Tìm kiếm tin tức
Chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone
Lượt đọc 4664Ngày cập nhật 26/08/2022

Methadone là loại thuốc giảm đau được sử dụng đầu tiên ở Đức vào năm 1941. Sau nhiều nghiên cứu Người Mỹ đã sử dụng nó để điều trị thay thế cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện kể từ năm 1964 cho đến nay. Methadone được sử dụng hoàn toàn qua đường uống, làm giảm thèm muốn và khóa tác động của các chất gây nghiện từ từ nên được coi là giải pháp an toàn cho sức khỏe của người nghiện, giúp điều trị hiệu quả, cũng như làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Ở Việt Nam, năm 1996 Viện Sức khoẻ Tâm thần bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội bắt đầu dùng Methadone điều trị thử nghiệm cho những người nghiện heroin tại Việt Nam. Đến năm 2007, Chính phủ cho phép triển khai thí điểm điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh, đến nay chương trình đang được mở rộng triển khai tại 61 tỉnh/thành phố trong cả nước.

Ngày 27/11/2014, Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất (trước đây trực thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) thuộc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế (21 Nguyễn Văn Linh – phường An Hòa) bắt đầu triển khai điều trị methadone cho các bệnh nhân nghiện hút, hít, chích heroin. Tính đến 31/7/2022 có 261 bệnh nhân tham gia điều trị methadone (có 07 nữ).  Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm nước tiểu định kỳ hoặc ngẫu nhiên. Khi có kết quả âm tính với 04 loại ma tuý heroin, cần sa, metamphetamine, methyledioxymetamphetamin (thuốc lắc), bệnh nhân sẽ được tư vấn và tiến hành giảm dần liều điều trị methadone.

Sau 8 năm triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phát hiện người nhiễm mới HIV lây nhiễm qua tiêm chích ma túy. Quá trình điều trị không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc do tác dụng không mong muốn của thuốc gây ra; các hành vi sử dụng ma túy trong số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone giảm một cách rõ rệt, người nghiện dùng một lần sẽ duy trì trạng thái ổn định cả ngày, không tăng liều; tỉ lệ dùng chung bơm kim tiêm, lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác đã giảm hẳn. Điều đó chứng tỏ, chương trình điều trị Methadone đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người bệnh, cho gia đình người bệnh và xã hội.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone không chỉ giúp ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội của địa phương, mà còn giúp cho nhiều bệnh nhân nghiện ma túy cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng, ổn định cuộc sống, hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội và giảm gánh nặng chi phí cho việc mua, sử dụng ma tuý bất hợp pháp; nhiều bệnh nhân có việc làm, thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình. Song song với đó, tình hình an ninh trật tự xã hội ở những địa bàn triển khai điều trị Methadone từng bước có sự thay đổi rõ nét, tình trạng vi phạm pháp luật, mâu thuẫn trong gia đình đối với bệnh nhân liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản và tử vong ở người nghiện heroin đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Bệnh nhân điều trị thành công đầu tiên là anh D.A.K sinh năm 1989, khởi liều ngày 26/5/2015 và ngày chấm dứt là ngày 19/10/2018, hoàn thành quá trình điều trị trong vòng 41 tháng. Các bệnh nhân khác điều trị methadone thành công từ 48-50 tháng, bệnh nhân điều trị thành công lâu nhất là 57 tháng. Tính đến nay, đã có 21 bệnh nhân điều trị Methadone thành công, bệnh nhân không còn thèm nhớ heroin, lập gia đình và sinh con, có công việc ổn định. Điều đó cho thấy, để điều trị Methadone thành công, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân bệnh nhân, rất cần sự theo dõi, động viên của cán bộ y tế, sự hỗ trợ của gia đình, và của cả cộng đồng.

Có thể khẳng định, sau 8 năm triển khai đến nay, chương trình điều trị Methadone là phương pháp hiệu quả cao nhất, góp phần từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Song để chương trình mang tính bền vững, cần có sự quan tâm, vào cuộc tích cực hơn nữa của các ban ngành, đoàn thể, sự đồng thuận, tham gia ủng hộ của người bệnh, gia đình người bệnh nhằm hướng tới mục tiêu cộng đồng trong sạch, vững mạnh, không có tệ nạn xã hội.

 

Xem tin theo ngày