Tìm kiếm tin tức
Không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Lượt đọc 220Ngày cập nhật 14/04/2024

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, hộ gia đình, cán nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với một số hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư: phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định tại Điều 75 về Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH):

Phân loại theo nguyên tắc chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn phát sinh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí xử lý chất thải. Bên cạnh đó, phân loại rác có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý rác thải và bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ phát tán các mầm bệnh, các yếu tố độc hại gây nguy hiểm hiểm đến sức khỏe con người.

 

 

 

Ths Nguyễn Văn Cương - Khoa TTGDSK
Các tin khác
Xem tin theo ngày