Hỏi và đáp về Methadone
Ngày cập nhật 01/11/2014

     Methadone được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1939 và được sử dụng là một loại thuốc giảm đau,năm 1941 được sử dụng để điều trị nghiện.Methadone được FDA Hoa Kỳ công nhận vào năm 1947, được Who xếp vào danh mục thuốc thiết yếu để điều trị nghiện vào năm 2005. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trao đổi với Ths.BsCKII Trần Thị Ngọc về vấn đề này:

1. Xin bs cho biết Methadone là gì?  Mục đích của Chương trình điều trị nghiện CCDTP bằng thuốc thay thế (Methadone) là gì?

     Ths. BSCKII  TRẦN THỊ NGỌC trả lời:

     Methadone là một chất dạng thuốc phiện (CDTP) tổng hợp, có tác dụng dược lý như giảm đau, giảm ho, êm dịu, giảm hô hấp, gây nghiện nhưng gây khoái cảm yếu, điều quan trọng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán huỷ dài (trung bình là 24 giờ) nên chỉ cần sử dụng 1 lần trong 1 ngày là đủ để không xuất hiện hội chứng cai (đau cơ khớp, vã mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, lo lắng, bồn chồn, mất ngủ..) Methadone có độ dung nạp ổn định nên ít phải tăng liều khi điều trị lâu dài. 

    Điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone là một điều trị lâu dài, có kiểm soát, giá thành rẻ, được sử dụng theo đường uống.

    Mục đích của Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone):

   - Giảm tác hại do nghiện các CDTP gây ra như: lây nhiễm HIV, viêm gan B, C do sử dụng chung dụng cụ tiêm chích, giảm tử vong do sử dụng quá liều các CDTP và giảm hoạt động tội phạm.

   - Giảm sử dụng các CDTP bất hợp pháp, giảm tỷ lệ tiêm chích CDTP.

   - Cải thiện sức khoẻ và giúp người nghiện duy trì việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, tăng sức lao động cho xã hội.

2.  Tình hình triển khai chương trình điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone ở Việt Nam như thế nào ? Hãy cho biết hiệu quả của chương trình.

     Ths. BSCKII  TRẦN THỊ NGỌC trả lời:

     Chương trình điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone triển khai thí điểm tại Tp Hải Phòng và Tp Hồ Chí Minh từ năm 2008. Tính đến tháng 10/2014, chương trình đã mở rộng ra 38 tỉnh/thành với 117 cơ sở điều trị, tổng số bệnh nhân đang được điều trị là 20.928 bệnh nhân đạt 67,8% so với kế hoạch năm 2014 và dự tính số bệnh nhân có thể tăng lên đạt mức 80.000 bệnh nhân vào năm 2015 theo kế hoạch.

     Chương trình Methadone được triển khai tại Việt Nam cũng đã chứng minh hiệu quả tương đương với các chương trình tại nhiều nước trên thế giới. Một số kết quả đáng ghi nhận sau khi triển khai thí điểm lại Việt Nam có thể kể đến như sau:

       - Làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị.

      + Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng Heroin sau 24 tháng chỉ còn 8,41% số bệnh nhân tiếp tục sử dụng ma túy.

      +  Nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng ma túy thì đã có sự giảm về tần suất sử dụng. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng trên 05 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày, tuy nhiên sau 12 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.

      - Chương trình còn giúp giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị, giảm tỷ lệ sử dụng chung BKT trong nhóm TCMT và tăng tỷ lệ thường xuyên sử dụng BCS trong nhóm bệnh nhân tham gia chương trình đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV từ nhóm những người TCMT sang bạn tình của họ và cộng đồng.

      - Bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe gồm thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống. Sự cải thiện tích cực về sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống và quan hệ trong cộng đồng của bệnh nhân tham gia chương trình cũng là những thành công đáng ghi nhận của chương trình. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao.               - Chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị.

3. Vậy việc tổ chức triển khai điều trị nghiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay như thế nào?  Những khó khăn và hướng giải quyết.

   Ths. BSCKII  TRẦN THỊ NGỌC trả lời:

     Thực hiện NĐ 96 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 12 của Bộ Y tế đặc biệt QĐ 1008 của Thủ tướng CP về giao chỉ tiêu điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, ngành Y tế tỉnh TT. Huế đã tham mưu UBND xây dựng KH triển khai Chương trình và đã được UBND tỉnh phê duyệt ở QĐ 931.

     Trong thời gian này TTPC HIV/AIDS đang gấp rút hoàn tất sửa sang cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cần thiết trình SYT thẩm định cấp giấy phép cho cơ sở hoạt động, đồng thời lập dự trù nguồn thuốc Methadone từ Cục PC AIDS, chuẩn bị bệnh nhân để đưa vào điều trị: thăm khám tổng quát, làm các xét nghiệm và tư vấn cho bệnh nhân và người thân, dự kiến tuần cuối của tháng 11 sẽ khởi liều điều trị cho những bệnh nhân đầu tiên.

   Khó khăn và hướng giải quyết:

   - Chưa có biên chế cho cơ sở điều trị Methadone, đang đề nghị Sở Y tế trình Sở Nội vụ quan tâm bố trí biên chế. Hiện tại để đáp ứng cho việc triển khai, đơn vị sắp xếp bố trí cán bộ hiện có của đơn vị thực hiện, khi được bổ sung biên chế sẽ tiếp tục cử đi đào tạo để bố trí đầy đủ nhân sự cho cơ sở.

   - Sự e ngại của đối tượng là phải công khai khi tiếp cận dịch vụ điều trị Methadone, đồng thời nhận thức của cộng đồng về lợi ích của dịch vụ chưa cao nên có thể ban đầu số lượng bệnh nhân ít. Tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh công tác truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, đặt các cụm pano, tờ rơi về lợi ích của dịch vụ, thủ tục tiếp cận dịch vụ…

4. Điều kiện tham gia chương trình, thủ tục, hồ sơ đăng ký là gì?

Ths. BSCKII  TRẦN THỊ NGỌC trả lời:

     Điều kiện tham gia chương trình:

- Người đang nghiện chất dạng thuốc phiện, đã cai nghiện nhiều lần nhưng không thành công.

Đủ từ 16 tuổi trở lên, nếu dưới 16 tuổi phải có sự đồng ý của bố/mẹ hay người giám hộ hợp pháp.

- Phải tự nguyện viết đơn tham gia, cam kết tuân thủ điều trị và có sự hỗ trợ của gia đình.

- Không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Có hộ khẩu thường trú tại TT Huế

Thủ tục, hồ sơ đăng ký:

   - Đơn tự nguyện xin tham gia điều trị Methadone theo mẫu do Bộ Y tế quy định, có chữ ký của bệnh nhân, đại diện gia đình và  xác nhận của UBND nơi cư trú

- Bản photo có công chứng một trong các giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc hộ chiếu.

    Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đăng ký tham gia điều trị, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm:

   - Tổ chức khám sức khỏe cho người đăng ký tham gia điều trị nghiện CDTP;

   - Quyết định bằng văn bản việc tiếp nhận trường hợp đủ điều kiện tham gia điều trị nghiện CDTP bằng thuốc Methadone. Trường hợp không đồng ý tiếp nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 

 

  

 

 

[In trang này ] [ Đóng ]