Tính dục và tình dục đồng giới
Ngày cập nhật 25/09/2018

Tính dục là một khái niệm có nội hàm rộng lớn bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của con người như tình dục, các đặc trưng tâm lý, thái độ và hành vi ứng xử. Nói một cách khác, tính dục bao gồm cả khái niệm tình dục và nhân cách. Do vậy, các yếu tố cấu thành nên tính dục cũng là những yếu tố cấu thành nên nhân cách của một con người.

 

Tính dục người được cấu thành từ bốn yếu tố: 

- Giới sinh học (nhiễm sắc thể giới tính X và Y, ngoại hình, nội tiết tố)

- Bản sắc giới (sự tự ý thức về bản thân mình thuộc giới nào)

- Vai trò xã hội của giới (các hành vi, thái độ cư xử, thái độ ứng xử theo kiểu của nam hay của nữ) 

- Xu hướng tình dục (sở thích hay ham muốn quan hệ tình dục với một giới nào đó).

Theo định nghĩa của Ủy ban Giáo dục Tình dục Hoa Kỳ (1990): tính dục là tổng thể các khía cạnh đặc trưng của nhân cách một con người và luôn luôn thay đổi trong suốt cuộc đời. Tính dục phản ánh tính cách con người chứ không phải chỉ là sự phản ánh bản chất sinh dục đơn thuần. Vì là tổng thể các khía cạnh đặc trưng của nhân cách nên tính dục liên quan tới yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tinh thần và văn hóa của đời sống. Những yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và mối quan hệ giữa người với người và do đó tác động trở lại xã hội.

Ở người tình dục đồng giới có một yếu tố khác với những người tình dục khác giới là xu hướng tình dục, còn các yếu tố khác như bản sắc giới, giới sinh học và vai trò xã hội của giới thì hoàn toàn giống nhau.

Xu hướng tình dục là sự hấp dẫn bền vững về mặt tình cảm và tình dục với một người thuộc giới nào đó:

Có bốn xu hướng tình dục (XHTD): 

- Xu hướng tình dục khác giới (heterosexuality): Có ham muốn và sinh hoạt tình dục với người khác giới như bình thường.

- Xu hướng tình dục đồng giới (homosexuality): Chỉ ham muốn và quan hệ tình dục với người cùng giới. 

- Xu hướng tình dục lưỡng giới (bisexuality): Có ham muốn và thích quan hệ tình dục với cả hai giới.

- Không có xu hướng tình dục với bất cứ giới nào (asexuality): Không ham muốn quan hệ tình dục với bất cứ giới nào.

Quan điểm hiện nay cho rằng XHTD hình thành ở một cá thể ngay từ rất sớm do tác động qua lại của rất nhiều yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội (Nguyễn Quang, 2013).

Tình dục đồng giới (homosexuality) là tình dục giữa hai người cùng giới nam với nam hoặc nữ với nữ nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh lý và tình cảm của mỗi người.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng tình dục đồng giới không phải là bệnh lý, nó là ý thích của một bộ phận người trong cộng đồng xã hội và cũng cần được tôn trọng. Quan hệ tình dục đồng giới nếu không được bảo vệ sẽ dễ bị lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục nhất là HIV/AIDS. Theo UNAIDS ước tính số nam giới có QHTD với nam giới chiếm khoảng 2% - 5% tổng số nam giới trên toàn Thế giới (Caceres và cộng sự, 2006).

Tình dục đồng giới nam diễn ra ở mọi nền văn hóa. Các tác phẩm từ thời cổ xưa bằng tiếng Phạn đã mô tả mối quan hệ đồng giới, các tác phẩm cổ đại bằng tiếng Trung Hoa và Triều Tiên cũng mô tả những mối quan hệ này. Ở Đông Á các nghiên cứu đã ước tính rằng 3% - 5% đã từng có QHTD với nam giới trong cuộc đời. Tỷ lệ này ở vùng Nam và Đông Nam Châu Á là 6% - 18% (UNAIDS, 7/2007).

Ở Việt Nam, tình dục đồng giới nam không phải là mới, nhưng hành vi này bị giấu kín và ít được đề cập đến vì tính nhạy cảm của chủ đề đối với chuẩn mực và giá trị xã hội. Thuật ngữ “gay” có nghĩa với nhiều người Việt, mặc dù khái niệm về “gay” có thể hiểu khác với người phương Tây. Một số người ở Việt Nam tin rằng những người đồng tính nam đều là “đồng cô”; từ “đồng cô” đầu tiên được dùng để chỉ những người nam mặc quần áo của phụ nữ để lên đồng (nói chuyện với những người của thế giới bên kia), sau mở rộng ra dùng để chỉ những người chuyển đổi giới tính. 

Có một số thuật ngữ hay được sử dụng để chỉ tình dục đồng giới nam hoặc người đồng tính nam như: đồng tính luyến ái, đồng cô, pê đê, lại cái, tám vía, bóng...  Ngoài ra có các từ lóng hiện đại thường được dùng trong ngôn ngữ đường phố như ái, đa hệ, hi-fi, nửa váy nửa quần, xăng pha nhớt, công công...../.

 

Bài và ảnh: Đoàn Chí Hiền - Trung tâm KSBT tỉnh
[In trang này ] [ Đóng ]