Phân loại rác thải là gì?
Phân loại rác thải là quy trình chia chất thải thành nhiều phần khác nhau và được thực hiện thủ tục tại nhà hoặc tiến hành các phương pháp thu gom tự động bằng máy. Nhằm giảm thiểu tối đa lượng rác xả ra môi trường, người dân nên tự ý thức phân loại rác tại nguồn.
Mục đích của phân loại rác tại nguồn:
Giảm tối đa khối lượng rác thải cần xử lý, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Mang lại lượng lớn sản phẩm tái chế, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân bằng cách bán phế liệu, tận dụng làm phân bón vi sinh.
Phân loại rác tại nguồn còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tận dụng triệt để nguồn tài nguyên hợp lý, xây dựng không gian sống trong lành, sạch sẽ.
Giảm tối đa lượng công việc cho công nhân thu gom rác thải.
Tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác một cách hiệu quả nhất.
Phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt
Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt (viết tắt là CTRSH) thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý, thành 02 nhóm như sau:
- Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.
- Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Cụ thể phân thành 04 nhóm:
- Nhóm Chất thải tái chế (phế liệu): Tạp chí, báo, giấy, sách vở các loại; Vỏ hộp sữa, hộp giấy carton, thùng carton, hộp đựng trứng, khay đựng trứng; Đồ nhựa các loại (lon nước ngọt, xô, chậu, túi…); Đồ nhôm (lon bia, nồi, ấm…); Đồ thủy tinh (chai, lọ…); đồ kim loại (sắt, thép…); Nhóm cao su (vỏ xe, dép, săm, lốp…)… Phế liệu trong sinh hoạt, người dân, chủ nguồn thải có thể bán, cho các cá nhân, tổ chức thu gom có chức năng hoặc lực lượng thu gom tại nguồn.
- Nhóm Chất thải hữu cơ dễ phân hủy: Thức ăn thừa và các loại thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả hư hỏng; cỏ, lá cây, hoa các loại; bã trà, bã cà phê; các loại vỏ, hạt trái cây; xác động vật; phân gia cầm, gia súc nuôi; bã mía, xác mía…Được lực lượng thu gom thực hiện thu gom tại nguồn vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 5, thứ 7 và Chủ nhật.
- Nhóm Chất thải còn lại: Vỏ bao bì bánh, kẹo, giấy bạc; hạt hút ẩm; Đồ sành, sứ, gốm vỡ; túi nylon, giấy ăn đã sử dụng; vải, sợi cũ rách, khăn cũ; đầu lọc thuốc lá; tóc, lông động vật, đất, cát; dao, lưỡi lam, kéo; vỏ sò, vỏ hến, vỏ trứng; trấu thải, tro, than; tả em bé, băng vệ sinh…Được lực lượng thu gom thực hiện thu gom tại nguồn vào các ngày thứ 3 và thứ 6.
- Đối với Nhóm chất thải sinh hoạt nguy hại: pin đã qua sử dụng, bóng đèn hư cũ, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại, chất thải điện tử…Hộ gia đình đem đến điểm tiếp nhận hoặc điểm thu hồi chất thải nguy hại được Ủy ban nhân dân Huyện bố trí tại các văn phòng ấp, khu phố.
CTRSH tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật.
Bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) CTRSH sau phân loại phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu giữ.
b) Bao bì (túi) phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ (thùng) phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.
Mỗi người dân hãy phân loại rác tại nguồn ngay từ hôm nay để thành phố Huế thêm xanh, sạch, sáng.