẩm trung gian chưa xuất hiện nhiều, chưa đầu độc tế bào, năng lượng còn đủ để kích thích nhanh quá trình hồi phục.

- Tư thế lao động không phù hợp với máy móc hoặc phương thức, phương tiện lao động sẽ gây nên sự bất thường cho các hoạt động chức năng, vì thế, các rối loạn bệnh lý dễ xảy ra hoặc quá trình mệt mỏi tế bào sẽ đến sớm. Trong thực tế, nhiều người lao động phải làm việc ở các tư thế không hợp lý, nhiều nhóm cơ vận động trong tình trạng vận cơ tĩnh hoặc  tạo các góc quá nhiều, nhiều động tác uốn, vặn, sẽ làm tăng nhanh sự mệt mỏi của thần kinh và thể chất.

- Các cơ quan bị căng thẳng do hoạt động không đồng bộ dễ gây nên sự mệt mỏi cục bộ. Trong các cơ quan dễ bị mệt mỏi sớm nếu hoạt động không phù hợp, người ta thấy đứng đầu là các giác quan, ví dụ: nhìn lâu  mỏi mắt

Những tác hại nghề nghiệp liên quan đến quy trình sản xuất

Trong quá trình sản xuất các yếu tố tác hại nghề nghiệp mang đặc trưng vật lý lý hóa, vi sinh vật... có thể phát sinh hoặc tăng tác dụng xấu lên cơ thể người lao động.

- Các yếu tố vật lý như vi khí hậu, bức xạ, áp lực không khí không bình thường, rung chuyển... Thường xuyên tác động lên cơ thể làm ảnh hưởng đến sự cân bằng các phản ứng sinh lý, sinh hóa... Vi khí hậu xấu có thể là quá nóng hoặc quá lạnh. Trong các lò nung vật liệu nhiệt độ tăng lên tới hàng nghìn độ, có thể phát sinh ra nhiều loại bức xạ tử ngoại hoặc hồng ngoại... làm nóng nhiệt độ không khí hơn nhiệt độ da, cơ thể cảm nhận  được gây trạng thái tích nhiệt, có thể làm cho quá trình thoát nhiệt của cơ thể bị ngừng trệ gây say nóng.

- Các yếu tố lý hóa trong môi trường như bụi, hơi khí độc gây rất nhiều rối loạn bệnh lý và BNN, đứng đầu là các loại bụi vô cơ gây xơ hóa phổi không hồi phục gây tàn phế bộ máy hô hấp. Một số loại bụi hữu cơ như lông súc vật, bông, đay, phấn hoa gây phản ứng dị ứng co thắt khí phế quản. Các chất độc có trong môi trường lao động có thể ở dạng bụi hoặc khí gây nên nhiều bệnh nhiễm độc nguy hại như: nhiễm độc chì, asen, thuỷ ngân, thuốc trừ sâu... Có những loại chất độc dễ quan sát nhưng cũng có rất nhiều loại chất độc không mùi vị, khó quan sát, dễ gây nhiễm độc, cấp cứu khó khăn như oxytcarbon, thuỷ ngân...

Trong môi trường lao động có nhiều yếu tố sinh học gây hại như các  vi trùng, ký sinh trùng,các loại sinh vật phẩm có tính chất kháng nguyên gây nên viêm nhiễm hoặc phản ứng dị ứng, các nấm hoặc vi trùng có khả năng tồn tại cao ở ngoại cảnh như lao, bạch hầu dễ gây bệnh cho những người công nhân vệ sinh, các thầy thuốc.

Những tác hại nghề nghiệp liên quan tới điều kiện vệ sinh kém

Điều kiện vệ sinh kém trong môi trường lao động là tập hợp bởi nhiều yếu tố tạo nên cảm giác hoặc trực giác đối với người lao động. Ví dụ như  độ thông thoáng trong môi trường, các thiết bị vệ sinh và an toàn lao động, nhằm ngăn cản sự phát sinh các yếu tố độc hại từ nguồn hoặc bảo vệ thụ động như: khẩu trang, các loại máy hút bụi, ánh sáng thiếu làm giảm khả năng hoạt động của thị giác. Môi trường thiếu thông thoáng làm giảm khả năng trao đổi nhiệt, khí...Các yếu tố do điều kiện vệ sinh của môi trường  lao động kém sẽ tác động lên người lao động làm cho các giác quan cung như toàn thân chóng mệt mỏi gây đến giảm năng xuất lao động, dễ gây các tai nạn nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp.

Tags: tai nạn nghề nghiệp bệnh nghề nghiệp 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày