Những điều cần biết về bệnh bướu cổ
Ngày cập nhật 03/11/2015

Bệnh bướu cổ là gì?

Bướu cổ là từ ngữ dân gian, thường để nói đến tình trạng tuyến giáp to ra. Nếu tuyến giáp to đều (cả 2 bên) thì được gọi là bướu giáp lan tỏa. Nếu chỉ to ở một (hoặc nhiều) vị trí thì gọi là bướu giáp nhân (hoặc đa nhân). Danh từ bướu cổ dùng để nói chung cả hai trường hợp này.

Bệnh thường tiến triển chậm và kéo dài nhiều năm. Ở một số trường hợp, bướu tồn tại hàng chục năm. Tuy nhiên trong phần lớn các trường hợp, bướu phát triển lớn dần và gây nên rất nhiều biến chứng trầm trọng.

Tuyến giáp có những chức năng gì ?

Tuyến giáp có nhiệm vụ tiết ra cho cơ thể một lượng đủ hormon tuyến giáp tùy vào nhu cầu của cơ thể. Nếu tiết ít sẽ gây ra tình trạng suy giáp; nếu tiết nhiều hơn nhu cầu sẽ  dẫn đến tình trạng cường giáp (gọi là bướu độc).

Tuyến giáp bình thường cân nặng khoảng 30 gam, khi phát triển thành bướu, khối lượng tăng lên rất nhiều, có trường hợp lên đến 400-500 gam.

Làm thế nào để phát hiện bệnh bướu cổ?

Có thể phát hiện bướu cổ to bằng mắt thường (khi người bệnh nuốt, tuyến giáp sẽ chạy ngược lên nhìn rõ hơn) và bằng cách sờ nắn.

Siêu âm tuyến giáp rất quan trọng để thấy rõ thể tích của tuyến giáp, bản chất của tuyến là bướu giáp lan tỏa hay bướu giáp nhân, tuyến đặc hay có nang.

Nếu tuyến giáp to nhưng không kèm theo các rối loạn chức năng như cường giáp (tay run, mạch nhanh...) hay thiểu năng giáp (dạ dày lên xanh xạm, tiếng khàn, lưỡi to dày, cử động chậm chạp...) thì đó là bướu cổ đơn thuần. 

Bướu cổ kích thước nhỏ: Cần theo dõi, làm lại siêu âm sau một năm. 

Bướu cổ kích thước trung bình khi nhìn khá rõ và có thể sờ thấy. Bướu cổ có nguy cơ to lên và trở thành bướu giáp nhân, nhất là khi bệnh có tính chất gia đình. 

Bướu có kích thước lớn: tiến triển nhiều năm, trở nên mất thẩm mỹ, nhất là trở thành bướu nhiều nhân, có nhiều nguy cơ. 

Trong tất cả các trường hợp, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi và điều trị. Nhất là cần xác định rõ bướu cổ có kèm theo các triệu chứng cường giáp hay thiểu năng giáp để điều trị kịp thời.

Bướu cổ có thể gây ra những biến chứng gì ?

Bướu cổ có thể gây ra các biến chứng như:

Chèn ép gây khó thở.

Khó nuốt.

Nói khàn.

Rối loạn nhịp tim, thay đổi huyết áp.

Các biến chứng tại bướu có thể gây ra:

Chảy máu trong bướu.

Bướu giáp ác tính hóa, đặc biệt là đối với bướu giáp thể nhân và ở những người trên 40 tuổi.

Chỉ định điều trị bệnh bướu cổ?

Hiện nay bướu giáp thể đơn nhân hoặc đa nhân có chỉ định mổ tuyệt đối vì điều trị nội khoa không thể khỏi được. Nguyên nhân là do bướu phát triển và có thể gây các biến chứng như đã nói trên.

Bệnh bướu cổ được điều trị như thế nào?

Ngày nay phẫu thuật là phương pháp chủ yếu để điều trị bệnh bướu giáp nhân, mổ cắt một thùy tuyến giáp (đối với bướu giáp có nhân một bên) hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp (đối với bướu giáp nhiều nhân hai bên) kèm theo lấy hết nhân để tránh tái phát, với kỹ thuật mổ cắt bướu giáp trong bao nên rất ít gây tai biến sau mổ. 

Làm gì để phòng bệnh bướu cổ ?

-Ăn muối I-ốt và một số thức ăn có nhiều I-ốt như hải sản, trứng, sữa,…; Không dùng kéo dài các thuốc, thức ăn ức chế hấp thu I - ốt, sản xuất hoóc-môn đã nêu trên.

Vì vậy phương pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh bướu cổ vẫn là: Bổ sung I-ốt vào thức ăn hàng ngày thông qua sử dụng muối I- ốt.

Văn Cương (Tổng hợp)
[In trang này ] [ Đóng ]