Điểm báo điện tử ngày 02/02/2018
Ngày cập nhật 03/02/2018

Rượu hoa quả tự chế: Thận trọng với các nguyên liệu chứa caffeine

Rượu hoa quả tự chế không gây độc hại ngay, nhưng nếu pha theo ngẫu hứng, uống vào có thể gây đầy bụng. Bản chất rượu uống vẫn gây tác động tới thần kinh, hệ tiêu hoá, gan, máu.

‘Sốt’ rượu hoa quả tự chế

Tự học các công thức pha chế rượu trên mạng, chị Quỳnh Anh ( Liễu Giai, HN) quyết định Kinh doanh rượu hoa quả tự chế sau vài lần thử nghiệm thành công tại nhà.

Giá mỗi bình rượu hoa quả chị Quỳnh Anh bán với giá 200.000 đồng/1 lít. Theo chị Quỳnh Anh, rượu được pha với nhiều cách khác nhau tùy theo hương vị nhưng chủ yếu gồm các nguyên liệu như rượu vang, rượu mạnh, đường, nước ngọt vị trái cây, nước soda hoặc sprite, cùng các loại hoa quả như cam, chanh, táo, lê, dưa hấu…

Cũng theo chị Quỳnh Anh, rượu ngâm hoa quả rất nhẹ, dễ uống, vị thơm và mát. Vì thế, cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể uống, thậm chí uống nhiều mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

"Vì dễ uống, lại có công dụng làm đẹp da, tốt cho tiêu hóa nên số lượng rượu ngâm hoa quả luôn hút hàng, khách đặt nhiều nên mình phải làm nhiều để đáp ứng nhu cầu của khách. Riêng tháng cuối năm tôi đã bán đến hàng chục lít rượu phục vụ tất niên cho các chị em công sở", chị Quỳnh Anh nói.

Không chỉ chị Quỳnh Anh, trên mạng xã hội, công thức ngâm rượu hoa quả tự chế cũng được nhiều người chia sẻ và thực hiện. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, khi sử dụng loại rượu này không tốt cho sức khỏe, thậm chí có hại nếu sử dụng trái cây nó nấm mốc sẽ dễ dàng gây ngộ độc.

Không “độc” nhưng có hại cho sức khỏe khi lạm dụng

Theo chuyên gia Công nghệ thực phẩm, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, rượu hoa quả sẽ giúp giảm nhẹ nồng độ cồn có trong rượu, vì thế phù hợp với nhiều người hơn, trong đó có cả phụ nữ, hay người lớn tuổi. Tuy nhiên đừng vì thế mà chủ quan. Bởi, thực chất, đồ uống này vẫn có nồng độ cồn nhất định. Việc thấy rượu ngon, ngọt, độ cồn nhẹ mà uống nhiều cũng ngang với nồng độ cồn đưa vào cơ thể cao.

“Nồng độ cồn khi đưa vào cơ thể sẽ sinh nhiệt nên chúng ta thấy nóng. Cồn cũng tác động đến thần kinh và các cơ quan khác như gan, thận… Nên uống nhiều rượu pha hoa quả đau đầu là dễ hiểu, PGS Thịnh cho hay.

Ngoài ra, ông Thinh cũng phân tích thêm, rượu ở đây là khái niệm chung nhưng khi pha người ta dùng rượu gì, loại nào, xuất xứ ra sao… thì mới quan trọng. Như, rượu mạnh là loại rượu nào? Rượu nấu thủ công hay rượu nhập khẩu, rượu giả, rượu sản xuất trong nước… Nếu dùng rượu nấu thủ công và rượu giả để pha thì ngoài thành phần rượu còn có methanol không chỉ gây đau đầu mà có thể làm chết người.

Đặc biệt, những người có tiền sử bị bệnh như tiểu đường, tim mạch, dạ dày… không nên uống loại nước này. Vì không chỉ có rượu mà nồng độ đường cao. Vì thế, người uống cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

PGS Thịnh nhận định, hỗn hợp như trên khi pha xong để 1 thời gian uống sẽ chuyển thành dạng giấm chứ không phải rượu. Đồ uống này sẽ không gây độc hại ngay, nhưng nếu pha theo ngẫu hứng, uống vào có thể gây đầy bụng. Bản chất rượu uống vẫn gây tác động tới thần kinh, hệ tiêu hoá, gan, máu.

Nói về nguy cơ gây ung thư, PGS Thịnh cho biết loại rượu ngâm hoa quả này không thể gây ung thư được. Các loại hoa quả khi gặp rượu, nước ngọt có gas, đường tạo lên men như một loại giấm không có tác dụng bồi bổ cơ thể, uống khi đói có thể ảnh hưởng tới dạ dày hoặc nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa.

"Còn để sinh ung thư thì phải qua thời gian dài và có các chất lạ, chất lạ này gây ra đột biến tế bào lạ mới sinh ung thư ", PGS Thịnh khẳng định.

Bên cạnh đó, theo PGS Thịnh, trong khoa học không có độc tố anphatocxin, mà chỉ có độc tố aflatoxin có thể gây hại cho gan, thận thậm chí tăng nguy cơ ung thư gan. PGS Thịnh nhấn mạnh, aflatoxin chỉ sinh ra từ nấm mốc của các loại hạt ngũ cốc, hạt chứa dầu như gạo, ngô, đậu tương, lạc, vừng, hạnh nhân… chứ không có trên hoa quả.

http://vietq.vn/ruou-hoa-qua-tu-che-than-trong-voi-cac-nguyen-lieu-chua-caffeine-d138096.html

 

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm áp Tết

Các bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) vừa cấp cứu thành công một bệnh nhi bị tan máu cấp do ngộ độc thực phẩm. Từ trường hợp trên, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo với người dân trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán. 

Bộ Y tế cũng có chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để người dân đón Tết an toàn, vui vẻ.

Miếng ăn có thể đổi mạng người

Theo chia sẻ của các bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trung tuần tháng 1, khoa tiếp nhận bệnh nhân 8 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng thiếu máu cấp, sốt cao, tiểu đỏ. Khai thác tiểu sử, trẻ không có gì đặc biệt, ngoại trừ thông tin gia đình cung cấp trước đó 3 ngày bé cùng chị họ ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc. Sau khi ăn 1 ngày, trẻ bắt đầu có dấu hiệu lạ như đau đầu, chóng mặt, sốt nhẹ. Đến ngày thứ 2 tiểu ra máu đỏ, nôn nhiều dù được uống men tiêu hóa, orezol nhưng tình trạng không thuyên giảm nên được đưa vào viện cấp cứu.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi bị tan máu do nhiễm độc. Bé được cấp cứu hồi sức và điều trị tích cực, truyền máu. Sau 2 ngày điều trị, bé qua cơn nguy kịch. Hiện bé được ra viện do các chỉ số trở về bình thường tuy nhiên vẫn cần theo dõi biến chứng và khám định kỳ.

Đây là một trong rất nhiều trường hợp ngộ độc liên quan đến ăn uống ở nước ta. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nóng bởi liên quan đến mọi người và luôn để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe người bệnh.

Thực phẩm bẩn đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ

Từ trường hợp ngộ độc trên cho thấy, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt ở mọi nơi, chờ cơ hội để len lỏi vào từng gia đình. Thực phẩm bẩn đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, bởi cơ thể trẻ nhạy cảm trong khi sức đề kháng yếu, chưa biết phân biệt mùi vị, màu sắc lạ nên rất dễ ăn phải đồ không an toàn...

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nhức nhối với cơ quan chức năng và cả người dân. Nhức nhối bởi tình trạng thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại. Nhức nhối bởi tâm lý tích trữ thức ăn trong những ngày Tết là nguyên nhân khiến thực phẩm trở nên không an toàn do bảo quản không đúng cách. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, bác sĩ Tiến cho rằng các bà nội trợ không nên mua quá nhiều thực phẩm; Bảo quản đúng cách và đảm bảo an toàn trong chế biến (không để lẫn thực phẩm sống - chín, rửa tay trước khi chế biến thức ăn cũng như cho trẻ ăn, giữ vệ sinh khu chế biến và không sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc...).

Trước thực trạng thực phẩm bẩn vẫn tồn tại như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, các địa phương cần chủ động kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để hạn chế mặt hàng không đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được tung ra thị trường.

Mặt khác, các đoàn kiểm tra, phòng xét nghiệm phải lấy mẫu khi có nghi ngờ và trả kết quả sớm để có khuyến cáo kịp thời tới người tiêu dùng, đồng thời xử phạt nghiêm cơ sở vi phạm. Với các cơ sở điều trị, phải chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong dịp này.

http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/canh-bao-ngo-doc-thuc-pham-ap-tet-3914476-b.html

 

Thông tin bất ngờ: Thời tiết lạnh có lợi cho sức khỏe con người

Trời lạnh khiến cơ thể uể oải, lười vận động, thiếu sức sống. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, các nhà khoa học lại đưa ra những lợi ích bất ngờ của loại thời tiết này đến cơ thể con người.

Giảm viêm nhiễm

Nhiệt độ lạnh sẽ giảm viêm nhiễm do đó, người ta thường chườm đá lạnh ở vùng da bị chấn thương. Ở một số nước, việc sử dụng nhiệt độ lạnh cho mục đích y tế được thực hiện từ khá lâu.

Trong một nghiên cứu năm 2011, những người chạy bộ (thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ lạnh) có khả năng hồi phục cơ bắp, sức mạnh nhanh hơn những người ít vận động. Điều này có nghĩa là, tập thể dục thể thao vào mùa đông giúp giảm viêm nhiễm và đau nhức hơn so với việc tập thể dục trong mùa hè.

Một nghiên cứu tại Phần Lan cũng đã chứng minh điều tương tự khi cho 10 phụ nữ ngâm nước lạnh đang đóng băng 20 giây trong vòng 3 tháng. Kết quả cho thấy, chất dẫn truyền thần kinh ở mức độ norepinephrine (ức chế cảm giác đau) tăng cao.

Ở nước tiên tiến như Nhật bản, liệu pháp “ướp lạnh” này đã được sử dụng để điều trị đau và viêm trong khoảng 30 năm trước. Bệnh nhân thường được ở trong phòng làm lạnh tới -166 độ C để điều trị chấn thương.

Cải thiện đời sống tình dục

Một báo cáo của viện Y tế quốc gia phát hiện ra rằng, nồng độ testosterone ở nam giới tăng trong mùa thu và vọt lên vào tháng Hai dương lịch. Mùa hè ấm lại là lúc nồng độ testosterone thấp nhất, có thể làm giảm thỏa mãn tình dục.

Dễ đốt cháy calo

Khi bạn đến tuổi già, sự trao đổi chất có xu hướng chậm lại làm cân nặng tăng lên. Có hai loại chất béo trong cơ thể người, đó là mỡ trắng và mỡ nâu.

Chất béo nâu sẽ đốt calo để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Càng già thì loại chất béo này sẽ càng giảm. Do vậy, nếu thời tiết lạnh, chất béo này sẽ làm việc mạnh hơn, đốt nhiều calo hơn khiến bạn giảm cân.

Cải thiện chức năng não bộ

Có một số bằng chứng khoa học cho thấy, não bộ hoạt động tốt hơn ở nhiệt độ thấp. Cụ thể, một nghiên cứu năm 1972 chỉ ra rằng, não bộ trẻ em hoạt động mạnh mẽ nhất ở nhiệt độ 17 độ C. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, bạn có khả năng học tập, tiếp thu thông tin tốt hơn khi trời lạnh.

Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy, nhưng nếu chuyển nhiệt độ đột ngột có thể gây ra một số tác hại bất ngờ như huyết áp tăng, virus cúm cũng lây lan nhanh hơn do không khí khô và lạnh. Mùa đông, con người cũng có xu hướng ở trong nhà và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít, làm cơ thể có khả năng thiếu vitamin D.

http://www.nguoiduatin.vn/thong-tin-bat-ngo-thoi-tiet-lanh-co-loi-cho-suc-khoe-con-nguoi-a357767.html

 

Bộ Y tế: Chưa phát hiện chủng vi rút cúm lạ tại Việt Nam

PGS. TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết:Nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N8), cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người. 

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vi rút cúm có 3 typ là A, B, C, trong đó cúm typ A là typ thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng vi rút có độc lực cao, sự lây truyền rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Với 16 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N, vi rút cúm A có thể có nhiều loại phân typ cúm (có thể tới 144 loại) như: H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8…

“Trên thế giới, một số phân typ cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1... Trong một vài năm trở lại đây trên thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng vi rút cúm là rất đáng quan tâm, các gen của vi rút cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng vi rút cúm đe dọa cho sức khỏe con người”- PGS.TS  Trần Đắc Phu nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đặc biệt, từ năm 2013 tại Trung Quốc đã ghi nhận chủng vi rút cúm A(H7N9) làm mắc khoảng 1.600 người, trong đó có hơn 600 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, các trường hợp ghi nhận cúm mùa bắt đầu ghi nhận tăng từ các tháng cuối năm 2017 và đầu 2018, đến nay đã có khoảng 11.965 trường hợp xác định cúm được báo cáo từ bệnh viện.

Chưa phát hiện chủng vi rút cúm mới tại Việt Nam

Cục trưởng Trần Đắc Phu cho hay, nước  ta nằm trong điểm nóng của khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy có nhiều nguy cơ lây lan các chủng vi rút cúm từ các nơi khác trên thế giới vào Việt Nam. Tại Việt Nam, vi rút cúm A(H5N1) bắt đầu ghi nhận vào tháng 12/2003 trên các đàn gia cầm và ở người đã tạo nên các đợt dịch cúm gia cầm và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như gây thiệt hại lớn đến chăn nuôi của người dân.

Mặc dù tại Trung Quốc đã ghi nhận nhiều trường hợp cúm A(H7N9) với 5 đỉnh dịch xảy ra vào các tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán, song nước ta qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vẫn chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H7N9) kể cả trên người và trên gia cầm. Nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N8), cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người.

Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia và đã thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Đến nay hai Trung tâm cúm quốc gia này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng vi rút cúm, kể cả chủng vi rút cúm có độc lực cao.

"Hiện chưa phát hiện thấy chủng vi rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam và cũng chưa phát hiện thấy các chủng vi rút mới (lạ) nào tại Việt Nam"-Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định.

Thêm vào đó, để chủ động giám sát các chủng vi rút cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với USAID, WHO, FAO tổ chức giám sát lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và ở người tại một số tỉnh có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán gia cầm, kết quả giám sát từ năm 2013 đến nay chưa phát hiện chủng vi rút cúm A(H7N9) cả trên gia cầm và ở người.

http://baophapluat.vn/lam-dep/bo-y-te-chua-phat-hien-chung-vi-rut-cum-la-tai-viet-nam-378667.html

 

Khoảng 4% dân số nước ta nhiễm vi rút viêm gan C

Thông tin trên được công bố tại Hội thảo giới thiệu mô hình can thiệp lồng ghép viêm gan vi rút C/HIV diễn ra chiều 1.2 tại TP.HCM.

Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, khoảng 4% dân số Việt Nam có bằng chứng phơi nhiễm với vi rút viêm gan C, nhiều người trong số họ trở thành mạn tính. Người nhiễm vi rút viêm gan C thường không có biểu hiện triệu chứng gì, nhưng khi bị nhiễm lâu ngày có thể tiến triển thành xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết những người có nguy cơ cao nhiễm vi rút viêm gan C ở Việt Nam thuộc nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV như: tiêm chích ma túy và nam quan hệ tình dục đồng giới... Các nghiên cứu cho thấy có từ 43 đến 99% người tiêm chích ma túy và khoảng 29% nam quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam nhiễm vi rút viêm gan C. Người chuyển giới nữ cũng được cho là có nguy cơ cao nhiễm vi rút viêm gan C.

Theo bác sĩ Vân, hiện Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị viêm gan vi rút C từ năm 2016, thuốc điều trị viêm gan vi rút C có hiệu quả rất cao. Tuy nhiên những người có nguy cơ nhiễm HIV, người sống chung với HIV có nguy cơ cao nhiễm viêm gan vi rút C nhưng hầu hết họ không biết mình mắc bệnh.

Do đó bác sĩ Thu Vân cho rằng mô hình xét nghiệm viêm gan vi rút C thông qua dịch vụ lồng ghép với HIV tại cộng đồng đang triển khai ở TP.HCM sẽ làm tăng tỷ lệ người nhiễm vi rút viêm gan C biết được tình trạng bệnh của mình, và tiếp cận điều trị bệnh khi cần.

Mô hình này sẽ giúp mọi người trong cộng đồng có thể tiếp cận xét nghiệm viêm gan vi rút C nhanh chóng, dễ dàng thông qua các phòng khám tư nhân do cộng đồng điều hành, bằng cách sử dụng sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán nhanh với một chút máu đầu ngón tay. Quy trình xét nghiệm rất đơn giản, an toàn và không đau.

 http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/khoang-4-dan-so-nuoc-ta-nhiem-vi-rut-viem-gan-c-81427.html

 

Ăn nhiều hơn 5 gram muối/ngày, cẩn thận nguy cơ mất trí nhớ

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học Mỹ chỉ ra, có một chế độ ăn quá mặn sẽ tổn hại tới trí nhớ của con người.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Weill Cornell. Họ sử dụng những con chuột và những tế bào cơ thể người nhằm mang lại hiệu quả nhất.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, khi sử dụng chế độ ăn nhiều muối, não bộ của những con chuột thiếu hụt một lượng ô xy đáng kể - thành phần quan trọng trong quá trình hình thành nên kí ức của bộ não.

Không chỉ làm giảm sút trí nhớ, việc thiếu ô xy lên não bộ còn ảnh hưởng tới hành vi của con người, gây rối loạn thần kinh và xuất hiện một số triệu chứng của bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, đa số người dân Mỹ sử dụng lượng muối gấp nhiều lần so với mức 5 gram tiêu chuẩn theo khuyến cáo.

Tuy vậy, theo các nhà khoa học, những ảnh hưởng này có thể bị triệt tiêu bằng cách sử dụng lại chế độ ăn uống bình thường sử dụng một lượng muối vừa phải, thay đổi lối sống.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đưa ra cảnh báo, sử dụng quá nhiều muối gây hại tới các bộ phận khác trong cơ thể và có nguy cơ tử vong.

Có đến 400.000 người chết do bệnh tim liên quan đến chế độ ăn kiêng giàu hàm lượng natri (thành phần chính trong muối ăn) năm 2015.

Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ Ladecola – người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết “Sự cân bằng của chất lỏng và natri trong cơ thể là rất quan trọng, điều này làm cho các hệ thống hoạt động hoàn hảo.

Khi dung nạp quá nhiều natri, cơ thể chúng ta phải giữ lại lượng chất lỏng dư thừa cân bằng muối. Điều này khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến huyết áp cao hơn.

Huyết áp cao cũng là nguyên nhân là tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ và các bệnh khác có liên quan đến tim mạch, đồng thời cản trở sự lưu thông máu vận chuyển ô xy đến các cơ quan khác nhau, bao gồm cả não, từ đó gây suy giảm nhận thức, mất kiểm soát hành vi”.

Theo các chuyên gia, để hạn chế các bệnh tim mạch, giảm sút trí nhớ mà nguyên nhân chính do dư thừa lượng natri dung nạp, người dân nên có ý thức sử dụng lượng muối vừa đủ đã được khuyến cáo.

https://vtc.vn/an-nhieu-hon-5-gram-muoi-ngay-can-than-nguy-co-mat-tri-nho-d379194.html

 

 

[In trang này ] [ Đóng ]